Đạo diễn Quang Dũng: “Vì hội đồng xét duyệt ‘sợ’ phong tặng mà không ai nhận!”
Chuyện xét phong tặng
danh hiệu cho nghệ sĩ luôn gây ồn ào bởi theo tôi nghĩ, chuyện gì mà có người được người không đều có những thị phi. Nhất là danh hiệu nhà nước có ảnh hưởng đến vị thế ở các đoàn văn nghệ hay cơ quan nhà nước.
Quy chế xét tặng danh hiệu là theo giải thưởng của nhà nước mà những giải thưởng này ít phổ biến đến số đông, cộng thêm phải làm đơn xin, xét duyệt khá phức tạp.
Các danh hiệu NSƯT, NSND được đo theo các giải thưởng quốc gia, nên tôi nghĩ điều đó có ý nghĩa là nghệ sỹ có đóng góp cho nhà nước. Vì ta cũng hiểu đa phần các giải thưởng ở ta, yêu cầu tuyên truyền chính trị là quan trọng.
“Cách trao giải thưởng hay danh hiệu sẽ làm nên thương hiệu của giải thưởng hay danh hiệu đó”
Chuyện nghệ sĩ muốn được phong tặng phải viết đơn kê khai thành tích vì có khi hội đồng xét duyệt cũng ngại việc lỡ phong tặng mà nghệ sĩ không nhận. Nên việc làm đơn có thể đảm bảo việc nghệ sĩ đó cần danh hiệu đó.
Theo tôi giá trị của nghệ sĩ là tác phẩm, họ có thể không đạt danh hiệu gì, nhưng tác phẩm họ thể hiện được nhớ đến, thì người đó vẫn là nghệ sĩ lớn. Mỗi danh hiệu và giải thưởng theo tôi đều có tiêu chí riêng của tổ chức đó, chúng ta cũng không đòi hỏi theo ý của chúng ta hay làm hài lòng tất cả mọi người được.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi những bất cập trong việc xét tặng, tôi nghĩ thay đổi hay không là do tổ chức phong tặng họ muốn danh hiệu được trao ảnh hưởng đến đối tượng nào trong xã hội.
Hay có những ý kiến cho rằng, nên bỏ danh hiệu NSƯT, NSND sẽ không còn chuyện ồn ào nữa. Theo tôi, cách trao giải thưởng hay danh hiệu sẽ làm nên thương hiệu của giải thưởng hay danh hiệu đó, nó không quá ảnh hưởng đối với sự nghiệp của nghệ sĩ, vì có thêm hay bớt danh hiệu thì nghệ sĩ vẫn phải làm việc của mình. Chúng ta nhớ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du chứ đâu nhớ danh hiệu hay giải thưởng nào của ông.
MC Trấn Thành: “‘Tai tiếng’ là do mình, “nổi tiếng” phải do nhiều người”
Có câu: “tai tiếng” là do mình tự gây ra chứ muốn “nổi tiếng” phải do nhiều người nhìn nhận. Vậy thì “danh dự” cũng thế, nó là thứ mọi người phong cho ta bằng sự ghi nhận sau một quá trình dài từ những đóng góp của mỗi người về tất cả những giá trị như tinh thần, đạo đức, lẫn vật chất chứ tuyệt đối không phải là thứ con người có thể xin và mua về như một món đồ.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: “Nhiều nghệ sĩ chưa có danh hiệu vẫn cống hiến không mệt mỏi”
Việc xét danh hiệu bao giờ cũng khó trọn vẹn và có thiếu sót vì nếu như đại trà quá thì không có sự thiêng liêng, cao quý, nhưng nếu khắt khe quá sẽ có những người bị thiệt thòi.
Là một trong số những nghệ sĩ trẻ được xét duyệt danh hiệu tại thời điểm này, tôi vẫn cho rằng, danh hiệu là sự đáng quý. Tuy vậy, cái quan trọng hơn với một
nghệ sĩ là sự cống hiến, sự góp sức trong lĩnh vực mà mình hoạt động. Mà sự đóng góp đó cần đến cả cuộc đời chứ không phải chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, tôi nhìn thấy có rất nhiều nghệ sĩ chẳng có danh hiệu gì nhưng họ vẫn đã và đang đóng góp, cống hiến không mệt mỏi. Vì thế, danh hiệu tuyệt vời nhất vẫn là ở trong lòng công chúng.
NSƯT Minh Châu: “Không thể dùng ‘cân tiểu ly’ để đo tài năng nghệ sĩ’
Tôi từng là thành viên của hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nhưng tôi thấy ngay việc thành lập một hội đồng như thế cũng có nhiều chuyện phải bàn. Đại diện của các chuyên ngành khác nhau: điện ảnh, tuồng, chèo, cải lương,.. cùng ngồi vào một hội đồng để xét tặng cho một nghệ sĩ thuộc chuyên ngành khác. Cách đó làm sao mà công bằng được. Ví như tôi đại diện cho điện ảnh thì sao tôi có thể biết nghệ sĩ các ngành khác như thế nào mà bầu chọn. Bên cạnh đó, ai được xét tặng là kết quả một cuộc bỏ phiếu kín. Và thực ra là có chuyện, nhiều người trong hội đồng khi bình xét thì không có ý kiến gì nhưng lúc bỏ phiếu thì lại không bỏ phiếu đồng thuận.
Chuyện huy chương, giải thưởng tôi đã nói mãi rồi, không thể cân đong tài năng của nghệ sĩ bằng một cái ‘cân tiểu ly’ như thế được.
Chưa kể, cá nhân tôi thì nghĩ, khi một nghệ sĩ đã phải làm hồ sơ rồi thì hội đồng cũng nên linh động. Đôi khi những lý do “trượt” danh hiệu lại vì những điều rất nhỏ. Như vậy rồi thì lần sau ai còn muốn làm hồ sơ xét tặng nữa. Dẫu vậy, tôi thấy danh hiệu cũng quan trọng, vì nó là động lực để nghệ sĩ tiếp tục làm nghề, nó cũng là phần thưởng xứng đáng cho những năm tháng họ lao động vì nghệ thuật.
Nghệ sĩ Đức Hải: “Tại hội đồng xét duyệt… lười”
Đầu tiên tôi xin nói đến chuyện nghệ sĩ phải làm đơn xin phong tặng. Chuyện này các nghệ sĩ phía Nam lên tiếng phản đối nhiều nhất. Lý do là, danh hiệu không phải là thứ đi xin, và họ xứng đáng thì làm sao phải làm đơn xin?
Nghệ sĩ sống ở địa phương nào đều có chính quyền sở tại nơi đó quản lý, họ là công dân tốt hay vi phạm pháp luật thì chính quyền sẽ biết. Còn về mặt chuyên ngành, nghệ sĩ thường sinh hoạt trong các chi hội chuyên môn như: chi hội điện ảnh, chi hội sân khấu, chi hội múa… và họ là hội viên, hàng tháng đều đóng tiền hội phí, thành tích của họ thế nào thì hội phải biết, phải có trách nhiệm. Hội đồng xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ tại sao không hỏi các đơn vị đó, liên hệ với chính quyền quản lý ở địa phương và cơ quan quản lý ngành dọc, sẽ biết được ai có bao nhiêu huy chương, và họ có vi phạm pháp luật hay không? Nhưng hội đồng xét duyệt có vẻ “lười” làm việc đó, bắt nghệ sĩ viết đơn kê khai, nên động chạm vào tự ái của họ, mà nghệ sĩ vốn nhạy cảm.
Được phong tặng danh hiệu, nghệ sĩ nào cũng thấy điều đó rất vinh dự vì được chủ tịch nước ký tặng. Nhưng tôi nghĩ, tiếp theo sự phong tặng đó, nhà nước nên có chính sách đãi ngộ cho việc hậu phong NSND, NSƯT cho nghệ sĩ như thế mới thỏa đáng với đóng góp và cống hiến của họ. Ví dụ như bên thể thao, vận động viên có thành tích cao là được mua chung cư giá rẻ, đó mới là thiết thực. Tôi thấy ở Tp.HCM những ngày lễ 30/4, mùng 2/9, hoặc Tết… Ủy ban Nhân dân thành phố mời tất cả các NSND, NSƯT đến hội trường của thành ủy thành phố để gặp mặt và tặng quà, dù vật chất đó không phải là nhiều nhưng những người nghệ sĩ cảm thấy họ được trân trọng vô cùng.
Nghệ sĩ hài Chiến Thắng: “Có người bảo diễn viên hài cùng đòi danh hiệu – tôi buồn”
Mấy hôm nay đọc bình luận của khán giả nói về chuyện nghệ sĩ hài được xét tặng danh hiệu NSND, họ nói rằng, ông này, anh kia chỉ diễn mấy cái hài nhí nhố, cũng đòi lên danh này, danh nọ, tôi chạnh lòng lắm. Dẫu làm diễn viên hài là nghề làm dâu trăm họ, mua tiếng cười cho công chúng, nhưng diễn viên hài cũng có những đóng góp, những khó khăn riêng mà chỉ người làm nghề hiểu. Danh hiệu là một sự công nhận nào đó, rằng tên tuổi của người nghệ sĩ ấy có trong lòng công chúng. Vậy mà chuyện xét tặng danh hiệu thì năm nào cũng ồn ào.
Tôi tự hỏi, đời người nghệ sĩ là gì nhỉ? Thấy buồn mà cũng chẳng biết nói sao.
Bài: Nhóm Phóng viên
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
Chuyên đề: BAO NHIÊU NƯỚC MẮT – BAO NHIÊU NỤ CƯỜI
Cứ 5 năm một lần, đến dịp xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là giới văn nghệ lại thêm nhiều nước mắt mà hiếm khi có tiếng cười. Tại sao một sự kiện tôn vinh, đáng lẽ phải vui lại nhiều nước mắt?
Thỉnh thoảng làng văn nghệ nho nhỏ lại ồn ào vì sự kiện một nghệ sĩ nào đó không may qua đời. Những danh hiệu lại được trao dưới áp lực của dư luận và cảnh người ốm được dựng dậy nhận danh hiệu bên giường bệnh, người không may qua đời thì danh hiệu được mang tới… đặt trên bàn thờ – một lần nữa, danh hiệu lại thấm đầy nước mắt.
Nhưng đâu vậy, cứ sau mỗi 5 năm, các nghệ sĩ vẫn háo hức trước mỗi lần xét tặng. Nhiều nghệ sĩ lão thành cho rằng, đã đến lúc bỏ việc xét tặng danh hiệu, vì các tiêu chuẩn đã bị lỗi thời, có nghệ sĩ lại nhất quyết, cống hiến một đời, lẽ nào không một sự ghi danh?
Đẹp Online tổ chức chuyên đề này, nhằm ghi nhận ý kiến từ nhiều phía, nhằm góp thêm tiếng nói cho một chủ đề không còn mới, nhưng vẫn luôn nhức nhối.”
Đọc và đón đọc các bài trong chuyên đề:
– Nghệ sĩ Tự Lẫm: “Con hơn cha thì nhà có phúc chứ sao lại buồn”
– Nghệ sĩ Hoài Linh: “Tôi cũng không hiểu sao mình được xét tặng danh hiệu”
– Chỉ mong không còn nước mắt