Prada “hồi sinh” rác thải nhựa thành túi xách thời trang cao cấp

Hưởng ứng trào lưu “xanh hóa” của ngành công nghiệp thời trang, Prada đã tung ra BST túi kinh điển của mình với chất liệu mới là nhựa tái chế từ bao nylon, lưới đánh cá,…

Lấy cảm hứng từ mẫu túi nylon từng gây chấn động làng thời trang trong những năm 80, Prada đã “tái chế” ý tưởng cũ thành 6 mẫu túi khác nhau. Nếu như lần đầu “chào sân” của chiếc túi nylon gây ấn tượng bởi thiết kế tối giản nhưng phá cách thì cái tên Prada Re-Nylon lại gợi đến cảm giác thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng sống xanh trong bối cảnh mức độ ô nhiễm bởi nhựa đang ngày một tăng cao hiện nay.

BST Prada Re-Nylon với bộ ảnh lấy cảm hứng từ bối cảnh thiên nhiên hoang dã của bang Arizona (Mỹ).

Con số 8 triệu tấn rác thải xuống biển mỗi năm cùng nhiều dự đoán cho rằng tương lai Trái Đất sẽ bị chôn vùi trong rác vào năm 2050 quả thực là một nỗi ám ảnh của toàn nhân loại. Trong đó, loại chất thải khó phân hủy và đang được sử dụng rộng rãi nhất chính là nhựa. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm mức độ ô nhiễm của hệ sinh thái toàn cầu, đại diện truyền thông của Prada – ông Lorenzo Bertelli cho biết: “Bộ sưu tập túi Re-Nylon sẽ giảm một lượng lớn rác thải nhựa và có tác động tích cực thúc đẩy sự bền vững của môi trường”.

Giám đốc Điều hành của tập đoàn Prada – ông Patrizio Bertelli (phải) và con trai là Lorenzo Bertelli – Trưởng phòng Marketing và Truyền thông của tập đoàn Prada.

Theo đó, Tập đoàn Prada khẳng định rằng đây là một hành động thiết thực vì màu xanh thế giới và có mục tiêu lâu dài, chứ không chỉ là chiêu trò quảng bá thương hiệu. BST Prada Re-Nylon có tổng cộng 6 mẫu túi gồm túi đeo hông, túi xách tay, túi đeo vai và balo. Ngoài ra, hãng cũng tiết lộ vì đây là BST capsule nên mức giá bán ra cũng có phần “nhỉnh” hơn so với thiết kế túi nylon phiên bản cũ, tiêu biểu là chiếc balo có giá cao hơn 20%. 

BST Prada Re-Nylon với 6 mẫu túi làm từ chất liệu tái chế từ rác thải nhựa thu gom ở môi trường đại dương.

Được biết, Prada cũng đang hợp tác với UNESCO trong một dự án xây dựng môi trường bền vững. Theo đó, nhà mốt nước Ý đã cam kết chia sẻ phần trăm doanh thu của mình cho dự án này. Tuy con số cụ thể vẫn chưa được tiết lộ nhưng thông tin này đã góp phần giải đáp những ý kiến đặt nghi vấn việc Prada nâng giá một BST “xanh”, nhất là trong bối cảnh đa số các thương hiệu bền vững đang tìm cách giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Mẫu balo trong BST Re-Nylon được nâng giá cao hơn 20% so với phiên bản thường.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Prada thì còn có nhiều “ông lớn” của làng thời trang tham gia cuộc cách mạng bền vững như tập đoàn LVMH (chủ sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton, Christian Dior, Fendi,…), tập đoàn PVH (chủ sở hữu của thương hiệu Calvin Klein), nhà mốt Ralph Lauren, Burberry,… cũng đã đưa ra các mục tiêu bền vững cho lộ trình phát triển trong thời gian tới. “Đây là khởi đầu cho kỉ nguyên của chúng ta, nhu cầu của khách hàng với sản phẩm tái chế đang ngày một tăng cao. Tôi hy vọng các đối thủ của mình cũng sẽ cùng hướng đến xu hướng bền vững này” – ông Lorenzo Bertelli chia sẻ. 

Xưởng Aquafil sẽ là nơi cung cấp chất liệu thân thiện với môi trường cho BST mới của Prada.
Các loại rác thải nhựa từ đại dương như bao nylon, lưới đánh cá sẽ được “hồi sinh” thành vải Econyl – loại chất liệu mà Prada đang đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ thay thế hoàn toàn thay cho chất liệu nhựa thông thường mà hãng đang sử dụng để làm ra những mẫu thiết kế nylon hiện tại.

Đối tác Aquafil là xưởng sợi tổng hợp sẽ cung cấp loại chất liệu đặc biệt được tái chế từ nhiều nguồn nhựa rác thải khác nhau. Ngoài Prada, Aquafil còn là nơi mà Gucci và nhà mốt Stella McCartney tìm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các thiết kế bền vững của mình. Theo đó, cứ mỗi 10 nghìn tấn sợi Econyl còn giúp thế giới tiết kiệm khoảng 70 nghìn thùng dầu – một con số đáng kể khi nguồn nguyên liệu hóa thạch đang có nguy cơ bị cạn kiệt. 


From the same category