Bộ phận cấy ghép tủy sống gửi xung điện đến các cơ giống như hoạt động của não, qua đó mở ra kỳ vọng giúp người bị chấn thương cột sống nghiêm trọng có thể đứng lên, đi bộ và tập thể dục.
Năm 2017, Michel Roccati (người Italy) gặp một tai nạn nghiêm trọng khi đang lái motor khiến phần thân dưới của ông bị liệt hoàn toàn. Tuy nhiên, năm 2020, ông đã đi bộ được trở lại nhờ phương pháp cấy ghép tủy sống mang tính đột phá.
Ông Roccati là một trong 3 bệnh nhân tham gia nghiên cứu cấy tủy sống do trường Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) thực hiện, được công bố trên chuyên san y khoa Nature Medicine ngày 7/2.
Bộ phận cấy ghép gửi xung điện đến các cơ của bệnh nhân giống như hoạt động của não. Phương pháp này được kỳ vọng một ngày nào đó có thể giúp những người bị chấn thương cột sống nghiêm trọng có thể đứng lên, đi bộ và tập thể dục.
Phương pháp cấy ghép nêu trên được xây dựng dựa trên các nghiên cứu lâu dài về sử dụng xung điện để cải thiện tình trạng của những người bị chấn thương tủy sống, trong đó có một nghiên cứu năm 2018 giúp những người bị liệt một phần có thể đi lại được.
Cả 3 bệnh nhân nói trên đều là những người bị liệt phần thân dưới sau khi gặp tai nạn. Tuy nhiên, họ đều đã có thể thực hiện những bước đi đầu tiên ngay sau khi bộ phận cấy ghép dài 6cm được đưa vào cơ thể và phát đi các xung điện đến các búi cơ bắt chước hoạt động của não bộ.
Chia sẻ với báo giới về lần đầu tiên các xung điện được kích hoạt và ông thực hiện được một bước đi, Roccati cho biết: “Đó là một trải nghiệm rất xúc động.”
Bác sỹ giải phẫu thần kinh Jocelyne Bloch thuộc Bệnh viện Đại học Lausanne cho biết: “Những điện cực này dài hơn và lớn hơn những điện cực mà chúng tôi đã sử dụng trước đây trong các phẫu thuật cấy ghép và chúng tôi có thể tiếp cận nhiều búi cơ hơn nhờ công nghệ mới này.”
Những bước đi đầu tiên này – được đánh giá là một sự đột phá đối với cả các nhà nghiên cứu và bệnh nhân – khá khó khăn, cần sự hỗ trợ của khung đỡ và phần trên cơ thể người bệnh.
Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bắt đầu phục hồi chức năng ngay lập tức sau khi cấy ghép. Trong vòng 4 tháng sau đó, ông Roccati đã có thể đi bộ mà chỉ cần sự hỗ trợ của một khung đỡ để giữ thăng bằng.
Với việc luyện tập, Roccati đã có thể đứng trong vài giờ và đi bộ gần 1km. Ngoài ra, ông cùng hai người còn lại trong cuộc thử nghiệm còn có thể đi cầu thang bộ, bơi và chèo thuyền.
Những tiến bộ trên có được nhờ xung điện được kích hoạt thông qua một máy tính mà bệnh nhân mang theo bên mình. Hai trong số các bệnh nhân tham gia nghiên cứu hiện đã có thể cử động nhẹ các cơ mà không cần xung điện.
Cả 3 bệnh nhân trên đều gặp tai nạn ít nhất một năm trước khi được cấy ghép. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể thử nghiệm phương pháp này ở thời điểm sớm hơn sau khi bệnh nhân gặp nạn.
Bà Bloch cho biết: “Chúng tôi cho rằng nếu áp dụng phương pháp này sớm hơn, hiệu quả sẽ cao hơn nữa”.