Pierpaolo Piccioli làm giám đốc sáng tạo Balenciaga: Hồi sinh dấu son Haute Couture chói lọi của Cristóbal Balenciaga

Trong một cú rẽ đầy bất ngờ nhưng không kém phần thú vị, Pierpaolo Piccioli là nhà thiết kế đã khắc sâu tên mình trong lịch sử thời trang với các bộ sưu tập nổi bật tại Valentino, nay được bổ nhiệm làm Giám đốc Sáng tạo của Balenciaga. Quyết định này đánh dấu một chương mới cho cả Piccioli lẫn Balenciaga, mở ra hàng loạt kỳ vọng rằng thương hiệu từng là tượng đài Haute Couture dưới thời Cristóbal Balenciaga.

Vừa qua, “ông lớn” Kering đã chính thức bổ nhiệm Pierpaolo Piccioli làm Giám đốc Sáng tạo của Balenciaga, bắt đầu từ ngày 10/7/2025. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng xa xỉ đang trải qua giai đoạn suy giảm nhu cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc, ảnh hưởng đến doanh thu của cả tập đoàn.

Pierpaolo Piccioli chính là người đứng sau những thiết kế biểu tượng của Valentino.

Nói đôi nét về vị Giám đốc Sáng tạo, nếu thời trang là ngôn ngữ của cảm xúc, thì Piccioli chính là nhà thơ của cảm xúc. Trên cương vị tương tự tại nhà mốt Valentino từ năm 2008 cùng Maria Grazia Chiuri và độc lập từ 2016, ông không ngừng đưa Haute Couture trở về đúng bản chất ban sơ của nó: Một sự đối thoại giữa kỹ thuật thuần thục và trái tim đầy nghệ thuật. Những sàn diễn của Piccioli luôn khiến khán giả dõi mắt theo, không phải bởi sự phô trương hay khốc liệt, mà bởi vẻ đẹp thuần khiết đầy mê hoặc.

Ai có thể quên được bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 2018 với những dải màu thuần sắc, những thiết kế lấy cảm hứng từ tranh của Rothko và ngôn ngữ hình khối tối giản, nhưng lại mang tính siêu thực nhờ vào kỹ thuật dựng phom bậc thầy? Hay bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2022 với bảng màu đơn sắc đậm đặc, như một tuyên ngôn về sự tối giản cực đoan nhưng vẫn đầy tính thơ mộng? Piccioli không chỉ thiết kế quần áo mà ông còn kiến tạo nên những thời khắc đáng nhớ, nơi vẻ đẹp không đến từ sự hào nhoáng mà từ cảm xúc thuần khiết được thể hiện qua từng đường may, từng lớp vải.

BST Valentino Haute Couture Thu Đông 2018 chính là một trong những BST nổi tiếng nhất làng thời trang thế giới.

Lối thiết kế của Pierpaolo Piccioli đặc trưng bởi ba yếu tố: Sắc độ nguyên bản, tính nhân bản, và sự giao thoa giữa cổ điển với đương đại. Không ai dùng màu sắc như ông – rực rỡ nhưng không lòe loẹt, trầm lặng nhưng không buồn tẻ. Ông tái định nghĩa lại khái niệm “lộng lẫy”, biến nó từ một thứ chỉ dành cho giới vương công quý tộc thành biểu tượng của cảm xúc phổ quát.

Balenciaga là nơi khởi nguồn của hình học thời trang hiện đại, nơi Haute Couture không còn là sự xa hoa cường điệu mà là kiến trúc thuần khiết của cơ thể. Dưới thời nhà thiết kế Cristóbal Balenciaga, thương hiệu này định hình lại toàn bộ ngôn ngữ thiết kế của thế kỷ 20: Những đường vai thẳng tắp, phom dáng kén tằm,… Tất cả đều là di sản mà giới tinh hoa đương đại vẫn phải ngả mũ.

Hai trong số những thiết kế Haute Couture đầu tiên và đặc biệt nhất của nhà sáng lập thương hiệu Cristóbal Balenciaga.

Thế nhưng, sau khi Cristóbal Balenciaga khép lại nhà mốt vào năm 1968, thương hiệu này đã rơi vào một giấc ngủ dài. Dù được hồi sinh và lột xác dưới nhiều thời kỳ – từ Nicolas Ghesquière với tính vị lai, đến Demna với chủ nghĩa phản thời trang và hình thức “anti-fashion” gây tranh cãi, Haute Couture vẫn luôn là một khoảng trống lặng lẽ trong di sản của nhà Balenciaga thời hiện đại. Dù Cựu Giám đốc Sáng tạo Demna có khôi phục dòng Couture từ 2021, phong cách của ông lại thiên về tính thử nghiệm hơn là tái hiện tinh thần couture truyền thống.

Cựu Giám đốc Sáng tạo Demna và những nỗ lực đưa di sản Haute Couture của Balenciaga trở lại.

Balenciaga vì thế cần một người có khả năng thấu cảm di sản, nhưng cũng đủ tinh tế để kiến tạo tương lai – một nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại. Và có lẽ, không ai phù hợp hơn Pierpaolo Piccioli cho vai trò ấy. Câu chuyện Kering mời Piccioli về Balenciaga được xem là sự kết hợp đầy chiến lược. Một bên là nhà thiết kế tin vào vẻ đẹp nhân văn và tính thẩm mỹ sâu lắng; bên còn lại là một thương hiệu đang cần khơi lại linh hồn Haute Couture – thứ đã từng giúp họ trở thành biểu tượng vượt thời gian trong thế giới thời trang.

​​Việc Piccioli đến với Balenciaga được đánh giá là bước chuyển quyền lực mang tính văn hóa, hơn là chỉ thay đổi bộ mặt sáng tạo, nhất là khi nhà mốt tới từ Tây Ban Nha vốn được xem là trung tâm của chủ nghĩa “anti-fashion” dưới thời Demna, và nay đứng trước cơ hội trở thành một biểu tượng couture thực thụ – không bằng cách hào nhoáng hay rầm rộ, mà bằng sự lặng thầm uyển chuyển.

Liệu nhà thiết kế Pierpaolo Piccioli sẽ giữ lại điều gì từ người tiền nhiệm hay ông sẽ xây dựng lại Balenciaga hoàn toàn theo cách của mình? Những câu hỏi này sẽ chờ lời giải đáp tại sàn diễn ra mắt của ông vào tháng 10 tới.


From the same category