Lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 77 vừa qua đã gây không ít bất ngờ khi một vài tên tuổi được kì vọng sẽ làm nên chuyện phải ra về trong thất vọng. Song song với đó, mùa trao giải năm nay tiếp tục ghi nhận những chiến thắng lịch sử đến từ phía các đại diện Châu Á, tiếp nối xu hướng đa dạng hóa các tài năng điện ảnh tại Hollywood.
Nền phim ảnh thế giới năm 2019 được nhìn nhận là một năm tương đối “mát tay” khi cho ra nhiều đầu phim xuất sắc, được đông đảo người xem lẫn giới chuyên môn đón nhận nồng nhiệt. Từ những cái tên đại chúng với mức đầu tư khủng cho tới các bộ phim độc lập và phim không nói tiếng Anh, mỗi phân khúc đều có nhiều đại diện tiềm năng khiến việc dự đoán cho bất kì hạng mục nào cũng là điều khó khăn và kích thích nhiều luồng tranh luận. Cùng Đẹp điểm qua một số nhân tố nổi bật và những khoảnh khắc khó quên tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 77 vừa diễn ra.
Cú phi nước đại của “hắc mã” “1917”
Bộ phim hào hùng xoay quanh Thế Chiến Thứ Nhất của đạo diễn Sam Mendes gây bất ngờ khi vượt lên trên những tựa phim nóng hổi liên tục được giới báo chí điểm tên trong suốt thời gian qua để mang về cho mình giải thưởng “Phim Chính Kịch Xuất Sắc Nhất“. Bên cạnh đó, Sam Mendes cũng giành chiến thắng tại hạng mục danh giá “Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất“.
Có thể lý giải cho sự “im hơi lặng tiếng” của báo giới cũng như sự bất ngờ của đông đảo người theo dõi khi 1917 được xướng tên là việc bộ phim vẫn chưa chính thức đổ bộ tại các rạp chiếu trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, chiến thắng lớn này tại Quả Cầu Vàng hứa hẹn sẽ đẩy cao những kì vọng dành cho bộ phim khi ra mắt rộng rãi vào ngày 10/01 sắp tới.
Awkwafina làm nên lịch sử sau gần nửa thế kỷ: Liệu Hollywood đã sẵn sàng cho những bộ phim Mỹ mang màu sắc Á Châu?
Awkwafina có thể nói là một trường hợp vô tiền khoáng hậu khi không chỉ thành công ghi dấu ấn lớn ngay từ vai chính đầu tiên trong sự nghiệp, mà còn là nữ diễn viên gốc Á đầu tiên trong lịch sử chiến thắng tại hạng mục “Nữ Diễn Viên Chính Xuất Sắc Nhất” cho Thể loại Phim Hài Kịch/ Nhạc Kịch, kể từ khi Machiko Kyo nhận được đề cử cho vai diễn trong phim “The Teahouse of the August Moon” trong cùng hạng mục vào năm 1956.
Cùng với Sandra Oh, Awkwafina là nữ diễn viên gốc Á duy nhất chính thức mang về tượng vàng trong lịch sử lễ trao giải này. Việc nữ diễn viên 31 tuổi giành chiến thắng tại một hạng mục quan trọng gióng lên nhiều hy vọng cho một tương lai rộng mở hơn đối với diễn viên gốc Á tại Hollywood, đặc biệt là diễn viên nữ – những người lâu nay thiếu đi cơ hội tiếp cận những vai diễn và dự án nặng ký hơn thay vì một vài khuôn mẫu bó buộc và “bên lề”. Việc “The Farewell” được viết và chỉ đạo bởi nữ đạo diễn trẻ Lulu Wang cũng cho thấy những chuyển biến tích cực trong công cuộc kép đẩy lùi sự thống trị độc quyền của nam giới trong điện ảnh, cũng như mang sắc màu Á Châu đến gần hơn với trung tâm sân khấu Hollywood.
Vài luồng dư luận nổi lên xung quanh việc “The Farewell“, một bộ phim sản xuất tại Mỹ được làm ra và diễn chính bởi người Mỹ gốc Á, lại được xếp vào hạng mục “Phim Nói Tiếng Nước Ngoài” tại Quả Cầu Vàng. Chiếu theo luật, một bộ phim với ít hơn 50% tiếng Anh sẽ được xếp vào hạng mục phim nước ngoài. Dù vậy, trường hợp của “The Farewell” vẫn cho thấy một Hollywood còn khép mình và có phần phân biệt giữa trải nghiệm Mỹ và không-đủ-Mỹ, với những bộ phim không đủ “điều kiện” nghiễm nhiên bị đẩy xuống hạng mục ít sức nặng hơn dù được sản xuất hoàn toàn bởi ekip trong nước và dựa trên trải nghiệm của một công dân Mỹ.
“The Irishman“, “Marriage Story” và Netflix trắng tay
Trong vài năm trở lại đây, không quá khó để nhận ra tham vọng của Netflix trong việc tấn công các giải thưởng danh giá và nâng tầm thương hiệu khi dịch vụ phân phối phim ảnh trực tuyến này liên tục đầu tư vào những sản phẩm gốc nghiêm túc và tạo dư luận ngay từ khâu phát thảo.
Việc bắt tay với huyền thoại Martin Scorsese để tạo ra “The Irishman” đã khiến không ít người trông đợi rằng Netflix sẽ làm nên chuyện tại mùa lễ trao giải năm nay ở các hạng mục quan trọng nhất khi phim nhận được 5 đề cử. Bên cạnh “The Irishman“, studio này còn mang đến mùa trao giải năm nay một cái tên đầy triển vọng khác là “Marriage Story” với 6 đề cử lớn nhỏ. Bộ phim gây tiếng vang lớn trong dịp cuối năm bởi kịch bản xuất sắc của đạo diễn – biên kịch Noah Baumbach, diễn xuất xuất thần của bộ đôi Adam Driver và Scarlett Johansson và nữ phụ ấn tượng Laura Dern. “Dolemite Is My Name” cũng là một cái tên đáng chú ý khi được đề cập nhiều trong các dự đoán của giới chuyên môn lẫn người xem.
Sự xuất hiện của nhiều ứng cử nặng ký nâng tổng số lượng đề cử Netflix nhận được lên đến 34 bao gồm cả địa hạt truyền hình, con số vô cùng đáng tự hào đối với một nền tảng dịch vụ xem phim trực tuyến như Netflix. Việc ông lớn này cuối cùng chỉ đem về 2 giải thưởng chung cuộc cho Laura Dern với “Marriage Story” và Olivia Coleman với “The Crown” trong khi “The Irishman” bất ngờ ra về tay không cho thấy định kiến cố hữu về tính cạnh tranh của những sản phẩm đến từ studio này có thể vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ. Dù vậy, tình thế vẫn có thể lật ngửa ở phút cuối tại lễ trao giải Oscar sắp tới khi những dự án lớn của Netflix năm nay đều được đánh giá rất cao về cả mặt chuyên môn lẫn phản ứng cộng đồng.
Niềm tự hào Hàn Quốc mang tên “Parasite“
Trong số những bất ngờ lớn của lễ trao giải vừa qua thì chiến thắng của “Parasite” trong hạng mục “Phim Nói Tiếng Nước Ngoài Xuất Sắc Nhất” lại là một kết quả đã được dự đoán trước bởi đông đảo người yêu điện ảnh trên khắp thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng hạng mục “Phim Nói Tiếng Nước Ngoài” năm nay đặc biệt cạnh tranh khi những bộ phim “Pain and Glory” của Tây Ban Nha, “Portrait of a Lady on Fire” của Pháp hay “The Farewell” đều hoàn toàn xứng đáng cho vị trí cao nhất, khiến cho chiến thắng lần này của Hàn Quốc với “Parasite” càng thêm phần vẻ vang. Không thể không nhắc đến bài phát biểu nhận giải gây bùng nổ báo chí của đạo diễn Bong Joon-ho khi anh nhắn nhủ khán giả Mỹ hãy cho phép bản thân mở rộng phạm vi tiêu thụ phim ảnh và đón nhận vô số những bộ phim hay đến từ các nền văn hóa không nói tiếng Anh chỉ bằng thao tác đọc phù đề đơn giản.
Sau khi để trượt mất cơ hội với tới tượng vàng Oscar vào năm ngoài với “Burning“, Hàn Quốc có quyền hy vọng về một chiến thắng hoàn toàn có thể xảy ra cho “Parasite” vào tháng 2 sắp tới.
Kết
Ngoài một số cái tên kể trên thì chiến thắng của Joaquin Phoenix cho hạng mục “Nam Diễn Viên Xuất Sắc Nhất” – Thể loại Chính Kịch, “Once Upon A Time In Hollywood” cho “Phim Hài Kịch/Nhạc Kịch Xuất Sắc Nhất“, hay “Chernobyl” cho “Phim Truyền Hình Xuất Sắc Nhất” đều là những tin tức nổi bật được bàn luận liên tục. Có thể nói, năm nay là một năm tương đối khó đoán đối với người yêu điện ảnh khi có quá nhiều cái tên sáng giá ra mắt gần về dịp cuối năm, khiến không chỉ tin tức về người thắng cuộc mà những cái tên chịu thất bại cũng làm báo giới và người theo dõi không ngừng bàn luận.
Đây cũng là năm đánh dấu nhiều cột mốc đáng nhớ trong công cuộc nâng cao độ phủ sóng của đại diện Á Châu trên đường đua thế giới. Sau hai thập kỷ kể từ khi bắt đầu gây chú ý vào đầu những năm 2000, nền điện ảnh Hàn Quốc cuối cùng cũng được vinh danh tại các liên hoan phim và lễ trao giải lớn, cho thấy độ nhận diện ngày càng tăng cao tại kinh đô điện ảnh Hollywood nói riêng và trên thế giới nói chung. Tương tự, sự hiện diện của Awkwafina và Lulu Wang với “The Farewell” trong bảng danh dự cũng được hy vọng sẽ tạo bước đà cho sự thâm nhập của những nữ diễn viên và nhà làm phim gốc Á vào bố cục chính tại Hollywood dễ dàng hơn.