Thí sinh thi trong 4 ngày
Do số lượng thí sinh đăng ký lớn nên Đại học Quốc gia Hà Nội đã phải tăng số ngày thi lên 4 ngày (từ 30/5 đến 2/6) thay vì chỉ 2 ngày (30 và 32/5) như dự kiến ban đầu. Tùy theo số lượng thí sinh, các cụm có thể có từ 2 đến 8 ca thi.
Thí sinh dự thi đại học năm 2014. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Trường cũng đã quyết định việc thành lập các cụm thi của kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh đại học chính quy đợt một. Theo đó, có tất cả 9 cụm thi.
Cụ thể, ở Hà Nội có 3 cụm thi với 32.690 thí sinh tại 11 điểm thi tại các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thăng Long, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Công nghiệp Hà Nội và trường Cao đẳng thực hành FPT.
Các cụm thi còn lại tại Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh Đại học Chính quy năm 2015, trường đã gửi giấy báo dự thi cho thí sinh từ ngày 24/4. Dự kiến, thời gian thí sinh nhận được giấy báo thi là từ ngày 5 đến ngày 10/5. Những thí sinh chưa nhận được hoặc có thắc mắc về giấy báo dự thi có thể liên hệ theo 2 số điện thoại 04.66759258 / 04. 62532741.
Thí sinh cũng có thể truy cập website http://cet.vnu.edu.vn của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội để xem các thông tin dự thi của mình.
Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính thay vì thi trên giấy như truyền thống. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Biết điểm trước khi rời phòng thi
Năm 2015, Đại học Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh hoàn toàn riêng biệt, không sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và không xét tuyển theo học bạ.
Cụ thể, thí sinh dự tuyển vào trường sẽ làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức trong hai đợt, tháng Năm và tháng Tám.
Bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần với 2 phần thi bắt buộc (phần thi tư duy định lượng và tư duy định tính) và một phần thi tự chọn.
Thời gian đếm ngược được tính riêng với mỗi phần thi, nếu thí sinh hoàn thành sớm thì thời gian còn lại của phần thi trước không được cộng dồn sang phần thi sau.
Theo cấu trúc đề thi đánh giá năng lực, phần tư duy định lượng có 50 câu hỏi, thí sinh làm bài trong 80 phút. Đề thi có dạng trắc nghiệm hoặc dạng trả lời ngắn (điền đáp án vào ô trống).
Phần thứ 2 là tư duy định tính gồm 50 câu hỏi, thí sinh làm bài trong 60 phút. Đề thi phần này có dạng trắc nghiệm.
Phần 3 là phần tự chọn, gồm 40 câu làm bài trong 55 phút. Phần này thí sinh sẽ được lựa chọn một trong hai phần là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội.
Riêng đối với Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh phải làm thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, thí sinh có thể làm quen với dạng thức của bài thi đánh giá được năng lực bằng việc tham gia thi thử miễn phí trên trang thông tin điện tử của Đại học Quốc gia Hà Nội tại địa chỉ http://www.vnu.edu.vn.
Trường cũng phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel để giới thiệu đề thi thử tại địa chỉ http://www.viettelstudy.vn.
Khi kết thúc làm bài, thí sinh có thể biết kết quả dự thi của mình, máy tính sẽ in kết quả và thí sinh sẽ ký xác nhận vào đó trước khi rời phòng thi.
Trên cơ sở kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực, trường sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống thấp.
Sau đợt một, trường vẫn còn có đợt thi thứ hai vào tháng Tám. Vì thế, những thí sinh muốn dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn còn cơ hội dự tuyển. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi đợt hai của trường từ ngày 20/6 đến 10/7.
Theo: Phạm Mai/Vietnamplus