Người viết gặp Nguyễn Quang Huy khi anh vừa trở về từ một chuyến công tác ở Đà Lạt, một chuyến đi mà anh mô tả là mỹ mãn bởi có con gái đi cùng. Lần hiếm hoi trong đời, anh tìm thấy sự cân bằng lý tưởng cho cả hai vai trò: Người đàn ông của công việc và một người cha. Trên đường trở về lại Sài Gòn, người bố ấy đã có mơ ước con mình sẽ mãi bé bỏng như vậy.
Hai bố con đạo diễn Quang Huy và con gái Tuệ Lâm
– Trong hai cột mốc quan trọng của cuộc đời người đàn ông, việc lấy vợ và sau đó là sinh con đã thay đổi anh như thế nào?
– Việc sinh con tất nhiên làm thay đổi con người tôi nhiều hơn. Lấy vợ là việc chuyển hóa một mối quan hệ đủ dài, đủ sâu sang một hình thái khác, một cách tự nhiên. Với những người yêu nhau 4-5 năm, việc lập gia đình sẽ khiến cho họ cảm thấy hồ hởi, háo hức. Tôi đã bước qua cái ngưỡng háo hức ấy… từ rất lâu trước khi lấy nhau. Việc hôn nhân đến chậm là vì cả tôi và Quỳnh Anh đều muốn cô ấy thỏa mãn mọi thứ có thể về sự nghiệp. Khi lấy nhau, chúng tôi đã yêu nhau được 10 năm. Quá trình thay đổi trong 10 năm ấy cũng có, nhưng nó không nhiều và diễn ra từ từ.
Đến khi Tuệ Lâm ra đời, thì đấy thật sự là cuộc đại thay đổi, bao gồm cả thay đổi chủ động và thay đổi bị động. Thay đổi chủ động đến từ… trước khi có con. Đấy là khi tôi vạch ra những sự thay đổi cần phải thực hiện trước khi con ra đời, từ chuyện sẽ phải thu xếp thời gian ra sao, mình sẽ trở thành người bố như thế nào. Nhưng những thay đổi bị động, nói đúng hơn là thay đổi tự nhiên, mới thật sự khủng khiếp. Cách tiếp cận và xử lý thông tin của tôi hoàn toàn khác xa trước đó. Thái độ của tôi trước những việc ngoài ý muốn cũng khác.
Trước khi có Tuệ Lâm, tôi không cho những người sai phạm một cơ hội giải thích nào. Nếu anh làm sai, anh phải chịu trách nhiệm. Sau khi có con, tôi lại xem cuộc sống gia đình làm… tình tiết giảm nhẹ. Trước khi phán xét ai, tôi cũng đều nghĩ: “À, anh này cũng có vợ có con, có gia đình phải lo”. Đại loại như thế. Tôi trở nên hiền hơn nhờ chơi với con. Chính tôi cũng giật mình khi nhận ra con cái đã thay đổi con người mình như thế. Nhưng tôi tin đấy là những thay đổi mà bất kỳ người cha nào cũng trải qua trong đời.
“Sau những trận sinh tử, tôi biết giá trị của bạn bè là thế nào. Và tôi muốn chính đứa con thương yêu của mình cũng sẽ trở thành một người bạn.”
– Nhiều người đàn ông từng nói sau khi có con, sự nghiệp không còn là ưu tiên số 1 nữa. Còn anh thì sao?
– Ở thời điểm hiện tại thì chưa. Tôi vẫn mang nhiều hoài bão lớn và vì thế, tình thương tôi dành cho Tuệ Lâm và cả Quỳnh Anh lại càng nhiều hơn. Tôi biết họ luôn bị thiệt thòi khi tôi phải chia thời gian trong ngày để theo đuổi những đam mê của mình. Và vì thế ở bên cạnh con lúc nào, tôi luôn dành hết mọi tình thương và cảm xúc cho con lúc đấy. Tôi tận hưởng từng phút giây ở cạnh Tuệ Lâm, những buổi sáng và những ngày cuối tuần, gọi con dậy, tắm cho con, đi học chung với con vì biết có thể tối hôm đó tôi sẽ “cướp” mất người bố ấy. Khi tôi từ công việc trở về thì có khi con đã ngủ, đã lỡ bữa ăn tối với bố rồi.
– Nhiều người nổi tiếng chọn lựa cách giấu con mình, nhưng anh vẫn thường xuyên đăng tải hình ảnh của con trên mạng xã hội và say sưa chia sẻ niềm hạnh phúc làmbố. Có bao giờ anh nghĩ việc làm con của bố mẹ nổi tiếng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con gái?
– Đây là câu chuyện hoàn toàn thuộc về quan điểm, không có ranh giới đúng sai nào cả. Xã hội có nhiều cách dạy con. Quan điểm của tôi là con mình phải bình thường theo cách… bình thường. Tôi không thể cô lập con mình xong rồi cho đó là bình thường. Tất nhiên tôi phải chọn những cách xử lý mà tôi cho là phù hợp, chẳng hạn như vào trường và đề nghị các cô không bật những sản phẩm của công ty nhà sản xuất, tránh cái cảnh con tôi bị chỉ trỏ: “Con bé đó là con của ông nhạc sĩ này, cô ca sĩ kia”. Ngược lại, những quy định nhà trường thì chúng tôi vui vẻ hợp tác, chúng tôi muốn họ đón nhận con mình như một đứa trẻ bình thường, chứ không phải là con của người nổi tiếng. Còn chuyện khoe hình con trên Facebook mới là chuyện… bình thường, vì tâm lý bố mẹ ai mà không muốn khoe con. Tôi cũng chơi với bố mẹ của bạn thân Tuệ Lâm ở trường.
– Làm một đạo diễn, một nhà sản xuất và một người bố, vai trò nào khó khăn hơn?
– Làm bố khó nhất, quá khó. Vì nó đòi hỏi quá nhiều kỹ năng và không có trường đào tạo chuyên nghiệp vì làm gì có nghề làm bố (cười). Có nhiều cách làm bố, nếu thích xuề xòa theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ” thì cũng được, nhưng bản thân tôi lớn lên trong sự giáo dục đàng hoàng của bố mẹ. Bố mẹ đã cho tôi rất nhiều, đã tạo cho tôi một nền tảng quá tốt. Bố mẹ của vợ tôi cũng rất tuyệt vời. Vì thế khi nhìn bố mẹ của hai bên gia đình, tự bản thân tôi đặt ra áp lực cho mình là phải trở thành một phụ huynh đàng hoàng. Và mỗi khi so với bố mẹ của tôi ngày trước, tôi vẫn thấy kỹ năng làm bố của mình hãy còn kém xa.
– Trong mối quan hệ với con gái, anh là một người bạn hay người lãnh đạo?
– Là bạn nhiều hơn. Đó không phải là quá trình mà là sự chủ động từ đầu. Có một chuyện mà gia đình tôi cũng ít ai biết. Đó là khi Tuệ Lâm còn nhỏ, chưa biết nói biết nghe gì cả thì tôi đã nói chuyện với con. Quỳnh Anh ngày ấy vẫn hay trách là chả thấy anh nói chuyện hay chơi giỡn với con. Nhưng tôi đâu thể giỡn với người không thể tương tác với mình, mình giỡn nó cũng đâu biết mình muốn giỡn. Nhưng những khi chỉ có hai bố con với nhau, khi tôi đẩy xe, bế con đi dạo, tôi sẽ nói chuyện với Tuệ Lâm, nói những thứ mà tôi muốn nói.
Câu mà tôi nói nhiều nhất, và là mong muốn thật sự của tôi, đó là:“Hãy làm bạn tốt của bố”. Tôi
Không cho con gái… xỏ lỗ tai
Không như nhiều bé gái khác, Tuệ Lâm chưa được xỏ lỗ tai để đeo khuyên và đấy là quyết định của Quang Huy. Anh bảo mình có trách nhiệm giữ “nguyên hình nguyên trạng” cho đến khi con mình đủ tuổi để quyết định xem mình có muốn bấm lỗ tai hay không. Cũng bởi vì xem con là bạn nên anh càng không đưa ra một quyết định gì để có thể khiến bạn… phật ý trong tương lai. “Nếu sau này, Tuệ Lâm hỏi sao tai con không giống với bạn, tôi sẽ trả lời cho con hiểu là con phải tự có trách nhiệm với thân thể mình. Từ giờ bố mẹ sẽ… bàn giao cơ thể ấy lại cho con. Nhưng trước khi làm gì, hãy nhớ đó không chỉ là thân thể của con mà còn là của bố mẹ nữa”, anh nói
không hề đặt ra một hoài bão nào cho con tôi cả. Nhưng sau những trận sinh tử, tôi biết giá trị của bạn bè là thế nào. Và tôi muốn chính đứa con thương yêu của mình cũng sẽ trở thành một người bạn. Ngoài ra, tôi cũng muốn con mình sẽ có nhiều bạn tốt khi đã trưởng thành. Mà muốn có nhiều bạn tốt thì trước tiên Tuệ Lâm cũng phải là một người bạn tốt, khởi đầu là bạn tốt… của bố!
– Giữa anh và Quỳnh Anh có nảy sinh mâu thuẫn về cách dạy con?
– Có chứ. Trong đó có việc chọn trường. Quan điểm của tôi ngược lại Quỳnh Anh, cũng như số đông trong gia đình. Ai cũng nghĩ chỉ cần bỏ nhiều tiền là sẽ có trường tốt, nhưng như thế nào mới là tốt thì mới phải tranh luận. Nếu như con mình khởi đầu ở một trường quá sướng, sau này nó có đủ bản lĩnh để ra đời không? Trong một ngôi trường quốc tế, tôi có cảm giác trẻ em như một “khách hàng” nhiều hơn là “học sinh”, trong khi tôi muốn con tôi phải thật sự trải nghiệm cảm giác giáo dục, khi đến trường phải là học trò.
Trước khi Tuệ Lâm đi học, tôi có đi cùng một người bạn đến đón con của anh ta, nhìn thấy cảnh bảo vệ mở cửa, che dù cho những đứa trẻ bước ra tôi thấy không ổn, nó không giống sư phạm chút nào. Tôi cũng không muốn quanh con mình chỉ là những người bạn giàu có, đi về trên xe hơi. Tôi muốn Tuệ Lâm thật sự thấy cuộc sống đa dạng như bản chất của nó. Cuối cùng, tôi không muốn con mình giỏi tiếng nước ngoài mà trước hết phải giỏi tiếng Việt.
– Trong bộ phim “Kẻ cướp mặt trăng”, nhân vật Gru có một câu nói kinh điển với đứa con gái nhỏ của mình là “Đừng lớn nhe con”. Anh có muốn con mình cứ mãi bé nhỏ như vậy?
– Tôi nghĩ đấy là bản năng. Khi con cái 3-4 tuổi, người bố nào cũng muốn con mình ở mãi tuổi ấy. Tôi vừa trở về từ Đà Lạt, một chuyến đi vui nhất trong đời. Tôi vừa đi làm, vừa có thể mang con theo. Trên đường về, tôi có nói là ước gì Tuệ Lâm cứ như vậy hoài.
– Có bao giờ con người của công việc và người bố gặp mâu thuẫn và tệ hơn, anh hối hận vì việc ấy?
– Có chứ. Một lần kia thậm chí tôi đã bị stress rất nặng vì chuyện này. Khi ấy đang làm phim “Thần tượng”, dấn thân vào một chuyện mới mẻ, tôi buộc phải dành rất nhiều thời gian cho công việc, từ việc lớn đến việc nhỏ li ti. Rồi một hôm tôi giật mình vì mình mải mê công việc mà ít bế con. Hôm ấy tôi đi về, tôi đến ôm thì con khóc. Khi ấy râu tôi mọc dài, râu đen, áo mặc cũng màu đen, Tuệ Lâm sợ màu đen nên càng khóc to. Tôi mãi không bao giờ quên tiếng khóc ấy. Tôi bị ám ảnh và khủng hoảng tâm lý thật sự. Tôi hối hận vì mình đã đánh mất quá nhiều thời gian mà lẽ ra mình phải dành cho con. Tôi cứ ước mình có thể lấy lại những tháng ngày đã mất ấy, nhưng làm sao được. Nhưng cũng từ biến cố ấy mà tôi học cách cân bằng lại cuộc sống của mình, học cách chia sẻ thời gian tốt hơn.
– Một Quang Huy trong ngành giải trí, một Quang Huy làm chồng và một Quang Huy làm cha, đâu là nhân vật cừ khôi nhất?
– Tôi vẫn cho mình xuất sắc nhất ở trong công việc. Vợ chồng là câu chuyện của hai cá nhân, khi đã qua được 10 năm thì cả hai sẽ cùng ý thức được mình cần phải làm gì, đấy là mối quan hệ có thể cải tiến được từng ngày chỉ cần mình có ý thức.
Trong công việc, tôi luôn tin là mình làm tốt. Thứ nhất tôi có tài năng. Thứ hai, tôi thất bại nhiều nên trưởng thành. Thứ ba, tôi biết mình yếu chỗ nào và luôn cố cải thiện điều đó. Có những việc tôi nghĩ mình làm không tốt, tôi chấp nhận để người khác thay thế mình. Tôi luôn khuyến khích nhân viên giỏi hơn mình. Còn với Tuệ Lâm, đến hôm nay tôi vẫn dừng lại ở chỗ “Tôi muốn” nhiều quá. Tôi muốn con thế này, thế kia, nhưng vẫn nhiều thứ chỉ là dự định. Chẳng hạn tôi muốn làm bạn của con, nhưng khi con trưởng thành liệu tôi có thích nghi nổi với những thay đổi không. Những khi con bướng liệu tôi có đủ dũng cảm để vứt bỏ cái độc tài, cái tôi của một người đàn ông sang một bên để hoàn thành vai trò người bạn của con không. Và tôi sẽ phấn đấu không ngừng để hoàn thành việc ấy cho đến khi con gái tôi lấy chồng.
Bài: Minh Trần
Photo Director: Hellos
Nhiếp ảnh:
Thái Phạm