Gần đây, bộ phim “Bohemian Rhapsody” kể về huyền thoại Freddie Mercury, trưởng nhóm ban nhạc Queen đã khiến công chúng yêu phim ảnh lẫn âm nhạc hết sức háo hức. Trong đó, cảnh cao trào của bộ phim – khi nhóm nhạc cùng biểu diễn tại sân khấu từ thiện Live Aid đông nghịt người đã làm bất cứ ai xem phim cũng tràn ngập cảm xúc. Vậy điều gì đã khiến màn trình diễn ngày 13/07/1985 trở nên đặc biệt đáng nhớ như vậy?
Làm thế nào mà Queen có thể hội ngộ trên sân khấu Live Aid?
Sân khấu Live Aid năm 1985 vốn được dàn dựng bởi tổ chức Band Aid với mục đích gây quỹ từ thiện chống đói nghèo tại châu Phi. Người sáng lập ra Band Aid là Bob Geldof, người hát chính của nhóm nhạc The Boomtown Rats và là bạn của Freddie Mercury. Và cũng chính Bob là người đã thuyết phục Freddie biểu diễn tại Live Aid năm ấy. Theo lời kể của người trong cuộc, ông đã phải năn nỉ Freddie: “Fred, sao cậu không làm? Cả sân khấu này được xây nên chỉ cho mình cậu. Bạn yêu ơi, là cả thế giới đấy”.
Được tổ chức cùng lúc tại hai sân vật động lớn ở hai châu lục – Wembley ở London (Anh) và John F. Kennedy tại Philadelphia (Mỹ), ngày hội âm nhạc Live Aid năm 1985 là buổi diễn nhạc rock tham vọng nhất trong thời kỳ đó. Với mục tiêu cứu trợ các nạn nhân bị nạn đói hoành hành ở Ethiopia (châu Phi), Live Aid đã diễn ra hoành tráng trong suốt 16 tiếng đồng hồ, với hơn 50 tên tuổi biểu diễn, gồm những nghệ sĩ lớn như Madonna, David Bowie và U2.
Để tiếp cận Freddie Mercury, Bob Geldof khi ấy đã phải nhờ sự trợ giúp thông qua một người bạn khác: Spike Edney. Anh này từng là thành viên của ban nhạc The Boomtown Rats của Bob Geldof, tuy nhiên sau đó đã gia nhập cùng Queen để chơi keyboard trong chuyến lưu diễn của họ. Vào thời điểm đó, cả Freddie lẫn các thành viên khác trong Queen đều không mấy mặn mà với chuyện biểu diễn tại Live Aid, tuy nhiên lý do thực sự của họ không giống như bộ phim “Bohemian Rhapsody” khắc họa. Trên thực tế, nhóm Queen khi ấy vừa mới hoàn thành chuyến lưu diễn vòng quanh châu Á và châu Úc vô cùng mệt nhọc.
Bất chấp nhiều trở ngại cuối cùng Bob Geldof cũng thành công thuyết phục được tất cả thành viên Queen, bao gồm cả Freddie Mercury trình diễn tại Live Aid. Nhóm nhạc cũng lịch sự từ chối vị trí kết thúc toàn đêm diễn, mà thay vào đó chọn khung giờ 6:40 tối để bắt đầu. Một khi mọi quyết định đã hoàn tất, toàn nhóm lao vào diễn tập suốt 3 ngày không nghỉ, chăm chỉ hơn rất nhiều ngôi sao mới lên khác.
Điều gì đã khiến màn trình diễn Live Aid trở thành huyền thoại?
Ít phút trước thời điểm Queen bước lên sân khấu, hơn 70.000 khán giả tại sân vận động Wembley Arena đã chứng kiến những màn trình diễn bùng cháy của Elvis Costello, Dire Straits và Phil Collins. Đặc biệt Phil Collins ngay sau khi khép lại màn biểu diễn của mình đã lập tức lên máy bay vượt Đại Tây Dương để tới Mỹ tiếp tục biểu diễn ở đầu cầu Live Aid tại Philadelphia.
Ngày hội âm nhạc Live Aid được tổ chức đúng vào thời điểm đỉnh cao của chủ nghĩa duy tâm trong thể loại Rock. Các ca sĩ, ban nhạc bên cạnh việc ca hát, reo hò trên sân khấu thì cũng ngày càng tích cực quyên góp, cứu giúp những người kém may mắn hơn mình. Chính vì vậy nên sân khấu Live Aid ngày ấy thu hút được sự tham gia của rất nhiều ngôi sao, và được truyền hình trực tiếp trên toàn cầu. Vào thời buổi mạng Internet còn chưa tồn tại và chỉ có truyền hình phủ sóng, 1.5 tỷ người dân trên khắp năm châu đã chăm chú theo dõi Live Aid cũng đủ thấy đây là một sự kiện tầm cỡ như thế nào. Đó còn là sự khéo léo của Queen, khi tận dụng quy mô vô cùng lớn ấy để màn trình diễn của mình đi vào lịch sử.
Tất cả những ai từng chứng kiến Queen biểu diễn ngày hôm ấy đều phải thừa nhận rằng, mọi yếu tố của màn biểu diễn đều vô cùng thích hợp với bối cảnh ngoài trời. Từ màn công bố hoành tráng, chất giọng cực khỏe, cao vút của Freddie Mercury tới tiếng guitar ngày càng thăng hoa vang vọng của Brian May – tất cả đều tràn đầy năng lượng và đậm phong cách của “Nữ hoàng”. Đó là chưa kể, Roger Taylor – tay trống của ban nhạc còn tiết lộ, họ được “đối xử đặc biệt” bởi những người điều chỉnh âm thanh, khiến màn biểu diễn của Queen có âm lượng cao hơn tất cả những màn diễn khác.
Dù hơi vượt quá thời lượng cho phép (21 phút dù chỉ được phân 20 phút), nhưng có lẽ chẳng ai có thể phàn nàn về màn trình diễn đầy đỉnh cao của Queen. Từ bản ballad mở đầu “Bohemian Rhapsody” bằng piano sâu lắng, tới những giai điệu swing mang hơi hướm Elvis Presley trong “Crazy Little Thing Called Love”, những âm thanh rock nặng của “Hammer to Fall” và tiếng đệm trống rộn rã của “We Will Rock You”.
Nét chấm phá của chiếc vòng bắp tay
Bên cạnh âm nhạc, thì trang phục mà Freddie Mercury mặc ngày hôm ấy cũng là thứ đi vào lịch sử. Một chiếc quần jeans cao bồi bụi phủi , một chiếc áo ba lỗ trắng, một đôi giày adidas trắng, thắt lưng đen. Nhưng chiếc vòng được Freddie đeo trên bắp tay mới là “nhân vật chính”. Chiếc vòng này tiệp màu với thắt lưng, và khi kết hợp cùng mái tóc vuốt ra sau đầu cùng bộ ria mép của Freddie thì không chỉ không giản dị, mà còn nâng cấp trang phục của ông từ “đời thường” trở nên táo bạo hơn.
Ngày hôm ấy, khán giả đã chứng kiến rất nhiều ngôi sao nổi tiếng ăn diện sặc sỡ trên sân khấu, từ Little Richard, Liberace tới David Bowie, Elton John. Tuy nhiên, những gì Freddie Mercury mặc lên ngày hôm ấy lại không hề cầu kỳ, cũng chẳng quá diêm dúa mà chỉ đơn thuần là một phong cách rất riêng của Freddie. Người ca sĩ huyền thoại ấy đã đứng trước cả thế giới với hình ảnh rất chân phương và để họ dần dần lĩnh hội nó.
Freddie Mercury đã làm chủ toàn bộ 21 phút đầy huy hoàng trên sân khấu. Ông mở đầu và khép lại màn diễn ở sau cây piano, nhưng xen kẽ hai hồi đầu cuối ấy, ông hết nhún nhảy rồi lại tạo dáng điệu đà, chiếc giá đặt microphone được ông khéo léo xoay giữ trong tay thuần thục như một nghệ sĩ vũ kịch múa gậy chuyên nghiệp. Trong khoảnh khắc ấy, trên sân khấu Live Aid, Freddie dường như không còn là một ngôi sao rock chuyên nghiệp nữa. Ông giống như một cậu bé đang tìm cách bắt chước ngôi sao nhạc rock, với những động tác, cử chỉ đầy khuếch trương nhưng cũng hết sức đáng yêu trong mắt hàng vạn khán giả. Vào thời khắc ấy, một người đàn ông đồng tính, xuất thân từ Ấn Độ, một kẻ hoàn toàn “ngoại lai” lại đang tỏa sáng, khiến vô vàn người phải trầm trồ ngưỡng mộ. Quả là một phút giây đầy vinh quang không chỉ cho Freddie, cho Queen, mà còn cho tất cả sự bình đẳng trên thế giới.