Công việc văn phòng ngày càng trở nên phổ biến và nhiều người thậm chí phải ngồi hàng giờ hoặc cả buổi trước máy vi tính. Một số “trục trặc” trong cơ thể bắt đầu xuất hiện, mới đầu chỉ nhẹ và thoáng qua, nhưng sau thì nặng dần, thậm chí ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và công việc. Vậy phải làm thế nào để phòng ngừa những “bệnh của văn phòng” này?
Đau lưng
80% bệnh nhân đau lưng là nhân viên văn phòng, đây là kết luận của Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội dựa trên số liệu thống kê các bệnh nhân đến khám tại bệnh viện. Triệu chứng đau ban đầu thường chỉ âm ỉ, với cảm giác mỏi vùng thắt lưng hoặc cột sống vùng cổ vai, nghỉ ngơi một lát thì hết.
Tuy nhiên sau một thời gian, cảm giác đau có thể ngày càng tăng, ban đầu chỉ là những cơn đau nhói khi thay đổi tư thế, sau đó là tình trạng đau liên tục kéo dài và cường độ đau tăng đáng kể đến mức buộc phải ngưng làm việc.
Nguyên do là tư thế ngồi không phù hợp, cột sống không được giữ thẳng mà đổ chùng xuống khiến cho các dây chằng nối các đốt sống và đĩa đệm giữa các đốt sống phải căng ra chịu đựng, lâu ngày chèn ép thần kinh gây đau.
Trong những trường hợp nặng, nhất là ở những người lớn tuổi có kết hợp loãng xương, các đốt sống thậm chí còn bị xẹp, lún dẫn đến chèn ép thần kinh nặng nề hơn.
Phòng ngừa
– Ngồi thẳng lưng và không để lưng đổ chùng xuống một cách thụ động. Nếu ghế có tựa thì đó là vật hỗ trợ tốt tuy nhiên phải chú ý ngồi sâu vào ghế để lưng tựa thăíng vào ghế, tránh chỉ ngồi ở mép ghế khiến lưng phải đổ chùng xuống làm mất tác dụng của tựa.
– Luôn giữ cho cột sống cổ thẳng khi phải làm việc với máy vi tính trong thời gian dài, cần bố trí màn hình đặt vừa tầm mắt để đầu không phải ngước cũng như không phải cúi liên tục.
Tốt nhất, nên đặt màn hình sao cho mép trên của khung hình nằm ngang tầm mắt, muốn vậy màn hình phải đặt trên mặt bàn, không đặt trên thùng máy, ghế ngồi thì điều chỉnh cho đúng tầm.
– Nếu sử dụng máy tính xách tay thì thường màn hình sẽ thấp hơn tầm mắt do đó không nên làm việc liên tục với máy mà nên xen kẽ với các hoạt động khác để cổ không bị căng cứng.
Vì dù có ngồi ở tư thế đúng đi chăng nữa thì việc thỉnh thoảng đứng dậy đi lại hoặc tốt hơn nữa là tập những bài tập thể dục giữa giờ thích hợp sẽ giúp cột sống có điều kiện thư giãn nhờ đó mà giảm thiểu bệnh đau lưng.
“Hội chứng đường hầm” cổ tay
Đối với những người phải thường xuyên đánh máy vi tính thì cách bố trí tay rất quan trọng. Nếu bàn tay ở tư thế bị gập liên tục so với cẳng tay (thường do phải với lên bàn phím ở cao hơn khuỷu tay) thì các dây thần kinh chạy ngang qua vòng gân ở cổ tay sẽ bị chèn ép.
Ban đầu chỉ biểu hiện bằng cảm giác mỏi cổ tay, sau một thời gian nếu vẫn tiếp tục duy trì tư thế này có thể xuất hiện cảm giác đau nhức tăng dần đến mức không thể làm việc được nữa. Tình trạng này gọi là “Hội chứng đường hầm” (Tunnel Syndrome).
Phòng ngừa
Đặt bàn phím ở vị trí hơi thấp hơn khuỷu tay (cùi chỏ) một chút để bàn tay được làm việc ở tư thế thẳng so với cẳng tay. Trên thị trường có bán những bộ bàn ghế dành riêng để làm việc với máy vi tính trong đó bàn phím được đặt ở một vị trí riêng phù hợp và ghế ngồi có thể điều chỉnh lên cao xuống thấp cho phù hợp với tầm người để đảm bảo điều kiện về tư thế của bàn tay và cả cột sống.
Khô mắt
Bình thường mắt phải liên tục tiết nước mắt để làm ướt giác mạc (phần trong suốt bao phủ tròng đen) và cũng một phần cùng với thủy dịch bên trong nuôi sống giác mạc vốn không có mạch máu nuôi.
Vì thế nếu sự thấm ướt này không đủ, nhẹ thì gây cảm giác xốn như có cát trong mắt, nhìn mờ nhất thời, ra gỉ mắt trong và nhày, nặng hơn thì đau rát mỗi khi chớp mắt.
Tình trạng này gọi là hội chứng khô mắt, có nhiều nguyên nhân nhưng trong điều kiện cụ thể ở văn phòng thì do hai yếu tố: một là không khí trong phòng điều hòa thường khô và làm nước mắt bay hơi nhanh và hai là khi nhìn máy vi tính, mắt có khuynh hướng tập trung nên ít chớp hơn.
Trường hợp đã bị nặng thì cần đi khám mắt để được chỉ định thuốc nhỏ mắt phù hợp.
Phòng ngừa
– Không nên để máy lạnh ở nhiệt độ thấp quá hoặc nếu được thì hạn chế mở máy lạnh khi không cần thiết.
– Nếu làm việc với máy vi tính thì cần tranh thủ cho mắt nghỉ ngơi, chẳng hạn thỉnh thoảng nhắm mắt lại để mắt được làm ẩm, ngưng nhìn máy vi tính để đưa mắt nhìn ra xa.
Một số vấn đề khác
Ngoài những vấn đề sức khỏe thường gặp nêu trên, tùy công việc mà các nhân viên văn phòng còn có thể gặp một số khó chịu hoặc bệnh lý khác.
Đối với công việc có áp lực cao, giờ giấc nghỉ ngơi thất thường, ngủ trưa không đủ giấc, phải tập trung mắt làm việc nhiều với máy vi tính, làm việc trong phòng máy lạnh, dễ gây nên tình trạng nhức đầu.
Nhức đầu có thể chỉ âm ỉ như đang đội một cái mũ nặng của tình trạng suy nhược thần kinh hoặc có thể nhức nửa đầu từng cơn.
Nói chung để giảm nhức đầu cần thay đổi phương cách làm việc hơn là lạm dụng các thuốc giảm đau. Chỉ khi nhức đầu nhiều không chịu được mới uống thuốc và tốt nhất nên đi khám bác sĩ nếu tình trạng này kéo dài liên tục.
Một tình trạng bệnh lý gần đây được nêu lên nhiều ở các nước phương Tây đối với nhân viên văn phòng đó là huyết khối tĩnh mạch sâu. Trước đây bệnh rất ít khi gặp ở người dưới 40 tuổi nhưng nay bắt đầu gặp ở những người phải ngồi liên tục nhiều giờ trong văn phòng.
Do ít vận động, nên máu trong tĩnh mạch, đặc biệt là các tĩnh mạch sâu ở chân, lưu thông chậm nên dễ sinh ra các huyết khối (cục máu đông). Các huyết khối này có thể gây ra tình trạng sưng đau bắp chân hoặc nếu huyết khối rơi ra và trôi theo dòng máu còn có thể gây tắc động mạch phổi, nặng có thể gây tử vong đột ngột.
Phòng bằng cách thỉnh thoảng đứng lên, đi lại, vận động chân để máu lưu thông tốt hơn.
Tóm lại, ngày càng có nhiều người làm công việc văn phòng và đằng sau đó là những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe nếu không có biện pháp phòng tránh.
Ngoài những việc làm cụ thể như nêu trên, xen giữa các quãng thời gian dài làm việc nên tranh thủ bước ra một nơi rộng rãi, ngoài trời, có cây xanh càng tốt, để vừa cho cơ thể có dịp nghỉ ngơi vừa để tinh thần được thư giãn. Nhờ đó ta có thể duy trì sức khỏe để làm việc lâu dài.
Ths, Bs TRương Trọng Hoàng |