Ăn sáng đủ dinh dưỡng
Ăn sáng thế nào vừa nhanh lại vừa đủ dinh dưỡng?
(Nguyễn Minh Thùy, Q.3, Tp.HCM)
Ăn sáng thực tế ít khi được chú trọng ở nước ta trong khi đó lại là một bữa ăn nhiều năng lượng ở các nước phát triển.
Theo dinh dưỡng học thì sau một đêm dài xấp xỉ 10 tiếng đồng hồ cơ thể không được cung cấp thức ăn gì mà bữa ăn sáng lại sơ sài thì cơ thể sẽ không có đủ năng lượng làm việc hết buổi sáng nhất là khi phải làm việc căng thẳng về thể chất và tinh thần.
Hậu quả là khi gần đến trưa, cơ thể uể oải, buồn ngủ, độ tập trung kém và năng suất lao động giảm, thậm chí còn có thể dẫn đến những tai nạn lao động. Vì thế, cần tổ chức bữa ăn sáng cung cấp đủ năng lượng.
Do đặc điểm của bữa sáng là ít thời gian chế biến nên bạn có thể chọn cách ăn sáng ở bên ngoài như ăn một bát phở, hủ tiếu to vừa (có thể cung cấp từ 400-500 kcal bằng 1/4 nhu cầu năng lượng hằng ngày) hoặc mua các loại thức ăn nhanh (một ổ bánh mì thịt to vừa, một hộp xôi ngọt hoặc mặn to vừa cũng cung cấp khoảng năng lượng như trên).
Nếu ăn sáng ở nhà thì bạn nên chuẩn bị từ tối hôm trước để sáng ra chỉ cần đun lại hoặc chọn làm món chỉ cần thời gian ngắn để chuẩn bị như bánh mì ốp la, cá hộp, pa tê, xúc xích v.v…
Ngoài các thức ăn trên thì việc bổ sung thêm thức uống như một ly sữa, cà phê sữa hoặc nước trái cây có đường… cũng mang lại cho bạn thêm năng lượng cho buổi sáng làm việc.
Đo mắt cận
Xin hỏi bác sĩ về sự chính xác khi đo độ cận? Vì sao có bác sĩ khuyên nên đeo kính, lại có bác sĩ khuyên không nên đeo kính vì sẽ tăng số?
(Nguyễn Thị Hương, Khu đô thị mới Định Công, HN)
Hiện tại có nhiều phương pháp đo độ cận. Phương pháp kinh điển là thử bằng các kính từ độ nhỏ đến lớn để xem với kính nào thì nhìn rõ bảng chữ nhất. Phương pháp thứ hai là đo bằng máy, cách này cho ra những kết quả cả độ cận, viễn, loạn, tuy nhiên vẫn không phải là hoàn toàn chính xác vì thực tế mắt có khả năng điều tiết tức khả năng thay đổi độ hội tụ của mắt.
Cách đo bằng thử kính khá đơn giản nhưng rất quan trọng và vẫn được dùng để kiểm tra lại sau khi đo bằng máy, trong đó không phải chỉ nhìn bảng chữ mà còn thử mang kính đi lại, nhìn gần, nhìn xa nhất là khi hai mắt có độ kính dùng chênh lệch nhau để xem có bị khó chịu gì khi nhìn không.
Việc đeo kính không làm tăng độ nên một khi đã có kính phù hợp thì nên đeo khi phải nhìn xa (đối với mắt cận thị) hoặc nhìn gần (đối với mắt viễn thị).
Tốt nhất nên đo mắt ở những nơi tin cậy vì thực tế mắt nhìn mờ có khi không phải chỉ do tật khúc xạ mà còn do một bệnh khác nữa về mắt mà điều này chỉ có phòng khám chuyên khoa mới xác định được.
Không nên khám ở những tiệm kính nhỏ dù là thấy có trang bị máy đo mắt được quảng cáo là rất hiện đại. Thực tế máy đo mắt chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ và hoàn toàn không đủ để quyết định chọn kính nào là phù hợp.
Bác sĩ gia đình
Theo bác sĩ, có nên thuê bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe cho cả gia đình hay không?
(Nguyễn Trần Hoàng My, Hoàng Cầu, HN; Trương Hoàng Bửu, Q.1, Tp.HCM)
Trong khoảng vài năm trở lại đây từ “bác sĩ gia đình” (BSGĐ) bắt đầu xuất hiện tuy nhiên lại có nhiều cách hiểu khác nhau. Có khi nó được dùng để chỉ những bác sĩ đến khám tại nhà theo yêu cầu và dịch vụ cung ứng được gọi là dịch vụ bác sĩ gia đình.
Thế nhưng trong những trường hợp này bác sĩ thực tế chỉ đến khám bệnh theo từng vụ việc và không có trách nhiệm theo dõi lâu dài sức khỏe của khách hàng.
Một khái niệm khác có khi cũng được gọi tên là BSGĐ hoặc gọi rõ là bác sĩ riêng mang ý nghĩa một bác sĩ không chỉ đến khám tại nhà mà còn có trách nhiệm theo dõi sức khỏe và tư vấn khi khách hàng có nhu cầu.
Tuy nhiên, đâu là khái niệm BSGĐ chính thống trong khi hiện nay có nhiều trường đại học y dược trên cả nước đã đào tạo và thậm chí đã có Hội Bác sĩ gia đình Việt Nam?
Theo tự điển American Heritage thì BSGĐ là một bác sĩ thực hành chuyên ngành “Y học gia đình” (a physician who practices the specialty of family medicine). Còn Y học gia đình là “một ngành của y khoa chuyên về khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện bất kể tuổi hoặc giới và đặt nền tảng quan trọng trên đơn vị là một gia đình”.
Theo đó thì người bác sĩ thực hiện nhiều chức năng bao gồm cả điều trị bệnh thông thường, sơ cấp cứu, chuyển tuyến khi cần thiết, tư vấn, giáo dục sức khỏe, phòng bệnh cho tất cả các thành viên của gia đình.
Tuy gọi là BSGĐ nhưng những người này không nhất thiết phải đến khám tại nhà bệnh nhân trừ trường hợp những người già, khuyết tật, bệnh nhân yếu mệt… không thể đến được phòng khám bác sĩ gia đình.
Một ưu điểm rất lớn của hệ thống những BSGĐ chuyên nghiệp này đó là họ không chỉ khám bệnh theo vụ việc mà thực tế còn lưu giữ hồ sơ về tình hình sức khỏe, bệnh tật của các thành viên trong gia đình.
Điều này rất hữu ích vì họ có thể biết những tình trạng bệnh lý mạn tính hoặc cơ địa tiềm ẩn của từng người, có thể mang yếu tố gia đình, trong đó có tình trạng dị ứng, một số bệnh liên quan đến di truyền…
Và đặc biệt người BSGĐ không chỉ làm công tác điều trị mà còn làm công tác dự phòng trong đó có thể tư vấn những điều gia đình cần làm hoặc cần tránh để bảo vệ sức khỏe.
Nói một cách khác người BSGĐ không chỉ đơn giản là bất kỳ người bác sĩ nào đến khám bệnh tại gia đình mà là một người được đào tạo chuyên khoa hẳn hoi về Y học gia đình.
Nếu như trước đây ở các nước, một người bác sĩ đa khoa (general practitioner) cũng xem như là một BSGĐ thì nay họ phải học thêm chuyên khoa “Y học gia đình” mới được xem là một BSGĐ. Ở Việt Nam, chuyên khoa này đã được đào tạo tại nhiều trường đại học và sắp tới tại Tp.HCM sẽ triển khai một dự án thí điểm về mạng lưới BSGĐ tại một số phường nội thành và một số xã ngoại thành với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn kỹ thuật của đại học Liège, Bỉ.
Nên hay không nên thuê bác sĩ riêng cho gia đình? Nếu đơn giản bạn chỉ muốn có người bác sĩ riêng theo dõi bệnh sát sao cho gia đình và bạn có khả năng thì điều đó hiển nhiên là nên. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nữa nếu bác sĩ đó được đào tạo về chuyên khoa “Y học gia đình” và thật sự là một người BSGĐ với đầy đủ ý nghĩa của từ này.
Tham khảo địa chỉ có dịch vụ BSGĐ:
HN: Trung tâm Y tế Bác sĩ Gia đình: 50C Hàng Bài, HN. Tel: 9 430 945; 0913 326 232 – Phòng khám Đa khoa Đức Minh: 32 Phùng Hưng, HN. Tel: 9 289 836 – Phòng khám Đa khoa – Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Công Dương: 247 Giáp Bát, HN. Tel: 6 641 849; 0903 267 009 – Phòng khám Đa khoa Hoàng Anh: 9X20 TT Cục Quân trang, Xuân Đỉnh, HN. Tel: 7 574 969.
Tp. HCM: VietCare, 486 Hậu Giang, F12, Q6, Tp.HCM. Tel: 7 515 003; 6 670 755. www.vietcare.com.vn
Chi phí:
Mức phí tùy thuộc vào độ tuổi và số người trong gia đình.
Với các Phòng khám Bác sĩ Gia đình tại Hà Nội, các gia đình có thể trả phí theo từng lần khám, hoặc có thể yêu cầu làm hợp đồng theo dõi sức khỏe cả năm.
ThS. BS Trương Trọng Hoàng |