Phượng Hoàng Cổ Trấn: Ồn ào và lặng lẽ - Tạp chí Đẹp

Phượng Hoàng Cổ Trấn: Ồn ào và lặng lẽ

Sự Kiện

Tất cả làm tôi nhớ tới con đường dài đưa chúng tôi từ Hà Nội tới Phượng Hoàng Cổ Trấn.


Cũng con tàu ì ạch, có phần đông đúc ồn ào và… bẩn hơn, khung cảnh bên ngoài cũng mang cái ảm đạm của đợt mưa xuân âm ỉ, nhưng trên đường nhiều xe tải nhỏ chở nông sản hay củi gỗ, và hoa cải thì nở vàng ươm cả triền núi, trải dài liên tục và vô tình như một tấm voan phết màu vội vã.

Nhóm chúng tôi có khoảng 6 người – con số và cá nhân đôi khi xê dịch mỗi năm – thường giữ lời hẹn cho một chuyến du xuân. Cái tên Phượng Hoàng Cổ Trấn được biểu quyết tức thì vào tối 29 Tết, và lên đường khi vừa ra Giêng. Mọi việc ban đầu có vẻ suôn sẻ, cho tới khi chúng tôi lên nhầm chuyến xe buýt và dù cả đoàn đã kéo va-li chạy rồn rột trên vỉa hè thì kết cục tới ga Nam Ninh cánh cửa vẫn đóng sập trước mặt, cách đó đúng 2 giây.



Khỏi phải nói, mấy đứa chúng tôi đã hoang mang đến thế nào. Không ai ở đây có khả năng hiểu chúng tôi lấy một lời, dù chỉ để mua một cái bản đồ. Tôi thực sự muốn vứt vào sọt rác tất cả những lời hướng dẫn đầy tính sa-lông trên các trang mạng, nơi người ta nói rằng người Việt Nam ở Nam Ninh nhiều tới mức ai cũng có thể hiểu tiếng Việt. Rất may, cuối cùng chúng tôi tìm được một chàng trai phố cổ qua đây học ngành Đông Y để tiếp nối truyền thống gia đình – dù bản thân cậu không thích. Sau một hồi tranh luận xem có nên thuê taxi chạy đuổi theo đoàn tàu hay không, chúng tôi quyết định mua vé xe khách tới thị trấn kế bên để bắt tàu tới ga Cát Thủ.



Phượng Hoàng Cổ Trấn nhìn trong bản đồ du lịch có vẻ rộng, nhưng đa phần là khu xây dựng sau này để phục vụ du lịch, dù vẫn gắng theo lối kiến trúc cổ. Khu phố chính nhỏ nhắn nằm sát bờ sông, gần cây cầu Hồng Kiều nổi tiếng. Tôi thực sự bất ngờ và có chút hụt hẫng, bởi cái làng nhỏ này không bảng lảng sương khói, không có những con ngõ nhỏ cô tịch, không có tiếng chày đập vải đánh thức mỗi sáng sớm… như trong mấy bài viết và bức hình chúng tôi tham khảo trước khi lên đường. Có thể nó đã từng, nhưng nay, sau những nỗ lực quảng bá nội địa, một phần nhỏ của đất nước gần 1,7 tỷ người này ập về đã đủ lấp kín mọi ngóc ngách. Người ta cứ đi lại nườm nượp từ 5 giờ sáng tới nửa đêm. Tôi đếm khách ngoại quốc chỉ trên đầu ngón tay. Có lẽ chẳng ai đủ kiên nhẫn trải qua một ngày rưỡi đường bộ với đủ loại phương tiện, chỉ để đến thăm thị trấn bé nhỏ này. Họ sẽ chọn Lệ Giang hay Cửu Trại Câu, những cái tên nổi tiếng hơn và hệ thống dịch vụ cũng đầy đủ hơn.

 

Như bức tranh cổ ẩn dưới lớp màu hiện đại, lúc nào tôi cũng cảm thấy

bên dưới vẻ ồn ào náo nhiệt này là con phố nâu buồn bã…


Đến Phượng Hoàng Cổ Trấn, triết lý “du lịch với cái đầu rỗng” đúng hơn bao giờ hết. Hãy bỏ qua những kỳ vọng và tưởng tượng mà yêu thị trấn nhỏ này theo đúng cách mà nó hiện hữu. Dọc con phố chính nằm ven sông là hằng hà sa số các quán cà phê đủ phong cách, những cửa hàng lưu niệm, những quán bar bật nhạc và nhảy nhót tưng bừng tới tận nửa đêm. Thế nhưng giờ phút này khi nhớ về Phượng Hoàng Cổ Trấn, không hiểu sao tôi vẫn chỉ nhớ tới một màu u buồn và mùi của cơn mưa. Như một bức tranh cổ nằm ẩn dưới lớp màu hiện đại, lúc nào tôi cũng cảm thấy bên dưới vẻ ồn ào náo nhiệt này là con phố nâu buồn bã, những ngõ nhỏ nằm nghiêng đợi bước chân của cô thôn nữ gánh nước mỗi sáng sớm… Hai mùa đẹp nhất trong năm ở đây là đông và chớm xuân. Những ngày rét buốt nhất (khoảng tháng 1) mang tới lớp áo tuyết nặng trịch trên những mái nhà, tới con sông cũng co mình vì rét. Còn những ngày đầu xuân (chừng tháng 2) lại khiến cho những buổi sáng sớm trở nên đáng chờ đợi bởi màn sương biến tất cả thành ảo ảnh, và làm dậy lên trên lối đi và các vách gỗ một mùi ải mục sau mưa.

Kể cũng là một sự lạ, bởi đáng lẽ cái mùi dai dẳng nhất phải là “đậu phụ thối”, thứ mùi đeo bám chúng tôi từ Nam Ninh tới tận đây. Nó là thứ mùi khó tả, nặng và ám ảnh. Không chỉ trong các quán ăn mà trên vỉa hè, người ta cũng bán đậu phụ thối, nam thanh nữ tú mua từng cốc mang đi ăn vẻ thích thú. Lại nói tới chuyện ăn uống, cũng giống như các thị trấn miền núi vùng biên giới Việt Nam, người ở đây ăn nhạt và không có nhiều sự tinh tế. Và thực tình mà nói, tôi không đánh giá nghệ thuật ẩm thực Trung Hoa có nhiều sự tinh tế, dù nó rất nổi tiếng, thậm chí từng là “mốt” ở phương Tây. Tôi yêu sự tinh tế của người Pháp và say mê tính duy mỹ của người Nhật.



Buổi sáng thường bắt đầu bằng lời hẹn ở quán cà phê ven sông. Dọc hai bên bờ con sông nhỏ – đúng ra nên gọi là một dòng suối lớn – là những dãy nhà gỗ cũ kỹ, nằm cheo leo bên vách núi và gác mấy cái chân gỗ khẳng khiu xuống lòng sông. Chúng tôi chọn một quán cà phê xinh xắn kiểu Âu, ngồi bên khung cửa rộng nhìn ra mặt nước, uống cà phê và ca cao nóng trong những chiếc cốc sứ vẽ họa tiết đơn giản. Cả nhóm cứ ngồi nói chuyện và ngắm sông. Không khí ở đây tự nhiên làm người ta lười biếng. Tới những con chó cảnh cũng lười. Chúng cứ nằm ì ra bên hiên nhà mặc cho người qua lại vuốt ve, chụp ảnh… Thỉnh thoảng, có con còn được chủ cho lên thuyền dạo một vòng (Trong khi chúng tôi vì quá tiếc tiền nên đã không chịu mua tour đi thuyền trên sông).



Cây cầu Hồng Kiều như trái tim của thị trấn. Nếu bên kia dòng sông vẫn còn tồn tại những khu dân cư, những đứa trẻ nghịch nước, những cụ già tư lự bên cửa sổ… thì bên này sông, Phượng Hoàng Cổ Trấn không còn nhiều màu sắc của cuộc sống thường nhật, thay vào đó, len lỏi trong các con ngõ nhỏ là thiên đường của mua sắm. Ở đây cái gì cũng có, từ tôm tép khô, thịt hun khói, tới đồ lưu niệm, quần áo, vàng bạc, túi da… Hình ảnh đặc trưng nhất là những món đồ may từ vải chàm xanh trang trí vô vàn bông hoa trắng đường nét mảnh mai hoặc nhỏ li ti. Ngoài thứ vải xanh hoa trắng cũng có rất nhiều món đồ thú vị khác, những thứ khiến người ta khi trở về nhà mỗi lần nhìn lại thấy lòng vương vấn.



Buổi tối, cổ trấn biến mình, khoác bộ cánh vui tươi. Những dãy đèn màu viền theo các đường nét kiến trúc, in bóng xuống lòng sông tạo nên khung cảnh rực rỡ. Bên kia cầu, từ 5-6 giờ chiều, khu phố ẩm thực bắt đầu mở cửa. Ồn ào nhất ở đây không phải tiếng của thực khách, mà là tiếng đàn hát phát ra từ những chiếc loa thùng bật hết công suất. Cứ chừng 50 mét lại thấy một nhóm đang đứng hát hò. Sau rất nhiều lần từ chối, cuối cùng chúng tôi đã xuôi lòng trước lời mời với vẻ hòa nhã của một chàng trai trẻ. Tôi tìm được bài “Ánh trăng tỏ lòng tôi” (bài hát nổi tiếng qua giọng ca Đặng Lệ Quân) trong cái danh mục tiếng Trung dài dặc mà anh đưa ra. Đó là bài hát duy nhất tôi biết mặt chữ. Vì thế mà tiếp theo đó chúng tôi đành phải ư ử giai điệu trong miệng để chọn bài. Tới bài thứ 2 thì có vẻ hiểu “gu” khách, anh chàng hát một loạt bài “nhạc sến” cũ kỹ và thật buồn cười là bài nào chúng tôi cũng có khả năng hát theo… bằng tiếng Việt.



Trong khung cảnh nhộn nhạo đó, tôi để ý thấy một cụ già cầm phách tre và chũm chọe bằng đồng, lang thang hát những bài dân ca có giai điệu ngân nga, những thứ rõ ràng là lạc lõng ở đây. Chẳng hiểu sao, tôi cứ thấy trông bề ngoài cụ giống hệt vị giáo sư già khả kính từng dạy tôi, và lòng buồn vô hạn. Tôi mời cụ hát một bài, hóa ra giá cụ đưa ra chỉ bằng 1/10 số tiền tôi phải trả cho anh chàng vui tính đánh ghi-ta điện lúc nãy. Đúng là mọi sự so sánh đều khập khiễng.


Tôi lại nhớ tới đám đông tụ tập quanh ban nhạc trẻ với đầy đủ đàn, trống… dưới chân thành. Đối diện họ là người thanh niên mặc áo chàm ngồi kéo đàn nhị, đôi mắt nhắm nghiền. Tôi cứ ngồi ngẩn ngơ nghe tiếng đàn réo rắt, và ước nếu những đám đông và tiếng ồn xung quanh bỗng nhiên biến mất, chỉ dấu xưa xe ngựa và tiếng đàn này, hẳn là hoàn hảo lắm.


Nhưng thôi, nếu không có đám đông kia, chắc gì đã có anh chàng ngồi chơi đàn nhị nơi này. 

Tôi cứ ngồi ngẩn ngơ nghe tiếng đàn réo rắt, và ước nếu những đám đông và tiếng ồn xung quanh bỗng nhiên biến mất, chỉ dấu xưa xe ngựa và tiếng đàn này, hẳn là hoàn hảo lắm.

Tới Phượng Hoàng Cổ Trấn bằng cách nào:

• Hà Nội – Nam Ninh

– Đi bằng ô tô: 5h sáng đi ô tô từ Hà Nội qua Hữu Nghị Quan đến Nam Ninh lúc 15h30. Làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu mất khoảng 30 phút (mang theo hộ chiếu đã có visa).

+ Sinh Cafe số 10/38B Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
ĐT: 04. 2214 0755 * 3747 5047.
Hotline: 098 875 7689 * 090 446 9989

+ Blue Travel:
ĐT: 04. 791 1097 * 791 1841.

Hotline:
091 353 5089 (Ms.Liên); 097 759 5367 (Ms. Nga)

– Đi bằng tàu hỏa: Thời gian khởi hành từ ga Gia Lâm lúc 21h40, đến Nam Ninh lúc 09h12 (MR1)/ Chiều về từ ga Nam Ninh lúc 17h45, đến Gia Lâm lúc 04h45 (MR2) (Khi mua vé phải xuất trình hộ chiếu đã có visa).

• Nam Ninh – Cát Thủ

– Nếu đi bằng ô tô, khi qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan nhớ hỏi chuyến xe đi thẳng tới ga (tránh lên nhầm xe đi vòng quanh thành phố).

– Mua vé tàu lửa từ ga Nam Ninh (Nanning) tới Cát Thủ, số hiệu tàu 2012, tàu xuất phát lúc 17h50 từ Nam Ninh tới Cát Thủ lúc 10h20 hôm sau. Lưu ý, tàu hỏa là phương tiện duy nhất tới được Cát Thủ nên rất dễ hết vé, tốt nhất cần nhờ các đại lý du lịch mua vé trước. Thu xếp thời gian để xếp hàng chờ tàu ít nhất 30 phút nếu không muốn bị nhỡ tàu do quá đông người đi.

• Cát Thủ – Phượng Hoàng Cổ Trấn

– Ra cửa ga có rất nhiều chuyến xe buýt đi Phượng Hoàng Cổ Trấn (khoảng cách 50km).

• Chiều về

– Bắt xe khách đi tới thị trấn Hoài Hóa (Huaihua), cách Phượng Hoàng Cổ Trấn khoảng 80km. Tới ga và mua vé tàu về Nam Ninh.



* Nên nhờ các đại lý du lịch ở Việt Nam mua trước vé ô tô, tàu hỏa, đặt khách sạn… Hoặc tới Nam Ninh thuê một hướng dẫn viên biết tiếng Việt.

Bài Vũ Thuỷ


Ảnh PASSION/361studios


 

Thực hiện: depweb

15/01/2012, 23:07