Phủ Tây Hồ bị biến thành “cái chợ” - Tạp chí Đẹp

Phủ Tây Hồ bị biến thành “cái chợ”

Tin Tức

Cứ mỗi dịp đầu năm các đền chùa lại chật cứng các con nhang đệ tử. Họ đến với nhu cầu đáp ứng đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tỏ lòng thành kính với đủ loại lễ vật khác nhau. Đáp lại nhu cầu này, rất nhiều các hàng quán được dựng lên ngay trước cổng chùa, hoặc ngay trong khuôn viên của đình chùa.

Ví dụ điển hình nhất cho hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng quán trong và ngoài khuôn viên nhà chùa đó là phủ Tây Hồ. Ngay trước cổng là hàng chục quán ăn, hàng trăm cửa hàng kinh doanh vàng mã xen kẽ với các ki-ốt bán “sớ chữ nho”. Tại đây, hoạt động kinh doanh diễn ra rất nhộn nhịp với đủ loại mặt hàng như cành vàng lá ngọc, tiền âm, tiền dương, bánh kẹo, hoa quả,… phục vụ các con nhang đệ tử từ A đến Z.

Hàng quán san sát lối vào phủ Tây Hồ

Hàng quán san sát lối vào phủ Tây Hồ

Ngoài ra, khu vực này còn có rất nhiều đệ tử “cái bang” núp bóng các “sư thầy đi khất thực” bằng cái đầu trọc và cái bát đựng tiền lẻ, luôn chắp tay niệm “A di đà phật” mỗi khi có người cho tiền. Bước qua cổng phủ là một khung cảnh không khác bên ngoài là mấy, cả chục dãy ki-ốt nằm sát nhau và được đánh số thứ tự rõ ràng. Không hiểu tại sao, trong khuôn viên phủ Tây Hồ, một nơi linh thiêng, trang trọng lại tồn tại những hoạt động buôn bán như vậy?.

Không chỉ tồn tại ở phủ Tây Hồ, những ngày này người dân còn có thể bắt gặp những hình ảnh tương tự ở bất kỳ ngôi đền, chùa nổi tiếng nào trên địa bàn Hà Nội. Có mặt tại đình Bia Bà hay còn gọi là đình La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước cảnh tượng hàng trăm hàng quán với đủ loại dịch vụ như trông xe, đổi tiền lẻ, quán ăn… phục vụ du khách thập phương.

Ngay trong khuôn viên đình Bia Bà, các quán ăn bày la liệt, bàn ghế ngổn ngang, người mua kẻ bán tấp nấp, du khách xả rác bừa bãi, gây mất vệ sinh, làm ô uế chốn thờ tự linh thiêng.

Bàn ghế, rác thải ngổn ngang tại đình Bia Bà
Bàn ghế, rác thải ngổn ngang tại đình Bia Bà

Tại mỗi ban thờ đều có vài bát hương xếp hàng dọc phía trước, kéo theo những bát hương này là khoảng 4 đến 5 hòm công đức. Liệu đây có phải là hình thức “xin tiền lẻ” giống như các “sư giả” ngoài đình, hoặc một hình thức xin tiền lẻ hợp pháp?.

Những cảnh tượng này đã tồn tại từ năm này qua năm khác, nhưng ban quản lý các khu di tích lại không có biện pháp giải quyết triệt để, khiến chốn linh thiêng mất đi vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh vốn có nơi đất phật.

Theo Dân trí

Thực hiện: depweb

23/02/2013, 09:29