Ngày nay, phòng của trẻ được thiết kế tiện dụng hơn, nhiều nhà có hẳn phòng riêng cho trẻ. Song, tiện nghi cao không có nghĩa là bỏ qua các nguyên tắc cơ bản, đồng thời tuân theo quy luật tâm sinh lý của trẻ và đáp ứng tốt các nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình, và quy luật “cứng và mềm” là điều cần lưu tâm.
Vị trí cứng, bố trí mềm
– Phòng trẻ tránh nằm bên trên, nằm trước hoặc ngay bên cạnh không gian phòng thờ, bàn thờ, để tránh việc chạy nhảy nô đùa của trẻ ảnh hưởng đến tính trang nghiêm. Nếu hiện trạng đã cố định không thể xoay sở được, thì phải thiết kế khu vực bàn thờ tách biệt chỗ trẻ hay sinh hoạt bằng tủ kệ, hoặc là dạng bàn thờ gắn trên cao, ngoài tầm với của trẻ.
– Phòng trẻ không nên sát bên bếp, hoặc khi trẻ đi vào phòng phải băng qua bếp. Trường hợp căn hộ có diện tích nhỏ không thể né được thì chỗ bếp nấu cần có tủ ngăn (dạng quầy bar) để giữ an toàn hơn cho trẻ.
– Phòng trẻ tránh mở cửa sổ xuống khoảng thông tầng, giếng trời để phòng trẻ nghịch ngợm, làm rớt đồ. Tốt hơn là làm hệ khung bảo vệ, hoặc cửa lưới cho các vị trí mở cửa sổ của phòng trẻ thông ra bên ngoài.
– Trường hợp nhà chỉ có một phòng sinh hoạt chung cho cả người lớn lẫn trẻ em thì xem xét sử dụng đồ đạc kiểu đa năng, khi cần xếp gọn lại để có chỗ cho trẻ “vẫy vùng”.
Tiện nghi cứng, vật dụng mềm
Cần hiểu quan niệm tiện nghi “cứng” là cần tính toán chỉn chu hệ thống kỹ thuật cho không gian phòng trẻ thật thông suốt, dễ xử lý, tiện dụng, tránh ngóc ngách phức tạp hoặc phô bày ý tưởng không cần thiết. Ví dụ, phòng vệ sinh cho người lớn có thể dùng vách kính trong suốt, gắn gương mảnh lớn, nhưng phòng vệ sinh cho trẻ em thì tránh dùng gương hay kính nhiều dễ gây ảo giác, không an toàn đối với trẻ. Hệ thống đèn chiếu sáng cũng cần tránh phức tạp rối mắt, không pha trộn quá nhiều kiểu đèn. Các loại đèn chùm, đèn rọi ánh sáng gắt, đèn hắt nhiều tầng nấc… nếu muốn dùng thì nên cân nhắc kỹ vì có thể không phù hợp với tâm sinh lý và thị giác của trẻ, gây phức tạp cho quá tình sử dụng, bảo trì, hoặc khiến trẻ bật tắt nhiều dễ gây hư hỏng, lãng phí.
Đồ đạc phòng trẻ cần có kết cấu khung xương cứng chắc để tránh nguy hiểm, nhưng lại phải có khả năng cơ động để khi cần thì có thể mở rộng, thay đổi kích cỡ theo phát triển của trẻ (ví dụ các loại bàn học, tủ sách… có thể tăng giảm độ cao, ráp thêm khối mới vào). Chất liệu chính của vật dụng nên là gỗ, thuộc Mộc, liên quan đến tính chất chăm bón, che chở, êm ái. Ngoài ra, các bề mặt bọc vải, đồ nhựa, mây… cũng khá phù hợp với tính chất Mộc của không gian trẻ thơ. Ngược lại, nên hạn chế dùng hành Kim và đồ đạc thiết bị có nhiều từ tính (Kim khắc Mộc) hoặc phải dùng nhựa, vải bọc phần khung kim loại để tránh gây va chạm cho trẻ.
Từ tính chất ngũ hành phòng trẻ em liên quan đến Thủy, Mộc và Hỏa, nên chọn tranh ảnh, màu sắc theo quan hệ tương sinh kể trên, còn các hành Thổ và Kim dùng mang tính nhấn nhá và điểm xuyết. Cụ thể, phòng các bé trai nghiêng về gam màu xanh biển, xanh lá cây, hay đỏ và cam. Trong khi phòng các bé gái thì theo nhóm màu hồng, tím, vàng chanh, xanh lá mạ hoặc xanh ngọc là phù hợp. Từ gam màu được chọn sẽ suy ra các loại thảm, phụ kiện, vật trang trí bằng vải hoặc gỗ… cần có sự đồng bộ về gam màu và tránh tình trạng dùng màu “xanh xanh đỏ đỏ” quá nhiều trong phòng trẻ. Việc cha mẹ chọn lựa màu sắc, vật dụng hài hòa cũng là cách giáo dục óc sáng tạo, khiếu thẩm mỹ cho trẻ từ khi còn bé.
Theo Kiến trúc nhà đẹp