Những cuốn sách còn có thể nói lên điều gì về phụ nữ và chiến tranh, khi mà biết bao bản hùng ca bi tráng đều coi chiến tranh là câu chuyện của đàn ông?
Chiến tranh và phụ nữ, hai phạm trù dường như thật trái ngược nhau, vì từ lâu, chiến tranh vốn luôn được mặc định là vấn đề của đàn ông. Nhưng trên thực tế, phụ nữ chưa bao giờ, cũng như sẽ không bao giờ có thể nằm ngoài những câu chuyện về chiến tranh cả. Chúng ta đang được sống trong một kỷ nguyên của hòa bình, khi mà những cuộc chiến đã lùi xa và phái nữ dần được tạo điều kiện để phát triển bản thân nhiều hơn. Tuy nhiên, ở đâu đó trên thế giới, chiến tranh và thuốc súng vẫn đang ngày ngày trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ nữ. Đó không còn chỉ là câu chuyện của đàn ông, mà đó còn là sự sợ hãi, là tính mạng bị đe dọa, là vô số những đàn áp man rợ mà phụ nữ phải chịu đựng.
Tháng Ba là tháng để tôn vinh phụ nữ và hành trình đấu tranh vì quyền lợi của họ. Trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn những bất ổn đó, Đẹp xin được gửi đến độc giả những trang sách đặc biệt về phái nữ và chiến tranh. Mỗi cuốn sách có một cách tiếp cận khác nhau về hai phạm trù này: phụ nữ ở hậu phương, phụ nữ ra chiến trận, hay phụ nữ sau chiến tranh,… Nhưng tất cả đều là những câu chuyện tuyệt đẹp, chân thật mà tràn đầy cảm xúc về sự kiên cường bền bỉ xen lẫn khổ đau mất mát của người phụ nữ trong bối cảnh chiến tranh.
Là một trong những tác phẩm văn học kinh điển bậc nhất thế giới, “Cuốn theo chiều gió” không chỉ đem đến câu chuyện tình trái ngang giữa Scarlett O’hara và Rhett, mà nó còn khắc họa chân thực số phận bi thảm của những người phụ nữ xuyên suốt thời kỳ chiến tranh.
Scarlett là đại diện cho hình mẫu phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường đến mức dữ dội. Mất cha mẹ, mất chồng rồi mất con, mất cả đất đai lẫn tiền bạc, Scarlett vẫn sống sót qua chiến tranh, để rồi lao vào công cuộc kiếm tiền vì nỗi ám ảnh khôn nguôi về cái đói thời chiến đã “ăn sâu” vào tâm trí nàng. Sát cánh bên Scarlett là Melanie, một người phụ nữ đức hạnh bị chiến tranh bào mòn sức khỏe. Không nhạy bén hay quyết liệt như Scarlett, Melanie đối diện với chiến tranh bằng sự cam chịu và nhẫn nại điển hình của người phụ nữ mẫu mực. Nhưng khi cần thiết, nàng vẫn có thể bình tĩnh và kiên định đối diện với kẻ thù không thua kém bất kỳ chiến sĩ nào. Hai người phụ nữ với cá tính khác biệt, mối quan hệ cũng không thực sự thân thiết, nhưng đã dựa vào nhau mà đi qua những tháng ngày bom rơi đạn lạc, thiếu ăn thiếu mặc. “Cuốn theo chiều gió” không chỉ miêu tả rất rõ nỗi thống khổ của phái nữ trong chiến tranh, mà nó còn miêu tả rất đẹp sức mạnh tiềm tàng, sự kiên cường đến không tưởng ẩn sau mỗi người phụ nữ, bất kể tính cách hay vẻ ngoài của họ.
Svetlana Alexievich, tác giả từng đoạt giải Nobel Văn học đồng thời là một nhà báo, trong nhiều năm, đã phỏng vấn hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến thứ hai dưới lá cờ Soviet, nhằm khắc họa một cuộc chiến tranh mà chưa có ai trước đó từng khám phá: chiến tranh tràn đầy những khuôn mặt phụ nữ.
“Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” kể câu chuyện về cái chết, bom đạn, kẻ thù, về mọi sự đẫm máu và phi nhân tính của chiến tranh qua một giọng kể khác – giọng kể của người phụ nữ. Thứ khiến người đọc cảm thấy lợm giọng nhất, có lẽ không phải là những cảnh tra tấn man rợ, mà là cách mà người phụ nữ phô ra hết thảy những đổ vỡ trong tâm hồn họ. Chiến tranh kết thúc không đồng nghĩa với hòa bình. Không có hòa bình nào cho những người phụ nữ bị ném vào cuộc chiến, để rồi bị lãng quên, bị bỏ rơi với những ký ức kinh hoàng vĩnh viễn không thể nguôi ngoai. Chiến tranh không có chỗ cho phụ nữ nhưng cuộc sống thời bình cũng lại không có chỗ cho những người phụ nữ đã bước qua chiến tranh.
Còn gì miêu tả cuộc sống của một người phụ nữ trong chiến tranh chân thực hơn nhật ký của một nữ bác sĩ quân y? Là cuốn sách đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ghi lại những năm tháng chiến đấu gian khổ của dân tộc và sự hy sinh cao cả của một thế hệ anh hùng. Người đọc bắt gặp trong những trang nhật ký đó, hình ảnh của cô gái tuổi đôi mươi với vô vàn nhớ nhung về gia đình ở phương xa, nhưng cô vẫn gạt đi nỗi nhớ để tiếp tục cố gắng và chiến đấu. Giữa bom đạn triền miên, cô sợ hãi, cô hoảng loạn, nhưng chính gia đình và đồng đội đã xoa dịu trái tim run rẩy của cô. Bom rơi, đạn lạc, người chết, kẻ bị thương,… sự tàn bạo của chiến tranh hiện lên chân thực đến đau đớn qua lời kể chi tiết của một nữ chiến sĩ trẻ tuổi – một người trong cuộc, một người đã chứng kiến biết bao nhiêu đồng đội ngã xuống. Khốc liệt là thế, nhưng Thùy Trâm chưa bao giờ ngừng tin tưởng vào chiến thắng, chưa bao giờ hết dịu dàng với bệnh nhân. Cô là đại diện cho một thế hệ những nữ chiến sĩ quả cảm, anh dũng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để đổi lấy hòa bình dân tộc.
“Đàn ông hay kể chuyện. Phụ nữ thì sống cùng với nó. Với chúng ta, nó là một bóng ma chiến tranh. Khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta không có diễu hành, không huân chương, huy chương hoặc được nhắc tới trong các cuốn sách lịch sử. Chúng ta đã làm những việc phải làm trong thời chiến, và khi chiến tranh chấm dứt, chúng ta nhặt nhạnh những mảnh vỡ và bắt đầu lại cuộc sống của mình.”
Chiến tranh có thực sự chỉ dành riêng cho cánh đàn ông? Mùa thu năm 1939, chiến tranh ập vào nước Pháp. Tại ngôi làng Cariveau, Vianne tiễn chồng ra trận. Suốt những năm tháng khói lửa sau đó, cô cùng đứa con gái bé nhỏ đã một mình vật vã chống chọi lại sự khủng khiếp của chiến tranh, chịu đựng hết thảy những cô đơn trống rỗng. Cũng vào mùa thu đó, Isabelle, cô em gái bướng bỉnh của Vianne, đã liều lĩnh tham gia một phong trào Kháng chiến bí mật. Cô hào hứng lao mình vào hiểm nguy, một mực căm thù quân địch và ôm ấp bó niềm tin chiến thắng.
Sơn Ca Vẫn Hót là khúc ca khốc liệt mà hào hùng về lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả của những người phụ nữ. Chiến tranh không chỉ có công lao của những người đàn ông, mà vẫn còn tồn tại những người phụ nữ đã cống hiến cả mạng sống và thanh xuân của mình để đấu tranh cho tự do của Tổ quốc. Hai chị em Vianne và Isabelle, mỗi người đã chọn cho mình một cách chiến đấu khác nhau và sống hết mình vì nó. Cùng nhau, họ đã đem cả thanh xuân hiến dâng cho cuộc chiến vệ quốc, đem tình yêu thương và hy vọng đến cho những đứa trẻ Do Thái mồ côi. Họ không cần cho mình những huy chương vinh danh, họ chỉ có cho mình một trái tim can trường và ấm áp nhất mà thôi.
Mariam và Laila là hai người phụ nữ có cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Trong khi Mariam là đứa con rơi bị cha đẻ né tránh thì Laila lại là một cô tiểu thư được yêu thương, được giáo dục với những tư tưởng tiến bộ, rằng phụ nữ và nam giới đều bình đẳng. Vậy mà số phận lại sắp đặt, hay đúng hơn là do chiến tranh, đã cho hai mảnh đời đối lập đó gặp gỡ và kết thân với nhau. Hai thân phận khác nhau, nhưng đều là nạn nhân của một Afghanistan với chính trị hỗn loạn và tôn giáo hà khắc, nơi mà thân phận người phụ nữ bị rẻ rúng và chà đạp không thương tiếc. Thế nhưng, sự tàn nhẫn ấy không thể ngăn cản khao khát tìm lại hạnh phúc của hai nhân vật. Qua từng trang tiểu thuyết, họ hiện lên như những bông hoa giữa rừng bi thương, ngày càng mạnh mẽ và kiên cường hơn.
Khaled Hosseini đã rất thành công khi khai thác câu chuyện về người phụ nữ trong bối cảnh những cuộc chiến đẫm máu, những cái chết nhan nhản khắp mọi nơi, cái nghèo đói thiếu thốn. Ngòi bút của tác giả đã lột tả một cách không né tránh đất nước Afghanistan với bốn thập kỷ đầy biến động của chiến tranh, ly tán, của những số phận nghiệt ngã bị vùi dập đầy tàn nhẫn và ám ảnh. Chủ nghĩa nữ quyền ở Afghanistan hiện lên trọn vẹn qua hình ảnh ba người phụ nữ trong “Ngàn mặt trời rực rỡ”. Nếu Nana (mẹ của Mariam) đại diện cho sự cam chịu, Mariam dừng lại ở tư tưởng phản kháng thì Laila là biểu tượng về hành động dám đứng lên đấu tranh giành lấy hạnh phúc của chính mình.
“Còn Chị Còn Em” theo chân hai chị em sinh đôi là Anna – người chị, và Lotte – người em, sống tại Cologne, Đức. Vì bố mẹ mất sớm, nên cả hai bị tách ra khi chỉ mới 6 tuổi. Lotte được một gia đình người Hà Lan nhận nuôi, trong khi đó Anne được ở lại quê hương của mình là Đức. 70 năm sau, hai chị em cuối cùng cũng gặp lại nhau. Anna đã kết hôn với Martin một người lính SS, trực tiếp tham gia chiến đấu. Còn Lotte từng đem lòng yêu David, một chàng trai người Do thái tội nghiệp đã phải chết trong trại tập trung của Đức Quốc xã. Cuộc đời của hai người phụ nữ, từ thuở còn gắn bó đến tận lúc chia xa, những thời khắc thảm khốc nhất của cuộc chiến, sự mất mát và thù hận, chiến tranh đã hủy hoại tất cả những điều tốt đẹp nhất họ từng có. Nhưng sự chia rẽ sâu sắc sau chiến tranh còn đáng sợ hơn. Khoảng cách giữa họ giờ đây không chỉ đơn giản là thời gian hay không gian, mà nó là một khoảng đứt gãy mang tên chiến tranh, là những định kiến thù địch về kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược.
“Còn chị còn em” tuy nhận không ít chỉ trích từ giới phê bình ngay tại quê hương Hà Lan, nhưng thông điệp về sự hàn gắn vết thương chiến tranh của nó nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ độc giả. Anna và Lotte là đại diện cho hai phe đối địch trong chiến tranh. Mỗi người lại có một lý do riêng để bênh vực cho đất nước mình. Thông qua cuộc đời đầy biến động của hai người phụ nữ, độc giả sẽ hiểu hơn về thân phận của những người con người khốn khổ trong chiến tranh, về sự tàn phá khủng khiếp của cuộc chiến lên cả hai phe cũng như những tổn thương dai dẳng mà nó để lại cho những người trong cuộc.