Phong trào #MeToo: Ầm ĩ nhưng không đến nơi đến chốn - Tạp chí Đẹp

Phong trào #MeToo: Ầm ĩ nhưng không đến nơi đến chốn

Sao

Những “kẻ săn mồi” vẫn nhởn nhơ

Series chính trị nổi tiếng “House of Cards” của kênh truyền hình Netflix vừa tung trailer mới, mở đầu bằng hình ảnh bia mộ của nhân vật chính: cựu tổng thống Frank Underwood. Ngay cả khi nhân vật này vẫn còn sống ở phần cuối mùa phim trước, nhưng phản ứng của khán giả đa phần không quá ngạc nhiên. Đó là vì vào năm ngoái, Kevin Spacey – người thủ vai Frank đã bị vạch trần từng có hành vi quấy rối tình dục nhiều nam diễn viên trẻ tại Hollywood, và bị sa thải khỏi hầu hết các dự án mà ông tham gia.

1536203169-kevin-spacey-house-of-cards
Kevin Spacey bị “bức tử” khỏi mùa 6 của “House of Cards”.

Kevin Spacey chỉ là một trong số hàng loạt cái tên bị đưa ra ánh sáng bởi phong trào #MeToo đang ngày càng phổ biến tại Hollywood. Mọi thứ bắt đầu khi một nhóm nữ diễn viên nổi tiếng, trong đó có cả những ngôi sao hạng A như Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie cùng đứng lên tố cáo ông trùm sản xuất phim Harvey Weinstein đã có hành vi quấy rối, thậm chí tấn công tình dục họ trong quá trình hợp tác. Sự việc này đã tạo nên hiệu ứng domino, nhắm thẳng vào các ông lớn của Hollywood – những đạo diễn và nhà sản xuất quyền lực đứng sau thành công của nền điện ảnh, bao gồm cả việc nhào nặn nên những ngôi sao màn bạc.

Ngoại trừ Harvey Weinstein, hầu hết những “kẻ săn mồi” bị #MeToo vạch trần đều đang sống nhởn nhơ, hoặc chỉ bị ảnh hưởng rất nhỏ.

Hầu hết các nghi phạm khi bị tố cáo đều nhanh chóng mất đi chỗ đứng của mình. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ đối với những nạn nhân bởi họ cho rằng, các hành vi lạm dụng, xâm hại và tấn công tình dục xứng đáng phải bị truy tố theo luật hình sự. Trong khi đó, những đòn trừng phạt giáng lên “kẻ săn mồi” hiện chỉ dừng ở mức sa thải, gạch tên khỏi dự án, trở thành tội đồ trong mắt dư luận và truyền thông. Đối với trường hợp của Kevin Spacey, dù bị “giết không thương tiếc” trong trailer của “House of Cards”, nhưng chỉ trước đó một ngày, ông lại nhận tin vui rằng mình sẽ không bị buộc tội xâm phạm tình dục tại tòa án hình sự Los Angeles, Mỹ.

Khỏi phải nói thông tin này đã khiến những người ủng hộ phong trào #TimesUp và #MeToo thất vọng thế nào. Song cũng khó lòng phủ nhận được phán quyết này của tòa án, bởi hầu hết những vụ xâm hại tình dục đều thiếu bằng chứng pháp lý để tiến hành tố tụng. Trong hầu hết các trường hợp, bằng chứng duy nhất chỉ là lời nói của nạn nhân, cộng thêm vài người bạn của họ đứng ra làm chứng. Điều này gây ra sự thiếu hụt tang chứng, vật chứng rất rõ ràng, vốn là yếu tố cực kỳ cần thiết nếu muốn đưa nghi phạm ra hầu tòa.

Bản án nào là xứng đáng? 

Cũng không thể đổ lỗi cho sự tắc trách của các công tố viên tại thành phố Los Angeles, nơi toạ lạc của kinh đô điện ảnh Hollywood. Còn nhớ khi vụ bê bối Harvey Weinstein bùng nổ vào 10 tháng trước đây, chính cơ quan này đã thành lập một đội đặc nhiệm nhằm điều tra kỹ những vụ quấy rối tình dục trong nền giải trí. Và kết quả, việc thiếu thốn bằng chứng thậm chí còn không phải trở ngại duy nhất, bởi trong nhiều trường hợp, những vụ quấy rối đã xảy ra khá lâu mà không hề được đả động tới, và do đó đã vượt quá hạn mức truy tố hình sự theo luật pháp bang California.

Tiếng nói #MeToo vẫn chưa có tác động mạnh mẽ về mặt hành pháp.

Trả lời vấn đề này, Gloria Allred, công tố viên đại diện cho các nạn nhân của vụ bê bối Harvey Weinstein, thừa nhận: “Đúng là chưa có chuyên án nào được lập hồ sơ để trình lên tòa. Có nhiều lý do. Thứ nhất, nhiều vụ án mà chúng tôi đang xem xét lập hồ sơ thực chất đã không còn nằm trong hạn mức quy định của luật hình sự. Thứ hai, sự cố có thể đã không xảy ra trong phạm vi thành phố Los Angeles. Thứ ba, nhiều người không tin rằng họ có đủ bằng chứng hợp lệ để chứng minh các vụ án là có căn cứ. Thứ tư, cũng có trường hợp nạn nhân không sẵn lòng ra làm chứng. Hiện nay, các công tố viên ở New York đã truy tố thành công ông Weinstein. Nhưng chúng ta vẫn phải chờ đợi xem điều này có thể lặp lại ở các nơi khác như Beverly Hills và London hay không”.

Tất nhiên, không một nạn nhân nào chịu lắng nghe lời giải thích này. Một người từng tham gia vạch trần Steven Seagal, nam diễn viên hành động từng bị cáo buộc tấn công tình dục hai phụ nữ vào đầu tháng 3 năm nay, cho biết: “Thật là tồi tệ! Giờ tôi chỉ muốn yên ổn và tiếp tục cuộc sống thôi”. Người này cũng bày tỏ sự giận dữ khi ngôi sao 66 tuổi không dám ở lại Mỹ để đối mặt với những lời buộc tội, mà đã tháo chạy sang Nga và nhờ cậy sự bảo trợ của tổng thống Vladimir Putin.

Một nạn nhân khác là Blaise Godbe Lipman cũng lên tiếng: “Chúng tôi buộc phải đối diện với sự thật nghiệt ngã, rằng có rất nhiều tiêu chuẩn cụ thể và thậm chí cứng nhắc trong hệ thống hành pháp. Phải đáp ứng được tất cả thì mới có thể đem vụ án ra tòa, và không ít vụ án đã phải bỏ dở vì thiếu chứng cứ hoặc vượt hạn mức truy tố”.

Đóng góp của một cá nhân cho phong trào #MeToo không chỉ được đo đếm bằng những phát biểu đanh thép, gây sốc hay những gì họ làm để bảo vệ bản thân họ.
Đóng góp của một cá nhân cho phong trào #MeToo không chỉ được đo đếm bằng những phát biểu đanh thép, gây sốc hay những gì họ làm để bảo vệ bản thân họ.

Dù thất bại tại tòa án hình sự, nhưng các nạn nhân vẫn còn cơ hội đòi lại công bằng cho mình nếu chuyển hướng sang tòa dân sự. Tại đây, các công tố viên sẽ đưa ra phán quyết bằng cách xem xét bên nào đưa ra bằng chứng nhiều và hợp lý hơn, thay vì đòi hỏi phải chứng minh tới mức 100% căn cứ như tòa hình sự. Theo cách đó, tự bản thân Hollywood và dư luận Mỹ đã thi hành một “bản án” lên những kẻ bị tình nghi. Kevin Spacey, James Toback, Louis CK, Charlie Rose, Harvey Weinstein, Steven Seagal, Matt Lauer,… có thể đã thoát vòng lao lý, nhưng sự nghiệp một thời lừng lẫy của họ giờ đã hoàn toàn tàn lụi, nhiều khả năng là mãi mãi.

Thực hiện: depweb

07/09/2018, 16:30