làng ca sĩ Việt Nam, Quang Dũng sinh vào ngày đẹp – mùng 8 tháng 8. May
mắn tưởng như đã đến sớm với chàng trai nghèo: 21 tuổi đoạt giải nhì
Tiếng hát truyền hình tỉnh Bình Định (1997), sau đó là Huy chương vàng
cuộc thi Giọng hát hay các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên tại Huế (1998).
Ấp ủ giấc mộng lớn trong nghề ca hát, năm 1998, chàng trai gầy gò, nhút
nhát Thái Văn Dũng một mình khăn gói vào Sài Gòn.
Thời kỳ Quang Dũng chân ướt chân ráo vào “kinh đô” của sân khấu ca nhạc
cả nước thì thị trường ca nhạc đang lên sắc hoàng kim với hàng loạt ngôi
sao: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Lam Trường, Đan Trường, Phương
Thanh, Quang Linh, Thu Phương, Bằng Kiều…
Đời sống âm nhạc lúc đó cực
kỳ sôi động, băng đĩa bán những con số vài chục ngàn, thậm chí cả trăm
ngàn bản, các phòng trà ca nhạc nở bung, các sân khấu ca nhạc sôi động
hàng đêm, bảng xếp hạng Top ten Làn Sóng Xanh luôn nóng bỏng…
Chàng trai trẻ hàng đêm kiên nhẫn ngồi đợi tới lượt hát hoặc phải chờ
tới khi ca sỹ khác kẹt show để thay thế và đã có lúc, như sau này anh
tâm sự, từng muốn khăn gói lại, về quê.
May sao, lúc này Dũng có được một người đồng hương giúp đỡ, là ông Văn
Công Mỹ (cùng người Bình Định). Ông Mỹ lúc bấy giờ là 1 trong 3 cô đồng
của Đồng Dao – phòng trà đình đám duy nhất ở Sài Gòn thời điểm này, nằm
trên đường Nguyễn Huệ, nơi những ca sỹ trẻ như Quang Dũng luôn hồi hộp
chờ đợi để được xếp lịch hàng tuần xem mình sẽ có bao nhiêu suất diễn
trong tuần…
Nhờ tình đồng hương, Dũng có một chân chắc chắn tại đây, được hát hàng
đêm với ban nhạc được mệnh danh là “sát thủ phòng trà”, chuyên trị dòng
nhạc trữ tình đúng phong cách nhạc phòng trà của nhạc sỹ Nguyễn Quang (con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9). Tại đây, ban đầu hình ảnh Quang Dũng
gắn liền với Mỹ Dung (không phải Mỹ Dung của Sao Mai Điểm Hẹn sau này),
tạo thành hình ảnh một đôi song ca trẻ xứng đôi, hợp giọng, cùng phong
cách. Hai người cũng thường hát những ca khúc của Lê Uyên Phương khiến
nhiều người ít nhiều liên tưởng tới đôi song ca rất nổi tiếng ở Sài Gòn
trước năm 1975: Lê Uyên và Phương.
Một thời gian sau, phòng trà Đồng Dao (cũ) ngưng hoạt động, ê kíp này chia ra thành phòng trà Tiếng Tơ Đồng (cùng trên đường Nguyễn Huệ) và M&Tôi (đường Trần Hưng Đạo), người mừng hơn cả là ca sĩ vì có thêm
điểm chạy sô, thêm thu nhập. Một lần nữa, Quang Dũng lại nhận được sự hỗ
trợ, lúc này là từ anh Sơn, 1 trong 3 cô đồng trước đây của phòng trà
Đồng Dao, sau này lập M&Tôi (và nay là Đồng Dao trên đường Pasteur),
nên đỡ vất vả hơn nhiều.
Có điều, tên tuổi và dòng nhạc tiền chiến Dũng theo đuổi vẫn nằm trong
“bóng tối”. Thời kỳ này là giai đoạn hoàng kim của nhạc trẻ, các khán
giả Làn Sóng Xanh còn say sưa với “Tình thôi xót xa”, “Vẫn hát lời tình
yêu”, “Trống vắng”, “Cà phê một mình”, “Yêu nhau ghét nhau”, hay mới hơn
là “Mãi yêu”, “Nhé anh”, “Ôi tình yêu”…
Năm 2001, một thế hệ “F2” của Làn Sóng Xanh như Thanh Thảo, Cẩm Ly, Mỹ
Tâm, Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu ghi tên trong bảng phong thần thi Quang Dung
vân loanh quanh ở phong trà. Nhưng rồi cơ may đã tới khi phong trà Long
Phụng (đường Lý Tự Trọng) do anh Nghĩa và một số bạn bè yêu văn nghệ
thành lập, Quang Dũng là một trong những ca sĩ được giúp đỡ nhiều nhất
nếu không nói là duy nhất tại đây. Sự ưu ái dành cho Dũng là những
chương trình đặc biệt của riêng giọng ca này (lúc đó khái niệm live show
còn ít, vậy mà Dũng đã có nhiều live show mini tại đây), bắt đầu cho
Quang Dũng ý định ra album riêng.
Cũng thời điểm này, Dũng gặp Diệu Hương, tác giả ca khúc “Vì đó là em”,
được xem như “cuộc gặp gỡ định mệnh”. Bản thu âm đầu tiên ca khúc này
qua tiếng hát Quang Dũng thành công nhanh chóng một cách bất ngờ, album
“Biển nghìn thu ở lại” liên tục được Bến Thành Audio – Video tái bản,
tương tự trường hợp Vân Trường với ca khúc “Chân tình” (sáng tác của
Trần Lê Quỳnh). Chỉ nhờ bản “Chân tình”, Vân Trường lọt vào Top ten Làn
Sóng Xanh, còn với “Vì đó là em”, Quang Dũng đã nhận giải Mai Vàng của
báo Người Lao Động năm 2003.
Nhưng nếu chỉ có “Vì đó là em”, cũng khó có thể có một Quang Dũng của
ngày hôm nay. Hãy nhìn vào trường hợp Vân Trường, một giọng ca ấm, đẹp
(nếu so với hai Trường kia, Lam Trường và Đan Trường, chưa biết giọng
nào hay hơn giọng nào), nhưng “Chân tình” chỉ đưa anh vào Làn Sóng Xanh
duy nhất một lần rồi thôi. Vân Trường chìm nghỉm trở lại trong lúc hai
Trường kia cứ “trường kỳ ăn khách”. Trường hợp Quang Dũng và Diệu Hương
còn khó khăn hơn.
Tại thời điểm ấy, việc phổ biến ca khúc của nữ tác giả hải ngoại này gặp
không ít khó khăn, phức tạp. Thêm nữa, một số bài sáng tác sau này của
Diệu Hương, cũng dành riêng cho Quang Dũng hát, nhưng không có bản nào
qua được “Vì đó là em”, nên sự gắn bó của cặp đôi ca sĩ – nhạc sĩ này
nhanh chóng hạ nhiệt và nhạc sỹ Diệu Hương cũng không thường xuyên về
Việt Nam nữa.
Trở lại một chút với đêm ra mắt album “Biển nghìn thu ở lại” tại phòng
trà M&Tôi năm đó không một chỗ trống, phải ghi công của người quản
lý cho Dũng, vẫn được gọi thân mật là anh Vu. Sau ông Mỹ, ông Sơn ở hai
phòng trà, thì người quản lý mới này có vị trí vô cùng quan trọng trong
những bước thăng tiến của Quang Dũng.
Trong những bước đường của mình,
phía sau âm thầm yểm trợ cho Dũng luôn là những người đàn ông, còn người
lôi Dũng ra “ánh sáng chói lóa” lại là những người đàn bà. Người đầu
tiên là nữ nhạc sĩ Diệu Hương, người thứ hai là Thanh Thảo.
Lúc “gặp” Thanh Thảo, cái tên Quang Dũng đã “có số má”. Sau “Vì đó là
em”, anh có thêm ca khúc “Còn ta với nồng nàn” (trong album thứ hai của
Dũng có tựa đề “Bên đời có em”). Anh bắt đầu chạm tới giấc mơ năm xưa
của mình: lọt vào bảng phong thần 10 ca sĩ được yêu thích nhất Làn Sóng
Xanh năm 2003. Nhưng đây cũng bắt đầu thời điểm hạ màn quyền lực của Làn
Sóng Xanh khi làn sóng này “chuyển màu” . Quang Dũng xem như lấy “vé
chót” cho dòng nhạc trữ tình trong Làn Sóng Xanh…
Điều ấy cũng đồng nghĩa với thực tế Dũng vừa “lên” đã “đụng trần”. Để có
thể mở rộng biên độ thị trường, vươn cao hơn nữa trong giấc mơ sự
nghiệp, Quang Dũng thấy phải hướng đến khán giả trẻ vốn là khu vực xưa
nay chưa bao giờ Dũng nghĩ tới. Người được chọn để giúp Dũng đạt được
mục tiêu này là Thanh Thảo.
Tại thời điểm đó, Thanh Thảo đang có sẵn một lượng khán giả trẻ khổng
lồ và cũng muốn mở rộng biên độ với khán giả lớn tuổi. Dù khi mới bắt
tay vào dự án hợp sức này, nhiều “fan” của cả Dũng lẫn Thảo và những
người ngoài cuộc nhảy vào bình phẩm, phản đối… tạo nên cơn sốt dư luận dữ dội, nhưng cả hai nhân vật chính đều phớt lờ. Bản song ca “Vi ngọt
đôi môi” (sáng tác Lê Hựu Hà) được tung ra vào thời điểm khán giả chạy
đua rốt ráo bỏ phiếu bình chọn chặng cuối bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh.
Người đàn bà thứ ba “trong đời ca hát” của Quang Dũng là ca sĩ Hồng
Nhung. Vẫn là “hợp đồng”, “hợp tác”, nhưng do vị thế của Hồng Nhung hoàn
toàn khác với Thanh Thảo trong tương quan với Dũng nên không có scandal
nào xảy ra. Nhưng không biết có phải vì thế mà sự hợp tác này không
thành công bằng hợp tác giữa Quang Dũng và Thanh Thảo trước đây.
Nhưng lập tức có một người phụ nữ khác khiến tên tuổi Quang Dũng chưa
kịp nguội đã lại nóng lên trên báo chí và dư luận, đó chính là người đẹp
Jennifer Phạm. Đám cưới chóng vánh với người đẹp đến từ nước Mỹ đã dập
tắt bao lời đồn đại không được hay ho về thần tượng hấp dẫn trên sân
khấu (với vẻ điển trai công tử) nhưng có vẻ “lạnh lẽo” ngoài đời này.
Cuộc hôn nhân lý tưởng trai tài gái sắc này đã mang tới cho Quang Dũng
một hình ảnh người đàn ông hoàn hảo cho tới khi họ chia tay sau 3 năm
hôn nhân chính thức.
Những lộng lẫy và ồn ào trong cuộc sống riêng của thần tượng khiến người
hâm mộ ít “soi” tới con đường âm nhạc của Quang Dũng sau này.
Trong những album về sau này, cảm giác Dũng hát không còn tự nhiên như
trước, thường gằn giọng như để tạo dấu ấn một phong cách riêng, nhưng vô
tình đè lên chất giọng âm vực khá hẹp nên cảm giác giọng không thoát.
Có thể vì Dũng muốn nâng cấp, thay đổi lối hát mộc (sở trường của Dũng
trước đây) sang lối hát kỹ thuật, điêu luyện.
Nhưng thật ra, sức hấp dẫn
mà Quang Dũng đã tạo ra, nét riêng của Quang Dũng trên thị trường nhạc
Việt, lại chính từ chất giọng mộc và phong cách hát đơn giản của anh.
Không ai (trong những người hâm mộ Quang Dũng) chờ đợi và đòi hỏi ở anh
sự đột phá. Họ thích nghe, xem Dũng hát “Vì đó là… Dũng”, với những
bản nhạc trữ tình quen thuộc (nếu là sáng tác mới thì vẫn trên nền nhạc
mang phong cách trữ tình quen thuộc ấy), những bản tình ca bất hủ, tự nó
đã đẹp, không cần tô vẽ, lên gân…
Bởi thế, con đường phẳng lặng của Quang Dũng có thể còn dài và còn phẳng
lặng, trừ phi một người đàn bà nữa lại đến và mang theo những điều bí
ẩn…