Tôi biết nhược điểm của đêm đông
Nó dài vơ dài vẩn…
Gió thổi tợ thằng rồ
Vặt trụi hàng cây…
Lá ngã – giệ đường đôi
Sương bay lèm nhèm đại lộ
Ngang phố – tôi châm điếu thuốc cuối cùng
Ngực thở khói diêm sinh.
(“Đại lộ khói” – Trần Dần)
Tôi phỏng vấn Mùa Đông trong một tâm trạng phấp phỏng, cảm giác thời gian bỗng như khói, thoắt cái, đã không nắm được rồi…
MĐ: Tôi hiểu ý bạn. Mùa Đông thì phải sắt lại, như Thạch Lam đã tả (tôi luôn yêu thích đoạn văn này nhất, nó mang đến đầy đủ cả hình ảnh và cảm giác về một Mùa Đông thực sự):
“Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng không bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong bọc, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kỹ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn nhìn thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.
Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắc lại vì rét.”
(Thạch Lam – “Gió lạnh đầu mùa”)
Mùa Đông bao nhiêu tuổi?
MĐ: Thời gian là cái vô hạn, chẳng có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc. Ở khía cạnh đó thì tôi không có tuổi. Nhưng thực thể cứ mỗi giây qua đã là một thực thể khác. Mùa Đông năm nay sẽ chẳng giống Mùa Đông năm sau, và cũng như thế, dù có cố gắng đến đâu, bạn cũng không bao giờ gặp lại một Mùa Đông đã qua. Và như thế, tôi chỉ tồn tại một lần duy nhất trên đời.
Bởi thế nên ký ức luôn đẹp?
MĐ: Cũng có thể không đẹp, nhưng người ta luôn nuối tiếc, vì sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
Tại sao Mùa Đông thường gắn với nỗi buồn?
MĐ: Về bản chất thì tôi chỉ là một trong 4 mùa. Trong chiết tự Hán ngữ, thứ chữ biểu ý tượng hình, thì bốn mùa đơn thuần là biểu đạt thời tiết, thời điểm. Chữ Xuân gồm bộ Nhật (mặt trời) và chữ Đốn (nghĩa là tụ tập, tích trữ) mang hàm ý “gom ánh nắng lại”.
Chữ Thu gồm bộ Hỏa (lửa) và bộ Hòa (cây mạ), nói về mùa mà người ta gặt lúa xong, đốt gốc rạ. Còn chữ Đông gồm bộ Truy (nghĩa là sau) và hai chấm Thủy biểu đạt hình ảnh tuyết rơi, có nghĩa là mùa đến sau cùng trong năm và có tuyết rơi.
Tính lãng mạn tiểu tư sản – tôi không nói đó là xấu – đã gắn Mùa Đông với nỗi buồn, cũng như gắn Hạ với niềm hân hoan và nồng nhiệt, Thu với lãng đãng, Xuân với hy vọng, với tâm trạng phơi phới…
Còn bạn cứ hỏi những người lao động xem, với họ, bốn mùa sẽ gắn với chu trình sản xuất của họ, mùa Hạ là mồ hôi, là sâu bọ, còn Mùa Đông là bàn chân nhúng xuống ruộng lạnh buốt… Tôi không biết họ có cảm nhận được nỗi buồn mùa đông không.
Nhưng tôi thích nhất cách nhạc sĩ Dương Thụ định nghĩa 4 mùa thế này: “Mùa Xuân vẫn là tiếng chim, Hè Thu vẫn là lúa xanh, Mùa Đông vẫn là khói rạ…” (Dương Thụ – “Vẫn ngày xưa ngày xưa”)
Vậy những người ở vùng đất quanh năm nắng chói, họ có nỗi buồn mang tên Mùa Đông không? Và những người ở vùng tuyết trắng, thì có coi Mùa Đông là nỗi buồn sang trọng, hay nỗi buồn vô tận không, hoặc ngược lại, niềm vui vô tận?
MĐ: Tôi vẫn thường tự hỏi, ở những bộ lạc, những dân tộc mà phụ nữ mũm mĩm được coi là đẹp, thì người ta có rung động trước một cô gái bikini mảnh mai không? Nhưng bạn biết đấy, người ta đã tìm thấy những bộ lạc mà trong ngôn ngữ của họ không có từ “hạnh phúc”, có nghĩa là không có một quy chuẩn chung nào cả. Bản chất lối sống tạo nên ngôn ngữ, và cả cảm xúc nữa.
Trở lại câu hỏi của bạn, tôi lại nhớ đến truyện ngắn “Người đàn ông băng” của Murakami. Câu chuyện kể về một gia đình có người chồng là “người băng”, xuất thân từ Nam cực, và một người vợ bình thường.
Tất nhiên, hình tượng mà Murakami dựng nên bao giờ cũng mang tính ẩn dụ. Nhưng có những đoạn suy tưởng như sau, mà tôi hoàn toàn tin vào tính logic của nó nếu quả thật có một “người băng”.
Kể từ khi người vợ quyết định hai vợ chồng sẽ du lịch Nam Cực, thì “Mắt anh trở nên sắc hơn, hơi thở trở nên trắng hơn, những ngón tay lạnh giá hơn”, trong khi người vợ ngày càng cảm thấy bất an.
Và cuối cùng, khi đã đến Nam Cực, người vợ nhận ra rằng “Ở đó, nơi cái thế giới vô thanh bị những tảng băng dày bao bọc ấy, tôi đánh mất sức mạnh của mình”, còn người chồng thì không còn nghĩ đến chuyện trở về nữa.
Vậy thì, xét ở một góc độ nào đó, mỗi con người mãi mãi thuộc về một thế giới nơi họ thuộc về. Tôi cho rằng những người từ những vùng đất “một mùa” ấy, thì dù có đến nơi “bốn mùa”, họ vẫn giữ mãi trong tiềm thức nỗi khắc khoải về một mùa duy nhất.
Dù sao, lạnh lẽo và khô cằn, thì Mùa Đông vẫn là một mùa đẹp, cả nỗi buồn, nếu có, cũng đẹp đấy chứ. Vậy tại sao lại ít bài hát về Mùa Đông đến thế?
MĐ: Không ít đâu, tôi thấy người ta đã tuyển tập ra được một cuốn những 85 ca khúc về Mùa Đông cơ mà.
Vậy chắc do… ít người hát?
MĐ: Có lẽ vì người ta không còn đủ thời gian để trầm lại, để suy tưởng và… buồn, nên không còn tâm trạng để hát về Mùa Đông nữa. Hoặc cũng có thể là vì ca sĩ bây giờ chủ yếu ở Sài Gòn. Nơi đó thì chẳng có Mùa Đông để mà thấu hiểu.
Hình ảnh: Xuanlamhn