Một năm không ồn ào, nhưng lại làm được rất nhiều việc: ra sách ảnh “Mặt” với trên 30 chân dung văn nghệ sĩ chụp từ 1996 đến 2005; phát hành đĩa “Yêu trong ánh sáng” cho Đức Tuấn; hoàn tất phần nhạc nền cho 30 tập phim “Tuyết nhiệt đới”; phát hành đĩa “Thủy Tiên 2”; làm mini show cho Thái Hiền tại Nhà hát Tp.HCM; phát hành đĩa “V”… Đó là Lý do Quốc Bảo xuất hiện trên chuyên mục Chat của Đẹp.
Tuy nhiên, mở đầu cuộc phỏng vấn, tôi “chào” Quốc Bảo bằng một câu hỏi thẳng thắn: “Anh là nhân vật được báo chí cưng chiều. Vậy anh có đồng ý với một bài phỏng vấn sẽ không có sự vuốt ve không?”.
Quốc Bảo đồng ý cùng một yêu cầu cũng thẳng thắn không kém: “Với những gì không trả lời được hay không thích trả lời, tôi sẽ nói tôi không trả lời. Sau đó, khi đã làm xong bản thảo, bạn vui lòng cho tôi đọc qua!”.
Chưa hết, Quốc Bảo còn “thêm” một câu hết sức… khôn ngoan: “Người ta có nhiều cách bộc lộ sự thật, có những cách hồn nhiên, có những cách ngây ngô, có những cách khôn ngoan, có những cách trầm tĩnh, có những cách bốc đồng. Tuổi tác, vị trí của tôi trong xã hội, và những điều khác quy định tôi phải nói sự thật bằng kiểu như thế”.
Và dưới đây là sự “không vuốt ve” và cách “bộc lộ sự thật” của Quốc Bảo.
I- Quốc Bảo trong công việc: Lý trí và sòng phẳng
“Chính tôi cũng thấy chán khi gặp ai cũng khen xinh, khen ngoan”.
“Xinh – trầm – ngoan” là ngôn ngữ âm nhạc người ta dễ dàng nhận diện ra Quốc Bảo, lẽ dĩ nhiên cũng có nhiều người yêu thích cái gọi là “xinh – trầm – ngoan” đó. Nhưng tại sao bắt đầu từ 2003, sau CD “Bình yên”, anh lại không tiếp tục những ca khúc đó nữa?
Lý do đơn giản thôi. Tôi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt từ bài hát đầu tay năm 1989 đến năm 2003 đã quá lâu. Tôi có một hệ thống ca từ của giai đoạn đó, miêu tả những thiếu nữ có vẻ đài các, kiêu sa, tâm hồn mong manh dễ vỡ bằng một số tính từ kiểu “xinh – trầm – ngoan”.
Nhưng đến năm 2003, tôi nghĩ mình không thể nào đi tả hết cô này cô kia với giọng điệu giống nhau y hệt như thế. Chính tôi cũng thấy chán khi gặp ai cũng khen xinh, khen ngoan.
Hơn nữa, sau khi phát hành “Bình yên” thì vợ chồng tôi… lục đục, và dẫn đến cuộc ly hôn vào năm sau.
Tôi không còn muốn viết bất cứ thứ gì về tình yêu nữa. Bởi nếu viết về tình yêu, có vẻ như tôi tự lừa mình: mình vui quá, mình yêu đời quá, cô nào cũng xinh cả… trong khi lúc gia đình tan nát, tôi nhìn thấy cô nào cũng… kinh, chả cô nào “xinh – trầm – ngoan” được.
Và tôi thay đổi một cách có ý thức, chứ không phải tình cờ viết khác đi.
Khép lại “xinh – trầm – ngoan”, anh bước sang giai đoạn mới bằng ngôn ngữ âm nhạc nào?
Thay vì ngày xưa tôi kể về những thiếu nữ, về tình yêu của họ, về nỗi bất hạnh, về hạnh phúc họ được hưởng trong tình yêu, thì bây giờ tôi vẫn tiếp tục kể những câu chuyện, nhưng là những câu chuyện khác, của bạn, của tôi, của những người đàn bà khác.
Đó là những câu chuyện nội tâm. Tôi muốn tìm cái góc khuất của tâm hồn và miêu tả nó, làm cho bất cứ vị thính giả nào, nếu hiểu tiếng Việt, một lúc nào đó có thể cảm thấy đây là thứ ông Quốc Bảo nói hộ mình.
Góc khuất của tâm hồn có được nhìn dưới lăng kính đẹp của “xinh – trầm – ngoan” nữa không, hay nó bao gồm nhiều màu sắc, đúng như con người thực, trong đó có cả mặt tối và mặt sáng?
Bạn nhận định như thế là hoàn toàn đúng. Tôi không phá hủy những cái “xinh – trầm – ngoan” bằng những thứ ngược với nó, mà chỉ tìm ra tính từ khác.
Ở những góc khuất đó, nó có thể là niềm tuyệt vọng, là sự đau khổ, nhưng cũng có thể là hạnh phúc, và tôi mô tả nó đúng như nó diễn ra.
Về sau này tôi dùng những tính từ khác như “con sông độc” – con sông mà nước độc, tôi nói nhiều về cái chết, về sự cay đắng, và tôi nói đúng như những điều cảm nhận từ chính mình hoặc cuộc sống của những người xung quanh mình.
Giữa hỗn độn những ngôn từ giật gân, thiếu trong sáng (của nhạc thị trường), giờ lại cộng thêm những “độc, chết, sự cay đắng” thì có thể coi đó là một hướng đi tích cực không?
Nếu đọc hệ thống ca từ của tôi trong đĩa “V”, bạn vẫn thấy những từ đẹp – “Làm sao chiếc hôn lần cuối thật mềm với em”.
Nhưng nó không phải cái đẹp phù phiếm của tuổi mười sáu mười bảy, mà là cái đẹp đã chín, thậm chí là cái đẹp của sự chia lìa, của cái chết chứ không phải của sự gặp gỡ.
Hiếm có ai từ bỏ một người, trong buổi nói chuyện cuối cùng mà vẫn hôn được nhau. Không dễ đâu, chỉ có hất rác vào mặt nhau thôi.
Cái đẹp của tình yêu tan vỡ, niềm tuyệt vọng bản thân không dễ thấy, dễ cảm. Vào đoạn cuối của điều gì, nhất là hạnh phúc, thí dụ chỉ còn năm phút nữa sẽ mất cái hạnh phúc đó thì người ta điên cuồng lắm.
Anh có nghĩ bước sang giai đoạn mới sẽ đánh mất một số lượng khán giả, vốn thích “xinh – trầm – ngoan”?
Điều này tôi đã nghĩ từ lâu, nhưng nó không xảy ra. Tôi có tham gia sinh hoạt blog, từ đó có mối giao lưu trực tiếp với những người yêu thích nhạc của mình qua email, blog, và tôi thấy họ rất chung thủy.
Họ yêu bài hát, yêu công việc của tôi và tôn trọng nó, nên họ biết Quốc Bảo thay đổi, viết khác đi, nhưng đó vẫn là tinh thần Quốc Bảo, và họ vẫn cứ yêu.
Sòng phẳng được là tốt
Scandal đạo nhạc có là tác nhân dẫn đến sự thay đổi của anh trong âm nhạc?
Không. Nó diễn ra trước, từ khi tôi ký đơn ly hôn với vợ, cuối năm 2003, tức là chỉ ba tháng sau khi ra đĩa “Bình yên”, tôi đã nghĩ đến album thứ 4, nhưng chưa biết mình viết cái gì, chỉ biết mình sẽ không viết như thế nữa, và tôi chuyển từ từ với rất nhiều bài nháp.
Còn chuyện tình cờ nó trùng vào giai đoạn báo chí “đánh” tôi là hoàn toàn ngẫu nhiên, chứ không phải tôi bị rơi vào hố thẳm đó đâm sợ, phải làm khác đi.
“Vụ” đạo nhạc năm đó, Bảo Chấn và anh “nổi” nhất. Bảo Chấn chọn cách im lặng, còn anh thì không. Tại sao?
Tôi chọn thái độ im lặng ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối.
Còn khúc giữa là lúc tôi cần phải đấu tranh, không phải đấu tranh để chống lại quan điểm của vài nhà báo, của Hội âm nhạc đối với tôi, mà tôi đấu tranh vì một sự đúng đắn cần thiết trong nghệ thuật!
Nhưng đến lúc cảm thấy cuộc đấu giữa hai bên biến thành cuộc lấy đá vứt vào nhà nhau thì tôi lại im lặng.
Bảo Chấn từng tâm sự, lúc khốn khó, anh ấy tìm được chốn bình yên là gia đình, còn anh phải cộng thêm sự tan vỡ từ phía gia đình. Vậy động lực đâu để anh “vượt cạn”?
Lúc đó tôi được mời cộng tác cho phòng thu của một người Đan Mạch.
Sống trong môi trường âm nhạc không nói tiếng Việt, không ai đọc báo Việt Nam, không ai biết thằng cha Quốc Bảo đang bị báo “đánh” tơi tả, thì tôi hoàn toàn có một chỗ trú ẩn yên bình, và vẫn có thể làm việc rất hiệu quả.
Chính nhờ cái nôi đó mà tôi mới có “Những chuyện kể” phát hành vào tháng 9 năm đó.
Một lý do nữa là, với một người tham vọng như anh thì không dễ gì từ bỏ con đường mình đã lựa chọn?
Tôi được cộng thêm một đức tính bạn phong rồi.
Nhưng những gì anh làm cho thấy anh là người lý trí và tỉnh táo?
Tôi chỉ duy cảm với tình yêu, còn tôi duy lý với tất cả mặt khác của đời sống.
Sự duy lý hỗ trợ anh những gì?
Ngoài chuyện làm cho mình tỉnh táo, duy lý giúp mình nhiều điều khác, đó là tinh thần kỷ luật, sự bình thản đối diện với mọi việc, thói quen cân nhắc kỹ lưỡng khi làm điều gì đó, giúp mình rút ra được những kinh nghiệm khi vấp ngã.
Duy lý chỉ không tốt trong tình yêu thôi. Trong tình yêu mà duy lý thì đáng sợ lắm.
Sự duy lý còn làm người ta trở nên sòng phẳng quá?
Sòng phẳng là không tốt ư?!
Nó có thể tốt cho mình mà không tốt cho người khác, và đó gọi là sự ích kỷ?
Không. Với tôi, nếu đã gọi là sòng phẳng nghĩa là rất bình đẳng. Rất fair.
Nhưng anh đang sống ở Việt Nam?
Người Việt Nam mình nói cái gì cũng có lý có tình. Nhưng tôi nghĩ hãy đúng lý cái đã, rồi tình to hay nhỏ tính sau.
Nếu tôi và bạn đã có thể sòng phẳng với nhau được, thì cả hai đều biết mối quan hệ này có lợi hay không, nó lợi mặt nào cho mình, lợi mặt nào cho người kia.
Họ nói “Tôi yêu tất cả những điều anh làm, trừ các bài báo”
Văn chương hướng người ta đến sự nhân văn. Anh là người đọc nhiều, vậy mức độ độ lượng của anh đến đâu?
Tôi nhìn được từ sự đọc nhiều ích lợi. Thứ nhất, nó giúp mình mau chóng cân bằng, nếu mình bị va vấp.
Thứ hai, nó khiến mình không còn ngạc nhiên về những điều không… cần đến ngạc nhiên, giúp mình biết trước nó, bình thản đón nhận nó.
Thứ ba, mình trở nên từ bi, độ lượng hơn. Trong tâm tôi không có chỗ nào dành cho oán hận. Còn nói độ lượng đến mức độ nào thì để tôi… cân nó đã!
Vậy sự độ lượng nằm ở đâu trong những bài báo anh “chê” đồng nghiệp, nhất là với một nhạc sĩ cầm bút, người ta hoàn toàn có quyền nhận định đó là sự áp đặt chính kiến chủ quan?
Tất cả những phê bình đều chủ quan, vấn đề là tôi đưa ra được những luận cứ xác đáng.
Còn khi viết một bài báo, tôi không đứng ở góc độ một nhạc sĩ viết về đồng nghiệp, mà ở góc độ một nhà phê bình âm nhạc, và viết trong hoàn cảnh chúng ta chưa có nhiều nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp.
Tôi không dám nhận mình là một trong những người như thế. Tôi chỉ dùng báo chí như một phương tiện chỉ ra những hạt nhân mới, nếu cần, và để góp ý, sửa sai một điều gì đó chệch choạc trong khả năng tôi có thể làm được, bằng những vốn liếng, kiến thức tôi có.
Còn khi chấp nhận làm điều gì đó mà mình biết là đúng, là điều cần làm thì tôi chấp nhận hết. Nếu có kẻ cố tình không hiểu thì cũng có những người rất hiểu, đó là các ông biên tập.
Thái độ của anh với những người không hiểu anh?
Một số người hâm mộ ca khúc của tôi email nói: “Tôi yêu tất cả những điều anh làm, trừ các bài báo”.
Tôi trả lời: “Dù bạn yêu một phần nào đó trong công việc của tôi là bạn đã đáng yêu lắm rồi, và tôi cảm ơn bạn!”
Người đọc nhiều thường dè dặt hơn trong cách nhận định, vì họ có cái nhìn đa chiều. Nhưng anh lại hành xử ngược lại?
Trước một dược phẩm mới, bạn có thể nói cái này độc hại là độc hại, cái này chữa được bệnh là chữa được bệnh, chứ không có chuyện sai.
Nhưng nói về vấn đề liên quan đến nghệ thuật, không chỉ âm nhạc, có những biên độ giao động rất lớn.
Vì thế, sự linh hoạt trong một bài báo hoặc nhiều bài báo là điều hết sức bình thường và cần phải có.
Tôi có thể khen Đàm Vĩnh Hưng đúng vào ngày đó, tháng đó, năm đó, hát bài đó, tại sân khấu đó. Nhưng một tuần sau tôi có thể chê toàn bộ CD của Đàm Vĩnh Hưng.
Còn các bài báo anh khen những ca sĩ đang cộng tác với anh – theo tinh thần “con hát mẹ khen hay” – thì nên hiểu như thế nào về mức độ khách quan – chủ quan của nó?
Tôi có dùng những bài báo, nếu có điều kiện, để giới thiệu những gương mặt mới.
Rất may mắn khi tôi chỉ nhận những học trò giỏi, và vì thế, tôi phải giới thiệu họ. Tôi không thể để họ chìm khuất.
Tôi cũng từng giới thiệu những hạt nhân mới không thuộc quyền của mình. Thực tế, tôi viết những bài báo đầu tiên từ năm 1992, khi đó tôi không làm nhạc.
Tôi từng giới thiệu Phương Thanh khi cô ta chưa là gì cả, khi đó tôi làm báo Tuổi Trẻ, đến phòng thu nghe Phương Thanh hát và tôi đề nghị trưởng ban văn hóa văn nghệ cho tôi viết ngay.
Tôi đã từng giới thiệu Mỹ Linh khi Mỹ Linh chưa được ai nhận ra ngoài phố Sài Gòn… Những điều đó tôi làm hoàn toàn bất vụ lợi.
Tôi giới thiệu Mỹ Tâm trong giai đoạn 2001, vì đó là hạt nhân rất đáng quý, chứ không phải học trò của tôi. Thủy Tiên, Từ Hiền Trang cũng rất xứng đáng để giới thiệu.
II- Góc khuất của Quốc Bảo: Bị vợ bỏ & thích nhất… làm móng
Sửa sang móng tay móng chân là cách tôi relax.
Có phải anh thuộc tuýp người rất nỗ lực trong việc tạo dựng hình ảnh?
Không. Tôi là người thuộc về cánh gà, hậu trường, nơi có ít người qua lại.
Vậy nên hiểu thế nào về chuyện… anh thường xuyên đi sửa sang móng tay móng chân?
Đó là cách tôi relax. Là cách tận hưởng một đời sống hiện đại.
Tại sao anh không thay làm móng bằng một môn thể thao nào đó?
Có. Tôi có chơi thể thao. Còn lý giải tại sao tôi đi làm móng cũng đơn giản lắm.
Nếu không có một tình bạn khá thân thiết với anh Trần Mạnh Thìn, có lẽ tôi không thường xuyên bước ra tiệm Thìn. Tôi xem đó như nhà của mình.
Nhưng làm móng nghĩa là anh có quan tâm đến việc làm đẹp?
Tôi không trau chuốt, nhưng tôi quan tâm đến phong cách. Phong cách sống bộc lộ ở nhiều điểm, trong đó có cả “chữ ký” của tôi.
Tôi tỏa chữ ký vào rất nhiều thứ, đó là ca khúc, nhiếp ảnh, báo chí và phong cách sống hằng ngày.
Tôi nói với vợ cũ: từ tôi ghét nhất là “ly hôn”
Đầu cuộc phỏng vấn anh nói: “Vào đoạn cuối của điều gì, nhất là hạnh phúc, và chỉ còn 5 phút nữa sẽ mất cái hạnh phúc đó thì người ta điên cuồng lắm”. Vậy xin hỏi, lúc chia tay với vợ anh có… “điên” không”?
Tôi chưa bao giờ điên cuồng, mà im lặng thì nhiều hơn, và tôi không muốn nhắc đến điều đó nữa.
Nhưng khi chia tay, sự im lặng của đàn ông đôi khi là sự vô trách nhiệm đối với phụ nữ?
Nói chung, phụ nữ có đầy đủ quyền năng để phán xét như thế, và họ cũng đầy đủ quyền năng để rũ bỏ tất cả trách nhiệm, nếu xảy ra chia tay.
Trong cuộc chia tay giữa tôi với vợ cũ, tôi chịu lỗi hết. Tôi nói cô ấy hoàn toàn đúng còn tôi thì sai. Nhưng sự thật là như thế nào thì chính người đó phải nhận thấy!
Scandal đạo nhạc của anh xảy ra trước cuộc ly hôn. Vậy nó có liên quan đến cuộc sự chia tay đó?
Chuyện gia đình tan vỡ và khó khăn ngoài xã hội tình cờ trùng vào một thời điểm, chứ tôi không nghĩ cô vợ cũ thấy tôi như thế mà bỏ tôi.
Nhưng nó hơi đau lòng ở chỗ, giả sử người ta có thể dẫn đến một cuộc ly hôn, hai bên ký sẵn, nhưng bỗng nhiên một trong hai người gặp tai nạn, nếu người kia đủ bản lĩnh, đủ tình thương, đủ sự đồng cảm, sự chia sẻ, thì sẽ hoãn cái chuyện đó lại. Tiếc là cô ấy của tôi không làm được chuyện đó!
Anh đang trách vợ cũ?
Từ cuộc ly hôn đó đến giờ đã ba năm, mọi sự nguôi ngoai rồi, tôi chẳng còn trách cô ấy nữa.
Nhưng khi nhìn lại giai đoạn đó, tôi thấy phải chi mình có một chỗ dựa, dù chỉ là chỗ dựa tạm thời…
Sao anh không đặt câu hỏi ngược: Tại sao lúc hoạn nạn người gần mình nhất không ở với mình, để từ đó nhìn lại bản thân mình?
Tôi quan niệm gia đình, vợ con, nhà cửa, sự nghiệp là những điều người đàn ông phải tạo dựng cho được. Khi đã tạo dựng được thì không bao giờ tôi phá nó đi.
Cái người chủ động muốn đập nó ra là vợ tôi. Khi cả hai còn là vợ chồng, có mâu thuẫn nào đó, tôi nói với cô ấy từ tôi ghét nhất là “ly hôn”, không có việc gì phải dẫn đến điều đó hết.
Chúng ta cùng tạo căn nhà, cùng tạo đứa con, cùng tạo ra tài sản và những mối quan hệ xã hội, tại sao lại phá nó đi?
Nhưng đến lần thứ ba mà cô ấy vẫn có ý định đó thì tôi gật đầu.
Sẽ ít bất ngờ nếu người đàn ông phá vỡ một gia đình. Nhưng nếu điều đó diễn ra ở người phụ nữ thì sẽ có câu hỏi lớn: Vì sao?
Chuyện này tôi không đủ sức lý giải. Nhưng tôi có thể cảm được. Vì dù sao tôi và cô vợ cũ đã có 8 năm yêu nhau, và sống với nhau 5 năm.
13 năm đối với một con người khiến tôi có thể hiểu được từ chân tơ kẽ tóc, và tôi hiểu tại sao cô ấy lại quyết định phá vỡ gia đình.
Tất cả xuất phát từ tâm lý tôi muốn bình đẳng với anh, anh nghĩ là anh lắm tài thì tôi cũng có rất nhiều khả năng.
Cô ấy nghĩ là mình mạnh mẽ, và nuôi sự mạnh mẽ bằng những ảo vọng, rằng nếu tôi là một phụ nữ độc lập, tôi vẫn thu hút đàn ông, tôi vẫn có những cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, tôi vẫn có khả năng kiếm được tiền, thậm chí gấp đôi gấp ba anh, tôi chả việc gì phải sống với anh.
Những lời đề tặng trong ca khúc, những mối quan hệ trong công việc của anh cũng là lý do dẫn đến sự chia tay?
Những dòng đề tặng cô A, cô B là những quà tặng hết sức nhỏ so với sự quý mến và sẻ chia mà họ dành cho tôi.
Tôi và người đó có những kỷ niệm nào đó với bài hát thì mới có thể hiểu, có thể trân trọng hoặc không trân trọng nó.
Tại sao phải đem chuyện đó ra làm dấu hỏi để phá vỡ một cuộc hôn nhân? Tôi đã nói rồi, lý do vĩ đại hơn nhiều!
Cuộc chia tay nào cũng có lỗi lầm. Nếu là người đàn ông cao thượng sẽ không đổ lỗi cho riêng phụ nữ?
Tôi đã nói từ đầu là lỗi của tôi. Tôi bị vợ bỏ!
Cô ấy tin tôi
Sau cuộc ly hôn đó anh thoải mái “tung hoành” với những người đàn bà đẹp khác mà không bị ràng buộc bởi pháp lý?
(Cười) Tôi không mê đàn bà đến mức đó, tôi mê công việc hơn.
Sau “cuộc chia tay trong âm nhạc” với Thủy Tiên, anh trở lại với Ngô Thanh Vân. Nên hiểu sự trở lại này như thế nào?
Cách đây vài tháng, Vân tặng tôi bức tượng Phật, Vân nói: em biết anh thích món quà đó, có lẽ từ giờ đến cuối cuộc đời em vẫn đi song song với anh.
Đó là cách bộc bạch của Vân, còn tôi và Vân như tình cảm của người anh đối với người em gái, không ràng buộc nhau điều gì hết.
Ở những điểm mốc lớn của cuộc đời, Vân đều hỏi ý kiến tôi. Song, đó không phải tình yêu. Chuyện tôi làm việc với Vân, không có hình bóng ái tình ở trong đó.
Tôi làm vì cảm thấy đó là một dự án thú vị, mình có thể làm được, làm hay, và nhất là cho Vân – một con người thú vị.
Theo anh, Ngô Thanh Vân thú vị ở điểm nào?
Đó là một phụ nữ tỉnh táo, làm việc có khoa học, kỷ luật và vẫn có sự nhạy cảm cần thiết, chứ không phải khô như ngói.
Với dự án mới này, anh tiếp tục trải ra cho Ngô Thanh Vân con đường nhung lụa?
Đĩa tôi làm cho Vân sẽ rất giản dị. Tên gọi vui là “Sự trở lại của B và V”, còn tên album Vân đặt là “Studio 68”. 68 là số may mắn của Vân.
Ngô Thanh Vân đẹp, anh tìm thấy sự thú vị ở cô ấy và giúp đỡ cũng rất nhiệt tình. Tại sao lại không có tình yêu?
Đúng. Vân đẹp, hấp dẫn, nhưng tôi đưa ra tình huống giả định tôi và Vân yêu nhau, thì kết quả phải là một cuộc hôn nhân.
Nhưng Vân là người không muốn ràng buộc hôn nhân, còn tôi là người rất cần hôn nhân. Ngay chuyện đó đã chênh nhau rồi.
Anh có thể phác thảo đôi nét về bức chân dung người phụ nữ hiện tại của mình?
Cô ấy là một người đầy lòng tin, cô ấy xem lòng tin như một thứ của cải vô giá. Cô ấy tin vào tình yêu, tin vào sự bền vững của mối quan hệ tình cảm, và cô ấy tin tôi!