Dù vấp phải nhiều phản ứng trái chiều nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng “Emily in Paris” là một trong những bộ phim được yêu thích nhất năm 2020. Trong lần trở lại màn ảnh này, bên cạnh những mẩu chuyện ly kỳ về cuộc sống, công việc và tình cảm của Emily, khán giả còn được dịp chiêm ngưỡng cá tính thời trang độc đáo của quý cô đến từ nước Mỹ tại thủ đô ánh sáng.
Ngay từ thời điểm công chiếu, “Emily in Paris” đã thành công trong việc tạo nên hiệu ứng thu hút đông đảo người xem toàn cầu với dàn diễn viên thực lực cùng nội dung phim thú vị. Bên cạnh đó, yếu tố thẩm mỹ thời trang được khéo léo cài cắm vào trong phim không chỉ toát lên cá tính của nhân vật, mà còn thể hiện được dụng ý của các NTK phục trang trong việc dùng thời trang để làm đề tài bàn tán trong cộng đồng người hâm mộ. Thực vậy, đối với các tín đồ của thời trang Pháp ắt hẳn không còn xa lạ với khái niệm “tối giản” trong phong cách ăn mặc. Bởi tinh thần tối giản từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của những quý cô nước Pháp. Hay có thể nói một cách đơn giản là bất kỳ bộ trang phục nào mang màu sắc quá sặc sỡ và nhiều họa tiết rườm rà đều trở nên “quê mùa” trong mắt người Pháp.
Xuyên suốt các tập phim từ mùa đầu tiên cho đến mùa thứ 2 này, Emily Cooper (Lily Collins) vẫn trung thành với các phối màu color block bắt mắt và họa tiết nổi bật trong các bản phối trang phục. Việc lựa chọn phong cách thời trang đi ngược lại với thẩm mỹ của người Pháp cho nhân vật chính của bộ đôi NTK phục trang Marylin Fitoussi và tư vấn thiết kế Patricia Field tựu chung hướng đến hai mục đích chính.
Thứ nhất, trang phục nhiều màu sắc và họa tiết được phối một cách chỉn chu của Emily thể hiện tinh thần phóng khoáng, đầy hoài bão của một quý cô nước Mỹ. Dù cho bối cảnh đặt tại thủ đô ánh sáng Paris tráng lệ nhưng không có nghĩa nhân vật chính cũng phải “nhập gia tùy tục”, gác lại sở thích cá nhân để chưng diện vẻ ngoài chẳng nói lên điều gì về tính cách của mình. Do đó, bộ đôi NTK khuyến khích Lily Collins lựa chọn các set đồ (trong catalog được chuẩn bị sẵn trong phim) càng “màu mè” càng tốt. “Đúng là có những bộ trang phục khiến cô ấy sững sờ. Khi thấy một số cách phối đồ, cô ấy liền nói: ‘Thật luôn?’ nhưng vẫn mỉm cười. Nếu cô ấy hơi cảm thấy lo lắng một xíu, tôi biết rằng bộ đó ổn. Nếu cô ấy không thấy choáng thì chắc bộ đó còn đơn giản quá“, NTK Fitoussi cho hay.
Thứ hai, trước nhiều ý kiến cho rằng phong cách của Emily quá đỗi “quê mùa” khi đặt tại bối cảnh kinh đô thời trang lớn nhất thế giới Paris thì bộ đôi NTK Marylin Fitoussi và Patricia Field lại cho rằng phong cách của cô nàng lại rất đặc biệt. Như đã đề cập trước đó, các quý cô nước Pháp định nghĩa sự sang trọng qua lối ăn mặc tối giản, tinh tế. Nhưng sẽ như thế nào nếu một cô nàng yêu kiều, thước tha trong những món đồ sặc sỡ? Đúng vậy, không hấp dẫn nhưng đủ khiến người khác phải ngoái nhìn. Tất nhiên, bất kỳ điều gì được đem ra bàn tán xôn xao cũng tạo nên hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ. Nhờ đó, Emily nói riêng và dự án “Emily in Paris” nói chung trở tài đề tài nóng hổi của khán giả toàn cầu. Và đó cũng là dụng ý của các NTK trong việc xây dựng hình ảnh phá cách của nhân vật Emily trong phim.
Nhìn chung, trong mùa thứ 2 này, bộ đôi NTK phục trang vẫn không tiết chế các phối màu cũng như họa tiết sặc sỡ trong phong cách của Emily. Thay vào đó, họ sẽ nâng cấp tủ đồ cho cô nàng bằng việc thử thách mix-&-match trang phục thời trang xa xỉ với các món đồ vintage. Theo đó, set đồ của Emily sẽ ít phối lớp (layer) hơn và điểm xuyết cho vẻ ngoài thêm phần sang trọng bằng các kiểu găng tay, mũ và các thiết kế túi xách hàng hiệu. Xét cho cùng thì công thức chung để tạo nên phong cách thời trang của Emily trong “Emily in Paris 2” là sự cơ bản, điểm nhấn thời trang Trung Đông, Paris và tinh thần lạc quan vốn có của nhân vật chính.