Phương Linh: Mơ bay tới chân trời - Tạp chí Đẹp

Phương Linh: Mơ bay tới chân trời

Sao

Vượt qua những trở ngại, giới hạn chủ quan và khách quan của thế hệ cha – họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức (còn gọi là Đức “Nhà sàn”) – và chú mình – họa sỹ Thành Chương, Phương Linh cùng bạn bè mơ ước và tin vào một chân trời rộng mở.

 

Lần đầu tiên ra mắt năm 2011 tại gallery Rory Fine Art London với cái tên “Những chân trời KHÔNG có người bay”. Tới lần thứ hai, tháng 12/2012 tại Hà Nội, dự án được gọi là “Những chân trời CÓ người bay”. Điều gì đã mang tới sự thay đổi đó? Chị tự tin vào mình? Hay tin vào “những chân trời” và “những người bay”?

“Những chân trời không có người bay” là một câu trích trong bài thơ mini của nhà thơ cách tân số 1 Việt Nam, Trần Dần, được viết vào những năm đầu tiên của chính sách đổi mới, khi kinh tế mở cửa nhưng sự phát triển của nghệ thuật vẫn chưa được hoàn toàn tự do. Hơn 20 năm sau, vẫn còn đó những hạn chế về giáo dục, quỹ tài trợ, không gian nghệ thuật, số lượng nghệ sĩ làm nghệ thuật thử nghiệm rất ít ỏi và gặp rất nhiều khó khăn. Sau năm 2010, Nha San Studio, không gian thử nghiệm đầu tiên và lâu năm nhất (hơn 13 năm hoạt động) gần như đóng cửa, nghệ sĩ thử nghiệm ở Hà Nội không còn nơi nào để sáng tác và phát triển công việc thử nghiệm của mình nữa.

Lần đầu triển lãm “Những chân trời không có người bay” gồm các tác phẩm của 8 nghệ sĩ Hà Nội được trưng bày ở London. Lúc đấy tôi thấy quả thật ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, nghệ thuật thử nghiệm thật ảm đạm, khi mà ngay cả đường chân trời cũng không là nơi cho trí tưởng tượng được phép bay bổng, không là chỗ cho người bay.

Đến năm 2012, tôi thiết kế chương trình Studio mở với những gương mặt nghệ sĩ thử nghiệm mà tôi ngưỡng mộ và yêu mến, rồi tôi thấy khi một không gian làm việc mơ ước thế này mà thực sự tồn tại, có nghĩa là những chân trời đã có những người bay. Thời khắc là đây. Tôi tin vào những người bay.

Chị đề cao “làm việc tập thể” trong dự án, điều đó có mâu thuẫn với “cái tôi lớn” của nghệ sĩ?

– Các nghệ sĩ của “Những chân trời có người bay” đều là những người trẻ, thích thử nghiệm những điều mới, họ đều có “cái tôi” rất lớn, những cá tính rất đặc biệt, rất đáng quý. Họ chấp nhận và mong ước một lý thuyết mới là mở xưởng làm việc, đón nhận và tiếp cận trực tiếp với công chúng hàng ngày. Còn có rất nhiều nghệ sĩ khác mà tôi rất ngưỡng mộ nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm việc trong một môi trường mở như vậy.

Làm việc tập thể không có nghĩa là đánh mất cái tôi của mình, cũng không có nghĩa là sáng tác chung ra một tác phẩm tập thể. Nó có nghĩa là chia sẻ cùng một không gian với nhau, tham gia các cuộc trò chuyện phê bình, hội thảo, học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau. Trên thực tế, làm việc tập thể khá thuận lợi và giúp phát triển tư duy. Chúng tôi còn làm việc cùng các giám tuyển từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thượng Hải và California. Đặc biệt, các nghệ sĩ Nhật Bản thực sự khiến chúng tôi học hỏi được rất nhiều về sự chăm chỉ, cẩn thận, chính xác, thông minh và sâu sắc.

Các tác phẩm sau khi “xuất xưởng” đạt được bao nhiêu phần trăm kỳ vọng ban đầu?

– Tôi đánh giá công việc của họ dựa trên cả quá trình sáng tạo, từ lúc tôi bắt đầu quen với họ, chứng kiến họ làm việc ra sao và gốc rễ con người họ như thế nào.

Tất cả 15 người sáng tạo cùng ở trong một không gian nghệ thuật, nơi mà cây cỏ và ánh sáng bao bọc xung quanh, nền gỗ ấm áp dưới gót chân, bàn làm việc cùng ghế ngồi đều thoải mái, và thức ăn luôn sẵn sàng… Tôi thấy vui lâng lâng vì ở góc nào đó trong không gian nghệ thuật này có Phụ Lục đang làm việc, ở góc kia có Tuấn Mami đang tưới lúa, xưởng may đang trang điểm cho người xem, và bếp thì đang đun trà ấm cho tất cả… Những điều này lung linh và cần thiết hơn những kì vọng về những tác phẩm hoàn chỉnh, hoành tráng.

Các tác phẩm trong dự án có thể hoàn thiện hoặc chưa hoàn thiện, có những tác phẩm không thể đến với công chúng số đông mà được thực hiện một cách riêng tư. Một số tác phẩm như “1120 bậc K” của Nguyễn Huy An, video “Xin chờ 1 phút” của Jamie Maxtone Graham, trình diễn “Tám phương tứ hướng” của Phụ Lục, “Vườn chiến sĩ” của Nguyễn Quốc Thành… khiến tôi thực sự yêu mến và ngưỡng mộ.

Chị nghĩ sao khi có phản hồi cho rằng dự án của chị đã khoác cái áo quá rộng?

– Tôi nghĩ tất cả các nghệ sĩ, giám tuyển tham gia dự án đều đã làm rất tốt công việc của mình. Các tác phẩm trong những triển lãm chính thức đều rất tốt.

Tôi chỉ chưa hài lòng về việc tổ chức của mình.

Bản thân tôi là một nghệ sĩ. Với tôi, thiết kế nên chương trình “Những chân trời có người bay” cũng là một công việc sáng tạo. Nhưng điều hành sao cho chương trình chạy tốt thì lại cần đầu óc cực kì sắc nét, tính toán được mọi chi tiết, từ kế toán đến điều hành nhân lực. Tôi lại lơ đễnh, thiếu tập trung nên tự mình gặp nhiều vất vả. Sau này chắc phải có nhiều trợ lí giúp đỡ thì tôi mới mặc vừa áo của mình.

 

Thế hệ Đào Anh Khánh trình diễn trong không gian riêng. Thế hệ chị mang gallery di động quanh thành phố, trình diễn cả ở một sân khấu đại chúng và mang đậm tính giải trí như Vietnam Got Talent, dường như thế hệ nghệ sĩ trẻ đang quyết tâm mang nghệ thuật đương đại tới gần với công chúng?

– Với tôi nghệ sĩ Đào Anh Khánh là một vũ công và sân khấu của anh mang đậm tính giải trí, khán giả của anh cũng rất đông, hàng nghìn người.

Chúng tôi nghĩ nghệ thuật có thể đến từ mọi khía cạnh, những hình ảnh có sẵn trên google street view, những hình ảnh vô thức của con người, những bốt điện thoại không còn sử dụng, một bếp gia đình ấm cúng đặt trong khuôn viên một trung tâm văn hóa điển hình hay một chiếc ti vi cũng… có thể trở thành một phương tiện làm nghệ thuật thử nghiệm. Để hiểu được tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thử nghiệm, công chúng phải có cái đầu “mở”, chấp nhận thứ mới lạ. Nếu công chúng quan tâm, họ cũng phải học cách đọc tác phẩm nữa.

Quan điểm nghề nghiệp của cha chị và những nghệ sĩ cùng thế hệ với ông có ảnh hưởng tới chị không?

– Cha tôi là người lớn tuổi nhưng luôn chấp nhận mọi thử nghiệm mới, cổ vũ phiêu lưu. Vì thế ông mở Nha San Studio, là xưởng làm việc thử nghiệm cho nghệ sĩ. Tôi có được ảnh hưởng này từ ông, tôi thích cách tân và tôi tin vào người trẻ. Tôi nghĩ cách tân thường xuất hiện ở người trẻ nhiều hơn.  

Một Soho của New York hay một District 798 của Bắc Kinh có lẽ là tương lai quá xa ở Việt Nam, nhưng chị có mơ một “Studio-Mở” cố định?

– Tôi nghĩ một xưởng làm việc thử nghiệm là vô cùng cần thiết. Bất cứ thời điểm nào, tại không gian nào, cũng xuất hiện một vài cá thể đặc biệt mang tư tưởng cách tân. Họ rất quý giá. Mặc dù công việc của họ thường ít khi được chấp nhận ngay. Những con người đặc biệt này cần có một môi trường làm việc thuận lợi. Tôi và các bạn mình đang xây dựng kế hoạch làm một xưởng làm việc ổn định, nghiêm túc để phát triển.

 

Chị muốn là “người bay”, hay “người mở chân trời”?

– Tôi là người cố gắng bay được như mình mong muốn. Mặc dù vẫn còn lẹt đẹt, nhưng tôi mời gọi được những người bạn bay của mình làm một cuộc phiêu lưu.

Bài: Thục Quyên
Ảnh: Ba Sáu Một

Chuyên mục Khi người ta trẻ

Các bài viết trong chuyên mục:

>> Võ Hồng Nhung: Cô gái đứng ở góc phòng

>> Ngày mới của Cúc

>> Phương Linh: Mơ bay tới chân trời

Thực hiện: depweb

28/02/2013, 14:29