Quá đà khi “tiễn năm cũ” - Tạp chí Đẹp

Quá đà khi “tiễn năm cũ”

Sức Khỏe

TS.BS. Lê Nguyễn Trung Đức Sơn (Giảng viên thỉnh giảng Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) kể lại trường hợp của ông N.T.D (50 tuổi, Q. Tân Bình) phải nhập viện cấp cứu đúng vào đêm giao thừa trong tình trạng đau bụng, nôn ói và huyết áp tăng cao. Vì mắc bệnh đái tháo đường, ngày thường, ông D. luôn tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị, ăn uống, vận động do bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, vào dịp tất niên rồi, chỉ vì không thể từ chối tiệc tùng, ông D, đã phá lệ, cho phép mình ăn uống thoải mái mấy hôm và phải gặp… hậu quả.

 

Coi chừng… tất niên nhập viện

Theo bác sĩ Sơn, không chỉ những người đang mắc bệnh mạn tính như ông D., nhiều trường hợp có sức khỏe bình thường, chỉ vì “say” tiệc tất niên mà phải nhập viện vào dịp Tết. Nguyên nhân là do cơ thể bị quá tải vì phải tiếp nhận đột ngột một lượng thức ăn, nước uống quá nhiều so với nhu cầu.

Không chỉ ăn uống linh đình, các buổi tiệc tất niên thường diễn ra vào buổi chiều tối, có khi kéo dài tới khuya, ảnh hưởng đến chế độ nghỉ ngơi, dẫn đến mệt mỏi, đuối sức. Người tham dự cũng không có thời gian vận động nên thức ăn không được tiêu hóa hết và tồn đọng trong cơ thể dưới dạng mỡ gây thừa cân, béo phì. Nếu ăn tiệc liên tục, chất dinh dưỡng dư thừa dễ gây rối loạn đường, mỡ trong máu… bác sĩ Sơn cho biết.

Cụ thể, ăn nhiều thịt, hải sản… trong các buổi tiệc sẽ khiến hàm lượng a-xít uric trong máu tăng cao, làm khởi phát bệnh gout ở những bệnh nhân có tiền sử căn bệnh này. Với người mắc bệnh đái tháo đường, ăn nhiều chất béo, đạm có thể làm cho việc kiểm soát đường huyết kém, khiến đường huyết tăng cao, đột ngột, gia tăng nguy cơ khởi phát những biến chứng của bệnh.

Việc uống nhiều bia, rượu trong các bữa tiệc vừa gây hại cho hệ tiêu hóa, thần kinh, vừa đẩy cao nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến, thậm chí dẫn đến tử vong. Chưa kể, cuối năm là thời điểm các nhà hàng, quán ăn bị quá tải nên chất lượng phục vụ không tốt, mua thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Trong khâu chế biến cũng có thể xảy ra sơ suất, gây ngộ độc thực phẩm. Thực tế có nhiều trường hợp phải nhập viện vào dịp Tết vì lý do này.

Cân nhắc khi ăn uống

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, khẩu phần ăn một bữa của một người trưởng thành cần đảm bảo tối đa 18% năng lượng từ chất đạm, 25% từ chất béo và 65% từ chất bột đường. Trong khi thực đơn tại các buổi tiệc nói chung và tiệc tất niên nói riêng thường có tới 60% năng lượng từ chất béo và đạm, tức cao gấp… 4, 5 lần so với khuyến cáo.

Kèm theo đó, không khí vui vẻ của những buổi tiệc thường khiến người ăn quên kiểm soát khối lượng thực phẩm nạp vào cơ thể. Chính vì vậy, người dự tiệc, đặc biệt là người có nguy cơ hoặc đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, gout, huyết áp cao… cần tỉnh táo trước sức hấp dẫn của các buổi tiệc. Chỉ nên thưởng thức món ăn trong mức độ cho phép, vừa đủ no.

Lưu ý là nên chọn địa điểm ăn uống đảm bảo vệ sinh. Nên uống nước lọc thay vì nước ngọt có gas, uống bia ít hoặc có chừng mực theo tình trạng sức khỏe. Nếu lỡ ăn nhiều thì phải chịu khó tăng cường vận động, tập thể dục sau khi về nhà.

Đừng quên rằng:

– Uống quá nhiều bia, rượu và liên tục, gan sẽ bị quá tải, không lọc được lượng cồn nên có thể gây xơ gan. Đối với người mắc bệnh viêm gan siêu vi B, C, chức năng của gan vốn đã yếu, uống bia, rượu nhiều càng dễ gây ảnh hưởng xấu đến gan.

– Rượu, bia cũng kích thích dạ dày tiết a-xít. Vì vậy, người bị viêm đau dạ dày, uống rượu, bia có thể gây viêm loét hoặc xuất huyết dạ dày, nặng hơn là thủng dạ dày. Nếu chỉ uống đến quên ăn, cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng hoạt động lâu dần sẽ dẫn tới đuối sức, kiệt sức.

Kim Thư

Theo Thế giới gia đình

Thực hiện: depweb

29/01/2013, 15:26