Sau 12 năm từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Quang Dũng đã là một trong những ngôi sao ăn khách nhất của nhạc nhẹ Việt. Không gây sốc giống Đàm Vĩnh Hưng, chẳng trẻ trung bốc lửa kiểu Tuấn Hưng, cũng chẳng “hồi teen” như Lam Trường, Quang Dũng thiết lập vị trí của anh bằng một con đường riêng, một phong cách riêng mang nét trữ tình cuốn hút.
Ngoại hình – chàng tỉnh lẻ bảnh trai
Quang Dũng đẹp trai, vẻ đẹp thư sinh hiền lành, dáng dong dỏng cao, mắt hiền, nụ cười hiền, điệu bộ cử chỉ lòng khòng, lơ ngơ, cũng hiền nốt. Ngoại hình của Quang Dũng không quá nổi bật, nhưng ưa nhìn, là một vẻ đẹp an toàn, dạng người yêu chân tình, người chồng chung thủy, rất thu hút và được lòng phái nữ Việt từ thanh niên đến trung niên lẫn… cụ già. Trông giản dị hiền lành nhưng lại khá bí ẩn, kín tiếng, cùng vẻ buồn buồn cố hữu trên gương mặt, tất cả tạo nên phong cách cũng như sức hấp dẫn cho anh.
Thuở mới đi hát, Quang Dũng nhìn chân quê như gốc gác của anh. Đám tang nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Dũng giản dị quần jeans áo sơ-mi nép bên vệ đường cùng đám đông nhìn theo xe tang, chứ không có “quyền” cùng đi theo đoàn thân hữu như những ca sỹ nổi tiếng thời bấy giờ.
Sau hơn 10 năm đi hát, Quang Dũng bây giờ vẫn quần jeans áo sơ-mi, dĩ nhiên không còn giản dị nữa, mà chăm chút khá kỹ lưỡng, đơn giản mà thanh lịch, điệu đà mà nam tính. Trên sân khấu, anh ăn mặc rất đẹp, lịch sự, bảnh bao.
Chỉ khi biểu diễn với những động tác hình thể, anh mới lộ ra cái dáng lòng khòng hơi quê quê không lẫn vào đâu được. Dù đã là ngôi sao ăn khách của showbiz Việt, với người viết, Quang Dũng vẫn là anh chàng tỉnh lẻ bảnh trai, còn có hiền lành như xưa không thì… không biết.
Giọng hát – ngậm sỏi rót mật
Trời cho Quang Dũng chất giọng nam trung hơi trầm (bass-baritone) ấm áp bắt tai, có thể nói là nồng nàn, mang chút vị nắng gió, vị biển cát miền Trung mặn mòi, mộc mạc, tưởng cứng mà lại mềm, gắt rồi lại dịu.
Giọng hát anh cũng như gương mặt anh, cứ buồn buồn, già hơn tuổi, chất chứa đầy nỗi niềm, nên anh chỉ hợp với những ca khúc trữ tình tự sự, càng da diết sẽ càng “ăn”, như những bài hát của nhạc sỹ “ruột” Diệu Hương, một số ca khúc Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, những tác phẩm vượt thời gian…
Khán giả của anh – những quý bà quý cô chiếm đa số – cho rằng anh là giọng ca nam hay nhất nước, đầy nam tính, ngọt ngào truyền cảm, nghe như rót mật vào tai, ru ngủ tâm hồn thiếu nữ lãng mạn…
Tuy nhiên, giới chuyên môn âm nhạc ít người thích giọng anh. Quang Dũng hát có cái hồn, cái tình, cảm xúc riêng của anh, nhưng về kỹ thuật thì hầu như là… con số 0, rất bản năng.
ếu hát bản năng mà tự nhiên thuận tai thì không sao, ngược lại, Quang Dũng phát âm thô – có lẽ vì gốc miền Trung, nặng và đơ do quai hàm bị cứng, hát nghiến chữ nghe rất khó chịu đối với những tai nghe khó tính. Có người bảo Quang Dũng hát giống như ngậm sỏi đầy miệng, rất vất vả mới phát ra được một từ, mà lại bị méo tiếng.
Một giáo viên thanh nhạc uy tín từng đánh giá trường hợp Quang Dũng là… bó tay vì quai hàm đã quá cứng, không thể khắc phục. Ngoài ra, giọng anh còn bị bí trong cổ họng, không thoát ra ngoài được.
Điều lạ là thuở mới đi hát, giọng anh nghe nhẹ và mềm, như trong album đầu tay “Biển nghìn thu ở lại”, nghe tình cảm và khá dễ chịu, nhưng hát càng lâu giọng càng nặng và cứng, có thể do sai lầm trong kỹ thuật không được sửa chữa kịp thời, lâu ngày thành quen, thành luôn phong cách riêng (!)
Bằng giọng hát bị chê tả tơi như vậy, anh vẫn nổi tiếng, chiếm được tình cảm của rất đông khán giả, điều này thì ngoài ngoại hình, phải ghi công cho cảm xúc của anh chuyển tải qua giọng hát đến với những người đồng cảm, bất chấp lỗi kỹ thuật lồ lộ. Ngậm sỏi rót mật là thế!.
Phong cách âm nhạc – trữ tình và… thiếu cá tính
Quang Dũng được người hâm mộ cho là ca sỹ dòng nhạc sang, tuy nhiên thực tế chưa hẳn đã vậy. Anh lửng lơ giữa hai dòng nước, nói là bình dân thì hơi tội, nhưng cho là đẳng cấp lại hoàn toàn không xứng đáng.
Cho đến hiện tại, trong số gần 20 album kể cả trong nước lẫn hải ngoại, có lẽ album nghe được nhất của Quang Dũng lại là sản phẩm đầu tay “Biển nghìn thu ở lại” phát hành năm 2001, trong đó có 3 bản hit “Biển nghìn thu ở lại” (Trịnh Công Sơn), “Còn ta với nồng nàn” (Quốc Bảo) và “Vì đó là em” (Diệu Hương) đưa anh thành sao.
Loạt album chủ đề một chữ Chuyện, Khi, Ta, Yêu, Em, Nguyệt, Và, Xuân… mà anh đầu tư công phu về… thiết kế bìa, còn nội dung thật sự là một mớ lẩu thập cẩm âm nhạc, đủ loại ca khúc của đủ dạng nhạc sỹ từ sang đến sến, xưa rồi nay, hòa âm phối khí đa phong cách, dễ dãi và không hề gây ấn tượng về mặt nghệ thuật. Có cảm giác Quang Dũng vơ vét hết những ca khúc nghe được của nhạc Việt và tạo thành một loạt album, tranh thủ lúc còn nổi để bán đĩa, chạy show lưu diễn.
Vì vậy, khó mà nói rõ về phong cách âm nhạc của Quang Dũng, đành là trữ tình đấy, cũng hát nhạc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phú Quang, Việt Anh… sang trọng đấy, dù nghe hơi quê quê, nhưng cũng tạm ổn, thì đến tiết mục sau đã nghe anh hát nhạc đồng quê sên sến, rồi màn sau nữa lại thấy anh nhảy khuều khoào trên sân khấu trong một bài sôi động chẳng hề hợp với anh. Tinh thần âm nhạc không hề nhất quán, hoàn toàn không thiết lập một phong cách mang dấu ấn riêng của cá tính người nghệ sỹ.
“Khi” – album nhạc sôi động có vẻ là sản phẩm được Quang Dũng chú ý đầu tư để làm mới bản thân, nhưng… thất bại, vì như đã nói, giọng hát, âm sắc, cảm xúc và tâm thế của Quang Dũng không hề hợp với nhạc tiết tấu nhanh.
Hay album “Em” là dự án Quang Dũng song ca cùng 10 nữ ca sỹ nổi tiếng, nếu thực hiện tốt sẽ rất đáng chú ý, tiếc thay lại là một sản phẩm làm ẩu. Một nữ danh ca khi bị chê bài hát song ca cùng Quang Dũng trong album, đã phải thừa nhận là ca khúc ấy không hề được chăm chút về phối khí và cả thu âm.
Từ khi hợp tác với diva Hồng Nhung ra 2 album và 2 liveshow cùng tên, Quang Dũng hát nhẹ nhàng tiết chế hơn. Nhìn hình ảnh anh song ca cùng Hồng Nhung trên sân khấu khá đẹp và ăn ý, lại thấy buồn cười khi nhớ đến hình ảnh anh cũng song ca, trong dự án “Vị ngọt đôi môi” với cô ca sỹ búp bê, hoàn toàn trái nghịch. Và tất cả đều là sự lựa chọn của anh.
Trả lời phỏng vấn, Quang Dũng bộc bạch: “Là một ca sĩ, tôi không cho phép mình thỏa mãn. Thỏa mãn có nghĩa là không còn khả năng sáng tạo để đem đến những điều mới mẻ cho khán giả và cho chính mình”.
Tuy nhiên, với những sản phẩm đã phát hành thì có thể đánh giá rằng Quang Dũng khả năng sáng tạo trong âm nhạc của anh còn giới hạn, dù anh muốn làm mới và rất hay làm mới. Có lẽ làm mới, đối với anh là thu âm và phát hành bất cứ ca khúc nào anh chưa từng hát chăng?!
Dù sao đi nữa, Quang Dũng đã thành danh, bằng khả năng và những nỗ lực tự thân chứ không hẳn đã được tập trung lăng-xê nhờ công nghệ, tiền bạc hay scandal như một số ngôi sao khác.
Có thể phác thảo công thức nổi tiếng của anh như sau: ngoại hình sáng sân khấu + giọng hát hay vừa phải + hát nhạc sang + cảm xúc cá nhân + may mắn. Tưởng là đơn giản, nhưng thực ra, nhìn lại nền nhạc nhẹ Việt mới thấy, không nam ca sỹ nào cùng dòng nhạc hội tụ đầy đủ những yếu tố trên một cách nổi bật như anh.
Sau hơn 10 năm ca hát, Quang Dũng vẫn còn được rất nhiều khán giả yêu mến, dù thị trường của anh đã bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh của những nhân tố mới trẻ trung hơn. Tuy nhiên, nếu không có động thái tích cực với nghề để lưu lại dấu ấn nghệ thuật thực sự, ánh hào quang Quang Dũng sẽ dần mờ nhạt trong một tương lai gần.
Nhưng liệu bản thân anh có muốn làm gì to tát, khi đã có một căn nhà lớn đẹp đẽ, cơ sở kinh doanh ra tiền và lượng khán giả đủ để chạy show tù tì dăm bảy năm nữa?
Thực hiện: Tường Minh