“Makeno” khi con nghịch phá
Nguyên nhân sâu xa của một đứa trẻ hay phá bĩnh, quấy khóc, không chịu hợp tác với bố mẹ rất có thể là vì chúng đã không được vui chơi thoải mái với mức năng lượng vô hạn đang tiềm ẩn trong cơ thể chúng. Chứ không phải theo mức năng lượng mà chúng ta nghĩ là giới hạn. Hiểu đúng về điều này mới khiến chúng ta giảm bớt sự mệt mỏi khi luôn cho rằng con mình quá nghịch ngợm, phá phách rồi và cần được khép vào khuôn khổ.
Cô giáo của con gái tôi có đến ba đứa con liền. Đứa bé nhất cũng tầm tuổi con út của tôi, được hơn 2 tuổi. Khi đến thăm cô, tôi thấy nhà cô ấy có một bức tường không hiểu sao lem nhem bao nhiêu là màu vẽ. In cả bàn tay trẻ nhỏ lên. Với một người cẩn thận, sạch sẽ như tôi, tôi thấy hơi khó chịu. Ngôi nhà đẹp thế, người mẹ làm nghề dạy trẻ, trông sang trọng, trí thức vậy mà để con vẽ bậy lên tường nhà thoải mái thế sao? Bà mẹ ba con ấy cười, như hiểu ý tôi, chị bảo, nuôi con đừng quá để ý những tiểu tiết. Cứ để cho bọn trẻ nghịch ngợm nhiều vào. Quá nhiều phụ huynh hỏi chị ấy về cách làm sao để giải quyết những sự việc khi con nghịch ngợm, quấy khóc, không hợp tác, nhưng đa số các trường hợp chị đều trả lời rằng, chẳng nên làm gì cả. Tạm gọi vui là phương pháp “Makeno” – mặc kệ nó! Làm căng thẳng những chuyện bình thường, những điều vốn là quy luật trong sự phát triển của trẻ sẽ làm cho chính các ông bố bà mẹ mắc kẹt trong sự mâu thuẫn nội tại của mình. Vì sao chúng ta lại cấm trẻ chạy nhảy và la hét? Vì sao lại cấm trẻ vẽ và bôi màu, cấm trẻ xé và tung giấy vụn? Vì sao lại nghĩ quả cà chua cần phải tô màu đỏ? Vì chúng ta muốn thế, nhưng nếu bọn trẻ không muốn thế, có thật sự có vấn đề gì không?
“Makeno” khi con lãnh hậu quả mình làm ra
Hôm ấy đi chơi công viên, đứa con thứ hai của tôi xô ngã một bạn đang đứng trên nhà hơi, để cướp lấy vị trí đứng mà con tôi rất thích. Ngay lập tức, bạn nhỏ kia ngồi dậy, túm tóc con tôi và đánh tới tấp vào mặt cháu, để lại trên trán con tôi tím một vết to. Tôi đứng im, chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, con tôi thấy mẹ đứng nhìn, muốn được mẹ bênh nên cứ ôm đầu và gào toáng lên. Tôi biết con đau nhưng mặc kệ, không bày tỏ một cảm xúc gì, cũng không hỏi han, nhắc nhở gì. Con tôi khóc chán rồi cũng nín, nhưng chưa hiểu ý tôi nên nó hơi dò xét. Nó đến nắm tay tôi, kéo tôi đi vài bước, tôi đi nhưng cũng im lặng hoàn toàn, biết chắc chắn con mình đang cố gắng nghĩ xem lúc nãy sao mẹ không bênh mình. Lát sau, đến chỗ đông người, tôi cố tình rẽ sang một hướng có rất nhiều các cháu nhỏ đang chơi. Tôi đi rất chậm và nói với các cháu “các cháu cho cô đi nhờ tí nào”. Dù nói vậy nhưng các cháu vẫn mải nghịch, xô cả vào hai mẹ con, tôi lặng lẽ kéo con lách ra, lảng tránh các bạn khỏi xô ngã, rồi mới đi thật chậm, đợi các cháu tản ra mới tiến nhanh đến chỗ đu quay. Tôi biết con tôi đang lặng lẽ suy nghĩ và quan sát nên tôi hành động thật chậm và chuẩn mực, hi vọng đây sẽ là bài học cho con.
Ra đu quay xong, tôi cho con uống nước mía, xe đẩy nước mía rất đông, con tôi đã biết đứng yên chờ đợi. Lúc cần tiến lên, cháu nói “các bạn ơi cho tớ đi nhờ một chút nào”. Tôi ôm con vào lòng, khen con giỏi quá, đã biết nói chuyện rất hay, lần sau con lại nói như thế nhé! Bạn nhỏ đánh con tôi, dù sao bạn ấy cũng đã sai. Nhưng con tôi cần biết được rằng trong cái đám đông kia, không phải ai cũng cư xử ôn hòa, và mình cần phải chọn cách ôn hòa với người khác trước để được nhận lại điều đó. Không thể yêu cầu được bênh vực khi chính mình còn chưa biết cất lời lịch sự. Nếu không thể thay đổi được người khác, hãy nghĩ xem có nên thay đổi chính mình hay không.
Kiểm soát không phải là giáo dục
“Con cởi quần áo ra – Đứng tránh ra không nước nóng – Bỏ tay ra cho mẹ xả nước – Ngồi xuống chậu tắm đi – Đừng té nước, bắn hết ra ngoài rồi – Ngồi thẳng lưng lên – Ngửa cổ ra – Không đạp chân – Ơ đừng có túm tóc mẹ – Nào, ngửa cổ ra – Đừng yên nào – Giơ chân nào – Nằm im nào – Trả mẹ lọ sữa tắm nhanh lên – Đã bảo không được nghịch cơ mà – Yên nào, muốn ăn roi à – Này, đừng có cho bông tắm lên mồm”…
Đến bố của các cháu còn không thể nào chịu nổi khi phải nghe mẹ các cháu liên tục nhắc nhở và chấn chỉnh từ những điều nhỏ tí. Nhưng dù sao bố các cháu còn có quyền phản ứng. Con trẻ hoặc sẽ ngang bướng lên hoặc sẽ thụ động đi nếu chúng phải nghe các bà mẹ ra kiểm soát suốt ngày, ra lệnh liên tục, dù là với cách diễn đạt dịu dàng nhất đi chăng nữa. Đoạn hội thoại trên, chính là tôi áp dụng với đứa con đầu của mình, khi ấy tôi còn rất thiếu kinh nghiệm. Thường là sau 15 phút, tôi ngồi thở ra tai, vì mệt và bực bội. Nếu hôm nào tôi ở nhà với con, những kiểu hội thoại như vậy diễn ra từ sáng đến tận khuya. Khỏi nói, tôi mệt gần chết! Và con tôi, nó lẩn trốn tôi như trạch, sểnh ra là nó lại chui vào cái “bãi rác” bừa bộn của nó. Và tôi càng phát điên.
Kiểm soát không phải là giáo dục. Hai điều này thường bị trộn lẫn và hiểu nhầm. Đôi khi giáo dục cũng cần kiểm soát, nhưng sẽ là vô lý nếu chúng ta cứ áp dụng suốt ngày và thậm chí suốt một đời đứa trẻ. Một đứa trẻ ngày nào cũng tắm, đâu đến mức nổi ghẻ được ngay. Vậy nên tôi đã quyết định để kệ con đá chân, té nước, vỗ bồm bộp, thổi phì phò, lăn như nhộng, cười sặc sụa với bồn tắm của con. Khi cháu dốc cả lọ sữa tắm ra, tôi nhìn thấy hết nhưng chọn cách hít thở thật sâu để tạm thời nhân nhượng. Tôi không lãng phí, cũng chưa giàu có, nhưng ý của tôi là, một lần này thôi, con sẽ đỡ “thòm thèm” cái lọ – gì – mà – bóp – ra – toàn – bọt! Cả tiếng đồng hồ sau tôi chỉ vào kỳ cọ sơ qua rồi quấn khăn cho con trước khi mặc áo. À tất nhiên là con tôi không ốm, không cảm lạnh, không ho. Vì cháu được chơi thoải mái nên hệ miễn dịch của cháu tự biết phải làm gì.
Đôi khi, chúng ta nghĩ quá nhiều đến các biện pháp “trấn áp” lũ trẻ mà quên mất rằng, sự buông lỏng tự nhiên cũng có rất nhiều giá trị riêng của nó.
Bài: Trúc An
Xem thêm: Hãy để con tự bay