Phụ nữ cạo đầu có gì xấu

Đúng ra phải là “cạo đầu có gì hay” khi người ta chứng kiến những nhúm tóc nhuộm đen của Britney Spears rơi lả tả xuống sàn trong một cửa hiệu cắt tóc và lập tức hình dung những dòng tít trên báo “Britney trên bờ vực của suy sụp tinh thần” hay “Britney xuống tận đáy”. Cô gái 25 tuổi đã-từng-là ngôi sao nhạc pop, ly dị 2 lần và mẹ của 2 đứa con, đủ khôn ngoan để tích cóp được số tài sản khoảng 130 triệu USD, rõ ràng đang suy sụp tinh thần, theo kiểu Hollywood.

 

 Britney Spear

Sự kiện Britney cạo đầu đã chiếm diễn đàn báo giới, “đất đai” trên báo dành cho sự kiện này ngang ngửa với việc thay đổi tổng thống Mỹ hay các thảm họa hàng không! Một cơn bão truyền thông tràn ngập: bạn có thể xem việc Britney cắt tóc trên YouTube, nghe lời của các nhân chứng trên CNN hay ABC, mua mấy lọn tóc vừa cắt của Britney trên eBay. Tính chất gây sốc của sự kiện được nhân gấp bội bởi Britney từng được xem là biểu tượng của sự gợi cảm tuổi vị thành niên khi mặc đồ nữ sinh và hát “hit me baby one more time” vào năm 1999. Hình ảnh đó đã đẩy Britney lọt vào danh sách những người phụ nữ sexy nhất thế giới. Ngược lại, theo thước đo nữ tính thì dáng vẻ mới nhất của cô trong lịch sử văn minh nhân loại còn xếp dưới bệnh lao hay bệnh phong! Trong thời Hy Lạp cổ đại, một phụ nữ với cái đầu cạo trọc là dấu hiệu của một kẻ nô lệ, ở Pháp vào cuối thế chiến thứ 2 là sự cấu kết với phát xít. Trong các nhà tù ở Mỹ vẫn sử dụng cạo đầu như một biện pháp trừng phạt. Tính gây sốc và dáng vẻ đáng sợ của việc cạo đầu được đám tân phát xít và giới đồng tính thích khai thác. Cạo đầu luôn được xem như với việc lột bỏ

 

 Natalie Portman

cả nữ tính. Natalie Portman, sau khi cạo đầu để đóng phim “V for Vendetta” đã phán một câu đa nghĩa “kind of wonderful to throw vanity away for a bit” (“thật tuyệt nếu quẳng ví đựng đồ trang điểm đi một lúc” nhưng “vanity” còn có nghĩa là sự phù phiếm, rỗng tuếch hay sự tự cao tự đại). Cô nói thêm “có người sẽ nghĩ tôi là kẻ tân phát xít hay một bệnh nhân ung thư hay một kẻ đồng tính.”
Hành động của Britney có thể được các tín đồ của Sigmund Freud lý giải là sự thách thức đối với các chuẩn mực về mỹ học, thách thức sự phân cực về giới tính trong nền văn hóa bị kiểm soát bởi nam giới. Nhưng đối với đại đa số, đơn giản là Britney đang bị điên! Sự liên tưởng giữa phụ nữ trọc đầu và… bệnh thần kinh có thể bắt nguồn từ việc cạo đầu các bệnh nhân trong dưỡng trí viện. Hoặc cũng có thể từ nhận định rằng họa có điên mới không muốn phát huy vẻ đẹp. Trong cuốn “Survival of the Prettiest: The Science of Beauty”, nhà tâm lý Nancy Etcoff thuộc trường y khoa Harvard đã nhận định rằng “một trong những lý do mà chúng ta thích tóc dài bởi vì đó là một trong những khía cạnh nhiều thông tin nhất của một con người.” Nhưng hình tượng nữ tính bị đảo lộn qua những tấm ảnh Kylie Minogue và Delta Goodrem không có tóc sau những đợt xạ trị chữa ung thư lại là thứ mang lại hàng đống tiền mà đám paparazzi luôn ao ước.
Max Clifford, ông trùm về PR ở Anh lại tuyên bố với tờ The Guardian rằng toàn bộ các sự kiện này chỉ là một chiến dịch đưa Britney lên các phương tiện truyền thông càng nhiều càng tốt. “Rõ ràng là họ biết chính xác điều gì đang diễn ra, nếu không họ sẽ chẳng cho phép Britney làm như thế. Toàn bộ sự việc đã được sắp đặt và tiến hành công khai. Cô ấy không thể chỉ đột ngột xuất hiện và làm như thế. Người phụ trách PR của cô ấy chắc chắn biết điều này.” Dĩ nhiên không ai biết sự thật thế nào bởi hầu hết các chi tiết đều được thu lượm từ những người chứng kiến sự việc và các lời đồn đãi không căn cứ.
Các nhà tâm lý học được mời lên các phương tiện truyền thông để phân tích hành động của Britney: một lời kêu gào được giúp đỡ, một cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi các con mắt cú vọ của công chúng và báo giới vốn theo từng bước chân của cô khi cô còn bé xíu trong câu lạc bộ chuột Mickey. Đối với các bậc cha mẹ lo lắng rằng các tạp chí tuổi teen sẽ mau chóng tràn ngập người mẫu trọc đầu, hãy an tâm. Hào quang của Britney Spears đã nhạt nhòa rất nhiều kể từ sau bài “Toxic” cùng với cuộc hôn nhân với K-Fed và khả năng các cô bé tiếp bước chị Britney để cạo đầu hiện nay là rất thấp.
Đột nhiên trọc đầu trong một thế giới toàn tóc tai thậm thượt, hẳn Britney phải hối hận trong những tháng ngày chỉ biết tôn Mahatma Gandhi làm khuôn mẫu thời trang, những tháng ngày chờ đợi tóc mọc ra với tốc độ 1,25cm/tháng. Hiện tại, người ta bắt gặp Britney đội bộ tóc giả màu vàng, thấp thoáng đây đó ở Los Angeles.
Nhưng cả một thế giới mới cũng vừa mở ra với Britney, giúp cô gia nhập vào vào “câu lạc bộ” những người đẹp trọc đầu mà vẫn được đàn ông tôn thờ. Thành viên câu lạc bộ này có Sigourney Weaver với vai diễn chống lại các quái vật ngoài hành tinh trong “Alien 3”, có Natalie Portman trọc đầu và cực kỳ duyên dáng trong “V for Vendetta”, có Demi Moore với vai diễn gai góc trong “GI Jane”, có Sinead O’Connor, cô ca sĩ từng từ chối giải Grammy và xé ảnh của Giáo hoàng trước ống kính truyền hình trực tiếp của chương trình Saturday Night Live… Được ngưỡng mộ nhất là diễn viên người Ấn Độ Persis Khambatta, đóng vai Ilia, trung úy lái phi thuyền người Deltan trong

 

 Persis Khambatta

phim “Star Trek: The Motion Picture”. Năm năm sau khi cô qua đời, Persis đã được tôn vinh là “Người phụ nữ trọc đầu của năm 2003” bởi tổ chức Bald R Us. Giờ đây, cái đầu trọc của Britney lại được người yêu cũ là Justin Timberlake ngợi ca “đó là một lựa chọn thông minh”.
Với truyền thống phương Đông, tóc quan trọng hơn khi cùng với răng được xem là “cái gốc con người” nên cạo đầu là sự kiện để đời kiểu như “xuống tóc” xuất gia đầu Phật. Mới đây nhất, diễn viên đóng vai Lâm Đại Ngọc trong bộ phim “Hồng Lâu Mộng” là Trần Hiểu Húc đã thực sự xuống tóc đi tu. Là một diễn viên tên tuổi và đang rất giàu có nên việc cạo đầu của Trần Hiểu Húc gây ra tin đồn rằng cô đã bị ung thư giai đoạn cuối, ra nước ngoài chữa trị không thành công.
Các người đẹp châu Á vẫn thỉnh thoảng xuống tóc hy sinh vì nghệ thuật. Để đóng vai cô gái bán bánh bao trong phim “Đội bóng Thiếu Lâm”, Hoàn châu cách cách nhí nhảnh Triệu Vy đã xén luôn mái tóc của mình. Trong các bộ phim “Tiếu ngạo giang hồ” thì bộ phim chiếu năm 2001 có vai diễn Nghi Lâm đẹp nhất. Để đóng vai này, diễn viên Trần Lệ Phong đã xuống tóc thật sự, không giống như kiểu trọc hóa trang mà các diễn viên Hà Mỹ Điền, Thái Xán Đắc đã đóng trong những bản “Tiếu ngạo giang hồ” dựng trước đó. Vai diễn Nghi Lâm của Trần Lệ Phong có vẻ đẹp trong sáng nhưng vẫn đắm đuối nét si tình với Lệnh Hồ Xung. Nhưng ấn tượng về cái đầu trọc với phương Đông vẫn là sự xấu xí và đáng sợ hơn là vẻ đẹp. Trong một buổi trình diễn thơ, nhà thơ đầu trọc Nguyễn Thúy Hằng đã cùng với 2 bạn diễn cũng trọc đầu đã có màn diễn ấn tượng với người xem nhưng ấn tượng không có nghĩa là đẹp. Không nữ ca sĩ Việt Nam nào diện hẳn một cái đầu trọc nhưng những mái tóc ngắn củn thì thường xuyên xuất hiện, từ Thanh Lam, Hà Trần cho đến Thu Minh.
Trong trường hợp của Britney Spears, các nhân viên làm tóc trong cửa hiệu đã từ chối không thực hiện yêu cầu của cô, có thể họ sợ rằng sau này cô đổi ý và đâm đơn kiện họ, giống như kiểu thất thường của các ngôi sao. Cũng có thể họ sợ bị giết chết bởi fan club của Britney giận cá chém thớt, không chịu nổi hình ảnh trọc đầu kỳ cục kia mà không biết đổ lỗi cho ai. Nhưng sau khi sự kiện này diễn ra, có vô số nhà làm tóc sẵn sàng giúp đỡ Britney nếu cô muốn cạo thêm lần nữa (!) bởi họ xem việc cạo trọc là một trải nghiệm mang tính giải thoát.
Nhà tạo mẫu tóc Gabi Forster thuộc cửa hiệu Chainsaw Massacre ở Melbourne (Úc), vừa mới cạo trọc một cô gái cách đây vài tuần, cho rằng trọc đầu giờ đây vì những lý do thực dụng hơn. “Hiện tại, cạo đầu không phải vì thời trang như hồi đầu thập niên 90 với trào lưu grunge. Cạo đầu chẳng qua vì ai đó sắp đi du lịch ở Ấn Độ hay vì cạo đầu khiến cuộc sống của họ dễ dàng hơn.” Gabi thề rằng cô không bao giờ ngăn cản bất cứ cô gái nào có ý định cạo đầu. “Tại sao tôi phải cản? Mọi cô gái nên cạo đầu ít nhất một lần trong đời.”(!)


From the same category