Phòng mạch ung thư vú

Ung thư vú & vị trí địa lý

Tỷ lệ mắc ung thư vú có khoảng dao động lớn giữa các nước, cao nhất ở Hoa Kỳ và Bắc Âu, tỷ lệ mắc trung bình ở Nam Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ và thấp nhất ở châu Á.

Tại Việt Nam, theo ghi nhận giai đoạn 2000 – 2004, tỷ lệ mắc ung thư vú cũng chênh lệch giữa miền Bắc (với tỷ lệ mắc khoảng 27/100.000 dân) và ở miền Nam (khoảng 17/100.000 dân).

Người ta nhận thấy tỷ lệ mắc ung thư vú tăng gấp hai lần so với những năm 50 thế kỷ 20 ở một số nước có nền công nghiệp phát triển mạnh trong các năm qua như NhậtBản, Singapore, một số thành phố của Trung Quốc…

Sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ mắc ở các vùng này phần nào được giải thích do liên quan đến sự thay đổi về lối sống, kinh tế, tuổi thọ trung bình tăng, thay đổi về sinh sản, chế độ ăn…

Tất cả sự thay đổi này đều mang các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú như béo phì, hạn chế lao động thể lực, sinh con muộn hoặc không sinh con, ít cho con bú, dùng các thuốc nội tiết thay thế sau mãn kinh…

Ung thư vú không tha nam giới

Ung thư vú nam giới hiếm gặp, chỉ chiếm dưới 1% trong tất cả các ung thư vú và chiếm dưới 0,1% tỷ lệ chết do ung thư gặp ở nam giới.

Ung thư vú nam chiếm dưới 0,1 – 0,38% tất cả các u ác tính ở nam giới với tỷ lệ mắc là 0,58/100.000 dân.

Nam giới bị ung thư vú thường ở lứa tuổi cao hơn nữ giới, các triệu chứng của bệnh ung thư vú ở nam cũng tương tự như ở nữ với các dấu hiệu như nổi u tại vú, tụt núm vú, chảy dịch đầu vú hay biến đổi da trên u hoặc có thể sờ thấy hạch nách di căn.

Nam giới có thể tự phát hiện bệnh của mình bằng cách quan sát, sờ nắn vú hai bên để phát hiện các dấu hiệu trên.

Béo phì tăng khả năng mắc bệnh

Những phụ nữ béo, đặc biệt béo nửa người trên khi đã mãn kinh liên quan với tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Người ta cho rằng estrogen được sinh ra trong mô mỡ đã làm tăng nguy cơ ung thư vú ở những người này.

Đối với phụ nữ sau mãn kinh cân nặng trên 70kg, nguy cơ ung thư vú cao gấp hai lần so với những phụ nữ dưới 60kg.

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên quan giữa tỷ lệ ung thư vú và tỷ lệ tử vong với hàm lượng cholesteron trong máu cao.

Người ta cũng chú trọng đến các thành phần đặc biệt trong chế độ ăn như mỡ và các protein động vật cũng như thịt, cà phê và rượu.

Một số tác giả ở Canada tiến hành điều tra trên 35 quốc gia, kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư vú cao có liên quan tới lượng mỡ động vật hấp thu và không liên quan với lượng chất béo thực vật.

Đan Mạch là một trong những nước tiêu thụ lượng mỡ động vật cao nhất, tỷ lệ tử vong do ung thư vú chiếm khoảng 27/100 000 phụ nữ, còn tại Nhật Bản, Thái Lan tiêu thụ lượng mỡ động vật thấp nhất thì tỷ lệ tử vong do ung thư vú chỉ chiếm khoảng 5/100.000 phụ nữ.

Cảnh giác với son môi

Các chất hóa học trong thuốc lá, thực phẩm, các chất trung gian được sinh ra trong quá trình chế biến thức ăn, các chất thải ra môi trường từ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, khí thải từ các phương tiện giao thông… được chứng minh là các chất có thể gây ra ung thư.

Son môi cũng như các mỹ phẩm khác cũng có thể chứa các chất hóa học có thể gây ra căn bệnh này, đặc biệt với nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường hiện nay, các kết quả nghiên cứu của các tác giả trên thế giới về tác hại của son môi lên bệnh ung thư vú là một thông tin tốt mà chúng ta nên cảnh giác khi sử dụng mỹ phẩm nói chung, son môi hay sơn móng tay nói riêng.

Theo báo cáo của David Derbyshire tháng 12/2007, chất butyl benzyl phthalat hay BBP có trong son môi có thể gây ra ung thư vú.

Chất này thuộc họ phthalat có tác dụng tương tự như hocmon estrogen ở nữ, trước kia đã được chứng minh có thể gây ra dị tật thai nhi, vô sinh, ảnh hưởng đến chức năng thận trên người, và với các nghiên cứu gần đây cho thấy khi lượng chất này tích tụ trong các tế bào mỡ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Các nghiên cứu thực nghiệm về tác hại của nó đang được thực hiện trên chuột và bước đầu người ta đã thấy nó có thể gây biến đổi gen trên các tế bào tuyến vú của chuột cái.

Ốm nghén ít bị ung thư vú

Cho đến nay các nguyên nhân gây ung thư chưa được xác định chắc chắn, tuy nhiên người ta đã biết các yếu tố nguy cơ của từng bệnh ung thư trong đó có ung thư vú.

Khi một phụ nữ mang yếu tố nguy cơ này nghĩa là khả năng mắc bệnh ung thư vú trong suốt quãng đời của họ cao hơn so với những người bình thường và số yếu tố nguy cơ càng nhiều thì khả năng mắc bệnh càng cao.

Với nhiều công trình nghiên cứu quy mô lớn qua nhiều năm qua, các yếu tố nguy cơ trong bệnh ung thư vú đã được khẳng định đó là: yếu tố gia đình (mẹ, chị em gái mắc ung thư vú thì có nguy cơ mắc ung thư vú tăng gấp 2 – 3 lần), mang gen đột biến BRCA1, BRCA2, liên quan đến tiền sử sản khoa như có kinh sớm, mãn kinh muộn, phụ nữ không sinh con hoặc liên quan đến việc sử dụng thuốc nội tiết thay thế sau khi mãn kinh.

Ngoài ra béo phì, chế độ ăn nhiều mỡ, hạn chế tập luyện cũng là các yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú.

Hiện tượng ốm nghén và nôn ói khi mang thai có phải là dấu hiệu dự báo khả năng mắc bệnh ung thư vú giảm đi không?

Theo nghiên cứu của Jo Freudenheim thì vấn đề này cần phải được nghiên cứu thêm với số lượng người được phỏng vấn lớn hơn và nhất là phải được kiểm chứng bằng cơ sở khoa học để khẳng định về mối liên quan giữa hiện tượng này với thay đổi nồng độ hocmon estrogen ở phụ nữ mang thai.

Kinh nguyệt và ung thư vú

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thời gian kinh nguyệt của người phụ nữ có liên quan đến sự phát triển ung thư vú.

Phụ nữ có kinh sớm thường có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ có kinh muộn, cụ thể những người có kinh sớm trước 12 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khoảng 50% so với những người có kinh ở độ tuổi 15 hoặc muộn hơn.

Tuổi mãn kinh cũng liên quan đến nguy cơ ung thư vú. Phụ nữ mãn kinh ở sau tuổi 55 có nguy cơ cao gấp 2 lần so với những phụ nữ mãn kinh trước tuổi 45.

Chiều cao không liên quan đến ung thư vú, tuy nhiên chỉ số cơ thể BMI (body mass index) tỷ lệ nghịch đến chiều cao lại là yếu tố nguy cơ.

Theo kết quả nghiên cứu trên 900.000 người ở Mỹ, Eugenia A. Calle kết luận những người có chỉ số BMI cao > 25 có nguy cơ mắc ung thư vú từ 1.34 đến 2.12 lần so với những người có chỉ số BMI < 25.

Đi bộ chống ung thư vú

Tăng cường hoạt động thể lực giúp phòng được nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, xương khớp, một số bệnh rối loạn chuyển hóa và đặc biệt hoạt động thể lực hợp lý giúp giảm nhẹ được các bệnh này khi đã mắc.

Một số nghiên cứu cho rằng hoạt động thể lực đều đặn sẽ điều hòa tốt quá trình sản xuất các hocmon nội sinh liên quan đến ung thư vú, mặt khác hoạt động thể lực đều đặn sẽ giúp phân bố và tiêu thụ lượng chất béo trong cơ thể một cách hợp lý, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Đi bộ là một hình thức hoạt động thể lực tốt, những người khỏe mạnh nên đi bộ 3 – 4 giờ một tuần với cường độ nhẹ hoặc trung bình có thể làm giảm được nguy cơ mắc ung thư vú từ 30 – 40% và đối với người đã mắc ung thư vú cũng nên duy trì chế độ luyện tập này để giảm nguy cơ mắc ung thư vú đôi bên và giảm nguy cơ mắc các bệnh khác.

Vắc xin ngừa ung thư vú

Hiện nay trên thế giới đã và đang có nhiều nghiên cứu về vắc-xin phòng bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, chúng mới được nghiên cứu trên động vật và một số thử nghiệm lâm sàng nhỏ ban đầu trên các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn.

Với giả thuyết trên bề mặt tế bào ung thư vú có một số kháng nguyên, các vắc-xin khi tiêm vào cơ thể sẽ có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch, cụ thể là các tế bào lymphô T, các tế bào này sẽ nhận biết được các tế bào ung thư qua các kháng nguyên trên bề mặt của nó và từ đó tiêu diệt các tế bào ung thư này.

Với các kết quả nghiên cứu ban đầu, vắc-xin có thể làm thoái lui hoặc làm cho các khối ung thư vú chậm phát triển.

Hy vọng của các nhà nghiên cứu trong tương lai sẽ tìm được vắc-xin phòng ngừa cho những người chưa mắc ung thư vú nhưng có nguy cơ mắc bệnh cao. Hiện nay các vắc-xin này còn đang được tiếp tục nghiên cứu và chưa có sản phẩm bán trên thị trường.

Chẩn đoán ung thư vú bằng tóc

Hiện nay tại các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam, việc chẩn đoán ung thư vú dựa vào ba phương pháp cơ bản; đó là khám lâm sàng tuyến vú được thực hiện bởi thầy thuốc chuyên khoa, chụp X quang tuyến vú và xét nghiệm tế bào học khối u tuyến vú.

Đây là các phương pháp chẩn đoán phổ biến, dễ thực hiện, rẻ tiền và cho kết quả nhanh. Việc chẩn đoán ung thư vú bằng chụp X quang tóc chưa được thực hiện ở Việt Nam.

Một phương pháp mới trước khi được đưa vào áp dụng trong chẩn đoán hoặc điều trị cần được nghiên cứu, thẩm định qua nhiều giai đoạn, đặc biệt là so sánh hiệu quả của nó với phương pháp đang được áp dụng.

Ngoài ra còn có phương pháp phát hiện sớm ung thư vú nhờ thử nghiệm nước bọt qua một số nghiên cứu được công bố thông qua xét nghiệm dấu vết Her/2 neu trên bề mặt của các tế bào được lấy từ nước bọt, tuy nhiên chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định vì thực tế chỉ có khoảng 25 – 30% bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư vú có xét nghiệm dương tính với thụ thể yếu tố phát triển biểu mô Her/2 neu này.

Rượu bia tăng nguy cơ ung thư vú

Từ những năm đầu thập kỷ 80, các nghiên cứu về dịch tễ học có quy mô lớn về mối liên quan giữa rượu và nguy cơ ung thư vú đã được tiến hành.

Với trên 2000 phụ nữ, trong đó 1000 người có uống rượu và 1000 người không uống thì thấy nguy cơ mắc ung thư vú ở nhóm người uống rượu cao gấp 2 – 3 lần so với nhóm đối chứng và nguy cơ tăng rõ rệt ở những đối tượng tiêu thụ rượu với số lượng lớn.

Uống rượu quá nhiều và kéo dài sẽ làm trở ngại việc chuyển hóa estrogen tại gan, làm tăng nồng độ estrogen trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Nghiên cứu của Daniel J.DeNoon công bố tháng 9/2007 cho thấy bất cứ đồ uống nào chứa cồn như bia, rượu khi uống trên ba cốc mỗi ngày thì nguy mắc ung thư vú tăng lên 30%.

Tuổi bắt đầu uống rượu dưới 30 cũng có thể được xem là một yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh nhưng thời gian uống rượu liên quan đến tổng lượng rượu tiêu thụ là yếu tố quyết định nhất.

Việc giảm hoặc từ bỏ rượu ở những người đang nghiện cũng có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh này.

 TS Trần Văn Thuấn
Phó GĐ BV K, Trưởng khoa nội II BV K

 


From the same category