Xin được tiếp sức
“Đề nghị Chính phủ hỗ trợ” vẫn là cụm từ được nhiều lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT – vốn được ví như những quả đấm thép của nền kinh tế) nhắc tới tại buổi làm việc với Thủ tướng sáng 16/1. Lý do đưa ra là trong bối cảnh khó khăn chung, nhà nước vẫn nên tiếp tục “trợ sức” để các DNNN lớn thực hiện các nhiệm vụ đầu tư lớn. Lãnh đạo nhiều DN cũng cam kết bằng các thành tích vượt bão suy thoái của năm cũ.
Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc TĐ Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) phàn nàn, năm 2012 chứng kiến sự sụt giảm mạnh sản lượng, xuất khẩu giảm cả lượng và giá.
Mặc dù vậy, TKV vẫn đảm bảo việc làm cho lao động, với mức thu nhập 7,4 triệu đồng/tháng. TKV cũng đảm đương nhiều dự án lớn của quốc gia như dự án bô-xit Tân Rai đã có khoảng 100 tấn alumin chuẩn bị bán ra thị trường.
Bàn kế hoạch năm 2013, vị lãnh đạo ngành than phản ánh, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó do suy giảm các ngành liên quan đầu ra.
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ TKV trong vấn đề lộ trình giá bán than cho điện, thuế tài nguyên và hoàn thuế VAT đối với than xuất khẩu, cũng như trong vấn đề bảo lãnh vay vốn nước ngoài”, ông Chuẩn đề đạt.
Chủ tịch TCT cổ phần Vinaconex Nguyễn Thành Phương cũng lên diễn đàn trải lòng “năm vừa qua rất khó khăn với thị trường bất động sản. Năm nay sẽ tiếp tục khó khăn lớn hơn nữa, nhất là tình trạng tồn kho”.
Tuy nhiên, ông Phương vẫn đề xuất, năm 2013 Vinaconex muốn tiếp tục được đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia. “Chúng tôi đặt mục tiêu 23-25 nghìn tỷ đồng doanh thu và 1,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận”, ông Phương nói.
Được mời phát biểu, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch TCT Hàng không Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi tập trung vào vấn đề điều hành linh hoạt, bám sát thị trường, không tăng lao động mà cơ cấu lại nguồn lao động để chuyển đổi việc kinh doanh”.
Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có 80% phi công trẻ người Việt được đưa vào hoạt động thay thế phi công người nước ngoài (hiện nay phi công Việt chỉ chiếm 56%). Ngành đã có kế hoạch phát triển mở rộng đường bay quốc tế, như các tuyến Hàn Quốc – Đà Nẵng. Cuối quý 1 năm nay sẽ có đường bay Moscow – Cam Ranh.
Ông Thanh cam kết sẽ tái cơ cấu tổ chức sản xuất để giảm chi phí nhưng vẫn phát triển tốt. Đồng thời, ông cũng tranh thủ “xin” các cơ chế đặc thù, nhất là về tiếp cận đất đai.
Chỉ 1/5 tập đoàn lãi cao
Chủ tịch Vinaconex Nguyễn Thành Phương: Năm nay sẽ tiếp tục khó khăn với thị trường bất động sản
Thực tế, bối cảnh khó khăn của 2013 đã được chứng minh bằng việc hầu hết các “quả đấm thép” đều cắt giảm chỉ tiêu kinh doanh.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư tại hội nghị cho thấy hầu hết TĐ, TCT đều có những điều chỉnh thực tế, thận trọng hơn.
Với khối 73 TĐ, TCT 100% vốn nhà nước, năm nay, các chỉ tiêu kế hoạch về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản đều dự kiến cao hơn số thực hiện năm cũ, tuy nhiên, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách đều giảm.
Đáng chú ý, doanh thu đặt ra chỉ đạt 95,8% so với thực hiện năm 2012, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách chỉ đạt khoảng 79% so với thực hiện năm 2012.
Tính theo khối các bộ quản lý ngành thì khối TĐ, TCT thuộc Bộ Công Thương có mức độ giảm sút về kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách lớn nhất, nguyên nhân chủ yếu là do TĐ Dầu khí dự báo giảm mạnh về doanh thu, đạt 85%, lợi nhuận đạt 61%, nộp ngân sách đạt 77% thực hiện năm 2012.
Khối 8 TĐ kinh tế cũng có sự suy giảm chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách. Ngoài Dầu khí, các TĐ Bưu chính – Viễn thông, Công nghiệp cao su đều ước kế hoạch nộp ngân sách 2013 giảm tương ứng là 97% và 90% so với thực hiện năm 2012.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, xu hướng suy giảm về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2013 là khá rõ ràng, có khả năng sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Bộ cũng cho hay, năm 2012, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT 100% vốn nhà nước chỉ đạt 14,84%, giảm 4,16% so với năm cũ.
Trong tổng số 73 đơn vị, nhóm các tập đoàn lãi cao (trên 20%) chỉ chiếm 23%.
Điều chỉnh quyền đối với TĐ, TCT
Chính phủ vừa ban hành nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, các quyền của Thủ tướng với TĐ, TCT được điều chỉnh.
Theo đó, Thủ tướng trực tiếp thực hiện 4 quyền quan trọng của chủ sở hữu, chủ yếu liên quan đến những quyết sách mang tính chiến lược phát triển dài hạn: quyết định thành lập, tổ chức lại, mức vốn điều lệ và thay đổi vốn điều lệ, bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng thành viên, phê duyệt chiến lược kế hoạch sản xuất và kế hoạch đầu tư 5 năm…
Số lượng các DN do Thủ tướng trực tiếp thực quyền chủ sở hữu giảm từ 21 TĐ, TCT 91 xuống còn 9 TĐ và 1 TCT. Gồm: TĐ Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp Than khoáng sản, Bưu chính – Viễn thông, Công nghiệp tàu thủy, Dệt may, Viễn thông quân đội, Hóa chất, Cao su và TCT đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.
Nghị định cũng “trao” thêm nhiều quyền cho các bộ quản lý ngành. Đó là quyền bổ nhiệm tổng giám đốc, cho vay mua bán tài sản…
Theo Vietnamnet