Phòng mạch nhi khoa - Tạp chí Đẹp

Phòng mạch nhi khoa

Sức Khỏe
Mụn thịt quanh mắt
 
Vùng da quanh mắt của tôi có nhiều mụn thịt nổi lên như hạt cơm nhỏ, nhìn rất mất thẩm mỹ. Có cách nào chữa trị không thưa bác sĩ?
(Ngọc Thư, Q.3, Tp.HCM)
 
Triệu chứng ở vùng mắt này được chẩn đoán là bạn đang bị bệnh u tuyến mồ hôi, tiếng Anh gọi là Syringoma, tiếng Pháp gọi là Hidradenome. Đây là bệnh lành tính do sự giãn nở của ống bài tiết mồ hôi. Triệu chứng của bệnh là có nhiều sẩn màu vàng của da kích thước từ 1-3 mm, bệnh thường gặp tập trung ở vùng dưới mí mắt, ít hơn ở vùng trên mí mắt, ở má, trán hoặc vùng khác. Bệnh không gây triệu chứng gì khó chịu. Đa số gặp ở phái nữ, người châu Á và Châu Phi.
 
Tiến triển của bệnh này là kéo dài, ngày càng xuất hiện thêm ít nhiều chứ không có giảm nếu không điều trị.
 
Bệnh này cần phân biệt với bệnh khác có triệu chứng gần tương tự, đó là:
 
Mụn cóc phẳng: Triệu chứng là những sần nhỏ, kích thước khoảng 0,1 mm màu vàng hoặc nâu, bề mặt láng, số lượng thường nhiều, có thể gặp ở gần mí mắt, mắt, cổ, ngực. Đây là bệnh gây ra do virus. Càng ngày càng có khuynh hướng lây lan ra nhiều, có khi lan ra ở vùng mặt ngoài cẳng tay, bàn tay, không có cảm giác ngứa ngáy gì.
 
U vàng (xanthelasma) ở vùng da quanh mắt: Triệu chứng là có ít sần hoặc mảng to hơn, màu vàng gần như nghệ. Vị trí thường gặp ở vùng trong 2 mí mắt. Bệnh ít khi lan rộng hơn và không có triệu chứng gì khó chịu. Đây là bệnh do ứ đọng chất cholesterol.
Phòng ngừa: Cần sinh hoạt trong môi trường thoáng mát, ít ra mồ hôi. Không đi ra nắng nhiều, rửa mặt nhiều lần với nước thường, sau khi rửa xong cần lau khô.
Điều trị: Đốt điện hoặc đốt bằng laser CO2 đốt mỗi lần hoặc nhiều lần. Đốt xong, thường để lại vết sẹo thâm hoặc trắng kéo dài. Sau khi đốt xong một thời gian u tuyến mồ hôi thường trở lại với nhiều mức độ khác nhau, do đó cần phải đốt đi đốt lại nhiều lần.
 
Đối với bệnh mụn cóc phẳng thì phải đốt càng sớm càng tốt để tránh lây lan rộng thêm.
Đối với bệnh u nang ở vùng da quanh mắt, sau khi đốt thường để lại sẹo mờ khá lâu.
                       
Dày sừng nang lông
 
Trên vùng da phía sau bắp tay, sau vai, bắp chân của tôi có nhiều những mụn li ti, lấy tay cậy ra thì thấy nhân trắng, hoặc một sợi lông tơ cuốn ở trong đó, nhất là về mùa đông. Thưa bác sĩ đây là bệnh gì và làm thế nào để không bị mọc những mụn li ti đó nữa?
(Kim Anh, Trần Phú, Đà Nẵng)
 
Trường hợp này được chẩn đoán là bệnh dày sừng nang lông (Keratose pilaris). Dày sừng nang lông là do sự tích tụ chất keratin nhiều ở lỗ chân lông, keratin là loại protein tự nhiên của da, bình thường nó được tạo ra một cách tự nhiên, khi tắm và kỳ cọ mạnh thì chất này sẽ bị bong tróc ra. Trong bệnh dày sừng nang lông thì chất keratin được tạo ra nhiều hơn một cách bất thường làm bít lỗ chân lông làm cho sợi lông không mọc ra ngoài được. Đây là bệnh có thể có liên quan đến yếu tố di truyền.
 
Bệnh thường gặp ở người trẻ, phái nữ bị nhiều hơn phái nam, mức độ nặng nhẹ khác nhau, có nhiều người bị bệnh nhẹ nhưng không biết.
 
Triệu chứng là có những sần nhỏ kích thước khoảng 1-2 mm, màu hơi trắng hoặc xám. Vị trí thường gặp nhất là ở mặt ngoài 2 cánh tay, phần bên ngoài 2 đùi, ít hơn ở mông, cẳng tay, đôi khi có thể gặp ở vùng mặt làm dễ lầm với mụn. Đôi khi vùng bị bệnh viêm đỏ ngứa. Bệnh không gây tác hại gì, chỉ ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ. Khi chất sừng được cào cho tróc ra thì có thể thấy bệnh, dưới có một sợi lông nằm cong bên dưới, dùng tay khều thì sơi sông sẽ mọc lên được.
 
Bệnh không xảy ra ở vùng không có nang lông như lòng bàn tay, lòng bàn chân. Có một số người có tình trạng da khô vảy cá đi kèm.
 
Bệnh dày sừng nang lông kéo dài quanh năm, mùa đông phát triển nhiều hơn mùa hè.
Bệnh thường kéo dài nhiều năm, đến tuổi trung niên bệnh giảm hoặc tự mất hết.
 
Điều trị: Bôi kem làm ẩm và mềm da như kem có chứa chất Urea
– Bôi kem có chất acid salicylic, acid lactic hoặc có chất retinoin. 
– Uống vitamin A liều cao dưới sư theo dõi của bác sĩ da liễu
– Tránh đốt hoặc phá bằng hóa chất để tránh sẹo
 
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng
Chuyên khoa da liễu TP.HCM
 
Viêm âm đạo khi mang thai
 
Thưa bác sĩ, còn 10 ngày nữa là tôi sinh, nhưng khi làm kết quả xét nghiệm, tôi bị viêm âm đạo. Tôi không cảm thấy ngứa, hay khó chịu gì, như vậy tôi có phải dùng thuốc chữa luôn không? Hay đợi khi sinh con xong tôi mới nên dùng thuốc? Cảm ơn bác sĩ.
(Thu Trang, Đội Cấn, Ba Đình, HN)
 
Viêm âm đạo không những gây khó chịu cho chính bản thân người mẹ mà khi sinh đứa trẻ đi qua ống âm đạo bị viêm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đứa trẻ. Vì vậy người phụ nữ mang thai mà bị viêm âm đạo lúc nào thì phải chữa lúc ấy, không chờ đến khi sinh xong mới điều trị. Tuy nhiên, viêm âm đạo có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Có trường hợp phải dùng thuốc đặt, có trường hợp chỉ cần dùng thuốc vệ sinh phụ nữ rửa ngoài là khỏi. Vì vậy bạn cần phải đi khám ngay để được điều trị đúng và kịp thời.
 
Thuốc giảm đau
 
Tôi vừa sinh con, bị rạch nhiều. Tôi được bác sĩ cho đặt một viên giảm đau ở hậu môn, nhưng hết thuốc vẫn thấy rất đau, tôi muốn đặt thêm nhưng bác sĩ khuyên không nên lạm dụng thuốc này. Bác sĩ tư vấn giúp tôi thuốc giảm đau có hại không?
(tuyet_td_2008@yahoo.com.vn)
 
Vết khâu tầng sinh môn (vết rạch) sau khi sinh mà bị đau thì có rất nhiều nguyên nhân. Thuốc giảm đau chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng; khi hết tác dụng giảm đau của thuốc thì bạn sẽ bị đau lại. Muốn khỏi đau hoàn toàn phải tìm được đúng nguyên nhân. Vì vậy bạn phải đi khám chuyên khoa phụ sản để xác định và giải quyết nguyên nhân đó thì mới có thể chữa khỏi được.
 
BS Lương Thị Thanh Bình

Trưởng Khoa Khám bệnh – BV Phụ Sản HN

Thực hiện: depweb

23/06/2008, 09:46