Quảng Châu phiêu lưu ký

Bắt đầu từ buổi trình diễn thời trang của “tín đồ mua sắm” Diễm Chi trong chuyến đi Phan Thiết hồi tháng Tám, các thành viên phía Nam quyết định tạm xa tay lái mấy ngày đi Quảng Châu một chuyến shopping cho chán thì thôi!

Thật ra thì ý tưởng ban đầu là… lái xe đi Quảng Châu, nhưng thủ tục khá phiền phức, trừ khi đi theo đoàn caravan. Vì thế, tới giờ G, nhóm tiền trạm theo đường hàng không xuất phát trước, hai ngày sau nhóm theo đường bộ mới lên đường, hẹn gặp nhau tại Quảng Châu ngày thứ Bảy. Cũng từ đây, chuyến “phiêu lưu” bắt đầu…

“Tới cửa thiên đường lại rơi xuống đất”

Tình hình khá căng thẳng. Khi nhóm đường bộ chưa kịp xuất phát thì đã nhận được tin nhắn của đoàn tiền trạm, nguyên văn thế này: “Hôm nay đoàn đi Macao nhưng bị kẹt lại ở cửa khẩu. Cuối cùng bị đuổi về lại Trung Quốc”.

Chưa hiểu tình hình ngô khoai thế nào, lại thêm tin nhắn: “Nhớ mang tiếp tế café Trung Nguyên hoặc Netscafé và mang thêm “tệ” nữa nhé”.

Người mẫu sang đường.

Sự thực là: Đặt chân tới Quảng Châu hôm trước thì hôm sau, nhóm tiền trạm rủng rỉnh tiền quyết định sang Macao “sát phạt”. Đường từ Quảng Châu tới cửa khẩu Macao đẹp như mơ. Hai bên đường xanh mát màu cây và hoa cỏ (thảo nào Quảng Châu còn có nickname “Thành phố hoa”). Nhưng tới cửa khẩu thì… hết mơ! Macao đi dễ khó về là đây! Vào Macao từ Trung Quốc không cần visa.

Macao lúc nào cũng “welcome” dân xài tiền hết. Họ lại biết đoàn mình toàn các nữ đại gia xài tiền như nước rửa tay nên đón tiếp các chị rất trọng thị. Mà thực ra, rất đông dân nhà ta sang Macao theo đường bộ không phải để đánh bài mà để chuyển tiền đi nước khác mua nhà (nghe nói thế!).

Nhưng vào Macao rồi thì chỉ có nước mua vé bay thẳng về Việt Nam, còn muốn quay lại Quảng Châu thì visa phải xin loại entry M (tức Multy, ra vào nhiều lần) chứ không phải loại entry Single. Buồn là không ai nắm vững luật này, lại thêm “tai” (hướng dẫn viên người Việt tại Quảng Châu) hơi bị “ấm ớ”, kết cục là cả đoàn bị giam cầm nửa ngày ở cửa khẩu.

Đói, mỏi (không cho ngồi), đống trái cây mang theo của chị Oanh còn bị hải quan cửa khẩu bẻ hết ra để kiểm tra nữa chứ! Thế là mang tiền đến Macao đánh bạc mà còn bị… đuổi về, đúng là phiêu lưu không giống ai!

Đoàn đường bộ.


Cuộc phiêu lưu thứ hai là tới quán “mì ngon, nước không ngon”. nói thẳng ra là phiêu lưu ẩm thực ở Quảng Châu

Ai chê đồ ăn Trung Quốc lắm dầu, khó ăn ở đâu không biết chứ ở Quảng Châu, bước chân ra là gặp quán ăn. Trong khách sạn cũng có restaurant, đồ ăn rất ngon và khá rẻ. Đặc biệt, đoàn ta kết quán “mì ngon, nước không ngon” nằm ngay gần khách sạn.

Cháo hột vịt bắc thảo của quán này ngon tuyệt, giá chỉ 6 “tệ” (khoảng 18.000 đồng). Mì các loại cũng rất ngon. Sợi mì so với mì Việt Nam thì hơn đứt. Chỉ có điều, nước súp không đậm đà bằng tô mì người Việt. Vì vậy, cả đoàn quyết định đổi tên quán này thành quán “mì ngon, nước không ngon”.

Quảng Châu còn có món “lẩu cháo” rất đặc biệt (ngon hay không tùy người), bởi nước lẩu lại sền sệt như nước cháo. Bồ câu quay, chim quay, vịt quay cũng rất tuyệt. Lại thêm món ca-la-thầu (củ cải muối) vô cùng hấp dẫn (đến mức thành viên nào cũng ôm khư khư một hộp để ăn dè như ăn ô mai vậy.

Xin mở ngoặc nói thêm, chị Kim Oanh, thành viên kỳ cựu của CLB tiết lộ, chị có kỹ thuật làm ca-la-thầu không thua gì nhà hàng Quảng Châu. Ai có nhu cầu, đề nghị liên lạc số điện thoại 0913 833 301.

Chị Nga… đấu khẩu với chủ quán Tàu.

Tuy nhiên, đi ăn nhà hàng Quảng Châu thì phải có “hướng dẫn viên” Nga Sài Gòn (có biệt danh này vì trong đoàn còn có một Nga Hà Nội). Nếu không, phải vào nhà hàng nào có ảnh chụp, cứ xem ảnh mà chỉ món, nhưng cũng có khi nhầm to vì hình một kiểu, món bưng ra kiểu khác.

Chắc ăn hơn thì sang bàn bên cạnh ngó xem người ta ăn gì, chỉ đúng như thế! Nga Sài Gòn không biết tí ti tiếng Tàu nào, nhưng chị có một thứ ngôn ngữ đặc biệt khác để “nói chuyện” với chủ quán, nói đâu ra đấy, chủ quán chỉ còn biết… nhe răng cười, nhưng đảm bảo làm đúng món yêu cầu.

Đi ăn uống ở Quảng Châu mà không có “hướng dẫn viên”, có khi cũng là vấn nạn. Chỉ vì thèm café Starbucks mà ba thành viên Kim Cúc, Thu Hương và Thủy Phạm vừa mất toi hơn 20 “tệ” taxi đi loanh quanh về lại chốn cũ! Lên taxi mà nói “Starbucks coffee”, họ lại tưởng Starbucks là… café tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Starbucks mà không biết, đúng là… nhà quê!

Và cuộc phiên lưu mà không ai tới Quảng Châu không thích, là phiêu lưu mua sắm! Là thủ phủ của Quảng Đông, tỉnh cực Nam Trung Quốc, với dân số hơn 10 triệu người, giáp ranh với xứ Cảng thơm Hong Kong và thủ đô sòng bài châu Á Macao, Quảng Châu là một vị trí chiến lược trên con đường phát triển kinh tế của Trung Quốc cả hiện tại lẫn trong quá khứ.

Vì niềm ham mê mua sắm mà các “quý bà không đi thi” không ngán chén chúc trên chiếc xe chở hàng thế này đâu. Cả xe không có ghế, chỉ có mỗi một chiếc quạt bé tí xíu.

Xưa, đây là một đầu mối cảng biển quan trọng trên Con đường tơ lụa, nối miền Nam Trung Hoa tới Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Nay, Quảng Châu là nơi tổ chức hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc – Canton Fair (hàng năm vào tháng 10 và tháng 11).

Những năm gần đây, Quảng Châu còn là một phát hiện của các tín đồ thời trang. Nơi đây được xem như một chợ chất liệu thời trang lớn nhất châu Á (hầu hết các nhà thiết kế thời trang Việt Nam đều qua đây săn hàng) và một thiên đường của hàng “fake” (hàng nhái), từ hàng thời trang đến đồng hồ, điện thoại, vật liệu xây dựng, đồ gỗ nội thất…

Không chỉ vậy, với những ai đã chán shopping, thì Quảng Châu, với bề dày lịch sử hơn 2.500 năm, còn là một nơi khám phá sự giàu có của văn hóa truyền thống Trung Hoa trong sự giao thoa với văn hóa Trung Đông và Ấn Độ.

Ở thành phố này còn nhiều ngôi chùa Phật giáo cổ xưa và những chùa Hồi giáo lâu đời nhất Trung Hoa, được xây dựng vào những năm 600 sau Công nguyên. Bảo tàng nghệ thuật Quảng Châu hiện lưu giữ hơn 10.000 tác phẩm nghệ thuật của Trung Hoa cổ và các điêu khắc Tây Tạng…
Thế nhưng, có phụ nữ nào lại chán shopping chứ?

Thử lướt qua “sổ tay” của một “tín đồ shopping” trong đoàn để biết:
1. Khu chợ sớm rẻ nhất Quảng Châu bán tất cả mọi thứ, nhưng nhiều nhất vẫn là thắt lưng thời trang.

2. Khu chợ trang sức: Bán những món nữ trang xinh xắn như dây đeo cổ, hoa tai, vòng đeo tay, bằng rất nhiều chất liệu: san hô, nhựa, mĩ kí… Ai thích mỗi ngày mang một chiếc dây đeo cổ hợp với áo mặc thì sẽ thích khu chợ này.

3. Khu bán quần áo: Đồ nam dễ mua hơn. Giá từ 30 – 35 tệ/chiếc áo sơ-mi. Áo phông nam thì từ 25 tệ trở lên. Tuy nhiên, mua đồ nữ thì hơi khó, vì thời trang Trung Quốc tương đối kinh dị đối với phụ nữ Việt Nam.

4. Chợ đồng hồ và bút: Đồng hồ của Trung Quốc copy hàng hiệu và cực kì tốt. Có vô cùng nhiều loại để lựa chọn. Có thể mua đồng hồ đôi.

5. Chợ điện thoại, điện máy: Máy điện thoại hàng chính hãng (Nokia, Samsung, Iphone…) rẻ hơn ở nhà từ 1 triệu đến 3,5 triệu đôâng. Nếu có đi Thẩm Quyến thì tới khu chợ bán hàng ăn cắp mua điện thoại, máy ảnh sẽ rẻ hơn nữa. Điện thoại Trung Quốc cũng rẻ và tốt.

6. Khu IKEA: Khu này bán đủ thứ, là những hàng làm theo tiêu chuẩn của IKEA toàn cầu nhưng đặt hàng ở khắp mọi nơi. Kinh nghiệm cho thấy, tiêu nhiều tiền nhất ở khu này.

7. Chợ đêm, hay còn gọi là phố đi bộ Bắc Kinh Lu. Có thể mua tất cả mọi thứ, có bán cả hàng hiệu, và hàng cao cấp.

8. Chợ phụ kiện đồ chơi ôtô: Rất nhiều thứ có thể mua.

Đoàn đường bộ ăn tối ở Bằng Tường.

>>> Kết quả bầu chọn cuối chuyến đi
– Quý bà tiêu tiền dữ dội nhất: Chị Diễm Chi (kỷ lục 3 ngày mua sắm hết 25.000 tệ, tương đương 75 triệu đồng và vẫn không dừng lại. Ai ngó qua phòng quý bà này vào cuối ngày thì chỉ có… ngất).

– Quý bà ham khám phá thứ mới lạ nhất: Chị Kim Oanh (chị là người duy nhất trong đoàn đi núi Đổi Vận, nhưng kết quả là xin không đổi gì hết. Chị cũng là người chịu khó xếp hàng gần 2 tiếng đồng hồ ở nhà hàng “dim sum” vì nghe nói là rất ngon. Chị hầu như không mua sắm gì nhưng cũng tiêu hết sạch tiền vì thú khám phá).

– Quý bà mua đồ “choáng” nhất: Chị Kim Cúc (thay vì mua đồ thời trang như hầu hết chị em, chị Cúc rút túi hơn 20 triệu đôâng để mua vị thuốc quý “đông trùng hạ thảo”, nghe nói cực kỳ bổ dưỡng, để làm quà cho ông xã. Vì hành động “cao cả, vì người khác” này, cộng thêm công tha vác từ miến, trà đến rau xanh từ Quảng Châu về Việt Nam, chị xứng đáng nhận danh hiệu Quý bà đảm đang).

– Còn lại, tất cả đều được nhận danh hiệu khuyến khích: Những quý bà ham vui nhất!
 
                                                                            Bài: Thủy Phạm


From the same category