Một câu chuyện tình lãng mạn, được in từ một cuốn sách đắt giá hay chỉ đáng ba xu luôn luôn viết rằng có cô thiếu nữ yêu kiều, đang đi hoặc tốt nhất là ngồi trên cửa sổ, thì làm rơi một cái khăn. Chàng hoàng tử hoặc anh ăn mày đi qua, nhặt lấy khăn trao cho nàng, thế là tình yêu bắt đầu.
Tỉ lệ những mối tình bắt đầu từ khăn có thể nói chiếm tới 8/10 các cuộc tình lãng mạn. Chả nhà văn tử tế, có kiến thức và có giáo dục nào lại viết về loại tình bắt đầu từ áo may ô hay rèm cửa, hay tệ hơn là giẻ lau nhà.
Khăn tay và thiếu nữ, như diều với gió, như cá với nước, như cơm nắm với muối vừng, không thể tách rời nhau được.
Thuở xa xưa, con nhà nghèo thì khăn bằng vải, bốn phía có thêu chỉ đỏ viền, bên trong có đôi bồ câu ngậm mỏ và dòng chữ “kỷ niệm” hoặc “nhớ mãi”. Con nhà giàu khăn bằng lụa, có tẩm nước hoa. Con nhà cực giàu khăn nhập ngoại, có in hình ngoại nhưng chả ai rõ hình gì vì có bao giờ chịu xòe ra.
Các nàng dùng khăn tay làm chi? Ngoài công việc chính là làm rơi để trai nhặt giúp, khăn còn dùng để phủi bụi, để chấm nước mắt khi nào khóc và dọa sẽ khóc (những cơ hội như thế khá phong phú). Rất ít khi dùng để chùi miệng vì chuyện vớ vẩn ấy có thể dùng vạt áo hay tay áo. Vả lại, ngày xưa có gì ăn đâu mà chùi? Nếu có ăn, sẽ xơi bằng sạch, lấy đâu ra vương vãi hai bên?
“Chiếc khăn tay mẹ may cho em. Trên cành hoa mẹ thêu con chim. Em sướng vui có chiếc khăn xinh đẹp. Lau bàn tay em giữ sạch hàng ngày” là câu hát tất cả trẻ em gái đều thuộc cách đây vài chục năm.
Nhưng cuộc sống hôm nay đã thay đổi tới độ chóng mặt. Món ăn cực kỳ phong phú, cách ăn cực kỳ đa dạng và cách chùi mồm, xin lỗi, chùi miệng ngày càng tinh vi.
Gần như chả còn một thiếu nữ hiện đại nào hôm nay mang chiếc khăn vải bên người. Bởi lúc này một ngày ăn hàng chục món, uống hàng chục thứ rượu, cà phê, kem, hút hàng trăm điếu thuốc và tô hàng ngàn kiểu son môi, khăn vải nào lo cho xuể?
Khăn tay tơ lụa từ đấy tuyệt chủng. Bây giờ mà cầm thứ đó có khi bị coi là quê mùa, cổ lỗ, lạc hậu, già cằn. Lúc này là thời kỳ khăn giấy.
Theo thống kê chính xác của Hiệp hội Cướp giật Toàn cầu, một trăm phần trăm túi xách phụ nữ bị bất thình lình mở ra đều phải có son môi, hộp phấn, điện thoại di động và khăn giấy.
Khăn giấy hiện đại có cả tỉ chủng loại, nhưng cơ bản đều màu trắng, đều mềm mại, đều dai và đều rẻ. Nếu ngày xưa, cơ hội lớn đến cho trai tráng khi nhặt được khăn vải trao trả người đẹp, thì ngày nay, kẻ nào nhặt khăn giấy lên trao trả sẽ bị tránh xa, bị lên án và thất bại hoàn toàn.
Bởi bản chất cơ bản nhất của khăn giấy là dùng xong thì vứt. Thậm chí chỉ quệt qua một cái, chỉ chấm một cái cũng quăng đi không thương tiếc. Cho nên không ai giặt, không ai thêu và đương nhiên không ai dâng tặng. Chưa khi nào thấy trong phim, trong kịch hay trong đời, một chàng trai dâng khăn giấy cho nàng.
Khăn giấy lúc này đã phát triển rực rỡ. Có nhiều kiểu to như khăn trải bàn, có kiểu mềm như cánh bướm, vừa ướt vừa thơm lại vừa có cả thuốc sát trùng đến mức có thiếu nữ chỉ dùng khăn giấy quẹt một cái là giết được quân thù.
Thế nhưng, ngoài chùi mồm ra, khăn giấy chả còn giúp ích gì nữa. Chưa một tiểu thuyết nào, chưa một bộ phim nào đưa khăn giấy lên thành hình tượng.
Tất cả những gì mà khăn vải đã xây dựng trong cả ngàn năm, khăn giấy chỉ cần vài trăm ngày là xóa sạch!
Còn gì cảm động hơn hình ảnh người lính ra trận được cô gái đuổi theo dúi khăn vào tay. Biết bao tác phẩm nhờ cảnh đó đã thành bất tử. Thử tưởng tượng, nếu cô ta dúi khăn giấy, liệu có còn lãng mạn vậy không?
Chắc chắn là không! Buồn quá!
Bài: Lê Thị Liên Hoan