Prizren trên đỉnh thái bình - Tạp chí Đẹp

Prizren trên đỉnh thái bình

Sự Kiện

Kỳ 16

Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

 Prizren

“Nhớ mang theo khăn choàng, mà không mang cũng được!”

Vẫn những chuyến xe buýt dọc Balkan quen thuộc đưa chúng tôi từ Tirana, thủ đô của Albania, tới Prizren, trung tâm văn hóa của Kosovo, cũng vào tầm giữa trưa như thường lệ. Thế là đành tạm nghỉ ở nhà trọ (hostel) chờ hết nắng mới có thể trèo lên pháo đài Kalaja. City Hostel được dân cư mạng rất khen ngợi vì thái độ phục vụ ân cần, và những chiêu dụ khách hóm hỉnh. Ngay dưới sảnh lễ tân bày một chai bia cỡ đại, mỗi khách sẽ được mời một vại miễn phí vào buổi chiều tối, ngoài trà và cà phê các loại. Trên tường dán một tờ thông báo mới trông có vẻ rất nghiêm trang:
– “Check out mấy giờ? Khỏi lo về giờ check out nhé, lúc nào cũng được, nhưng trước hai giờ chiều thì tốt. Hành lý thì đương nhiên có thể gửi ở đây.
– Prizren cóan toàn không? Dĩ nhiên là có chứ, không những Prizren mà ở Kosovo đâu đâu cũng an toàn.
– Có thể mặc đồ đi chơi hộp đêm vào nhà thờ Hồi giáo được không? Được thôi, nhưng làm ơn che kín vai giùm.
– Buổi tối ở Prizren có vui không? Rất nhộn nhịp rực rỡ nhé, đây là một trong những điểm chơi tối vui nhất Châu Âu. Đặc biệt vào cuối tuần chúng tôi có chuyến xe buýt từ Berlin tới lúc 3 giờ chiều. Bạn có thể tự mình khám phá được thôi, nhưng nếu muốn thì chúng tôi giới thiệu cho. Gần nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng Sinan Pasha có bar Qarshia và một quán dưới lòng đất là S.h.k.a kino bar, trước đây là rạp chiếu phim ngoài trời đầu tiên ở Châu Âu. Quán này nằm ngay bên cây cầu đá cổ phía bên kia sông, sau cánh cửa màu hồng. (Tận tình đến thế là cùng!)
– Từ bến xe buýt trung tâm về khách sạn bao xa? Khoảng 8 cây số, tức là hai tiếng đồng hồ cuốc bộ, mà không có taxi đâu vì đây là khu quân sự. Đùa thôi, chỉ có một đoạn ngắn chừng 12 phút đeo ba lô đi bộ!”

 Prizren

Tiệm bán đầm dạ hội

Tôi cắc cớ hỏi cậu lễ tân, một sinh viên đang nghỉ hè, người gốc Albania: “Thế lỡ chị không có cái khăn choàng nào thì gay nhỉ, trời nóng thế này mang khăn làm gì. Nếu vậy thì khỏi vào thăm các nhà thờ Chính thống giáo Serbia và Hồi giáo luôn hả em?”. Cậu cười lớn: “Chị cứ lo quá lên đấy, người ta có khăn bày trước cửa cho chị mượn mà. Nhà em theo đạo Hồi, nhưng mọi người cũng thoải mái lắm. Trời nóng thì nên choàng khăn cho đỡ cháy da chị ạ”. Vừa băn khoăn nghĩ không biết có nên mang theo khăn không, tôi vừa cố hình dung quang cảnh cuộc chiến khốc liệt 14 năm trước, rồi đám cháy bạo loạn 9 năm trước. Thật khó tưởng tượng những chuyện như vậy lại xảy ra ở một nơi vui nhộn dường này.

Hoa bất tử trên pháo đài Kalaja

Khi nắng nguội dần, chúng tôi hăng hái ra đường để đi thăm pháo đài Prizren, còn gọi là Kalaja. Đã quen với việc leo lên những đỉnh cao ở Balkan, nên chẳng ngại ngần gì khi ngược nắng đi theo con đường khá dốc, sỏi lẫn cát trên các bậc lối đi đã long lở gần hết, mà trời thì vẫn nóng hầm hập. Đây là một pháo đài từ thời Trung cổ dùng để ngăn sơn tặc và làm thành lũy bảo vệ dưới thời đế quốc Byzantine và Ottoman. Những khoảnh đất có tầm nhìn đẹp xuống triền thung lũng Lumbardhi và đồng bằng Dukagjini từng thuộc về các lãnh chúa hoặc gia đình giàu có người Serbia. Chắc vì thế mà nhà thờ Chúa Cứu thế (Serbia) được xây từ thế kỷ 14 ở một vị trí rất nổi bật trên triền đồi.

 Prizren

Hoa bất tử trên pháo đài

Mặc dù vẫn được sử dụng cho đến năm 1912, nhưng pháo đài khá hoang tàn và không còn một công trình nguyên vẹn nào. Trên những đống đất đá vụn không lá cây ngọn cỏ, cả khu đồi vàng óng nổi bật lên nền xanh tươi của núi đồi xa xa. Bên những mái vòm đã sạt lở một phần ba là chân thành lúp xúp  trơ trọi, may thay có vài bụi hoa bất tử vẫn mọc quanh đó làm quang cảnh đỡ quạnh hiu. Nghe đâu có một khoản viện trợ của Liên hiệp quốc chừng 2 triệu euro sẽ được dành ra cho việc tu bổ pháo đài này, nhưng mọi vật có vẻ vẫn y nguyên, chưa biết bao giờ mới nhúc nhích. Có lẽ giá trị lớn nhất còn lại của Kalaja, được UNESCO đưa vào danh sách “Những công trình văn hóa cần được bảo tồn”, là tầm nhìn tuyệt vời xuống Prizren. Khó có thể diễn tả hết vẻ đẹp và sự yên bình của thành phố nhìn từ trên cao: dòng sông thẳng tắp chia đều hai bên những mái ngói đỏ tươi và những tháp nhà thờ thấp thoáng, mây chiều nhuộm một màu vàng cổ tích lên tất cả. Và gió bỗng dào dạt thổi. Một buổi chiều thật khó quên trong đời.

 Prizren

Vòi nước cổ ngoài đường

Hòa bình giá 3 Euro   

Chúng tôi lại lần theo lối đi rải sỏi xuống trung tâm thành phố, gặp một toán lính Đức thuộc lực lượng phòng vệ Kosovo (KFOR) đi ngược lên. Vẻ mặt trẻ trung vui tươi của các chú lính còn làm cho quang cảnh thanh bình hơn mới lạ. Trong hơn 10 năm qua, Liên hiệp quốc và Cộng đồng Châu Âu đã đổ chừng hai tỉ euro vào Kosovo; Prizren cũng hưởng lợi không ít từ khoản chi khổng lồ đó. Ngoài ra còn tiền tiêu xài của quân KFOR cùng các tổ chức nước ngoài đóng ở đây. Nhan nhản các căn tiệm bán đầm tiệc dạ hội, đủ màu sắc và đính kim sa lóng lánh, hay váy ngắn, ủng da bóng lộn cho các hộp đêm. Một chốn hưởng thụ và tiêu xài tiền viện trợ điển hình thời hậu chiến.

Theo bản đồ di tích được dựng khắp nơi, chúng tôi dạo quanh những công trình văn hóa lớn ở đây. Nhà thờ Hồi giáo Sinan Pasha, một trong những biểu tượng của Prizren được xây dưới thời đế quốc Ottoman trên nền của một nhà thờ Cơ đốc giáo, luôn đông khách viếng thăm. Đã nghe nhiều tiếng nhạc cầu nguyện buổi chiều ở các thành phố Hồi giáo khác, nhưng có vẻ như tiếng nhạc ở đây không trầm mặc mà có âm hưởng rộn ràng hơn. Cảm giác đó dường như lắng xuống, khi đi về phía Tây thành phố, tới nhà thờ Church of Our Lady of Ljeviš, một nhà thờ Chính thống giáo Serbia, di sản văn hóa UNESCO. Nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ thứ 9, đến thời Ottoman được dùng như nhà thờ Hồi giáo, rồi trở về nhà thờ Chính thống giáo sau khi quân Ottoman rút đi vào năm 1912. Đây là một công trình kiến trúc Byzantine (Hậu La Mã) điển hình nhất Balkan, theo sách vở thì cả nội và ngoại thất đều rất bề thế và hoàn chỉnh. Đáng tiếc là sau trận bạo động dẫn đến hỏa hoạn vào năm 2004, mà hậu quả là nhiều nhà thờ Chính thống giáo bị phá hoại nặng nề, người ta đã rào nhà thờ này bằng dây kẽm gai để bảo vệ. Ngay cả sau khi chiến tranh Kosovo kết thúc vào năm 1999 dẫn đến việc Kosovo tuyên bố độc lập và tách khỏi Serbia, nhiều cuộc xung đột tôn giáo và sắc tộc vẫn còn dai dẳng. Người Serbia còn ở lại và các nhà thờ của họ đều phải được sự bảo vệ ở mức độ khác nhau của KFOR. Dù sao thì hình ảnh một nhà thờ cháy dở đứng thanh thản sau dây kẽm gai cũng khá ám ảnh. Nghe nói dự án công phu để sửa chữa và khôi phục lại nhà thờ này đã được phác thảo, trị giá khoảng 500 ngàn euro với sự tham gia của các kiến trúc sư Ý, nhưng chưa có kế hoạch thực hiện rõ ràng. Đang lang thang dạo phố, chúng tôi lại tình cờ đi qua một nhà thờ Chính thống giáo khác mới xây. Thấy mấy tấm bảng cấm chụp ảnh, cấm quần soóc áo hở vai nên định không vào. Song một tu sĩ đã nhanh nhẹn mời chào: “Các vị cứ nhẹ nhàng yên lặng cho, nếu mua vé, chúng tôi sẽ linh động cho vào tham quan”. Người Serbia tận dụng mọi cơ hội để khẳng định sự có mặt của họ ở đây. Nhà thờ quả là đồ sộ với khuôn viên đẹp đẽ và các bụi hồng đỏ thắm. Có lẽ xây mới lại dễ dàng hơn sửa chữa và bảo tồn chăng?!

 Prizren

Cây cầu đá cổ

Rời nhà thờ mới thì trời xâm xẩm tối. Những con đường lát đá đi vào khu phố cổ nhộn nhịp bước chân, đèn đuốc rực rỡ lan tỏa từ hai bên vách “tường” trong lòng sông Bistrica cạn gần hết nước, rọi lên cây cầu cổ, lên vách những hàng quán san sát ven đường, rồi cuối cùng hắt quầng sáng cuối cùng lên bầu trời vàng sậm. Đi qua cây cầu đá cổ tuy rất đẹp nhưng nhỏ hơn và không có gì độc đáo so với cây cầu ở Bosnia, chúng tôi gặp bên bờ sông một anh bán dạo đồ trang sức, khéo léo dùng một chiếc kìm nhỏ uốn những cọng dây bạc mà có vẻ cứng như dây thép thành hình hoa lá, trái tim, và cả chữ cái xếp thành tên gọi nếu khách yêu cầu. Vóc người cao lớn, mắt xám nhạt, nói tiếng Anh theo ngữ điệu Slav, chắc chắn anh là một người Serbia, vì dân gốc Albania thường nhỏ người và mắt đen hơn. Sau mười ngày ở Balkan, tôi đã dần quen với những chủng người ở đây và thường thích thú đoán xem ai là người thuộc dân tộc nào.

“Bao nhiêu tiền một mặt dây chuyền tên tôi vậy? Họ và tên tôi ngắn lắm” – vừa hỏi tôi vừa viết tên mình vào cuốn sổ anh đưa. “3 euro, đồng giá hết thôi cô ạ”. “Vậy làm cho tôi một chiếc đi”. Anh im lặng nghiên cứu mấy chữ cái, có vẻ không để ý đến lời giải thích rằng tên tôi có nghĩa là “flower” trong tiếng Anh. Chỉ 10 phút sau, tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành, hai cánh hoa nhỏ xíu uốn hai bên. Anh mời: “Cô có muốn mua gì thêm nữa không? Mấy hình chim bồ câu này cũng chỉ 3 euro thôi. Bồ câu, hòa bình, cô biết chứ?”. Vâng, hòa bình – 3 euro, giá mà điều đó là sự thật! Bạn tôi đặt anh làm một dây mặt chữ nữa để làm quà. Mấy cô gái trẻ cũng xúm lại xem hàng. Lúc ấy mặt anh mới linh hoạt hơn một chút và nhếch môi như cười.

 Prizren

Một góc thành trên Kalaja

Trời tối hẳn khi chúng tôi về đến khách sạn để ăn tối và uống bia. So với những ngôi nhà thường chỉ hai ba tầng trong phố, phòng ăn khách sạn trên tầng 5 quả là một nơi ngắm cảnh lý tưởng. Những mái ngói đỏ vẫn rực lên trong ánh đèn đường, khi màn đêm đang trùm lên tất cả. Bỗng nghe thấy tiếng nhạc và cả tiếng trống rất lớn vang vọng khắp nơi, tưởng như có cả ban nhạc đường phố đang diễu hành dưới kia. Nhưng nhìn mãi chẳng thấy ban nhạc nào. Mãi sau mới thấy một cặp vợ chồng ăn mặc quần áo dân tộc khá lạ – chồng già thổi kèn, vợ trẻ gõ trống; kèn trống đều to cỡ đại, phải buộc dây vải quàng vào người, vừa đi vừa tấu những bản nhạc dân gian vui nhộn. Theo tiếng nhạc chúng tôi quay lại bờ sông. Trên những chiếc ghế dài hai bên bờ, nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi đang ngồi hóng gió; đám trẻ thì đã chui vào các quan bar cả rồi. Một bà cụ ngồi một mình (cảnh này chắc khó gặp ở nhà) chỉ hai nhạc công đường phố và thì thầm bảo tôi: “Dân Albania đấy, không phải dân ở đây đâu”. Lạ ghê, 92% dân Kosovo gốc Albania, cờ Albania tràn ngập các gian hàng lưu niệm và treo ngoài đường (hỏi thì được giải thích là “Cờ Kosovo xấu nên chúng tôi thích cờ Albania hơn”), nhưng dân Albania vẫn là dân Albania!? Chúng tôi tạm bỏ thắc mắc qua một bên để đi vào một quán bar, nơi có mấy cô gái trẻ theo đạo Hồi quấn khăn Hermès, mặc áo len Chanel dài tay, đi giày bít Gucci đang nhún nhảy theo tiếng nhạc.

 Prizren

Trong một quán bar

Một ngày dài sắp trôi qua, đột nhiên nhớ đến tiểu thuyết “Và một ngày dài hơn thế kỷ” đọc từ hồi nhỏ, của nhà văn C. Aitmatov. Sự liên tưởng ngẫu nhiên khó giải thích. Khi đi, có cả ngàn lí do để viện lẽ cho những suy nghĩ lạ lùng như thế. Khi đi, ta rơi vào trạng thái “thời gian hồi tưởng” và “thời gian huyền thoại” như Aitmatov từng mô tả tài tình trong cuốn tiểu thuyết rất khó đọc nhưng lại nằm rất lâu trong ký ức ấy. Ký ức đôi khi sẽ hiện ra, để ta chiêm nghiệm về “thời gian sóng đôi” của Aitmatov. Để nhớ lâu hơn một Prizren nhỏ bé nhưng giàu di sản và lấp lánh niềm vui khi trở về nhà.

 Prizren

Nhà thờ Chính thống giáo Serbia Chúa Cứu thế

 

Kỳ sau: Thessaloniki huyền thoại

Bài: Lã Hoa – Ảnh: Anh Anh

logo

Thực hiện: depweb

06/05/2014, 14:14