Pierre Dinand và cuộc hợp tác bất thành với Salvador Dali

Các thiết kế của ông gắn với những tên tuổi lớn – từ Pierre Cardin đến Madame Rochas, và ông còn tạo nên cả chai nước hoa được coi là biểu tượng của Yves Saint Laurent – Opium. Tuy nhiên, ông đã phải… bó tay khi gặp họa sĩ huyền thoại Salvador Dali.

 

Opium của Yvés Saint Laurent, thiết kế bởi Pierre Dinand năm 1977 

Dinand khá gắn bó với các nhà thiết kế đã từng cộng tác với mình, và ông chia sẻ một cách khiêm nhường rằng, chỉ đơn giản là ông biết lắng nghe và đóng khung các ý tưởng trừu tượng của họ để tạo dựng nên những tác phẩm được hoan nghênh trên khắp thế giới. Đối với ông, cảm giác thiết kế một “ngôi nhà” cho cả ý tưởng trừu tượng và mùi hương là điều thiết yếu trong công việc sáng tác của mình. Từng là một thực tập sinh trong ngành kiến trúc, sự thay đổi định mệnh trong sự nghiệp đến với ông khi Madame Rochas đề nghị ông thiết kế lọ cho nước hoa cho mình. “Sau khi thiết kế lọ nước hoa đầu tiên, tôi không thể nào ngừng công việc này”. Kết quả là ông đã sở hữu vô số văn phòng và xưởng chế biến trên khắp các thành phố lớn của Paris, London, New York và Tokyo trong suốt các thập niên 60, 70 và 80.

 

Pierre Dinand (trái) 

 

Dinand và lọ Opium huyền thoại 

Tuy nhiên, cũng có một dự án mà mặc dù đã được đầu tư ba năm nhưng nhà thiết kế huyền thoại vẫn không đưa ra được sản phẩm nào – đó là việc cộng tác với họa sỹ siêu thực huyền thoại Salvador Dali. Trong một buổi phỏng vấn riêng, Dinand kể rằng, cả hai nhà sáng tạo đã làm việc cùng nhau cho một mùi hương của công ty nước hoa Shulton. Họ đã có một bữa ăn tối với ngài Chủ tịch Công ty Shulton, vợ ông ta, và tất nhiên, vợ của Dali là Gala. “Trong bữa tối, Gala (vốn đã 78, 79 tuổi lúc đó) liên tục đá chân tôi dưới bàn và thì thầm: ‘Hãy lên phòng tôi, anh bạn trẻ.’ Và thật là buồn cười, Dali không những không quan tâm, mà trái lại, ông ta còn cố gắng tìm một cậu trai trẻ sẵn sàng ngủ với vợ của ông ấy nữa!”

Dinand nói tiếp về dự án đặc biệt này: “Chúng tôi có lẽ đã mất ba năm vào dự án theo cách điên khùng này, nhưng chưa bao giờ có kết quả. Dali tuyệt đối không hề biết những gì có thể làm với thủy tinh. Ông ta nghĩ rằng bất kỳ cái gì cũng có thể làm được, nhưng không phải vậy, thủy tinh là một vật liệu rất khác, không thể tạo ra một thứ gì quá dài hay đầu quá nhọn… – nó không giống như nhựa hay kim loại. Thường thì những gì ông ấy muốn thực hiện đều tuyệt đối không thể làm được, nhưng dù sao chúng tôi cũng đã rất thích thú với công việc đấy, mùi hương đó như là một giấc mơ đối với chúng tôi vậy. Tôi đã gặp Dali phải hơn 20 lần để bàn về thiết kế cho mùi hương đó, đa phần là tại New York, và thậm chí chúng tôi còn đến nhà ông ấy ở Catalonia để thảo luận về những gì chúng tôi có thể làm được, nhưng những ý tưởng của ông ấy luôn thật điên rồ.”

 

 

 

Một vài mẫu trong dòng nước hoa Salvador Dali 

“Sau khi mất, thư ký của ông ấy đã ký một hợp đồng và lọ nước hoa nổi tiếng được thiết kế với một cái mũi và cặp môi đã được tạo ra, nhưng đó không hẳn là cái mà Dali mong muốn. Tôi đã có một tập dày các phác thảo về thiết kế cho dự án Shulton và tôi thực sự không biết điều gì đã xảy ra với chúng. Tôi cũng chưa bao giờ đề cập đến vấn đề tiền nong vì bản thân tôi cảm thấy thật thú vị khi được quen, làm việc và trao đổi các ý tưởng với ông ấy. Tôi rất ngưỡng mộ các tác phẩm của Dali, và bản thân ông ấy cũng là một người rất đặc biệt.”

“Tôi nhớ có một lần chúng tôi đã đến một nhà hàng Pháp nổi tiếng ở New York với Dali và một người bạn trong ngành thời trang – bà Diana Vreeland – một người phụ nữ tuyệt vời. Một người của công ty Shulton đã đề nghị Dali chọn rượu, và ông ấy đã chọn chai đắt tiền nhất. Tất nhiên sau đó, ông ấy đã yêu cầu được thử rượu và họ đã làm theo yêu cầu của ông ấy. Dali tựa đầu mình về phía sau để uống và giữ nguyên tư thế đó, nhìn trân trân lên trần tối thiểu phải một phút. Tất cả chúng tôi đổ dồn mắt nhìn ông ấy, và sau cùng, ông nói: ‘Rượu thì xuất sắc, nhưng cái trần nhà này, màu của nó thật tệ, các anh phải đổi cái màu này…’. Ông ấy hỏi xin một chiếc kéo, lấy cái cà vạt của mình ra và cắt ngay một mẩu của nó đưa cho người của nhà hàng và bảo: ‘Cái màu đỏ này sẽ rất chuẩn’. Nhà hàng đó đã sơn lại trần nhà ngay trong ngày hôm sau! Dali luôn có những điều bất ngờ như vậy.”

Salvador Dali

“Điều tôi nhớ nhất về Dali là những thiết kế tờ rơi của ông ấy. Từ 6 giờ đến 8 giờ ông ấy luôn ngồi trên một cái ngai do mình tự thiết kế, một bên là cây gậy và một bên là hộp thiết kế tờ rơi để tiếp nhận các khách hàng người Mỹ. Ông ta sẽ chỉ vào bản in và hỏi họ muốn bao nhiêu bản thiết kế – một tỷ phú từ Texas lên tiếng: ‘Làm ơn cho tôi một bản’ và người khác thì nói: ‘Tôi muốn hai!’ Mỗi bản thiết kế Dali sẽ thu 1.000 đô la, và như thế ông ấy có thể dễ dàng kiếm ba hay bốn ngàn đô la. Điều đặc biệt là ông ấy chỉ nhận tiền mặt, không thẻ hay séc. Tuy vậy ông ấy lại chẳng cầm tiền mặt đi đâu. Có lần ông ấy đã đặt hàng một hộp xì gà đắt tiền và tôi đã phải trả 350 đô la ngay cho họ. Ông ấy đã nói: ‘Xin lỗi Pierre, tôi không mang tiền theo’. Mối quan hệ của ông ấy với tiền bạc thật buồn cười, đặc biệt ông ấy còn có biệt danh là ‘Avida Dollars’ (kẻ hám tiền).”

Eternity của Calvin Klein, thiết kế bởi Pierre Dinand năm 1988

Light Blue của Dolce Gabbana, thiết kế bởi Pierre Dinand năm 2001

Givenchy III, sáng tạo năm 1970

GANT của Robertet, nhà sản xuất nước hoa lâu đời nhất thế giới, cũng là tác phẩm của Dinand

Tác phẩm điêu khắc của Pierre Dinand với hình tượng các lọ nước hoa đã được ông thiết kế

Các bài viết trong chuyên đề:

>> Xu hướng thiết kế bao bì mỹ phẩm

>> Bạn đã thấy các tuyệt tác này chưa?

>> Những mẫu thiết kế nước hoa ấn tượng

>> Pierre Dinand và cuộc hợp tác bất thành với Salvador Dali

Thực hiện: Lê Lam Sơn


From the same category