Phương Mai đã thay đổi rất nhiều so với lần cuối tôi gặp cô. Đó là trong buổi phỏng vấn đạo diễn Ngô Quang Hải tại quán cà phê Cây Đa, khách sạn Movenpick. Phương Mai bây giờ tự tin và cá tính hơn hẳn. Tôi gặp Phương Mai khi cô đang bận làm MC cho gameshow Mũi tên vàng (sẽ được phát sóng trên Đài truyền hình Đồng Nai). Cô siêu mẫu 2012 thông minh và hài hước, nhưng đôi úc khá “ngoa ngoắt” này đã rất thẳng thắn và chẳng hề e ngại trong bài phỏng vấn này.
– Người ta thường không lấy làm tự hào khi chiến thắng trong một sân chơi mà họ biết các đối thủ đều “dưới cơ” mình. Khi tham dự rồi đăng quang siêu mẫu, liệu chỉ có cảm giác này?
– Ai mà đoán biết trước được đối thủ của mình sẽ thế nào. Kể cả có gặp đối thủ rồi thì mấy ai đủ ngạo mạn để nhận xét, họ dưới cơ mình. Mà thường những người chủ quan khinh địch lại khó chiến thắng. Người chiến thắng thường là người hết sức thận trọng và nỗ lực hết mình trong từng hành động. Từng đó là đủ để người chiến thắng được quyền cảm thấy tự hào về chính mình rồi.
– Có ý kiến cho rằng, những cô gái có năng lực thực sự, sẽ không sống bằng danh hiệu. Chị thì khác, chị chạy bằng được theo danh hiệu “hoa hậu” hay “siêu mẫu”. Chị không tin vào năng lực của bản thân, hay do đã quá mệt mỏi với việc chứng minh mình có “năng lực” nên phải săn lùng danh hiệu?
– Ý anh là những người không có danh hiệu mà thành danh nhiều hơn những người thành danh nhiều hơn những người thanh danh có kèm danh hiệu đúng không? Anh kể tôi nghe xem hiện tại trong lĩnh vực thời trang nói riêng thôi, có những ai, và được bao nhiêu người như vậy?
Thứ hai, không phải bây giờ tôi mới “bắt tay” vào thi thố mà tôi đã chính thức bước vào cuộc thi đầu tiên trong sự nghiệp của mình ở tháng thứ 3 khởi nghiệp. Và sau đó, mỗi năm tôi đều tham gia một cuộc thi nào đó.
Tôi nêu ra hai điều trên nhằm chia sẻ với anh rằng, trước khi đưa ra nhận định về người hay việc gì, mọi người cần nắm thông tin chính xác về sự vật, sự việc đó trước đã. Trở lại vấn đề của tôi, như tôi vừa chia sẻ, mỗi năm tôi đều tham gia một cuộc thi và nếu không phải ngừng bước vì lý do nào đó, tôi sẽ còn tiếp tục. Tôi thích thi cử, thích cảm giác được cạnh tranh quyết liệt với những đối thủ, thích nhìn thấy mình phát triển trong một thời gian ngắn và thích được đánh giá bởi những người có chuyên môn. Tôi thích cảm giác căng thẳng ôn tập, luyện tập để rồi hồi hộp đặt chân vào phòng thi ngay từ thời cấp 1 rồi.
Và vâng, tôi cũng coi đó là phương cách tốt nhất để trau dồi cũng như nâng cao năng lực bản thân. Mọi người có quá chủ quan không khi cho rằng những người tham gia nhiều cuộc thi (và chiến thắng) là không có năng lực? Trên thế giới thậm chí còn có những cô gái chuyên kiếm tiền bằng việc chinh chiến ở các cuộc thi ấy chứ. Cá nhân tôi, anh biết tại sao tôi cứ thích thi đến thế không? Đơn giản vì tôi biết tôi có thể.
– Trong thời buổi vàng thau lẫn lộn, cứ nghe đến “hoa hậu” hay “ người mẫu”, người ta đều liên tưởng đến Mỹ Xuân, Hồng Hà. Chị có ngại danh hiệu “Siêu mẫu” hay “top 10 HHTGVN”?
– Người ta cũng hay có câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói phét”. Hỏi thật, là nhà báo, anh có thấy ngại không?
Theo tôi, ta chỉ có hai lựa chọn trong cuộc sống của mình: hoặc run sợ trước bất kì mọi nhận định và chui vào vỏ ốc; hoặc chọn lọc tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực mang tính xây dựng và bỏ ngoài tai những bàn tán vô cớ của người đời (mà thường những người chỉ ngoan cố săm soi vào điểm yếu của một cá nhân khác rồi quy chụp cho cả tập thể thì… chẳng đủ tư duy để gây ảnh hưởng đến cuộc đời của ai) để rồi tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình. Tôi luôn chọn cách thứ hai!
Tôi bản năng lắm!
– Cách chị trả lời cho thấy chị sống khá bản năng? Theo chị, phụ nữ được nhiều hay mất nếu thuộc tuýp này?
– Tôi bản năng lắm! Người sống theo bản năng có điểm trừ cho khả năng hoạch định, lên kế hoạch cụ thể và rõ ràng cho những gì họ phải làm. Đã thế, họ lại đặt quá nhiều cảm xúc vào mọi việc, thành ra đôi khi hứng lên thì vô cùng chăm chú và nhiệt tình, khi thì lại mất hứng và thờ ơ. Như vậy sẽ khó phát huy hết năng lực để có thể thành công rực rỡ. Tuy vậy , người sống bản năng lại được điểm cộng cho sự vô tư và lòng nhiệt thành. Theo tôi, sống bản năng hay không bản năng, không quan trọng, điều quan trọng là biết hài lòng với cuộc sống của mình. Sống mà cứ băn khoăn quá nhiều về việc mình mất gì thì sống làm gì nữa?
– Phụ nữ bản năng đã yêu thì sẽ yêu hết mình, sẵn sàng “hy sinh” mà không hối tiếc và cũng không cần đòi hỏi gì. Chị đã từng yêu đến mức đó chưa?
– Có chứ, và tôi sẽ luôn như thế: sống hết mình, yêu hết mình. Vậy mới vui chứ nhỉ!?
– Yêu hết mình như thế trong một vài mối tính, chị đã tích lũy được kinh nghiệm gì về đàn ông? Chị còn tìn vào họ nữa không?
– Bác Steve Jobs đã dạy: “Stay hungry, Stay foolish” (tạm dịch: “Cứ khát khao, Cứ dại khờ” – PV) mà. Tội gì không tin!? Sống trong nghi ngờ là cuộc sống mỏi mệt. Kinh nghiệm về đàn ông ư? Tôi vẫn chưa ở tư thế tự rút ra được đâu toàn phải đi học hỏi đàn anh, đàn chị đi trước suốt ấy! Chắc tại tôi tâm đắc với câu nói trên của Steve Jobs quá.
– Một chị bạn tôi vừa mới tự do sau 10 năm hôn nhân, chia sẻ: “Phải mất 13 năm (3 năm yêu và 10 năm cưới) mới phát hiện anh ta không phải người chị ấy cần”. Trong tình yêu, dường như thời gian không đóng vai trò quan trọng và chẳng thể biết thế nào là đủ, vì thế chị có nghĩ phụ nữ nên dùng bản năng để yêu và cưới hơn là “đặt cược bản thân” rồi đổ cho số phận?
– Tôi thì không cho rằng trên đời có sẵn ở đâu đó một “cái” gọi là niềm hạnh phúc trọn vẹn và hoàn hảo. Người ta chỉ hạnh phúc khi biết hài lòng và tự cảm thấy “đủ”. Thứ hai: tôi cho rằng “số phận” được tạo ra bởi những lựa chọn của mỗi người. Tôi không muốn nói (mà cũng chẳng thể nói) là người khác nên sống, yêu hay cưới theo cách nào bởi mỗi người sẽ có những quan điểm, quan niệm và cảm nhận khác nhau. Theo thời gian, mọi điều đều có thể thay đổi, theo cả hướng tốt hoặc xấu. Chẳng ai có thể ngờ trước được những gì sẽ đến với mình sau 10, 20 năm nữa và chính những bí ẩn đó mới tạo nên sự màu nhiệm của cuộc sống.
Vậy, hối tiếc hay đổ lỗi cho thời gian có nên chăng? Con người cứ mãi chật vật trên con đường kiếm tìm bản ngã và hạnh phúc thực. Vậy, hãy cứ kiếm tìm, cứ trải nghiệm, bởi cuộc sống này chỉ có một mà thôi.
Tôi chẳng thèm.. được thương hại
– Chị giỏi, nếu từ “giỏi” được hiểu theo nghĩa “làm được nhiều việc”, từ người mẫu, diễn viên, rồi đến MC. Đã thế, một vài đồng nghiệp của tôi đã từng hợp tác với chị đều nhận xét chị thông minh. Phụ nữ được hai thứ đấy đều là “sao chổi” trong hôn nhân. Chẳng thế mà đồng nghiệp Ngọc Trinh của chị đã đưa ra một chân lý rằng: “đàn ông không thích phụ nữ giỏi”. Chị có nghĩ mình nên giả vờ “ngu ngơ, khù khờ” một chút để đàn ông thương không?
– Cần gì phải giả vờ. Tôi vốn ngu ngơ, khù khờ thật ấy chứ, nhất là khi so sánh với những người giỏi hơn, thông minh hơn. “Núi cao có núi khác cao hơn” – vậy nên tôi cần gì lo, kiểu gì cũng có ối người thông thái hơn mình. Bản năng của con người là sống dựa vào nhau nên gần như có sẵn lòng thương cảm. Tôi không nghĩ là mình cần thiết phải kiếm tìm điều đó. Thế nhưng, giả vờ yếu kém để nhận được sự thương hại thì tôi… chẳng thèm.
– Nhưng xã hội quá khắt khe chăng khi cứ thấy người đẹp yêu hoặc lấy chồng khá giả thì vội vã quy kết “cô ấy tham tiền” nhưng họ chưa bao giờ nhận thức một thực tế rằng: “Cô ấy đẹp, cô ấy có quyền”?
– Không phải khắt khe. Mà đôi khi con người, một cách bản năng, không muốn nhìn, không muốn công nhận một cách dễ dàng những điều đẹp đẽ và hợp lý ở người khác. Nhất định là phải có vấn đề gì đó ở sự việc đó thì mới khiến cho người ta cảm thấy an lòng. Mà nếu tìm mãi không ra điểm bất thường nào ở việc một cô gái đẹp và giỏi lấy một người đàn ông giỏi và giàu thì họ đành… tự nghĩ ra điều xấu xa là “cô ta là đồ hám của”. Dù gì thì đây cũng chỉ là cách họ đang cố gồng mình để “phòng thủ” chứ đâu có ý (và khả năng) công kích gì ai.
Tóm lại, phụ nữ đẹp vẫn hạnh phúc bên một anh nhà giàu. “Người ta” thì hả hê sau khi tìm ra lý do để xoa dịu nỗi bất an của mình. Đôi bên cùng vui vẻ và không gây ảnh hưởng gì đến nhau – thế thì tội gì bận tâm nữa.
– Hơn nữa, bản năng của con người là “đói, đầu gối phải bò”? Vậy có nên thông cảm có những người đẹp vì nghèo mà “lạc lối”?
– Tôi thương cảm và thông cảm cho mọi số phận bắt buộc phải đánh đổi và hi sinh bởi cảnh túng quẫn của mình. “Nhân chi sơ, tính bản thiện” – ai sinh ra chẳng là người trong sáng và chẳng có quyền được trong sáng. Nhưng cái nghèo, nó tước mất cái quyền được trong sáng của họ thì phải làm thế nào? Họ “lạc lối” hay không còn phụ thuộc vào tôn giáo, truyền thống, văn hóa, luật pháp tại nơi họ đang sinh sống nữa. Dù sao thì tôi thấy mọi trường hợp “lạc lối” đều đáng thương cảm. Nếu ta muốn họ thay đổi và có cuộc sống tốt hơn thì phải tạo điều kiện cho họ chứ không phải là hả hê tiếp tục dẫm đạp họ.
– Đã có khi nào chị rơi vào hoàn cảnh túng quẫn đến nỗi, nghĩ rằng mình sẽ chấp nhận “lạc lối ở thiên đường” để vượt qua nó?
– Ơn trời, tôi quá may mắn khi có một nền tảng gia đình tốt và đáng tự hào để tôi có thể dựa vào đó mà yên tâm sống.
Lời khuyên cho người mẫu trẻ
– Phụ nữ nào cũng mơ ước một cuộc sống hạnh phúc, rồi mơ một cuộc sống hạnh phúc, rồi mơ tới nhà lầu, xe hơi và nhiều tiền để mua đồ hiệu hay đi du lịch. Chị cũng không nằm ngoài nhóm này chứ?
– Chắc chắn rồi. Không còn tham vọng thì người ta biết nhắm vào đâu mà phát triển!?
– Nhưng “con gà ghét nhau tiếng gáy”, ai cũng muốn mình đẹp và nổi bật mỗi khi xuất hiện, và cuộc chiến đồ hiệu bắt đầu. Chị có bị chi phối bởi đồ hiệu?
– Tại thời điểm này thì chưa, tính tôi trước giờ đơn giản. Hoặc là vì tôi chưa đủ khả năng chơi đồ hiệu cũng như chưa có ham muốn đó. Tôi cứ thấy áy náy sao đó, nếu mình sống xa xỉ trong khi gia đình, người thân, những người xung quanh mình còn đang phải lo toan từng chút một cho chi tiêu hằng ngày của họ.
– Chị có nghĩ rằng nhiều người mẫu “trượt chân” là bởi nhu cầu “đẹp và sang”? Nhất là khi một đồng nghiệp của chị phát biểu khá thẳng thắn: “Showbiz Việt, tất cả chỉ vì tiền”.
– Cũng có thể. Cho nên mới có người bản lĩnh và người không bản lĩnh, kiên nhẫn và không kiên nhẫn.
– Trung thực mà nói, muốn sống tốt trong giới showbiz Việt, liệu có dễ?
– Không hề dễ. Chẳng cuộc sống nào dễ dàng cả. Bất kì ở đâu, trong trường hợp nào, tại lĩnh vực nào, ta đều phải chịu áp lực. Lại một lần nữa, tôi cho rằng sự khó – dễ, sướng – khổ nằm ở chính nhận thức của mỗi cá nhân.
– Chị có lời khuyên nào cho những cô gái trẻ, những người đang mơ được “ăn diện sang trọng, xuất hiện tại các bữa tiệc xa hoa và tiền rủng rỉnh trong túi”?
– Cố gắng lên, học giỏi vào, đi làm chăm chỉ vào, sống tốt vào.
– Câu hỏi cuối, có nên tước danh hiệu của một “siêu mẫu” nếu cô ấy mặc xấu – không có gu?
– Có nên đuổi học một học sinh giỏi vì bé đó chẳng biết đạp xe đến trường?
– Mặc dù câu trả lời khá không ăn nhập gì, nhưng vẫn cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Nhật Minh
Theo Style