Quản trị nhân hiệu, hay chuyện đàn dê qua sông - Tạp chí Đẹp

Quản trị nhân hiệu, hay chuyện đàn dê qua sông

Review

Đây là một câu chuyện vẫn được lấy ra để làm ví dụ về việc người ta luôn cần những chuẩn mực để làm theo. Nếu không có Phật, không có Jesus, không có các ngôi sao, các thần tượng, nhiều người biết dựa vào ai?

Không nổi trội là có tội

“Đã sinh ra trong trời đất, phải để danh gì với nước non”. “Hổ chết để da,  người ta chết để danh”… Vậy nên, con người ta phải xây dựng nhân hiệu, phải nổi tiếng. Trong bất cứ ngành nghề nào cũng phải nổi tiếng. Không nổi trội, nổi bật thì không có đường sống. Người bệnh chỉ muốn tìm tới bác sĩ giỏi nhất, học trò luyện thi chỉ muốn tìm tới ông thầy nói “qua loa” cho hàng ngàn học trò. Ca sĩ nổi tiếng thì lịch diễn kín mít, cát sê hàng trăm triệu, còn không thì chỉ lâu lâu mới được đi hát bar. Bản chất con người là như thế, và không có gì sai trong chuyện đó cả.

 

Bài giới thiệu về “Quản trị nhân hiệu” của TS Phan Quốc Việt sẽ khép lại chùm bài về “Văn hóa của thần tượng của mục Giải trí, Đẹp online. Qua bài viết này, TS Việt “tròn” đã phác thảo sơ lược về những lý do để người nổi tiếng nói riêng và mỗi người nói chung đều cần có nhân hiệu của riêng mình, cũng như những cách thức để có được dấu ấn riêng biệt một cách văn hóa nhất, đẹp đẽ nhất.

Điều nguy hiểm nhất hiện nay là có nhiều người bảo: Tôi chả cần nhân hiệu. Nếu anh không có nhân hiệu thì anh đã có tội. Anh tốt, anh hay mà anh không đi biểu diễn, lại để những người xấu phô diễn, như thế là anh có tội. Anh không đi cống hiến mà ngồi công kích người khác là rất có tội.

“Nhân” là cái giá trị, cái bản chất, cái gốc, còn “hiệu” là dấu hiệu nhận biết. Giấy gói bên ngoài rất quan trọng, nhưng cái bánh bên trong không ngon thì người ta không quay lại mua nữa. Cái cây mọc nhanh quá bằng thuốc kích thích thì thực sự rất độc hại.

Ba yếu tố của nhân hiệu là: độc đáo (đặc sắc, nổi trội), nhất quán và mang lại giá trị. Rất nhiều người nổi tiếng ở Việt Nam không làm được đầy đủ cả ba yếu tố này trong việc xây dựng nhân hiệu. Rất nhiều ngôi sao vụt nổi lên rồi lại vụt tắt.

Cách duy nhất để giữ đẳng cấp là liên tục nâng đẳng cấp, nhưng nhiều người, có lẽ do ngẫu hứng, do may mắn, mà họ nổi tiếng. Giờ đã nổi tiếng rồi, họ muốn giữ được sự nổi tiếng mãi, nên phải dùng scandal này, chiêu trò kia để thu hút mọi người. Cứ kích thích công chúng ở chỗ hở hang, tục tĩu thì không mang lại giá trị cho xã hội, không thể có nhân hiệu. Là người làm văn hóa, người của công chúng, là thần tượng dẫn dắt đám đông, người nghệ sĩ phải như con tằm rút ruột nhả tơ, “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Nhân hiệu còn là sự kết hợp giữa ba điều: “tôi”, “đồng đội” và “xã hội”. “Tôi” là cái bẩm sinh, người ta nên cố đúng cái số, rèn đúng cái gen, tu luyện đúng cái thiên phú của mình, nhưng cũng phải nhìn xung quanh, xem cái tài nhất của mình có vượt qua được “đồng đội” không, có phù hợp với nhu cầu của “xã hội” hiện tại không? Trên đời này có những người, theo quan điểm chung là rất tốt, rất có trách nhiệm, ai bảo gì cũng làm, ai nhờ gì cũng giúp, nhưng theo tôi, đó là sự tử tế… đểu cáng. Vì họ sẽ chẳng giúp được ai đến nơi đến chốn, họ sẽ có trách nhiệm một cách rất vô trách nhiệm, vì những việc họ làm không phải là cái thiên phú, cái gen, cái trời cho của họ.

Thêm vào đó, muốn nổi trội, xuất sắc, người ta phải tập trung vào một thứ thôi. Tập trung nhiều khi vẫn là chưa đủ, chăm chỉ nhiều khi vẫn còn thiếu, phải dịch chuyển từ tập trung-kiên trì-chăm chỉ lên trọng tâm-kiên định-quyết liệt đến cùng để tạo kết quả xuất sắc vượt trội.

Cái gì dễ đến thì dễ đi

Tôi thấy tất cả những gì xã hội đang làm đều có ý nghĩa, kể cả những scandal, phát ngôn, hành động gây sốc cũng có ý nghĩa: chúng tạo ra dư luận xã hội, tạo ra tâm điểm để mọi người đều quan tâm, đó là sự khiêu khích để người ta dấy lên một cuộc tranh luận nhằm làm cho mọi thứ được rõ ràng hơn. Scandal, nhìn chung, là tốt chứ không phải xấu.

 

Những người đang tạo scandal, chiêu trò bây giờ cũng không phải là họ không biết cách xây dựng nhân hiệu. Tuy vậy, một đằng phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt để được nổi tiếng, một đằng sẽ nhanh chóng được biết tới một cách khá dễ dàng, nên họ lựa chọn con đường thứ hai. Mặc dù vậy, nếu cứ ăn mỏng, hớt váng, chụp giật như thế, người ta chỉ “đánh quả” được một thời gian ngắn thôi.

Tôi rất thích hai câu tiếng Anh: “Easy come, easy go” – cái gì dễ đến thì dễ đi, và “No free lunch” – không có gì là miễn phí cả. Tôi vẫn nhớ Mỹ Linh ngày xưa, lúc mới nổi tiếng, lúc đó chị ăn mặc lôi thôi lắm, nhưng hát rất nhiệt tình. Bây giờ chị nổi tiếng rồi, chị vẫn đến nhà tôi chơi, ngồi xuống chiếu, ăn lẩu và hát mê mẩn. Hàng ngày chị vẫn khổ luyện. Trường hợp của Hương Tràm cũng thế. Ban tổ chức cuộc thi The Voice nên quay lại các video Hương Tràm từ vòng 1, vòng 2, tới tứ kết, bán kết, chung kết, để cô bé luôn nhớ mình đã phải trải qua những gì, nhờ những ai để có được ngày hôm nay. Tôi nghĩ, muôn đời vẫn thế thôi, phải khổ luyện thì mới thành tài, phải hiến tài thì mới hái tiền được.

Đa số chúng ta chết vì quên mất “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, cái thuở lấy mồ hôi nước mắt để tạo nên danh tiếng. Nếu bạn “bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ nã đại bác vào đầu bạn”. Bạn đã khổ luyện bao lâu để được 1 phút huy hoàng? Thế mà bây giờ bạn chỉ muốn khoe hàng để được xếp hạng. Nếu khoe hàng thì nên sang Thái, xuống Đồ Sơn! 

 

Nghe trường hợp của Siu Black mà tôi thấy đau lòng mãi. Siu Black đi làm kinh doanh cũng giống như Đặng Lê Nguyên Vũ đi hát vậy. Phải phát huy cái tài năng của mình, chứ đừng có tham cái gì của người khác. Điều quan trọng nhất là phải tìm được sứ mệnh của mình. Tới tận 50 tuổi, tôi mới tìm được sứ mệnh của tôi, đó là đi dạy học, giúp người ta khai sáng và khẳng định tài năng.

Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phản ứng lại với lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có lẽ là một điển hình mà theo đánh giá của nhạc sĩ Tuấn Khanh: đó chỉ là giọt nước làm tràn ly của một nền giải trí son phấn. Vụ việc này là cơ hội để nhiều “sao” Việt bộc lộ cách ứng xử khôn khéo hoặc thiếu văn minh, văn hóa; và đây cũng là dịp để một lần nữa nhiều người nhìn nhận và bình luận về văn hóa của các thần tượng ngày nay.   

Chùm bài “Văn hóa của thần tượng” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả những quan điểm, góc nhìn khác nhau về vấn đề này.  Không chỉ dừng lại ở thực trạng chung của làng giải trí hiện nay, chùm bài rất mong cuộc tranh luận dần được mở rộng về chủ đề đạo đức và văn hóa ứng xử của mỗi người.

Bài liên quan:

Có một thứ văn hóa nghệ sỹ
TS Phan Quốc Việt: “Nhiều người có văn hóa đang rất… vô văn hóa”
Thần tượng Việt thiếu văn hóa, lỗi tại… mô hình?
“Bỏ đá xuống giếng” chuyện nghệ sĩ “làm hàng”

Tổ chức: Linh Hanyi

 

Bài: TS Phan Quốc Việt 

Linh Hanyi (ghi)

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

10/09/2013, 11:51