Phóng sự ảnh: Theo dấu con đường tơ lụa cổ xưa từ Luân Đôn đến Bắc Kinh

Xuất phát từ nhà ga King’s Cross (London, Anh Quốc), nhiếp ảnh gia Christopher Wilton-Steer dành 4 tháng ròng để khám phá con đường tơ lụa cổ xưa và thưởng lãm các di sản văn hóa, kiến trúc lâu đời trên tuyến đường huyền thoại này. Hành trình được tổng kết bởi 40.000 km đường dài qua 16 quốc gia từ Âu sang Á.

Hình thành vào khoảng thế kỷ II TCN, con đường tơ lụa không chỉ là huyết mạch giao thương cốt yếu giữa ba đế chế Trung Hoa, Ba Tư và La Mã cổ xưa, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong việc kết nối và lan tỏa nét đẹp văn hóa, tôn giáo giữa các quốc gia trải dài theo hành trình phát triển của nó.

Khi đặt chân đến Venice, người ta dễ dàng tìm thấy dấu ấn của con đường tơ lụa trên nhiều công trình kiến trúc cổ kính. Vô vàn kiệt tác thời Phục Hưng được điểm tô bởi sắc xanh tráng lệ của đá Lapis Lazuli – loại đá được khai thác cách đó 4.000 dặm, từ miền bắc Afghanistan và được đưa đến Venice dọc theo con đường Tơ lụa.

Trên chuyến hải trình vượt biển Adriatic và những chặng đường tàu ngoằn ngoèo trên bán đảo Balkan, Hồi giáo hiện diện như linh hồn của chuyến phiêu lưu. Đời sống tôn giáo được gợi mở từ giọng đọc Adhan – lời kêu gọi cầu nguyện của các tín đồ Hồi giáo ở thành phố Mostar, thuộc đất nước Bosnia Và Herzegovina. Cũng tại nơi đây, những mái vòm, ngọn tháp của các công trình Hồi giáo thời Ottoman tạo nên đường chân trời yên ả.

Cầu cổ Mostar là cây cầu được xây dựng vào năm 1557, dưới đế chế Ottoman.
Một nhà thờ Hồi giáo từ thời Ottoman ở thành phố Mostar.

Từ biệt vùng Đông Nam Âu sau 10 giờ đi tàu liên tục, thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đón tiếp các nhà lữ hành bằng khung cảnh sinh hoạt bình yên của cư dân ven biển. Những ông già chơi bài, các thiếu nữ cho mòng biển ăn, những người đi câu kiên nhẫn chờ chiến lợi phẩm, phụ nữ khoác tay nhau dạo chơi, chó, mèo thong dong trên đường phố,… có quá nhiều điều tuyệt vời để trải nghiệm tại thành phố này.

Từ Istanbul, người ta chỉ cần băng qua eo biển Bosphorus để tiến gần hơn vào châu Á. Chuyến du ngoạn dọc đất nước Thổ Nhĩ Kỳ được đánh dấu bởi nhiều di tích lịch sử và di sản thiên nhiên đầy ấn tượng, từ nơi an nghỉ của nhà thần học Rumi (thuộc Hồi giáo mật tông) tại Konya, đến thành phố kỳ quan Cappadocia, ngọn núi hình nón Ararat,…

Xuyên suốt chuyến đi, người ta sẽ có cơ hội bắt gặp những “caravanserai” hay còn gọi là khách điếm cổ xưa, có niên đại từ tận thế kỷ XIII. Đó là những điểm nghỉ chân mà giới thương nhân dọc con đường tơ lụa ghé vào để nghỉ ngơi, tắm rửa, cầu nguyện, đàm luận chuyện bát quái hoặc để cách ly tạm thời nhằm tránh mang bệnh dịch vào các thành phố lớn.

Các tín đồ Hồi giáo thực hiện nghi thức tại bảo tàng Galata Mevlevi House – một trong số ít những nhà nghỉ Hồi giáo được xây dựng từ thời xa xưa tại thành phố İstanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến với đất nước Iran, du khách có thể tham quan muôn vàn công trình kiến trúc lâu đời, tỷ dụ như khu chợ cổ Tabriz có mái vòm lớn nhất thế giới, lăng Oljaytu được xây dựng từ thế kỷ XIV bởi vương triều của người Mông Cổ trên đất Ba Tư,… Cảnh quan thú vị tại sa mạc Lut, với những “tòa lâu đài” sừng sững như kiệt tác của tạo hóa cũng sẽ khiến người ta phải choáng ngợp vì si mê.

Chợ vòm Tabriz là một trong những khu chợ lâu đời nhất ở Trung Đông, tương truyền nhà thám hiểm, thương nhân Marco Polo đã đi qua đây khi thám hiểm đến Trung Quốc vào thế kỉ XIII.
Lăng Oljaytu nằm ở phía Tây thành phố Soltaniyeh, được xây dựng dưới triều đại Ilkhanid do người Mông Cổ thành lập.
Sa mạc Lut còn được biết đến là nơi nóng nhất trên Trái đất.
Hoa văn trang trí trần của đền thờ Fatima Masumeh thành phố Qom, Iran.
Một nữ nghệ nhân ở khu chợ vòm Isfahan (thành phố Isfahan) đang miệt mài với công việc của mình.
Những người đàn ông theo đạo Hồi tập luyện môn võ Zurkhaneh nhằm rèn luyện thể chất lẫn tinh thần tại Isfahan, Iran.
Hoa văn trên trần của nhà thờ Sheikh Lotfollah, Isfahan, Iran.
Di tích lâu đài Tachara, thành phố cổ Persepolis, tỉnh Fars, Iran.

Điểm đến tiếp theo là đất nước Turkmenistan – một trong những quốc gia ít được du khách ghé thăm nhất trên thế giới. Thủ đô Ashgabat như một không gian siêu thực, mọi công trình đều được ốp đá cẩm thạch sáng loáng. Không một bóng người qua lại, bầu không khí vắng lặng bao trùm cả thủ đô như thể đây là vùng xứ sở biệt lập hoàn toàn so với phần còn lại của tinh cầu.

Trung tâm Giải trí Alem với vòng đu quay kín lớn nhất thế giới được ghi vào sách kỷ lục Guinness năm 2012.

Các nhà lữ hành đã băng qua hoang mạc Karakum để đặt chân tới Uzbekistan. Nổi lên giữa biển cát mênh mông, thành phố Khiva là một trong những địa danh trọng điểm của con đường tơ lụa. Nơi đây được ví von như châu báu với quần thể kiến trúc huy hoàng, mang đậm dấu ấn của lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Xa xưa, thành phố Khiva từng là chặng dừng của nhiều thương nhân trên con đường tơ lụa, đây cũng là thị trường buôn nô lệ nổi tiếng thời bấy giờ.
Họa tiết trang trí sặc sỡ trên trần của cung điện Tash-Hauli, thành phố Khiva.

Khác với cảnh quan ngập cát và nắng ở Uzbekistan, Kyrgyzstan đất nước của những thung lũng bao la và núi non thoai thoải. Những chiếc lều trắng của cộng đồng bán du mục nằm rải rác khắp nơi, cũng như những đàn ngựa, và lạc đà của họ. Cảm thức về không gian dưới bầu trời thanh bình trở nên bất tận hơn bao giờ hết.

Một nông dân trồng rau củ ở Vùng Jalal-Abad, Kyrgyzstan.
Tàn tích của khách điếm Tash Rabat nằm ở một thung lũng miền Đông Kyrgyzstan. Vào khoảng thế kỷ 15, đây từng là nơi nghỉ chân của các thương nhân trên con đường tơ lụa.
Đàn ngựa gặm cỏ trên thảo nguyên ở Kyrgyzstan.
Các lều trại “yurt” truyền thống của cộng đồng dân bán du mục ở Kyrgyzstan.

Lộ trình sau đó được viết tiếp với nhiều quốc gia cùng nhiều nền văn hóa khác nhau. Cảnh sắc thiên nhiên đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, cỏ cây xanh tươi dần thế chỗ cho những địa hạt cằn cỗi. Tại các nước Tajikistan, Pakistan, hay Ấn Độ, đời sống bình dị nhưng ngập tràn màu sắc của con người bản địa sẽ khiến các nhà lữ hành lưu luyến khó lòng rời đi.

Một thiếu nữ nhảy múa trong sự kiện ở dãy núi Pamir, Tajikistan.
Một cây cầu xuyên biên giới từ Afghanistan đến Tajikistan.
Giờ cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Taj Mahal ở Agra, Ấn Độ. Mỗi năm có hàng triệu người đến thăm Taj Mahal – lăng mộ dành riêng cho Mumtaz Mahal, người vợ được sủng hạnh của Hoàng đế Mughal Shah Ja.
Nằm ở nơi giao nhau của dãy núi Himalaya, dãy Karakoram và dãy Hindu Kush, Gilgit ở miền bắc Pakistan là khu vực dễ xảy ra thiên tai. Những người đàn ông đang đắp đê nhằm hạn chế tác động xấu của hiện tượng lở hồ băng (kéo theo lũ quét và tuyết lở) đến vùng hạ nguồn.
Được xây dựng vào năm 1840, Cung điện Khaplu là công trình điển hình nhất còn sót lại của hoàng tộc ở Baltistan – khu tự trị miền núi phía Đông Bắc của Pakistan. Hiện nay, cung điện mở cửa đón các nhà lữ hành như một khách sạn di sản.
Các hoa văn và biểu tượng Phật giáo vẫn có thể được tìm thấy rải rác ở khu vực Baltistan.
Khả năng tiếp cận nguồn nước sạch của các cộng đồng người dân miền núi phía Bắc Pakistan đôi khi trở nên khó khăn do thiên tai, biến đổi khí hậu.
Trung tâm âm nhạc Leif Larsen ở làng Altit hỗ trợ phát triển các làn điệu dân ca truyền thống, miền Bắc Pakistan.
Nhà thờ Hồi giáo Id Kah ở Kashgar, Trung Quốc. Kashgar là cửa ngõ cho các thương nhân Trung Quốc nhắm đến các thị trường Trung Á và là điểm dừng chân trọng yếu của các thương nhân theo chiều ngược lại. Sắc tộc tại đây đa dạng đến đáng kinh ngạc.
Trên con đường tơ lụa cổ đại, các đoàn lữ hành lạc đà Bactrian sẽ đi qua sa mạc Gobi ở phía Tây Bắc Trung Quốc, mang theo hàng hóa giao thương từ phương Tây.
Một phụ nữ trẻ mặc Hán phục biểu diễn tại Tử Cấm Thành.
Cảnh tịch mịch tại Cố Cung khi nhìn từ xa.

Theo sử sách, thành phố Tây An, xưa là Trường An mới đích xác là khởi điểm của con đường tơ lụa. Song, khi dừng chân tại Cố Cung Bắc Kinh, các nhà lữ hành vẫn có thể thưởng lãm nhiều nét văn hóa độc đáo của đất nước Trung Quốc – vốn là quốc gia có nghề trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ và dệt lụa sớm nhất trên thế giới, để từ đó đưa con đường tơ lụa trở thành một huyền thoại tráng lệ của lịch sử Đông – Tây.

Ảnh: Christopher Wilton-Steer


From the same category