Phu mộ “chiếu tướng” ông trùm Năm Cam - Tạp chí Đẹp

Phu mộ “chiếu tướng” ông trùm Năm Cam

Tin Tức

Riêng Năm Cam có một duyên nợ là chính ông đã từng làm bảo vệ, canh giữ sòng bạc khi ông trùm này đương thời hoàng kim.

Đánh cờ với ông trùm sòng bạc

Từng gây chấn động dư luận với những vụ thanh trừng đẫm máu trong thế giới ngầm và những vụ hối lộ quan chức, vụ án Năm Cam khiến bao người hãi hùng vì sự tàn độc của giới giang hồ và sự sa lầy của những quan chức trước mãnh lực hấp dẫn của đồng tiền. Đã bao năm trôi qua, mỗi khi nhắc về vụ án Năm Cam, đề tài này vẫn chưa bao giờ thôi nóng.

Đối với nhiều gã giang hồ những năm trước đây, lúc Năm Cam còn sống, giữ thế độc tôn ở các sòng bạc, có thể “hô mưa gọi gió” ở khắp chốn giang hồ của Sài Thành, thì việc được ông trùm thu phục về làm tay chân dường như là một đặc ân. Ngay bản thân của “ông trùm phu mộ” Ba Son cũng vậy. Những năm cuối thập kỷ 90, xét về tính cách “máu lạnh” thì Ba Son cũng chỉ thuộc loại làng nhàng, không chút tiếng tăm.

 

Ba Son từng một thời làm việc cho Năm Cam

Ngay cả những việc như bảo kê hay đâm thuê chém mướn, Ba Son đều lắc đầu mỗi khi ai đó ngỏ lời nhờ giúp đỡ. Bản chất “lành” này hoàn toàn không phù hợp khi bước chân vào giang hồ nhưng bù lại, nhờ những mối quan hệ nên ông may mắn được Năm Cam để mắt.

Năm 1997-1998, đây là giai đoạn thịnh vượng nhất của ông trùm sòng bạc, nhà hàng, quán bar. Ở đất Sài Thành, các sòng bạc của Năm Cam mở ra la liệt khắp nơi. Vì thế, đám giang hồ tứ chiến lần lượt quy tụ về đầu quân, Ba Son cũng được ông trùm tin dùng, cho làm bảo vệ tại khách sạn Cam, với mức lương 2000USD/tháng. Thời đó, mức thu nhập này thuộc dạng quá lớn, nếu không nói là ngoài sức tưởng tượng so với việc làm công việc cực nhọc phu mộ mà ông đang “cai”.

 

Ông trùm sòng bạc Năm Cam. Ảnh: Internet

Dù đã nghe danh đồn đại, nghe nhiều vụ mưu đồ toan tính để vươn lên trở thành ông trùm nhưng ấn tượng lớn nhất của Ba Son về Năm Cam chính là bề ngoài rất độ lượng, thương người, ít nói, điềm đạm. Khi về dưới trướng, ông cũng không thể lý giải nổi, vì sao một con người có tính cách ôn hòa đó lại có thể trở thành một thế lực ngầm đáng sợ đến vậy. Đến khi gặp, tiếp xúc nhiều với Năm Cam, ông để ý quan sát, và biết rằng, dưới vỏ bọc ấy là một con người hoàn toàn khác, sẵn sàng thanh trừng bất cứ đối thủ nào cản trở hoạt động làm ăn.

Sự kiêng dè của ông là có cơ sở, bởi ông còn một may mắn là Năm Cam cho phép được đánh cờ tướng với mình. Mỗi lúc rảnh việc, Năm Cam có một thú đam mê là tỉ thí cờ với ai đó.

“Nếu chỉ đơn thuần là đánh cờ giải trí thì là chuyện quá bình thường nhưng anh Năm bao giờ cũng suy tính rất kỹ càng từng đường đi nước bước trên bàn cờ. Có thể đây chính là tính cách ngoài đời được ông mang vào các cuộc chơi tỉ thí” – Ba Son nhớ lại.

Rất nhiều lần, Ba Son có cơ hội được ngồi đánh cờ với ông trùm sòng bạc, nhưng chưa bao giờ ông có thể đánh thắng nổi. Có khi, Năm Cam chấp cả nửa bàn cờ nhưng ông vẫn lắc đầu chịu thua.

“Không phải vì tôi sợ ông chủ để nhường thế trận, mà vì ông ấy tính cao quá, không có cơ hội để mình lật ngược tình thế” – ông nói.

Duy nhất chỉ một lần Ba Son “chiếu tướng” được thế trận bàn cờ của Năm Cam là vào thời điểm ông trùm này rơi vào cuộc vây bắt của CQĐT. Hôm đó như thường lệ, Ba Son được Năm Cam gọi lên đánh cờ. Chẳng hiểu vì sao, các đường đi, nước bước trên bàn cờ ông trùm sòng bạc tỏ ra “yếu đuối” hẳn. Chỉ chốc lát, thế trận bàn cờ được Ba Son chiếm thế thượng phong, “chiếu tướng” nhanh chóng.

 

Lúc Năm Cam còn sống, Ba Son nhiều lần được ông trùm gọi lên đánh cờ

Năm Cam thua lần đầu tiên nhưng không lấy làm cay cú mà thở dài: “Hôm nay Ba thắng anh rồi đó”. Nói xong, ông dẹp bàn cờ đứng dậy ra ngoài. Mấy hôm sau thì Năm Cam rơi vào cuộc vây ráp trên quy mô lớn. Ông trùm xộ khám với tất cả bộ sậu của mình. Chấm dứt “đế chế” giang hồ lừng lẫy bao năm gây dựng.

CQĐT xác định Ba Son không liên đới đến ông trùm sòng bạc. Ông thở phào vì không vướng vòng lao lý, khăn gói về lại nhà ở khu vực trường bắn Long Bình, tiếp tục cuộc đời phu mộ.

“Tôi làm bảo vệ được 7 tháng, đó vẫn là kỷ niệm mà mình không thể nào quên được. Dù tội ác của Năm Cam phải đền tội nhưng những đặc ân ông ấy dành cho thì vẫn hằn in”.

Giây phút chứng kiến ông trùm Năm Cam bị hành quyết

5h sáng ngày 3/6/2004, Ba Son bị đánh thức bởi một cán bộ điều tra gọi đến khu vực trường bắn Long Bình, chuẩn bị xử bắn 5 tử tù trong vụ án Năm Cam và đồng bọn. Sở dĩ, ông Ba được gọi vì theo cán bộ công an, thì ông có “uy tín” nhất trong việc chôn cất, bốc mộ cho tử tù. Hơn nữa dù sao ông Ba cũng đã gắn chặt cuộc đời mình ở đây.

Thế nhưng, một điều lạ lùng là ông Ba lại được cảnh báo không nên “nhúng” vào việc chôn cất, mà chỉ đứng nhìn, chỉ đạo đàn em phu mộ thực hiện việc chôn cất. Vụ tử hình Năm Cam và đồng phạm được canh giữ rất gắt gao. Bởi sáng đó, các giang hồ nghe tin lần lượt kéo đến chứng kiến.

Giây phút hành quyết, Ba Son đứng nhìn ngậm ngùi. Loạt đạn rền vang, 5 tử tù gục xuống, ông thấy rùng mình. Đó chưa phải là tất cả sự ghê sợ nơi pháp trường tử tù mà những diễn biến sau vụ hành quyết tập thể khiến nhiều người mới thấy hết bản chất lì lợm, gan lì của nhóm phu mộ.

 

Cuộc “ăn xác” của nhóm phu mộ táo bạo khiến nhiều người thời đó xôn xao. Ảnh minh họa

Lai Em trở thành tử tội đầu tiên bị xử bắn trong vụ án Năm Cam được đưa ra khỏi pháp trường. Chỉ với 4 xác tử tội trong vụ án Năm Cam, đường dây trộm xác này đã “ẵm” gọn 255 triệu đồng.

Đến giờ mỗi khi nhắc lại, Ba Son vẫn hằn in vụ cướp xác tử tù Năm Cam và đồng bọn vào năm 2004. Đây chính là một trong những vụ “ăn xác” táo bạo nhất mà Ba Son từng chứng kiến và tham gia. Bởi những tên tuổi tội phạm khét tiếng dù đã nằm dưới lớp đất nhưng uy danh vẫn còn đó. Hàng trăm đối tượng giang hồ cộm cán, sừng sỏ sau đó đã tiến hành quật mộ, cướp xác ông trùm sòng bạc để mai táng chu đáo, giữ trọn đạo nghĩa.

Ba Son cho biết: “Ngày ấy, khi anh Năm và đồng bọn được các phu mộ trường bắn tử tù khâm liệm, chôn cất nhưng chỉ 2 tiếng sau, một băng nhóm giang hồ xuất hiện mang theo súng, dao đòi xông vào quật mộ để lấy xác. Cuộc cướp xác bất thành vì phải đụng độ với băng giang hồ khác. Thấy tình hình quá căng thẳng, nhóm đàn em của anh Năm đành ra về, và hẹn một tuần sau quay trở lại”.

 

Khu nghĩa trang tử tù ở Long Bình

Đúng một tuần sau gia đình lên yêu cầu được lấy xác về. Sau khi liên hệ nhiều nơi, họ đã dàn xếp để tiến hành trộm xác. Khoảng 3 giờ sáng, xe của người nhà Năm Cam đến chở theo áo quan, lộng… Mọi việc chỉ được làm trong bóng tối, không một ánh đèn, một ngọn nến.

Lấy xong cũng là lúc trời sáng, chở lên khu vực Dầu Giây, dừng lại ăn trưa, đi vòng đi vòng lại nhiều vòng khắp TP.HCM sau đó mới dám chở về thiêu ở lò thiêu Long Bình, quận 9.

Sau vụ trộm xác kinh thiên động địa, người ta mới vỡ lẽ xác của một loạt các tử tù “đại gia” trong các vụ án kinh tế như Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (Tamexco) hay Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (Epco) cũng đã “bốc hơi” khỏi pháp trường từ trước đó.

 

Theo Dân Trí

Thực hiện: depweb

26/08/2012, 16:06