Quả cầu Vàng ngày càng mất giá trước Oscar - Tạp chí Đẹp

Quả cầu Vàng ngày càng mất giá trước Oscar

Giải Trí

Giải thưởng Quả cầu Vàng (Golden Globe) đầu năm mới là sự kiện quan trọng mở màn cho mùa trao giải điện ảnh và truyền hình hàng năm. Từ lâu nó đã được xem là tấm gương phản chiếu khá chính xác kết quả Oscar. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi.

Cú “Knock-out” của Oscar

Giải thưởng Quả cầu Vàng do Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood (gọi tắt là HFPA) tổ chức từ năm 1944. Nó ra đời vào thời điểm khởi đầu kỷ nguyên vàng ở Hollywood, kỷ nguyên của những siêu phẩm điện ảnh vĩ đại và những bộ phim nhạc kịch vui tươi, lộng lẫy. Quả cầu Vàng là lễ trao giải duy nhất trên thế giới, chia điện ảnh thành hai hạng mục riêng biệt: Phim chính kịch (Drama) và Phim âm nhạc hoặc hài hước (Musical/Comedy). Nghĩa là các hạng mục Diễn xuất chính và Phim hay nhất tổng cộng có 10 đề cử, so với 5 đề cử của Oscar.

Tượng vàng Oscar

Việc phân chia trái khoáy này ban đầu có vẻ là một sự lựa chọn khôn ngoan, khi thể loại phim nhạc kịch thống trị thế giới suốt 3 thập niên (từ 1940 – 1960). Nhưng sau khi nó thoái trào, những hạng mục của phim âm nhạc hoặc hài hước bỗng trở nên mất giá so với hạng mục của phim drama truyền thống. Thực tế, từ thập niên 1970 đến nay, số diễn viên và phim đoạt giải Quả cầu Vàng ở hạng mục phim âm nhạc hoặc hài hước ít làm nên “cơm cháo” gì tại giải Oscar sau đó.

Trong suốt quá trình tồn tại, Quả cầu Vàng luôn hãnh diện là một thế lực cạnh tranh ngầm với giải Oscar danh giá, khi những ai thắng giải này cầm chắc đến 90% sẽ thắng ở Oscar. Lý do chính là giải Oscar trước đây tổ chức vào cuối tháng 3 hàng năm, những lá phiếu bầu chọn Oscar được gửi về BTC sau lễ trao giải Quả cầu Vàng tới cả tháng. Điều này là một bất lợi, vì kết quả của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các thành viên có quyền bỏ phiếu của Viện hàn lâm – những người thường hay lười biếng xem phim đề cử.

Không muốn mãi là tấm gương bị phản chiếu bởi kết quả của giải Quả cầu Vàng, năm 2004, BTC Oscar đã đưa ra một quyết định lịch sử hạ “knock-out” giải Quả cầu Vàng, khi chuyển lễ trao giải từ cuối tháng 3 lên cuối tháng 2 hàng năm – nghĩa là các lá phiếu bầu chọn phải được chuyển đến BTC Oscar từ đầu tháng 1 – trước khi diễn ra giải Quả cầu Vàng.  

Trong thập kỷ qua, 9 trong số 10 diễn viên nam/nữ chính từng đoạt giải Quả cầu Vàng sau đó cũng giành luôn cả giải Oscar – và hầu hết đều thuộc về hạng mục phim chính kịch. Nhưng thay đổi đáng kể là ở hạng mục quan trọng, Phim hay nhất – Chỉ có 4 phim từng đoạt giải Quả cầu Vàng sau đó giành giải Oscar trong 10 năm qua.

Quả Cầu Vàng giờ chỉ là TV Show phù phiếm

Tuy vẫn là một sự kiện giải trí quan trọng thứ ba trên thế giới sau giải Oscar và Grammy, được trực tiếp truyền hình đến hơn 150 nước, nhưng vị thế hàng đầu của giải Quả cầu Vàng đã bị lung lay dữ dội. Việc giải thưởng này sẽ bị bay ra khỏi top 3 chỉ còn là vấn đề thời gian. Trước nguy cơ đó, BTC Quả cầu Vàng mấy mùa giải gần đây đã mời các diễn viên hài dẫn dắt chương trình.

Để lôi kéo khán giả truyền hình, những MC của Quả cầu Vàng không ngần ngại sử dụng trò rẻ tiền như bới móc đời tư, phỉ báng nhân vật nổi tiếng ngay trên sân khấu, mà điển hình là diễn viên hài của nước Anh – Ricky Gervais đã bị mất việc sau 3 mùa làm MC chương trình.

Ross Jones-Morris, blogger chuyên viết cho trang web phim HeyUGuys.co.uk, chỉ trích: “Giải Quả cầu Vàng giờ chỉ là một bữa tiệc xa hoa dành cho những người giàu gặp nhau, nên họ phải thuê một người dẫn chương trình chuyên đả kích để mua vui. Họ phải phát sóng những thứ thô thiển ấy để mong có được lượng người xem tốt hơn”.

Thêm một lý do khiến những người yêu phim không ưa giải Quả cầu Vàng là sự hào nhoáng tầm thường, khi giờ đây nó chỉ chăm chăm hút khán giả bằng cách mời những tên tuổi lớn đến sự kiện, hơn là tôn vinh tài năng thực sự. Đỉnh điểm của sự lố bịch này là ở mùa giải 2010, “The Tourist” – bộ phim bị các nhà phê bình lẫn khán giả chê bai thậm tệ, đã được đề cử trong hạng mục Musical/Comedy hay nhất. Lý do là bộ phim có sự góp mặt của hai siêu sao Angelina Jolie và Johnny Depp. Thậm chí, được biết, Jolie đã phì cười khi biết mình được đề cử giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc.

Hiểu đơn giản là, dù có diễn hay cách mấy, nhưng tên tuổi chưa có sức hút truyền thông thì đừng hòng được Quả cầu Vàng để ý. Nhà phê bình phim Leigh Singer thẳng thắn đưa ra công thức đơn giản để thắng Quả cầu Vàng: “Cứ nhìn tất cả ảnh diễn viên được lên hình bìa trong 12 tháng của tờ Vanity Fair. Nếu trong 5 diễn viên đó có đóng một bộ phim nào, thì họ sẽ gần như chắc chắn được đề cử”.

Quả cầu Vàng mất giá trước Oscar

Mất uy tín vì những trò “lobby” bẩn thỉu

Giải Quả cầu Vàng bầu chọn cho cả điện ảnh lẫn truyền hình. Nhưng Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) được quyền bỏ phiếu bầu chọn Quả cầu Vàng chỉ có 90 thành viên được liệt kê trên trang web của mình. Chỉ có một số ít trong đó là những nhà báo danh tiếng, làm việc toàn thời gian, còn hầu hết là các dịch giả tự do cho các ấn phẩm tối nghĩa với vài cái tên dễ nhận biết. Những thành viên của HPFA chỉ cần phải viết bốn bài báo một năm.

Trong khi ấy, con số hội viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ được quyền bỏ phiếu bầu chọn Oscar lên đến hơn 6.000 người. Còn giải truyền hình Emmy, số hội viên bỏ phiếu lên đến 18.000 người. Nhưng quy mô vẫn chưa sánh bằng con số 160.000 thành viên của Hiệp hội Diễn viên Mỹ bầu chọn cho giải Screen Actors Guild (SAG) hàng năm.

Vì thế, Peter Howell, nhà phê bình phim của tờ Toronto Star, đã gọi giải Quả cầu Vàng là “trò hề” và không coi HFPA như một Hiệp hội Báo chí “hợp pháp”.“Nhiều người trong số các thành viên ấy không phù hợp với bất kỳ định nghĩa đáng tin cậy nào của một nhà báo hay nhà phê bình. Các thành viên này thường có những cuộc tiếp xúc riêng với các ngôi sao lớn, bởi trong các buổi tiệc, họ được khuyến cáo không nói chuyện với báo chí”.

Vì vậy, mùa giải nào cũng liên tục có những tin đồn hối lộ tới tấp phủ vây, bởi trong quá khứ, giải Quả cầu Vàng đã từng có những vụ việc đáng xấu hổ.

Năm 1999, ngôi sao Sharon Stone của phim “The Muse” đã gửi mỗi thành viên HFPA một chiếc đồng hồ Coach trị giá khoảng từ 295 đến 395USD. Khi vụ việc vỡ lở, chủ tịch HFPA lúc đó là Helmut Voss đã ra lệnh cho các thành viên phải trả lại. Cuối cùng, Sharon Stone đổ lỗi cho USA Films, còn USA Films đổ lỗi cho Sharon Stone, và sự việc bị chìm xuồng.

Năm 2011, bộ phim âm nhạc nhạt nhẽo “Burlesque” được  đề cử Quả cầu Vàng ở hạng mục Musical/Comedy, sau khi Sony được cho rằng đã đưa máy bay đón các thành viên của HFPA đến Las Vegas để xem ngôi sao của bộ phim, Cher, biểu diễn “live”.

Nhưng vụ việc đáng xấu hổ nhất là vào năm 1981, khi cô đào da màu vô danh Pia Zadora đột ngột được đề cử và đoạt giải Quả cầu Vàng cho giải Ngôi sao mới của năm trong bộ phim “Butterfly“, với những sai lầm không thể tưởng tượng của HFPA. Thứ nhất, bộ phim chưa chiếu ở Mỹ nên chẳng ai biết đến cô đào này. Thứ hai, cô không phải là diễn viên mới vì năm 1964 đã từng xuất hiện trong vai diễn thiếu nhi. Thứ ba, phim “Butterfly” dở tệ, chủ yếu bởi màn diễn xuất nghèo nàn của Pia Zadora.

Vụ bê bối nhanh chóng bị phanh phui, thì ra nhà sản xuất của phim “Butterfly”, nhà triệu phú Meshulam Riklis, hóa ra lại là chồng của Zadora. Ông đã mời các thành viên HFPA xả láng một đêm ở Vegas. Sau đó, ông tổ chức một buổi chiếu phim “Butterfly” kèm theo một bữa tiệc hoành tráng ở tư dinh cho các thành viên HFPA. Thiệt hại đến tức thì, đài CBS ngưng hợp đồng phát sóng giải Quả cầu Vàng. HFPA phải ngưng hạng mục Ngôi sao của năm. Còn Pia Zadora sau đó đã “đoạt” hai giải Mâm xôi vàng với phim “Butterfly” – gần như chấm dứt sự nghiệp điện ảnh ngắn ngủi của cô.

Gần nhất, năm 2013, cựu nhà báo Globes Michael Russell đã kiện HFPA, tuyên bố các thành viên nhận tiền, quà và những buổi nghỉ lễ từ các hãng phim để trao đổi lại là các đề cử. HFPA đã phản ứng bằng cách kiện ngược lại.

Đoạt Quả Cầu Vàng, đừng vội mừng!

Quả cầu Vàng 2014 đã công bố bộ phim “Boyhood” (Thời niên thiếu) giành được danh hiệu cao nhất. Nhưng các quan sát cho rằng tất cả mọi thứ vẫn đang bỏ ngỏ trong cuộc đua đến giải Oscar.

“Cảnh báo đầu tiên của tôi cho người trúng giải Quả cầu Vàng: Không được quá tự tin!”, Tim Grey – biên tập của tờ Variety cho rằng giải Quả cầu Vàng thậm chí là một yếu tố dự báo ngược cho vinh quang tại Oscar.

“Các vị ở HFPA không phải ở trong ngành công nghiệp điện ảnh” – Sasha Stone, người sáng lập và biên tập viên điện ảnh của trang web bình luận về các giải thưởng Awards Daily cho biết. “Tràng pháo tay của những khán giả sang trọng dưới khán phòng của giải Quả cầu Vàng dành cho một bộ phim hay một cá nhân nào đó mới là quan trọng. Vì ở giải Oscar, họ mới chính là những người bỏ phiếu bầu chọn”. 

 

Bài: Bá Vũ

logo

Thực hiện: depweb

09/02/2015, 02:05