Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới.
Các nhà khoa học từ lâu đã phát hiện ra rằng hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên tác hại lớn như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố giới tính – điều trước kia ít được biết đến.
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới.
Trong nghiên cứu này, các tác giả đã phân tích dữ liệu của 3.343 bệnh nhân tim mạch tại Anh trong giai đoạn 2009-2014 và đưa ra 2 kết luận: Thứ nhất, phụ nữ hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nam giới, điều này càng thể hiện rõ ở nhóm tuổi từ 50 đến 64.
Ở nhóm tuổi này, những người phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 9,7 lần so với những người phụ nữ khác không hút thuốc; trong khi tỷ lệ này ở nam giới hút thuốc so với những người không hút thuốc là 4,5 lần.
Thứ hai, phụ nữ hút thuốc lá sẽ gặp nhiều nguy hiểm tới sức khỏe, đặc biệt là nhóm tuổi từ 18 đến 49, với nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 13,2 lần so với những người phụ nữ không hút thuốc.
Theo các nhà khoa học, phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với nam giới có thể là do thuốc lá làm suy giảm lượng estrogen ở nữ giới – loại hormone quan trọng giúp chống lại các bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, yếu tố cấu tạo cơ thể cũng là một nguyên nhân khi nữ giới có hệ thống mạch vành thường nhỏ hơn nam giới. Những người có thời gian hút thuốc lâu dài sẽ dẫn đến việc động mạch dần bị thu hẹp lại, làm cho nguy cơ bệnh tim mạch tăng cao.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều loại bệnh khác, các nhà khoa học khuyến cáo những người hút thuốc lá nên nhanh chóng dừng lại.