Phụ nữ muôn đời bị dắt mũi - Tạp chí Đẹp

Phụ nữ muôn đời bị dắt mũi

Review

Không có một định nghĩa chính xác nào về vẻ đẹp của phụ nữ, và nét quyến rũ của những người đàn bà ở mỗi thời đại cũng luôn biến chuyển.

Tuy vậy, chuyên đề “Cuộc dắt mũi cái Đẹp” lại có tham vọng đi trả lời câu hỏi: Làm thế nào để có tiêu chuẩn chính xác về vẻ đẹp của người phụ nữ?

Mỗi bài viết nhỏ trong chuyên đề này sẽ là một gợi ý cho câu trả lời dành tặng chị em nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, như một món quà tinh thần nho nhỏ.

Các bài viết trong chuyên đề:

–    Phụ nữ muôn đời bị dắt mũi
–    Đàn bà đẹp cốt để cho đàn ông ngắm?
–    Đã là đàn bà thì đương nhiên phải đẹp
–    Tại sao phụ nữ lại cứ phải đẹp?
–    “Cô nào bị chê mà đã cuống lên thì không xứng đáng đẹp”

Tổ chức: Đinh Phương Linh

Từ Hoàng hậu Marie Antoinette của thế kỷ 18 cho đến những cô Hoa hậu Venezuela của ngày hôm nay, những biểu tượng nhan sắc đã “hung hãn” kéo định nghĩa về vẻ đẹp đi trên một hành trình bất tận.

1. Người ta kể rằng Hoàng hậu Marie Antoinette của Vua Louis XVI thậm chí đã chuẩn bị sẵn một bộ trang phục riêng để mặc trong ngày đi ra pháp trường. Bà muốn đẹp cả lúc chết. Người phụ nữ tuyệt đỉnh phù phiếm ấy bị nước Pháp căm ghét khi ném tiền qua cửa sổ cho hàng trăm bộ váy mỗi năm trong cảnh người dân lầm than. Nhưng cũng bởi thế, Marie Antoinette trở thành một huyền thoại thời trang: bà là “fashion icon” – biểu tượng thời trang đầu tiên của thế giới.

Không chỉ có các quý bà của cung điện Verseille thời ấy, đến mãi sau này, sức ảnh hưởng của Marie Antoinette vẫn mạnh: người ta thấy Madonna kỷ niệm sinh nhật lần thứ 55 trong trang phục giả Marie Antoinette; thấy Karl Lagerfield chụp ảnh Vanessa Paradis trong trang phục kiểu Marie Antoinette.

 

Rose Bertin, nhà tạo mẫu riêng của Hoàng hậu Antoinette, người được bà thân ái gọi là “Bộ trưởng bộ Thời trang”, cũng vì thế mà được coi là nhà thiết kế thời trang đầu tiên trong lịch sử. Trước thời của Marie Antoinette, thì chỉ có những thợ may. Bà đã trao cơ hội cho Rose Bertin từ một thợ may trở thành một người-xác-lập-xu-hướng nổi tiếng – lộ trình mà những Domenico Dolce hay Stefano Gabbana đã đi sau này.

Tất nhiên là lối sống của Marie Antoinette thì chẳng hay ho gì; nhưng giữa cái đẹp và chính trị thì thứ đầu tiên có sức ảnh hưởng mạnh hơn.

Cái gọi là “xu hướng thời trang” đã bắt đầu như thế. Sự phù phiếm của bà Hoàng hậu phù phiếm được ngành thời trang bảo toàn trong hơn 2 thế kỷ qua. Những “fashion icon” được dựng lên bởi các nhà thiết kế, và những người phụ nữ chạy theo họ. Nhưng giờ thì tốc độ dẫn dắt còn mạnh mẽ hơn nhờ vào truyền thông.

Như một tôn giáo lớn: các đại giáo chủ ở New York, London, Milan và Paris dẫn dắt đám con chiên theo bản năng của mình. Ở một nơi nào đó khác, Seoul hoặc Hong Kong, một vài dòng nhỏ được các giáo chủ khác lập ra và thu được lượng “con nhang đệ tử” nhất định.

Định nghĩa về vẻ đẹp của phụ nữ hoàn toàn không do chính họ tạo ra – đó là điều không cần bàn cãi nữa. Nó được tạo ra bởi những bà Gabriel Channel hay ông Giorgio Armani nào đó; hoặc thậm chí là có thể những cô SNSD chân dài thẳng tắp hay mặc short cực ngắn nhiều màu. Short cực ngắn khoe chân? Tất nhiên là không thể có chuyện hàng triệu cô gái Việt Nam ngẫu nhiên cùng quyết định rằng họ sẽ mặc một mẫu như thế trong cùng một mùa Hè năm 2012. Họ được định hướng.

2. Không chỉ trang phục, mà ngay cả vẻ đẹp cơ thể cũng bị định hướng. Từ tôn thờ phụ nữ béo sang nhịn ăn giữ eo; từ mặt trăng rằm đến cằm V-line; không phải ngẫu nhiên mọi thứ trở thành xu hướng.

 

Từ Hoàng hậu Marie Antoinette của thế kỷ 18 cho đến những cô Hoa hậu Venezuela của ngày hôm nay, những biểu tượng nhan sắc đã hung hãn kéo định nghĩa về vẻ đẹp đi trên một hành trình bất tận.

Vẻ đẹp cơ thể ấy cũng được liên tục tái định nghĩa bởi một vị giáo chủ nào đó. Đó có thể là Lee So Man, kiến trúc sư trưởng của Làn sóng Hàn Quốc, ông bầu của nhóm SNSD kể trên; hoặc có thể là Osmel Sousa, Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu Venezuela và là chủ của Học viện đào tạo hoa hậu nước này. Ông trùm này đã dìu dắt hàng chục cô gái vô danh trở thành Miss World, Miss Earth, Miss Universal, Miss International,.. – những danh hiệu cao quý nhất.

Và hãy nghe Osmel Sousa nói: “Chúa đã tạo ra phụ nữ đẹp, nhưng Chúa cũng tạo ra phẫu thuật thẩm mỹ”. Như thế, các chuẩn mực về vẻ đẹp cơ thể hoàn toàn có thể được thiết kế lại theo ý muốn của một nhà cách mạng nào đó, và quảng bá ra đại chúng. Xin nhấn mạnh: Người nói câu đó đào tạo ra Hoa hậu nhiều hơn cả HLV Alex Ferguson đào tạo ra cầu thủ ngôi sao.

3. Dường như cơ thể người phụ nữ là một tấm toan và bản thân họ là một nghệ sỹ. Họ liên tục sáng tác trên cơ thể mình; nhưng rốt cục thì cũng chỉ có một vài ông Claude Monet hay Pablo Picasso là đẻ ra được “trường phái” và phần lớn các nghệ sỹ khác dù có sáng tạo cũng chỉ dừng lại ở việc đi theo xu hướng mà các nhà cách mạng ấy đã tạo ra. Vô thức hay cố tình, họ cũng bị ảnh hưởng.

 

Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có những thiên tài tự đột phá và trở thành một “fashion icon” hay nhà thiết kế mới.

Cũng giống như nghệ thuật, thật khó tin rằng cái quá trình “tái định nghĩa-tạo thành trào lưu-chạy theo trào lưu-lại tái định nghĩa” vẻ đẹp này sẽ dừng lại.

Việc bị định hướng là không thể tránh khỏi. Nhưng sao chép điên cuồng và chạy theo các trào lưu mới ngay khi nó xuất hiện như một anh sinh viên mỹ thuật làm nghề chép tranh và luôn sợ sệt không trả được tiền nhà, hay là học hỏi và rồi tự tạo thành phong cách của chính mình như một họa sỹ hàng đầu (dù chỉ là hàng đầu của Hội nghệ thuật tỉnh nhà), đó mới là câu hỏi. Đó là vấn đề của bản lĩnh và chính kiến.

Phụ nữ đẹp, thường là phụ nữ biết rằng mình sẽ mặc gì hôm nay chứ không phải là phụ nữ biết rằng Victoria Beckham đã mặc gì hôm qua.

Bởi vì khái niệm “thời trang” không chỉ bao gồm trang phục và hình thể, nó còn bao gồm cả lối sống. Và nếu liên tục hành xử theo xu hướng thời trang, thì ngay cả một cái Tôi cũng chẳng còn và cái Đẹp lúc ấy có vẻ chẳng còn ý nghĩa.

Bài: Hoàng Anh

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Tình yêu thời hiện đại chỉ kéo dài ba năm (hoặc ngắn hơn?) –  luận đề này đã được chứng minh, không những về mặt khoa học, mà còn căn cứ theo những thống kê xã hội học. Theo tác giả Frédéric Beigbeder, năm thứ nhất yêu nhau, người ta mua đồ, năm thứ hai người ta chuyển chỗ kê đồ và năm thứ ba chia đồ.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

02/03/2014, 19:38