Mọi thứ cứ diễn ra như một lẽ tự nhiên nhất, chị hạnh phúc với những điều mình đang có. Và chị chọc cười người đối diện với câu chuyện, nếu có đau khổ hay day dứt gì, thì đó chính là nghiệp tình chưa trả được, vì ngày xưa đã có lúc vô tình gây thương nhớ cho ai đó…
– Ở tuổi 40, chị lại làm nghề với một sắc thái khá trẻ trung, thậm chí là quậy hơn thay vì đằm thắm và đi vào chiều sâu. Nhiều người cho rằng chị đang bế tắc, chị nghĩ sao?
Đúng là giờ mỗi lần xuất hiện trên sân khấu, Phương Thanh “làm xiếc” nhiều hơn là hát, và khán giả có vẻ như khoái trí cũng như tán thưởng điều này rất nhiều. Giờ đây âm nhạc đang vào chu kỳ xem ca nhạc chứ không phải nghe ca nhạc nữa. Mình là ca sĩ, ca ra lời ca tiếng hát là chia sẻ cảm xúc nội tâm, nhưng giờ họ lại thích khác, bài hát nào cũng biên đạo với vũ đạo nhảy múa từa lưa, nó không còn như xưa nữa. Thương trường sao thì tôi theo vậy, muốn lộn thì tôi nhảy lộn thôi, vui là chính chứ không sâu. Là nghệ sĩ đôi khi cũng phải biết chấp nhận đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khán giả, chứ tất nhiên tôi vẫn mong muốn mình được hát thì sẽ sướng hơn.
– Chị có nuối tiếc không khi thời thế thay đổi như thế?
– Những sân khấu được hát, nơi đó chỉ có để nghe hát ngày càng ít, như Duyên dáng Việt Nam chẳng hạn năm nay nghỉ luôn rồi. Hay như Làn sóng xanh cũng là sân khấu tôn vinh tiếng hát thì giờ cũng đâu còn nữa. Nhưng kéo lại giờ người ta đang tôn vinh giọng hát thật, hát nhép bị tẩy chay rồi thì âu đó cũng là sự an ủi. Ai nghiêm túc, ai thực sự bằng tài năng sẽ được coi trọng và tôn vinh. Được cái nọ mất cái kia âu cũng là quy luật nên không việc gì phải nuối tiếc.
– Nhưng sẽ là khó khăn cho chị đấy nhỉ, Phương Thanh bây giờ đâu còn máu lửa như thuở 18 để có thể hát live vài chục bài?
– Không vấn đề gì chứ, nếu trong không gian phòng trà khán giả tới đâu Phương Thanh đáp ứng tới đó luôn. Còn âm thanh sân khấu thì chịu thật, vì âm thanh bây giờ tệ lắm, người hát cũng ngại để phô diễn, mà đúng hơn là không phô diễn nổi. Hát là cảm xúc đi tới cảm xúc, mà giờ âm thanh nó chát chúa làm sao mà phô diễn được. Vì thế giờ nhiều khi ra sân khấu các ca sĩ cứ phải dùng chiêu trò, như nhảy múa chẳng hạn để phân tán sự tập trung của khán giả, cũng là một chiêu thôi. Như tôi, 40 tuổi mà vẫn phải “làm xiếc” để nó qua đi.
– Nói thế thì chua chát quá vì vô tình cả người diễn lẫn người nghe không biết mình đang thưởng thức hay đang làm cái gì trong cái không gian âm nhạc đó?
– Tôi không cho đó là cay đắng hay xót xa gì, đó là một góc nhìn hài hước, thương trường sao mình phải biến hóa theo dù mình không còn là mình nữa. Mình không được hát đúng nghĩa, nhưng mình vẫn làm người khác vui, và đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc. Đó là sự thức thời, thời giờ là xem hát, rồi sẽ có lúc nó lại quay trở lại những bản chất vốn dĩ đương nhiên tồn tại chứ. Duy trì sự sống khác với con đường đi nhé. Tôi vẫn cần phải duy trì để giữ khán giả, những người có nhu cầu nhìn thấy và giao lưu với tôi hàng ngày.
– Chị duy trì và mong muốn bao giờ cho đến ngày xưa?
– Không, cái ngày xưa đó nó không bao giờ trở lại, đó là điều chắc chắn. Nhưng bạn cũng phải thừa nhận với tôi thời gian cũng sẽ mang tới những trải nghiệm có tính chiều sâu, mọi thứ cùng thời gian cũng phải sâu sắc hơn chứ. Và tôi vẫn có những không gian để mình đắm chìm và được chia sẻ cơ mà. Sự thức thời ở đây cũng là sự phù hợp với từng đối tượng chứ không phải là đồng loạt tất cả. Tuy nhiên, đôi khi cũng chạnh lòng là khi trẻ được hát sâu sắc còn về già thì đôi khi lại hời hợt. Hơi ngược quy luật một chút. Giờ hát nhiều lúc nhanh và vội quá.
– Có phải không gian âm nhạc ngày càng hẹp lại, và vì thế Phương Thanh lựa chọn một cuộc sống không sân si sân khấu, chị sống lui vào thiền và đạo nhiều hơn. Nhiều người thậm chí còn nói chị đi tu, duy tâm và có phần cuồng tín?
– Tôi không tu nhé, con người ai cũng có đạo. Đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi… để ý sẽ thấy chữ đạo đứng đầu và làm chủ, chỉ khác nhau chữ Phật, Chúa và Hồi thôi. Như vậy, chữ đạo là đi theo suốt cuộc đời một con người, nó giúp người ta cân bằng giữa những cái tham sân si ở cuộc sống, đạo giúp mình dừng lại. Còn nói tôi cuồng tín là họ chẳng hiểu gì tôi cả. Một người nói ra quan điểm sống là họ đã biết mình và biết lí trí của mình thế nào. Còn mê tín là tin một cách điên cuồng khờ dại, đến mức ai nói gì cũng nghe. Phương Thanh đâu có như vậy, tôi không mê nhưng tôi tin vào những gì mà đạo dạy. Đạo là hướng tâm, để mình sống đúng, sống thanh thản.
– Nói như chị thì một số nghệ sĩ trẻ hiện nay họ nói về chuyện tu, về pháp danh của mình với công chúng có vẻ kệch cỡm và buồn cười quá nhỉ?
– Trong đạo có một ý thế này, khi người ta giác ngộ được tất cả mọi thứ thì mới tu được. Tu không phải ở mồm, la toáng lên lại càng không. Bạn nhìn những người tu hành và so sánh với những người đã nói mình tu đi, bạn sẽ thấy tu là gì, khác nhau thế nào. Tôi sẽ không nói về người khác trong câu chuyện của mình, nhất là các em nó còn nhỏ, tôi từng này tuổi rồi sao lại đi nói về những câu chuyện đó.
– Còn vụ “khóa môi” gần đây của hai nhà sư và một “ông hoàng”, là người khá hiểu về Phật pháp, chị có suy nghĩ thế nào?
– Chuyện này ai thấy cũng có những suy nghĩ của mình rồi, việc đúng sai thế nào thì bản thân các sư thầy đã phải chịu trách nhiệm. Tôi đã nói đây là cái nghiệp mà các thầy tự gây ra, người tu hành không ai hành động phàm tục và buồn cười như thế cả. Có lẽ các thầy chưa thoát khỏi cõi trần, trong lúc cao hứng đã mất kiểm soát để có hành vi thật lố bịch và xúc phạm tới đạo Phật, nó vượt ra ngoài khuôn khổ về tư cách cá nhân của một người tu hành.
Tôi vừa có chuyến đi Tây Tạng về, mới thấy nhà sư ở đó họ thực sự là những người tu hành đắc đạo. Họ tu trên núi cao, đời sống khổ cực tới mức bạn không thể tưởng tượng nổi, chùa thì tồn tại cả trăm năm xuống cấp nghiêm trọng, mặc dù các tăng ni phật tử muốn đóng góp để làm mới và thậm chí họ có thừa khả năng để xây những ngôi chùa to và hoành tráng hơn ta rất nhiều nhưng họ không làm thế.
Người tu hành là vậy, họ đâu cần những thứ vật chất tầm thường, ở ta bây giờ chùa lớn chùa bé, đua nhau xây dựng, phật tử thập phương cung tiến chỉ để xây chùa cho to cho đẹp, nhưng thực sự đó không phải là mục đích của người tu hành. Người tu hành chính nghĩa họ không cần những thứ như vậy. Nói chung tu cũng năm bảy loại, và không phải ai tu cũng đắc đạo đâu. Nhưng suy cho cùng, gây nghiệp thì phải trả nghiệp thôi.
– Vậy chị có ngộ ra được điều gì không khi mình cũng là một đệ tử trung thành của đạo Phật?
– Đơn giản lắm, tôi sửa chính con người mình, tu là sửa chính mình, vậy thôi. 20 năm trước đánh nhau giờ thì không đánh nữa, ngày xưa không hài lòng gì cãi cha cãi mẹ nhưng giờ không dám làm thế nữa vì hiểu được những hành động đó thật sai trái… Tôi tu vậy đó, chỉ là ngộ ra cuộc sống của mình từ những điều nhỏ bé thế.
Tu là tu cho bản thân, dòng họ, rồi tích những điều hay đó cho con cái chứ không phải cho ai khác mà phải chứng minh nọ kia với ai. Ai thấy được cái nghiệp của mình, gia đình mình mà trả, mà sống tốt dần lên thì cũng là tu rồi.
– Vậy cái nghiệp nặng nhất mà cho tới giờ chị vẫn không trả được, nó là cái gì?
– (Cười) Là nghiệp tình. Những thứ cố tình và vô tình đều mang tội. Nhưng sự thật, nhiều khi cái vô tình tội còn nặng hơn nữa. Mình vô tình gây thương nhớ cho ai đó, rồi sau đó bỏ người ta đi, không lưu luyến gì, còn người ta thì cứ nhớ thương mình, thậm chí còn từ chối cuộc sống hôn nhân để nhớ thương mình. Nghiệp nặng đó (cười lớn).
– Vậy có phải vì điều này chị nhất định không nói về người đàn ông của mình, không nói cả chuyện đám cưới luôn?
– Hạnh phúc của tôi, hay đám cưới gì đó không liên quan tới chuyện này vì có những thứ sinh ra đã rõ ràng nhưng cũng có những thứ phải giấu đi. Tốt quá hay xấu quá đều phải giấu. Nhất là phụ nữ thì càng phải ngấm điều này, có người đàn ông nào mà thích một người phụ nữ “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”. Đó là cái duyên đàn bà, phải có để phòng khi mình gãy đò một lần thì người đàn ông khác họ nhìn vào họ còn thương. Đời thường thì ai chả giống nhau, đó là đau khổ và hạnh phúc. Chỉ có tôi khác mọi người là tôi làm nghề hát vậy thôi.
Và nhân đây cũng nói luôn, tôi rất ghét người phỏng vấn cứ hỏi về người đàn ông trong bóng đêm. Khi nào tôi thích nói, tôi sẽ tự nói, còn không thì đừng hỏi nữa.
– Và cả chuyện con gái nữa, chị cũng từ chối những câu hỏi?
– Có lần tôi đến đón con, tối về cháu nói “từ sau mẹ đừng đến trường con nữa, mẹ đến làm loạn trường, con không thích”. Tôi đến đón cháu, các phụ huynh nhận ra, các cháu cũng nhận ra, mọi người xúm vào hỏi thăm rồi xin chữ ký nọ kia, tạo nên một không gian khá náo nhiệt. Và tối về con tôi nói thế đó, một lời nói thẳng khiến người lớn phải sựng lại. Và đó là lí do khiến tôi từ chối tất cả những câu hỏi liên quan tới con. Bạn thấy có hợp lý không?.
Hải Ngọc (theo CSTC)