Bằng cách sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hàng ngày, kết hợp với màu sắc nổi bật, Pop Art đã phá bỏ hệ thống phân cấp thứ bậc của nghệ thuật, thách thức các giá trị mỹ thuật truyền thống.
Pop Art hay Popular Art – Nghệ thuật Đại chúng – là một phong trào nghệ thuật thị giác nổi lên vào thời đại công nghiệp những năm 1950. Pop Art thể hiện “văn hóa vật chất” bởi những hình ảnh trong Pop Art lấy cảm hứng từ những điều dễ thấy như sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, truyền thông quảng cáo, phim ảnh,…
Điểm đầu tiên chạm vào mắt người xem ở các tác phẩm Pop Art, chính là cách sử dụng màu sắc cực kì nổi bật. Với những mảng màu cơ bản được “bắt cặp” cùng những gam màu neon nổi bật, Pop Art mang tới luồng sinh khí đầy lạc quan và sống động. Pop Art cũng mang sự ngẫu hứng tạo nên những điều đặc biệt, đến từ những họa tiết Comic (truyện tranh) hoặc Graffiti. Đây là sự ảnh hưởng của phong trào truyện tranh Comic rầm rộ và nghệ thuật Underground của Mỹ.
Đưa nghệ thuật vào không gian công cộng, đưa những tác phẩm đường phố vào phòng tranh, Keith Haring cùng với những nghệ sĩ như Jean-Michel Basquiat đã thu hẹp khoảng cách giữa thế giới nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật đường phố, nghệ thuật Pop Art. Họ đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ, bao gồm cả các nghệ sĩ theo trường phái Pop-Graffiti nổi tiếng như Banksy và Shepard Fairey.
Thuộc thế hệ những nghệ sĩ Graffiti đời đầu tại Pháp, Cyril Kongo tạo dựng tên tuổi thông qua những nỗ lực tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng đưa Graffiti vượt ra khỏi cái nhìn khắt khe của giới nghệ thuật, trở thành một môn nghệ thuật được công nhận. Là một người yêu thích sự tự do và đam mê trải nghiệm, Kongo tự thừa nhận rằng phong cách nghệ thuật của ông có được ngày hôm nay là quá trình học hỏi và phát triển từ nhiều nền văn hóa cũng như con người mà ông từng tiếp xúc, đặc biệt là trong lĩnh vực Pop Art.
Kongo chia sẻ rằng: “Jeans-Michel Basquiat là người đã truyền cảm hứng đặc biệt cho tôi, vì anh ấy là cầu nối mở ra cánh cửa mới của đường phố và thế giới nghệ thuật”. BST “Immortel” là một loạt tác phẩm vẽ chân dung những tượng đài “bất tử” đã tạo ra những dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Trong đó, hình ảnh những nghệ sĩ nổi tiếng như Andy Warhol, Keith Haring, Jean-Michel Basquiat và Yayoi Kasuma được Cyril Kongo tái hiện lại với phong cách Pop Art đồ hoạ đặc trưng, tôn vinh những cống hiến và di sản nghệ thuật mà họ đã để lại.
BST “Émoticône” được Kongo sáng tác vào năm 2020 mang đậm phong cách Pop Art, lấy cảm hứng từ những biệu tượng emoji ngày càng thông dụng hơn trong ngôn ngữ giao tiếp cảm xúc phổ biến trên thế giới. BST với hình ảnh biểu tượng emoji quen thuộc ở vị trí trung tâm, trên nền là những hoạ tiết đồ hoạ chấm bi, ngôi sao, đường kẻ – âm hưởng Pop Art từ những nghệ sĩ Yayoi Kusama và Roy Lichtenstein. Pop Art đã phá bỏ đi rào cản của nghệ thuật khi hướng nó tới gần hơn với đại chúng bằng cách lựa chọn khai thác những chủ đề đời thường như lon súp hay chai Coca Cola, thì nay Kongo đã lựa chọn những biểu tượng emoji làm tâm điểm trong tác phẩm.