Quà sếp, quà lính, cái sáng tạo, cái không sáng tạo - Tạp chí Đẹp

Quà sếp, quà lính, cái sáng tạo, cái không sáng tạo

Review

Đó là Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí. Ngoài các mục xây dựng nếp sống văn minh, tiết kiệm trong các dịp lễ lạt, hội hè, việc cưới, việc tang… còn có mục cấm tặng quà Tết cho sếp, nhấn mạnh “không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp tết và xuân Quý Tỵ”. Không lấy của công trái quy định, của riêng thì tùy.

 

Tết nhất sắp đến, có yêu quý sếp mấy, kiểu này cũng hơi kẹt. Đã có văn bản “nghiêm cấm” mà vẫn cố tình thể hiện “trên mức tình cảm”, nhất là vác của công đi làm công tư, kẹt nữa.

Rõ là cấm lính tặng quà cho sếp, không thấy cấm sếp nhận quà. Và sếp không bị cấm tặng quà cho lính.

Tết này hẳn sếp hẻo quà. Kinh tế khó khăn, lương lính còn không biết kịp không, nói chi thưởng. Ồn ào, đồn đoán, cá độ về thưởng Tết đã lâu lâu, nay đến các đại gia cũng chỉ mới hứa cố gắng có lương tháng 13, thưởng Tết chưa thấy chém gió.

Tết không quà cũng ngại, có cũng mệt. Quà trên, quà dưới như hai dòng lễ lạt. Lính lo biếu sếp như cổ xưa, cám ơn thời đã qua, nhắc nhở thời sắp tới. Sếp có quà cho lính như còn mới mẻ. Thời nay hay “Đông Tây y kết hợp”, lo trên dưới, trong ngoài, lo được thì vui, không thì oải như nợ mỗi năm đến hẹn…

Tết không “lì xì” xem ra cũng kỳ kỳ. Nhưng lì xì đến mức ngại và lo thì hết vui. Chả ai đòi, cứ đi chúc Tết mà dắt theo trẻ nhỏ là biết rồi đấy. Trẻ con không đòi, cũng không từ chối, không thoái thác, có khi còn xé ngay phong bao, oang oang bố cáo công khai như biện pháp tránh tham nhũng và tránh thất thu.

Cái “sáng tạo” phong tục này là quà sếp phải đưa trước mấy ngày, dày dặn cái lòng chứ không còn trọng khệ nệ. Chứ đợi đến chính Tết, lễ mới công khai đưa, là chuyện trẻ con, chỉ ngang mức tình cảm, không gọi là chính quà cho chính chủ…

Cấm là cấm cái “sáng tạo” này, nghiêm. Cái không cấm là cứ việc lì xì, tiền tươi thóc thật. Vui buồn không biết, chí ít dạy cho con trẻ từ thuở ấu thơ một phong tục truyền thống quen quen, là lạ: biết hổn hển chờ, khéo chúc tụng, đong đưa nhắc nhở…

Trần Giang Phương

Thực hiện: depweb

02/01/2013, 11:37