Quá tải đăng ký trợ cấp thất nghiệp - Tạp chí Đẹp

Quá tải đăng ký trợ cấp thất nghiệp

Tin Tức

3 lần đi, hơn 2 tháng chờ

Tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào những ngày đầu tháng 7.2012, lượng người đến đăng ký TCTN rất đông.

Từ sáng sớm, anh Trần Văn Hoàng, nhà ở Q.Gò Vấp, đã lặn lội xuống Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM (TT) để đăng ký TCTN. Anh Hoàng cho biết: “Tìm được nơi đây đã khó vì khu vực này có một địa chỉ nhưng nhiều cơ quan, vào gửi xe, chờ lấy số thứ tự càng khó hơn vì quá đông người. Tôi đợi từ sáng đến giờ (9 giờ 45) mới lấy được phiếu đăng ký, thiệt vất vả”.


Chen chúc khai báo tình trạng việc làm trong thời gian hưởng TCTN – Ảnh: Ngọc Duyên

Anh Nguyễn Quốc Bảo, nhà ở quận 9, đến TT chờ lấy số thứ tự từ sáng, đến 10 giờ mới lấy được số nhưng nơi đây hẹn chiều giải quyết vì buổi sáng đã kín chỗ. Thở dài, anh Bảo nói: “Mất việc đã khổ, để hưởng được đồng tiền TCTN càng khổ hơn”. Anh Bảo làm việc cho một công ty tại khu công nghiệp Biên Hòa, sau khi thôi việc, anh xin hưởng TCTN tại Đồng Nai nhưng nơi đây chuyển về TP.HCM. Biết người đến làm thủ tục đông, anh đã tranh thủ đi sớm, vậy mà…

Cầm trên tay quyết định hưởng TCTN, chị Nguyễn Thị Hồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) mừng hớn hở. Vừa quệt mồ hôi, chị vừa cười: “Mình phải đi lại 3 lần trong hơn 2 tháng mới cầm được quyết định, thẻ ATM”. Gặp chồng đang ẵm đứa con gái 9 tháng tuổi ngồi đợi trước cửa, chị Hồng như ứa lệ. Chị kể, chị làm công nhân cho một doanh nghiệp tại Q.Gò Vấp, lương tháng hơn 1,5 triệu đồng, bây giờ dù chỉ nhận được hơn 800.000 đồng tiền trợ cấp thất nghiệp/tháng nhưng vẫn phải cố công đi. “Ít còn hơn không, dù sao cũng có tiền để mua sữa cho con trong thời gian chờ việc mới”, chị Hồng tâm sự.

Tại các văn phòng đại diện (VPĐD) của TT ở các quận, huyện, tình trạng cũng tương tự. Chị Hà Thị Yến, nhà ở Q.7, trước làm công nhân khu chế xuất Tân Thuận, nói: “Tôi đến đây từ sớm để nhận quyết định mà đến gần trưa mới có”. Chị Yến làm thủ tục xin hưởng TCTN cách đây hơn 2 tháng và đã đến đây lần thứ 4 mới nhận được kết quả. “Vậy là nhanh rồi, có người còn đi lại nhiều lần, kéo dài vài tháng, khổ lắm”, chị Yến nói.

Mở thêm văn phòng

Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc TT, 6 tháng đầu năm 2012 có 79.453 người đăng ký trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải về tình trạng này, ông Thắng nói: “Do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên một số giải thể, một số thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Trước câu hỏi liệu có đủ tiền để chi trả cho người thất nghiệp và làm thế nào để thoát khỏi tình trạng quá tải như hiện nay, ông Thắng cho biết: “Theo số liệu của Cục Việc làm thì quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đủ chi trả và an toàn dù số người đăng ký tăng. Để hạn chế việc quá tải, ngoài TT là điểm đăng ký chính, chúng tôi đã mở 6 VPĐD ở Củ Chi, Hóc Môn, Q.7, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Bình và sắp tới sẽ mở thêm tại Q.2, đồng thời tăng cường thêm nhân lực. Hiện nay, Cục Việc làm đang nghiên cứu đăng ký trợ cấp thất nghiệp qua mạng nhằm hạn chế tình trạng quá tải, đi lại”. Ông Thắng nhắn nhủ: “Để tránh tình trạng đi lại xa xôi, mất nhiều công sức, thời gian, người lao động hãy đến VPĐD của TT gần nhất để đăng ký, đừng tập trung đăng ký vào  ngày thứ hai và thứ sáu, nên đi vào giữa tuần, buổi chiều để tránh tình trạng quá tải, chờ đợi lâu như hiện nay”.

Khó tránh nhiêu khê

Trước những than phiền của người thất nghiệp  về thời gian giải quyết hưởng TCTN quá lâu và sự phiền hà khi hằng tháng phải đến TT khai báo đã tìm được việc làm hay chưa trong thời gian hưởng TCTN, ông Nguyễn Cao Thắng cho biết: “15 ngày sau khi đăng ký TCTN tại TT, sổ bảo hiểm xã hội mới được chốt. Sau khi nhận đủ hồ sơ, các VPĐD tập hợp gửi về TT, TT kiểm tra hồ sơ, làm thẻ ATM, bảo hiểm y tế, ban hành quyết định, đưa lên Sở chờ ký, đóng dấu, sau đó photo chuyển về VPĐD để nơi này trao cho người thất nghiệp.


Quá trình này kéo dài hơn 45 ngày, ấy là chưa kể thời gian gần đây người đăng ký tăng cao, hồ sơ nhiều nên thời gian kéo dài là khó tránh khỏi. Việc người dân phải đến TT đăng ký hằng tháng là quy định bắt buộc, là cơ hội để người thất nghiệp gặp gỡ với TT, qua đó TT có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó tư vấn giúp họ tìm được một công việc mới phù hợp, sớm tham gia trở lại thị trường lao động”.

Theo Thanh Niên

Thực hiện: depweb

05/07/2012, 13:07