Chuyện vợ chồng xô xát là điều không ai muốn nhưng nó vẫn xảy ra như một điều tất yếu của cuộc sống. Hai con người từ chỗ chẳng quen biết nhau tự dưng đến với nhau hẳn phải có bao nhiêu thứ phải xê dịch thì mới có thể vừa được trong một tổ ấm nho nhỏ. Trong những lần xê dịch ấy, những va chạm là điều không thể tránh khỏi. Vẫn biết manh động là không tốt nhưng đứng trước cảnh đối phương cứ gân cổ lên thì có kìm lòng đến đâu cũng không thể không nghĩ đến việc… cho cái “loa” kia một chưởng! Nhẹ nhàng thì có thể chỉ là cái vỗ nhẹ vào những chỗ vô hại, nặng thì đi… quyền cước hẳn hoi rắp tâm “hạ gục” đối phương một cách nhanh nhất!
Để ít tổn hại nhất, dễ khôi phục lại hoà khí và vẫn giữ được phong thái của đấng mỹ nhân cũng như người quân tử, vợ chồng nên… uýnh nhau thế nào?
+ Thứ nhất: Võ mồm
Trận chiến nào cũng bắt đầu bằng lời qua tiếng lại. Hai bên sẽ cố gắng bằng mọi lẽ để chứng minh rằng mình đúng và đối phương sai. Ở vòng thi đấu này cố gắng sử dụng lời lẽ uyển chuyển, rườm rà để đối phương phải mất một thời gian mới nhận ra mình muốn nói gì.
Thay vì nói kiểu vỗ mặt: “Anh là thằng đàn ông ăn hại!” thì hãy nói “Đàn ông nào cũng như anh thì thế giới này làm gì phải qua nhiều hình thái kinh tế xã hội như thế, cứ cộng sản nguyên thuỷ có hơn không?”.
Nên nhớ không được dùng lời lẽ lăng mạ, xúc phạm đối phương bởi đó chính là lý do đẩy yếu tố thù địch lên rất cao. Vì vậy mà trong giai đoạn mở màn này chỉ nên nói những câu vô thưởng vô phạt kiểu: "Thằng này trên đời chưa biết sợ ai bao giờ!" hoặc: "Bà bỏ qua rồi đừng có tưởng là bà sợ nhé!"…
Tuyệt đối không được dùng những câu công kích kiểu: "Đây, mày đấm đi! Tao thách cả nhà mày dám đấm tao đấy!" rất dễ bị… dính chưởng.
+ Thứ hai: Chuẩn bị tấn công
Màn khẩu chiến thường sẽ qua rất nhanh để anh hùng-thuyền quyên có dịp đọ sức. Trước hết, để tránh thiệt hại cho đồ đạc trong nhà sau mỗi trận chiến, đề nghị các quý ông quý bà tìm một không gian thoáng đãng, không có đồ đạc quý giá và dễ vỡ như sân thượng hoặc ngoài vườn để giao chiến.
Và để con cái không có ấn tượng xấu về hình ảnh của bậc phụ huynh so tài cao thấp thì nên gửi con về bà ngoại hay chọn hôm con đi picnic, con đi chơi với bạn… rồi hãy thi đấu.
Hai bên phải quy định rõ nội quy thi đấu, không được dùng… “ám khí”, không được dùng vũ khí sắc nhọn bằng kim loại để làm tổn thương đối phương. Vũ khí duy nhất được dùng là… móng tay, càng dài và sắc thì khả năng chiến thắng của bạn càng cao!
Tùy theo sức của mỗi cặp đấu mà ấn định thời gian thi đấu: 5 phút, 10 phút hoặc lâu hơn. Nếu chuyên nghiệp có thể thì tính bằng "chiêu" ra tay kiểu: "Sau 3 chiêu không hạ nổi đây thì từ giờ đừng bao giờ thách đấu nữa nhé!"
+ Thứ ba: Tấn công
Khi lệnh tấn công được nổ ra, hai bên lập tức cố gắng tiếp cận đối phương giành lợi thế.
Phụ nữ chú ý, khu vực nhạy cảm và rất yếu của đàn ông nằm ở bên dưới, đó là một chỗ rất dễ đánh trúng và chiến thắng nhưng hậu quả của nó sau trận chiến là không thể lường trước được!
Các mẹ có tầm nhìn xa trông rộng thì không nên "đánh" vào đó, để còn vì tương lai con em chúng ta… Cách an toàn là chỉ cần nhẹ nhàng dùng ưng trảo công hay thiết chỉ… nắn nhẹ là đối phương tức khắc sẽ mềm nhũn ra.
Về phần anh em, khi uýnh nhau cần phải giữ được thể diện của đấng nam nhi. Tuyệt đối không dùng tiểu xảo để thi đấu, không dùng thế của kẻ mạnh để lần lướt kẻ yếu.
Nếu cảm thấy, trong vòng ba hiệp không chiến thắng được thì xin dừng trận đấu để mai “chiến” tiếp! Khi ra tay nhớ nương nhẹ với chị em, tránh đánh vào các huyệt đạo trên "bản mặt" các bà dễ ảnh hưởng đến dung nhan và làm các bà kích động nổi điên lên thì khả năng lu loa cho hàng xóm biết là rất lớn…
Nếu có thể, hãy dùng Dịch cân kinh của Thiếu lâm tự mà vận thế Trảo mã tấn để giữ lấy phần quan trọng và yếu nhất của anh em nằm ở bên dưới.
Các bộ phận cố gắng đưa ra để thu hút sự tấn công của đối phương là bả vai, lưng và đầu… là những chỗ có thể cho các bà đấm thoải mái không ảnh hưởng gì đến cục diện trận đấu!
+ Thứ tư: Kết thúc
Sau khi trận đấu đã diễn ra tơi bời, hai bên đã thấm mệt và phần nào thỏa mãn vì cảm thấy mình ra đòn được nhiều hơn thì có thể ra dấu ngừng trận đấu.
Khi bên kia nhận được dấu hiệu thì nhất thiết phải ngừng tay ngay, không tấn công thêm để làm tổn thương đối phương.
Nếu thời gian còn sớm thì ai làm việc người ấy, tốt nhất là không nhìn thấy mặt nhau. Còn nếu đã muộn thì có thể rửa chân tay lên giường, nằm chổng lưng vào nhau hoặc nếu có thể thì mỗi thằng nằm một chỗ càng tốt.
+ Thứ năm: Giải quyết vấn đề hậu chiến
Cổ nhân có câu "Đừng dùng oán thù để báo thù, thù càng thêm nặng. Hãy dùng nhân nghĩa mà báo thù thì thù sẽ tan".
Ngay sau trận chiến, thời gian tốt nhất để có thể đàm phán hòa bình là lúc mà mọi người đã yên giấc ngủ, chỉ có cặp thư hùng là còn thao thức vì trận chiến ngang tài ngang sức. Lúc ấy, có thể chồng hoặc vợ chủ động trước, bắt đầu bằng câu: "Anh này…" hoặc "Em này…", “hình như anh (hoặc em) có lỗi”… Sau đó thì hãy dồn hết trí lực và tình yêu thương còn sót lại thủ thỉ với đối phương những điều đang đè nặng trong mình.
Nhớ rằng tốc độ của buổi đàm phán phải diễn ra thật chậm rãi và được kiểm soát. Kết thúc của cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn sử dụng các công cụ đàm phán hiệu quả thế nào.
Có thể sẽ là một màn chiêu đãi của "quý bà" giành cho "quý ông" nhân chuyến thăm không chính thức này, cũng có thể là một sự bắt đầu cho một trận chiến mới tàn khốc hơn, quyết liệt hơn? Bạn chọn đường nào?
Mai Chi
Phó giám đốc công ty PLM
Vợ chồng yêu nhau, cãi nhau là chuyện thường tình. Có những cuộc cãi vã nho nhỏ thì tình yêu dường như… thú vị hơn, người trong cuộc sau đó cảm thấy yêu nhau hơn vì họ hiểu thêm tính cách của người bạn đời để sửa chữa, để điều chỉnh lại bản thân sao cho phù hợp.
Ngày xưa, tôi và ông xã yêu nhau kinh khủng nên mới quyết định cưới nhau. Nhưng cái gì rồi cũng phải qua, cũng không có gì tồn tại mãi nếu như mình không biết vun vén.
Như tôi đã nói, cãi vã đôi khi làm cho cuộc tình thú vị hơn, nhưng quá đà sẽ làm cho cuộc sống ngột ngạt. Có lúc, tôi gần như phát điên vì sự có mặt của chồng, và ngược lại.
Chúng tôi còn trẻ nên chưa biết cách nhường nhịn, chưa biết cách ngồi lại nói chuyện thẳng thắn, góp ý xem giải quyết thế nào cho thỏa đáng. Vì thế, tất yếu của sự cãi cọ, mâu thuẫn là chia tay, đường ai nấy đi. Thú thật, tôi cũng chưa hình dung lắm cuộc sống phía trước, chỉ thấy hiện tại mình nhẹ nhõm, thanh thản.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều việc liên quan đến nhau nhưng tôi tin thời gian sẽ khiến cho quan hệ căng thẳng trở nên mềm mại hơn, con cái, tình yêu xưa sẽ làm cho những nóng giận nguôi ngoai dần.
Nếu cả vợ hoặc chồng cùng ý thức nhường nhịn chút xíu thì gia đình sẽ êm thấm, vui vẻ hơn. Còn nếu những tính xấu của nhau làm tổn thương đối phương quá nhiều thì tốt nhất nên tạm xa nhau. Biết đâu cả hai cùng có thời gian nhìn nhận lại. Khi ấy, quyết định cũng chưa muộn.
Kinh Quốc
Diễn viên
Tôi lấy vợ trẻ, cô ấy thậm chí chỉ vừa mới hết tuổi vị thành niên thôi. Những cãi cọ, có chăng chỉ là sự nũng nịu của cô gái mới lớn, chưa va chạm nhiều. Cuộc sống qua lăng kính của cô ấy là màu hồng.
Vì tôi lớn hơn cô ấy đến 14 tuổi, nên so với vợ, tôi thuộc “thế hệ già”. Vợ tôi luôn nghe lời và tôn trọng tôi vì cô ấy tin rằng tôi đủ trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm và gia đình chỉ cần một người xông pha… là đủ.
Tôi nhận lấy trách nhiệm ấy và luôn cảm thấy tự hào vì mình là vòng tay che chở của người mình yêu thương. Nhưng đôi khi, áp lực của công việc khiến tôi thấy căng thẳng, dễ nổi nóng với những việc nhỏ nhặt, vậy là vợ chồng cãi nhau.
Ví dụ, bữa nào đang bực bội mà vợ nấu canh mặn, tôi sẽ khùng lên: “Sao không được ăn bữa nào tử tế hết vậy, đi diễn mệt gần chết mà còn bắt ăn uống như vậy sao?” Thế là vợ tôi sẽ nổi xung lên, vì những cố gắng làm món ngon cho chồng lại bị chê bai, mắng mỏ thế. Đó, những cãi cọ của chúng tôi chỉ xoay quanh chuyện nhỏ như vậy.
Dù sao chúng tôi cũng mới cưới nhau chưa được 2 năm, cảm thấy khăng khít, gắn bó lắm. Đi diễn, đóng phim về mệt mỏi, thấy vợ là bao phiền muộn trôi hết, làm gì có thời gian mấy mà cãi cọ nhau.
Là diễn viên, tôi biết duy trì cuộc sống vợ chồng hòa thuận ngày nay là điều rất khó. Vì ai cũng có vẻ độc lập, không cần đến người bạn đời nữa, họ sẵn sàng tung hê mọi thứ chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, họ không thèm làm lành vì thấy cuộc sống mình chẳng cần phải phụ thuộc người khác, nên không việc gì phải xuống nước.
Tôi không muốn vậy, tôi luôn muốn rằng những mâu thuẫn trong gia đình là những cơn sóng nhỏ lăn tăn đủ làm cho biển tình yêu thêm dạt dào hơn mà thôi, chứ không phải là những đợt sóng ngầm khó chịu dâng lên rồi tàn phá hạnh phúc mãi mãi.
Thu Lan
Nội trợ
Từ ngày có con, các cuộc cãi cọ của vợ chồng tôi càng trở nên gay gắt vì những quan điểm khác nhau. Tôi ít tiếp xúc với xã hội nên những kiến thức tôi có phần lớn là từ sách vở, tivi.
Chồng tôi thì rất thực tế. Chính vì thế mà giữa chúng tôi luôn xảy ra xung đột. Con cái là niềm vui lớn nhất, mối quan tâm hàng đầu của cả hai nên ai cũng muốn quyết định của mình là đúng.
Chỉ riêng việc cho con bú đúng liều lượng giờ giấc là đủ khiến hai vợ chồng xích mích. Chồng tôi thương con, không chịu nổi cảnh tôi ép con uống sữa trong nhăn nhó, khóc lóc. Tôi thì biết, nếu không ép con uống đủ, bé sẽ sọp đi rất nhanh…
Nhìn chung là có đủ thứ linh tinh xoay quanh chuyện con cái dẫn đến những bất hòa. Cá nhân tôi cho rằng bất hòa đó không có gì phải lo. Tuy vậy, đôi khi tôi không thèm nói chuyện với anh ấy cả ngày trời.
Công bằng mà nói thì 90% thời gian của chúng tôi là hòa thuận vui vẻ, chỉ có 10% còn lại là cãi nhau chút xíu lặt vặt thôi.
Chúng tôi lấy nhau đã 5 năm, giữa năm 2006 mới có em bé, cuộc sống xáo trộn nhiều, nhưng là xáo trộn của niềm hạnh phúc vô bờ bến, có cãi nhau thì chỉ là cãi yêu, tức là cãi xong là yêu lại ngay!