Quang Lý - chiếc chìa khóa mở cửa ký ức - Tạp chí Đẹp

Quang Lý – chiếc chìa khóa mở cửa ký ức

Bộ Sưu Tập

Chọc giận người khác để học nhạc

Trong suy nghĩ của cậu bé Quang Lý thời thơ ấu, thế giới chia ra làm hai nửa: Một nửa là thế giới của những điều bình thường. Và nửa kia, đầy sức hút say mê, là thế giới của âm nhạc. Âm nhạc khiến cậu bay bổng, tất cả vất vả thiếu thốn của cuộc sống đều trở nên nhẹ nhàng.

Thế nhưng, bản tính nhút nhát khiến khả năng âm nhạc đặc biệt của cậu bé bị giấu kín, không ai hay biết. Một lần tình cờ, trong buổi sinh nhật người bạn năm học cuối cấp ba, Quang Lý bị “ép” phải hát tặng một bài. Khi anh cất tiếng, bạn bè lặng đi. Một thằng bạn thốt lên: “Không thể tin nổi. Cậu hát hệt như một ca sĩ!”. Lời nhận xét ấy khiến anh chàng 17 tuổi đang băn khoăn chọn ngành thi đại học đột ngột quyết định: Từ nay, cuộc sống sẽ gắn liền với âm nhạc.

Trở thành một người hát tốp ca trong đài tiếng nói Việt Nam, được học Nhạc viện, Quang Lý lao vào học. Ngày mới từ Hải Phòng lên Hà Nội, nốt nhạc bẻ đôi không biết. vật lộn với những bài ký xướng âm, Quang Lý có một mẹo tinh ranh: Mon men đứng gần anh bạn biết chơi violon – là người đã vững về nhạc lý – và xướng âm to lên. Anh bạn nghe hát sai, chối tai, la mắng ầm ĩ, hát mẫu cho mình hát theo.

Mùa đông lạnh, mới ba bốn giờ sáng, mọi người còn say ngủ, Quang Lý lồm cồm dậy trùm chăn xướng âm một mình, bất kể sự càu nhàu của các bạn cùng phòng. Cứ như thế trong nhiều năm, giọng hát qua khổ luyện mài giũa mới định hình. Quang Lý nhớ lại: “Giai đoạn ấy, tên tuổi Quốc Hương, Quý Dương, Trung Kiên là thần tượng của chúng tôi. Băng đĩa các danh ca như Pavarotti, Toto của Ý, Sophia Rotaru của Nga là của hiếm. Có được mấy cái đĩa, tôi nghe đi nghe lại nhiều lần đến mức mòn nhão…”

Làm ca sĩ ở đài tiếng nói Việt Nam, rồi về biên chế đoàn ca múa Hải Phòng, có một công việc ổn định như mơ ước của hầu hết mọi người thời bao cấp, thế nhưng trong lòng Quang Lý cứ mãi băn khoăn một câu hỏi: Làm sao hát hay hơn? Làm thế nào để chất đời thấm vào những ca khúc mình hát sâu sắc hơn? Trong một lần anh theo đoàn vào Sài Gòn lưu diễn, hai ca khúc “tủ” Tình ca và Những ánh sao đêm được khán giả của đất nhạc nhẹ hoan nghênh ngoài sức tưởng tượng. Câu hỏi day dứt đã tìm được lời đáp: Âm nhạc chỉ thật sự sống động và lớn lên trong mối tương tác giữa người hát và người nghe. Mặc dù đã ổn định ở Hải Phòng, anh vẫn quyết định làm một bước ngoặt: Chuyển vào Nam và làm lại từ đầu.

 Có một nhà thơ nhận xét: “Âm nhạc là phần hiện diện quan trọng trong căn phòng ký ức”. Để mở ra cánh cửa căn phòng ấy, chắc chắn không thể thiếu chiếc chìa khóa – những giọng hát gắn liền với các kỷ niệm có sức lay động chân thành. Với nhiều thế hệ yêu nhạc Việt, NSƯT Quang Lý là một giọng hát đặc biệt. Không ồn ào, không phô trương, lặng lẽ lựa chọn một dòng nhạc trữ tình sâu lắng riêng biệt, giọng hát của anh như một dòng sông bền bỉ trôi bên cạnh những cuộc đời, bình thản mà chất chứa, nhẹ nhàng mà thấm sâu. Cũng như những ca khúc Bài ca xây dựng, Những ánh sao đêm, Thuyền và biển, Quê hương anh bộ đội, Tạm biệt chim én không bao giờ cũ đi theo tháng năm, Quang Lý là một nghệ sĩ mà dấu ấn tuổi tác đành bất lực, không thể in dấu lên một giọng ca tài hoa.

Tôi không biết làm sếp

Từng thời kỳ, người ta có những quan niệm khác nhau về nhạc nhẹ. Nhưng với Quang Lý, âm nhạc trước tiên phải khiến người hát và người nghe hướng đến những điều tốt lành, đánh thức cảm xúc tinh tế và sang trọng trong tâm hồn.

Dù hát với cây guitar các bài ca bình dị Mặt trời bé con, Tùy hứng lý qua cầu, Ngẫu hứng sông Hồng, hay hát cùng dàn nhạc lớn những khúc ca kinh điển như Ave Maria, Tình ca, dù hát trước hàng ngàn khán giả hay hát trong khán phòng nhỏ, Quang Lý cũng chỉ muốn gửi gắm một thông điệp: Âm nhạc chia sẻ cái đẹp. Sự chia sẻ này đền đáp cho anh nhiều món quà bất ngờ. 4 năm cùng nhạc sĩ Trần Tiến lập nhóm Du Ca đi hát khắp nơi, buổi diễn kéo vài tiếng cho sinh viên là chuyện thường. Hát xong không có cát-sê, ca sĩ được bồi dưỡng bằng nồi cháo gà to. Có mùa Noel, nghe anh hát bài Ave Maria trên ti-vi, bà con giáo dân tận miền Tây gửi lên gạo, đậu phộng và đường thốt nốt tặng ca sĩ. Những điều vừa kể tựa các mối dây nhỏ bền chắc, buộc anh vào nghiệp hát.

Không điệu bộ màu mè, không phục sức xa hoa, ở bất kỳ nơi đâu, Quang Lý cũng hiện ra trong hình ảnh của người hát đúng nghĩa: Tôn vinh ca khúc, chiếu rọi ca khúc bằng vẻ đẹp của giọng hát. Anh thẳng thắn: “Hát là cách thể hiện nội tâm. Càng tĩnh tâm, âm nhạc càng sâu sắc và tỏa sáng”. Những đồng nghiệp đoàn Ca nhạc nhẹ tháng Tám và đoàn ca múa nhạc Bông Sen thường kể giai thoại khi dựng tiết mục, nếu ca khúc Quang Lý trình bày được gắn thêm màn múa minh họa rộn ràng, thế nào anh cũng lắc đầu quầy quậy. Nhắc kỷ niệm này, ca sĩ bật cười: “Tôi xin được yên. Múa loạn cào cào như thế, tôi lại rối lên, không sao hát được!”.

Giàu kinh nghiệm biểu diễn, rất nhiều lần Quang Lý được lãnh đạo đề nghị nắm giữ chức vụ quản lý. Cũng băn khoăn, đắn đo. Cũng lưỡng lự tính toán khi nghĩ về danh vọng, điều kiện vật chất tốt hơn lo cho vợ con. Nhưng rồi, sở nguyện được tập trung ca hát lại vượt lên. Anh bộc bạch: “Tôi không biết làm sếp. Trời sinh tôi ra, chỉ để làm anh nghệ sĩ hiền lành đứng hát trên sân khấu mà thôi”.

Các con tôi sẽ ngẫu hứng thay tôi

Nghiêm ngắn, sang trọng mà vẫn hiền hậu, chân thành, ấn tượng này thể hiện rõ nhất khi quan sát Quang Lý trong vị trí giám khảo các cuộc thi ca nhạc. Có phải vì “nhát gan” mà anh không dám nặng lời chê thí sinh? Anh cười: “Từ nhỏ tới giờ, tôi vẫn hay bị xem là “chàng ngố” nên tôi thích sự nhẹ nhàng, tình cảm. Muốn được như thế, thì với mọi người nói chung và với các ca sĩ trẻ nói riêng, tôi thấy gợi mở tốt hơn là phê phán. Không bao giờ tôi muốn làm ai tổn thương”.
Anh tự nhận: “Nghèo khổ thiếu thốn đến mấy tôi cũng chịu được. Tôi chỉ sợ lòng thương hại và ban phát”.

Làm ca sĩ nổi tiếng, thật khó khăn để giữ hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, vừa không phải làm điều gì tổn thương lòng tự trọng. Những năm tháng khó khăn, nhiều người nhân danh nghệ sĩ để có chút ưu tiên lợi lộc hay tranh thủ buôn bán, anh vẫn đứng ngoài vòng xoáy. Cách duy nhất là tách nghệ thuật và cuộc sống thành hai mảnh riêng. Lên sân khấu, hình ảnh ca sĩ lung linh sáng đẹp. Về nhà, từ bỏ hào quang, lăn vào bất kể việc gì, miễn là kiếm đồng tiền sạch. Có thời gian anh học được nghề làm sơn dầu. Anh vừa là chủ, vừa là thợ, vừa là người đi giao hàng. Lúc nào vợ chồng cũng nơm nớp lo nhà cháy. Có hôm chở hai thùng sơn đi bỏ mối, bất ngờ thùng sơn bị thủng, anh luýnh quýnh bịt lại, về nhà tay chân mặt mũi lấm lem.

Những năm sung sức nhất của đời ca sĩ, cũng là những năm anh… ngủ ít nhất. Anh kể: “Tối diễn nhà hát Hòa Bình, chạy xe về nhà hơn 11 giờ khuya, cởi bộ vest ra, tôi cặm cụi vắt sổ để vợ may hàng gia công kịp giao người ta”. Có lần sang biểu diễn ở Nhật, các nghệ sĩ khác mua xe máy, anh tìm mua… tủ kem. Có tủ, hai vợ chồng làm kem chuối bán. Rồi anh học làm bánh ngọt, chị bỏ mối hàng ngoài chợ. Anh kết luận hài hước: “Tôi chỉ có số làm thuê. Tính đường buôn bán lớn là hỏng ngay!”. Có lần đi diễn ở Nga, tất cả cát-sê anh dành dụm mua dầu gội đầu. Về nước, mối lái chẳng ai mua vì chê hàng không nổi tiếng. Thế là cả va-li dầu gội đành đem… cho bạn bè.

Hiền lành đến ngơ ngác, anh may mắn tìm được người vợ đảm đang vén khéo. Yêu và cưới từ năm anh ngoài 20, đến nay, hai vợ chồng anh đã có hơn 30 năm chung sức. Thật trìu mến, anh kể về vợ: “Lúc mới về làm vợ tôi, cô ấy rất bé nhỏ, hiền lành. Cuộc sống thiếu thốn làm cô ấy phải bươn chải ngược xuôi. Nếu không có cô ấy, cha con tôi không có ngày hôm nay!”.

Là nghệ sĩ bay bổng với lời ca điệu nhạc, lẽ nào anh không có giây phút phóng túng lãng mạn? Anh thổ lộ: “Cũng đôi lúc trái tim xao động. Nhưng nghĩ đến vợ vất vả, tôi dừng lại ngay. Tất cả những gì vợ chồng tôi làm, là vì tương lai của con. Tôi sống nghiêm túc, kiềm chế nghệ sĩ tính để hai con được học, được bay cao, ngẫu hứng sáng tạo với công việc yêu thích của chúng.”

Đất lành sinh trái ngọt. Đến nay, hai con một trai một gái của Quang Lý đều học và tốt nghiệp cao học ở Úc. Ngôi nhà anh chị đang sống cũng là một khách sạn mi-ni ở trung tâm thành phố. Anh vẫn đi hát khắp nơi và vừa làm xong album Âm vọng sóng. Trong căn phòng khách ấm áp có nhiều tranh đẹp do anh sưu tầm, những tối thảnh thơi, anh hay ngồi bên piano, hát cho mình và cho người vợ thương yêu nghe khúc ca sâu lắng: “Chỉ có thuyền mới hiểu. Biển mênh mông nhường nào…”

 

 

Thực hiện: depweb

16/04/2007, 15:20