Tôi thuộc về dạng người trân trọng quá khứ và nhớ rất nhiều chi tiết về thời đã qua, nhưng lại luôn hướng về phía trước, tập trung sống đời hiện tại. Nhưng có những khoảng rỗng tạo ra bởi hai sự kiện, cái giai đoạn chuyển tiếp theo cách nói lạc quan, hay giai đoạn chịu đựng nếu nói cho thực tế một chút, lại chính là nơi tôi muốn sống lại. Hơi kỳ lạ, không mong sống đúng các điểm mốc sự kiện, mà là quãng giữa. Quãng lửng lơ.
Như khoảng trống giữa những nốt nhạc, khoảng mà âm trước chưa tắt và âm tiếp nối chưa bắt đầu. Như khoảng trống giữa các chữ trên trang sách, nơi không còn chữ nhưng chẳng vì thế mà vô nghĩa. Trái lại, cái quãng nghỉ ấy, phần trắng ấy, mới nhiều nghĩa hơn cả.
Nhân nói về nhạc, tôi muốn kể rằng độ này tôi đang tập mở nhạc nghe trong lúc viết – viết văn, không phải viết nhạc, dĩ nhiên. Trước kia, tôi chưa bao giờ thấy thoải mái khi phải vừa viết vừa nghe nhạc, giống như lúc ngủ, không thể mở nhạc nghe mà ngủ được. Nhưng tôi đang phải tập làm quen với việc có tiếng nhạc trong phòng bởi vì các tiệm cà phê càng ngày càng náo loạn, nhạc càng lúc càng ồn ào tạp nham, nếu tôi cứ dị ứng mãi với nhạc (hơi khó hiểu nhỉ, nhạc sĩ mà dị ứng nhạc!) thì chẳng thể nào tập trung được. Đương nhiên ở nhà, tôi có thể chọn loại nhạc ưa thích, dễ chịu nhất, không đòi hỏi tập trung hoàn toàn khi nghe, thường là nhạc cổ điển. Vâng, những đoản khúc Chopin chẳng hạn.
Trở lại chuyện khoảng trống, đâu đó trong tôi cứ thôi thúc, thôi thúc mình rơi vào chỗ trũng ấy, giống như những vũng nước sâu có sức hút người ta vào vậy. Trong “Âm Thanh và Cuồng Nộ”, W. Faulkner để cho một trong các nhân vật truyện, Quentin Compson, tự trầm bằng cách buộc bàn là vào chân, đó là đi theo tiếng gọi của vùng trũng, tiếng gọi của đáy nước. Ở đây, trong trường hợp của riêng tôi, nơi trống vắng chán chường giữa hai sự kiện cũng giống như đáy nước, lúc nào cũng chực cuốn tôi vào. Một phức cảm rất gần với Thanatos.
Nghiệm lại các khoảng trống trong đời, tôi dễ dàng hồi nhớ cảm giác mình đã trải. Đó là những quãng đời mà bao nhiêu năng lượng sống, tôi đều dồn hết vào công việc. Hoàn toàn không lười biếng, không bỏ mặc, không trốn lánh, không có hành động nào đáng chê trách; trái lại, đó là những lúc tôi miệt mài, chăm chỉ, niềm nở, nhiệt thành, quan tâm đến người khác và làm việc tốt nhất. Trông rất giống (mà thật ra là vậy) với một người đang tràn trề năng lượng. Nhưng bên trong con người ấy, đang rỗng. Không có cảm xúc. Không có hy vọng. Không có chiêm nghiệm. Không có vui hay buồn. Ăn uống không có ngon hay dở. Ngủ không mơ. Không khóc, thì tất nhiên rồi, tôi đã quá già để khóc; nhưng cười là nụ cười được lập trình. Trong tôi, không có chút gì “nhân tính”, chỉ có một cái máy đang hoạt động hết công suất, chạy bằng một thứ chương trình được cài đặt sẵn. Một chương trình được soạn thảo tốt, hiệu quả. Thân xác chỉ có nhiệm vụ vắt kiệt sức để chạy cái chương trình ấy.
Kỳ lạ, và kỳ cục nữa, nếu ta có xu hướng muốn tái lập trạng thái trên. Trạng thái người-máy.
Khoảng trống giữa hai nốt nhạc hay khoảng lặng giữa hai bản nhạc (thường là 5 giây), ngược lại với khoảng-trống-sự-kiện, là chỗ dành cho cảm xúc. Sự lắng lại, im tiếng, yên ả đưa ta vào trạng thái lâng lâng, nốt nhạc sau cùng còn nguyên đấy, cảm giác vui sướng còn đọng lại, chân trời tưởng tượng chưa tan. Vì lý do trên, tôi yêu sự im lặng (như tôi từng viết, nhiều lần): không gian lắng im tỏa ra thứ âm thanh của riêng nó, dịu nhẹ, bền bỉ, không gì sánh được. Nhưng ta hãy một lần nữa quay lại với câu chuyện người-máy.
Ngoài yếu tố bản năng, hay là, như tôi đã nhắc qua bên trên, yếu tố phức cảm, tôi muốn đặt mình vào những chỗ trũng cũng vì đấy là các giai đoạn dạy tôi nhiều bài học nhất. Hiển nhiên là học được sau khi đã thoát ra khỏi nó, đã vượt qua điểm mốc kế tiếp để trở lại thành… người. Điều thứ nhất học được, ấy là chẳng phải chỉ có hai thái cực đối nghịch buồn/vui, khóc/cười, bất hạnh/hạnh phúc, xấu/tốt, mà còn có trạng thái lửng lơ chẳng bám vào đâu nữa, trạng thái vô định, lênh đênh, không màu sắc, không hồn vía.
Kế nữa, tôi học được bài học của sự cô độc không tự nguyện. Nghệ sĩ vốn dĩ được trời ban cho khả năng nhốt mình vào một nơi, trong một thời gian, không cần tiếp xúc với xã hội, nhưng thường thì đó là những lúc cô độc tự nguyện để sáng tác. Còn cô độc khi vừa dứt một bi kịch (sự kiện 1) và chưa có nhân duyên mới nào chờ đón (sự kiện 2), là bắt buộc. Trạng thái cô độc này kinh khủng như một hình thức tra tấn, nó tước đi của ta toàn bộ ý chí sống, nó bào ta phẳng như tấm ván, rồi cài vào ta một cái máy. Cô độc không tự nguyện là đày ải, nhưng như một nghịch lý, là lúc năng lượng sáng tạo toát ra đến đỉnh điểm. Khi tự giam mình một chỗ, cũng không thể phát tiết năng lượng nhiều như những lúc bị tra tấn kia.
Bài học sau cùng, cũng có thể là lớn nhất, là ta chẳng bao giờ thoát khỏi những vũng lầy, những giếng sâu, những khoảng trống như vậy, nên chẳng cần phải mong mỏi. Thể nào cũng sẽ trải qua tiếp nữa, như vượt qua khúc sông này lại đến ngọn thác kia. Như thứ virus chỉ ẩn nấp chứ không bao giờ bị tiêu diệt hẳn. Nên cứ thanh thản mà sống ngày hôm nay. Nên cứ chuẩn bị tinh thần mà đón nhận những khoảng trống tương lai. Biết đâu chừng, tổng kết lại vào lúc cuối đời, đời ta chỉ giá trị ở các khoảng trống ấy.
Mà chắc là thế rồi.
Quốc Bảo