Ồn ào hay lặng lẽ?
Như nhiều người đã biết (có thể tin hoặc nghi ngờ), tôi là người ủng hộ nhiệt thành cho thuyết nữ quyền, và hết sức tôn trọng nữ giới. Bản chất của nữ quyền luận là gì nếu không phải là muốn người nữ được sống cuộc đời như chính họ mong đợi, được là chính họ, được suy nghĩ và hành động sao cho đối với họ là hợp lẽ nhất. Tôi không hề có sự kỳ thị, chê bai, xem thường bất cứ người nữ nào đang sống theo cách tự nhiên nhất, đúng-là-cô-ấy nhất. Nhưng tôi cũng được quyền lắc đầu trước những người tạo dựng hình ảnh một cách khiên cưỡng, chắp vá, “tỏ ra”, và đặc biệt dị ứng với ai có tính xấu mà những người lớn tuổi gọi là “tươm tướp”, chưa nghĩ đã nói, nói nhiều hơn điều cần nói, phát ngôn vung vít, cẩu thả, vô trách nhiệm.
Nhưng ở đây tôi muốn nói về một khía cạnh khác của vấn đề.
Phần đông chúng ta – tất nhiên không loại trừ tôi, lúc còn trẻ – thường mắc phải tật nói cả về những điều ta chưa biết, hoặc chưa trải nghiệm (tức là chỉ nghe nói về, thậm chí nghe đồn đại), hoặc cả hai. Chúng ta thường nói nhiều hơn mức cần thiết, để tỏ ra trí tuệ và không thua kém. Chính vì vậy, phần lớn những âm thanh ta phát ra không chứa nội dung, mà chỉ là nước lõng bõng trong món canh. Chúng ta thường thích làm người hoạt ngôn lợi khẩu hơn là làm người thâm trầm ý tứ. Đó là xu hướng. Phải đến một cột mốc trong đời, ta mới tiết chế được sự mê nói. Vì một nguyên nhân tâm lý sâu xa mà tôi chưa rõ, có thể là bẩm sinh đã vậy, tôi bị dị ứng trước những ai hoạt ngôn quá mức. Tôi dùng từ “dị ứng” là có cân nhắc, không phải là “sợ” hay “ghét”, mà vấn đề là trong tôi có một cái van nào đó cứ đóng sập lại khi gặp ngoa ngôn xảo ngữ. Tôi không ưng những món canh ít thịt nhiều nước, mà càng già đi, hệ miễn nhiễm của tôi càng suy yếu, tôi càng dị ứng nặng hơn.
Những người biết đủ, hiểu đủ, đến một mức nào đó, họ không nói nữa. Không nói ở đây hơi khác với việc không có nhu cầu nói, mất khả năng giao tiếp. Không nói, đơn giản vì khi người ta đã chiêm nghiệm một vấn đề cho đến khi chín chắn, người ta thường nhìn nhận được rằng mình còn biết quá sơ sài, mình chưa động đến bản chất của vấn đề, chạm được đến cái lõi của nó, vậy thì tốt nhất nên tiếp tục tìm hiểu chứ đừng phát biểu lăng nhăng. Đến đây, ta có thể tạm tổng kết thành một nghịch lý: biết đủ chính là biết mình chưa biết đủ.
Yêu thương hay lý sự?
Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm đàn ông thích người đàn bà của mình ít nói và đừng chứng tỏ mình thông minh mọi lúc. Nếu chỉ có con số khiêm tốn, chẳng hạn mười phần trăm, thì tôi cũng xin đứng vào hàng ấy. Tôi yêu người kiểm soát được mình nên mở miệng lúc nào và lúc nào thì nên im lặng mỉm cười. Tôi yêu người ý thức được rằng cho dù ta có thông minh đi nữa, thì trí thông minh không chỉ có mỗi một biểu hiện là nói không ngơi nghỉ. Tôi yêu người nữ mà phần không-nói ở nàng nhiều hơn gấp bội so với phần nói-ra. Không nói chẳng phải là im ỉm, “thâm”, tầm ngầm giẫm chết voi. Ở đây, trong văn cảnh này, không nói là biểu hiện xem trọng người khác, biết giữ lại những lời nàng cho là thừa thãi vì người khác biết cả rồi, và biết tiết chế cảm xúc sao cho lời nói không làm đau người khác. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết: “Lời nói là vật sắc nhọn, càng ít nói càng đỡ chảy máu”.
Còn nữa, cái ngữ điệu và âm sắc giọng nói cũng hết sức quan trọng. Có những âm sắc êm ái, mượt mà; lại có âm sắc chói tai, gây căng thẳng thần kinh. Người nữ thông minh là người cảm nhận được (cái này hơi thiên về khiếu âm nhạc một chút) đâu là âm vực êm ái dễ nghe của giọng mình, để điều chỉnh. Người nữ thông minh ý thức rất rõ đâu là chỗ ưu khuyết của bản thân, của trái tim mình và đầu óc mình, để có thể giản lược được đến mức tối đa những gì thừa. Sống (nhất là sống cùng người khác) là một việc tiêu hao năng lượng dữ dội. Khôn ngoan thay những người biết dành năng lượng cho yêu thương hơn là lý sự.
Hạnh phúc thay cho những người được sống trong bầu không khí tràn ngập nụ cười yêu thương, lời ngọt ngào êm ái từ người bạn đời của mình.
Bài: Quốc Bảo