Có thể xem Katy Perry như là một trong những “ca” lạ của làng nhạc thế giới. Chính thức bước chân vào thị trường âm nhạc từ năm 2001 với nghệ danh Katy Hudson và đĩa nhạc cùng tên nhưng không gặt hái được nhiều thành công. Khi ấy, cô bé Katy (tên đầy đủ là Katheryn Elizabeth Hudson) chỉ mới có 17 tuổi nhưng có đủ tố chất để trở thành một Britney Spears thứ hai: vừa có thanh có sắc lại cộng thêm khả năng tự sáng tác các ca khúc của mình. Tài vốn không đợi tuổi nhưng thời thế mới tạo nên anh hùng.
Phải mất đến tận 7 năm sau đó thì công chúng yêu nhạc toàn cầu mới biết đến Katy, nay đã là Katy Perry với một hình ảnh hoàn toàn mới: một quý cô 24 tuổi nồng nàn, quyến rũ, lại sở hữu vẻ đẹp hoài cổ của những thập niên trước. Hơn thế, bản nhạc “I Kissed a Girl” do Dr. Luke sản xuất cho cô thực sự là một bản hit lớn trong năm, liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng âm nhạc Billboard trong 7 tuần liền, còn lời nhạc thì nhanh chóng trở thành tuyên ngôn dành cho chị em phụ nữ: “con gái chúng ta thật là diệu kỳ, làn da mềm mại, đôi môi mọng đỏ, nhìn là muốn hôn”; “tôi đã hôn một cô gái và tôi thích điều đó” …
Âm nhạc của Katy Perry đơn giản là đề cao niềm vui cuộc sống và ủng hộ bình đẳng giới nên nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả. Kết quả, đĩa nhạc thứ hai “One of the Boys” (2008) bán được hơn 5 triệu bản trên toàn cầu và đem lại cho cô 2 đề của Grammy trong cùng năm. Đáng tiếc, trời phú cho Katy Perry một giọng ca trầm ấm đặc trưng nhưng lại gặp giới hạn trong khả năng xử lý các âm vực – điều cần thiết để trở thành một diva.
Có lẽ vì vậy mà trong sự nghiệp của mình Katy Perry nhận được đến 9 lượt đề cử Grammy nhưng chưa lần nào chiến thắng. Tên tuổi của cô phần lớn chỉ được xướng lên trong các giải thưởng phụ thuộc vào sự bình chọn của khán giả như People’s Choice Awards, Teen Choice Awards,… Nắm rõ được điều đó, các đĩa nhạc sau này của Katy Perry đều chiều theo thị hiếu của khán giả, từ “Teenage Dream” (2010) đến “Teenage Dream: The Complete Confection” (2012) và nay là “Prism” (2013).
Trước hết, cần biết rằng “Prism” ra đời đúng vào một giai đoạn hết sức phức tạp trong tình yêu của Katy Perry, nhất là khi nữ ca sĩ cũng đã gần bước sang ngưỡng cửa 30 và không thể nào chạy theo những hình ảnh “bánh kem”, “kẹo ngọt” mãi được. Khoảng thời gian Katy thực hiện đĩa nhạc cũng là lúc cô chính thức chia tay với chồng cũ Russell Brand – mối tình sâu đậm đến mức trong một bài phỏng vấn, cô thú nhận rằng đã từng nghĩ đến chuyện tự tử sau khi li dị. Gần đây, nữ ca sĩ lại như ngọn đèn chông chênh trước gió khi quyết định hẹn hò với John Mayer – kẻ lãng tử luôn nổi tiếng vì thói trăng hoa.
Chính vì thế, “Prism” dẫu có chiều lòng khán giả đến đâu thì lời nhạc vẫn mang nhiều tuyên ngôn cho chính bản thân cô hơn. Chẳng hạn như trong single đầu tiên mang tên “Roar”, Katy hát về mối quan hệ với Russell Brand một cách rất dũng cảm nhưng cũng đầy chân thật : “Anh kéo tôi xuống, nhưng tôi sẽ vùng lên. Phủi sạch bụi bẩn ở trên người. Hãy nghe tôi hát, hãy nghe âm thanh đó. Như tiếng sấm rền vang, rung chuyển cả mặt đất.”
Tương tự với ca khúc được chọn làm single thứ hai, “Unconditionally”, có lẽ nó viết về chuyện tình với John Mayer nhiều hơn. Cách Katy lặp đi lặp lại phần điệp khúc “em sẽ yêu anh một cách vô điều kiện” càng chứng tỏ rằng cô viết bài hát này từ chính nơi con tim, thay vì cố gắng để tạo ra một bài hit mới.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại vội vã cho rằng “Roar” sao chép khá nhiều từ ca khúc “Brave” của Sara Bareilles. Thực tế thì có rất nhiều các sáng tác ca ngợi lòng dũng cảm như thế này. Chưa kể trong “Brave”, Sara kêu gọi người nghe “mạnh mẽ” trong khi “Roar” là cảm xúc của chính Katy.
Đáng tiếc, chính vì muốn bài hát trở nên phổ biến với mọi đối tượng nên “Roar” chưa thực sự đạt được cảm giác mà tên bài hát đem lại. Thay vì mang sự mạnh mẽ, dữ dằn của chúa sơn lâm thì giọng hát của Katy Perry lại trở thành tiếng kêu khờ khạo của chú cọp con. Tương tự, video ca nhạc của bài hát cũng giống như một bộ phim ngắn mà hãng Walt Disney thực hiện hàng ngày, dễ thương vừa đủ để lấy lòng cả gia đình, từ mẹ đến bé.
Theo Katy, lý do cô đặt tên “Prism” (tạm dịch: Lăng kính) cho đĩa nhạc là vì muốn xóa tan màn đêm u tối và “để ánh sáng đi vào”. Vì vậy, thật khó để tìm ra một bài hát nào có dư vị buồn bã trong đĩa nhạc, tương tự như những “Thinking of you” hay “The one that got away” trong những đĩa nhạc trước đó của cô – vốn đều là nỗi niềm tiếc nuối quá khứ, về những cuộc tình đã qua. Thay vào đó là những bản pop vui nhộn để tiệc tùng, phơi phới niềm vui dành cho tương lai trước mắt. Chẳng hạn như trong “This moment”, cô thẳng thắn nhắn nhủ người tình mới: “Chuyện hôm qua đã lùi về quá khứ. Vậy thì tại sao anh không đến đây với em?”
Như để “ăn mừng” cuộc tình mới, Katy Perry viết ra những ca khúc như “Birthday”, “Walking On Air” với giai điệu hết sức rộn rã, mang đậm âm hưởng nhạc dance của thập niên 90. Đó cũng là lúc Katy thực sự trẻ lại để tận hưởng hạnh phúc khi được yêu, để chìm vào những “giấc mơ thời niên thiếu” khi mà tình yêu vẫn còn vẹn nguyên hương vị ngọt ngào.
Điều dễ dàng nhận ra là Katy Perry đã có cố gắng trong việc đưa vào âm nhạc của mình những chất liệu mới để tạo sự khác biệt với các sản phẩm trước đó. Chẳng hạn, “Legendary Lovers” phảng phất không khí Á châu khi sử dụng tiếng đàn sitar đặc trưng của Ấn Độ. Katy còn đưa vào phần lời rất nhiều chất liệu phương Đông, chẳng hạn như mantra, scripture (đều ám chỉ kinh thánh), third eye (con mắt thứ ba*),…
“Dark Horse” vẫn giữ được chất huyền bí, hư ảo đó nhưng lại trộn vào âm nhạc điện tử đương đại, cộng thêm phần rap của Juicy J dễ khiến ta liên tưởng đến “E.T” – một sản phẩm hợp tác với Kanye West đã gặt hái được rất nhiều thành công trước đó. “This is how we do” lại mang gia vị của dòng bubblegum pop của thế kỷ trước với những tiếng dựt dựt, bùm bụp nghe rất vui tai. Nếu không quá để ý đến phần lời thì ca khúc dễ dàng trở thành món ăn được dọn trong các bữa tiệc.
Tuy nhiên, khi đã quá đắm chìm vào tình yêu thì Katy cũng như bao phụ nữ khác, đôi khi trở nên mù quáng. “Double Rainbow” đi vào ca tụng người tình mới một cách không nên: “Anh là độc nhất vô nhị”, “anh còn rạng ngời hơn tất cả tia sáng phương Bắc hợp lại”. Một điều hơi đáng tiếc vì đây là sản phẩm đầu tiên Katy (và cũng là duy nhất trong đĩa nhạc) cô hợp tác với Sia Furler – một ca sĩ kiêm nhạc sĩ tài năng đến từ nước Úc, người mà trong thời gian gần đây đã viết ra rất nhiều bản hit như “Diamonds” của Rihanna, hay là “Titanium”, “She Wolf (Falling to Pieces)” cộng tác cùng DJ nước Pháp David Guetta.
Và cũng như các đĩa nhạc trước, Katy Perry kết thúc “Prism” bằng một bản ballad như để chứng tỏ rằng mình có thể hát được nhiều thể loại. “By The Grace of God” là khi Katy Perry tạm thời rũ bỏ danh hiệu ngôi sao nhạc pop để trở thành một cô gái bình thường, hát về cuộc tình đầy tha thiết. Một cái kết không hẳn là đẹp nhưng vừa vặn, đủ để người nghe nhẹ nhàng mỉm cười đầy thỏa mãn, sau đi đã trải nghiệm lăng kính tình yêu ngập tràn những sắc màu này
* Third eye (con mắt thứ ba): là hình ảnh được thể hiện trên trán của các vị thần trong các tác phẩm điêu khắc cổ đại ở đền chùa Phật giáo. Người Ấn Độ thường chấm một điểm trên trán giữa hai con mắt để diễn tả con mắt thứ ba, chính là thần nhãn, để thấy được những gì mà hai con mắt trần vẫn nhìn mà không thể thấy được. Nó được xem là con mắt trí tuệ, giúp cho hành giả thấy rõ được quá khứ và vị lai (nguồn: wikipedia).
Bài: Sơn Phước
Ảnh: katyperry.com
>>> Có thể bạn quan tâm: Mượn hình ảnh mặt trăng để đặt tên cho đĩa nhạc mới “Moon Landing” của mình, James Blunt muốn thể hiện nỗi cô đơn, trống trải trong tình yêu, khi thế giới xung quanh chỉ còn là một “hành tinh lạ”.