Phong cách (làm nên) ca sĩ - Tạp chí Đẹp

Phong cách (làm nên) ca sĩ

MIX & MATCH

Ở người bình thường, phong cách là biểu thái tổng hợp của ngoại hình, “gu” ăn mặc, tính cách, thái độ cư xử v.v… Đối với ca sĩ, ngoài những điều cơ bản trên, điểm quan trọng tạo nên phong cách chính là nét riêng của giọng hát và cách xử lý ca khúc cộng với yếu tố trình diễn trên sân khấu.

Ca sĩ muốn nổi tiếng nhất thiết phải có phong cách riêng không lẫn với ai khác, nhưng riêng mà bình thường quá thì cũng chẳng được ai chú ý. Vậy nên, cần thêm một yếu tố nữa, phong cách ấy phải nổi bật, phải gây ấn tượng, tạo cảm xúc mạnh mẽ đến công chúng.

Duy nhất và nổi bật

Không phải vô cớ mà Thanh Lam được cho là bốc lửa, kịch tính, Hồng Nhung thì đằm thắm, Hà Trần đa dạng … “Danh ca” (cũng như các dạng nghệ sĩ khác) là những người biết cách biến tên tuổi mình thành một tính từ mà hễ nhắc tới tên họ, người ta liên tưởng ngay đến thuộc tính ấy. Điều bắt buộc, thuộc tính của họ phải là duy nhất, không “đụng hàng”, hoặc nếu có lỡ giống ai thì phải “mạnh” hơn, vượt trội hơn.

Biết bao ca sĩ có chất giọng đẹp không thua kém Mỹ Linh, nhưng chỉ mỗi mình Mỹ Linh thành công chính vì vẻ mê đắm, sự xuất thần khi hát và chất “đàn bà” toát ra từ giọng hát cũng như dáng vẻ của Mỹ Linh. Sau này, cách phát âm nhả chữ tròn trịa của Mỹ Linh ảnh hưởng đến nhiều ca sĩ nữ thế hệ đàn em (và cả nam như Minh Quân chẳng hạn), nhưng không ai đủ khả năng để vươn lên sánh vai cùng đàn chị.

Hoặc như Phương Thanh. Có lẽ lý do đầu tiên trong sự thành công của Phương Thanh là cô xuất hiện đúng thời điểm và tạo dựng được một phong cách bình dân hợp thời, khi mà khán giả đã chán chê với những hình mẫu ca sĩ sang trọng thướt tha xa vời, giọng hát thì luôn ngọt ngào mượt mà. Sự xuất hiện của Phương Thanh lúc bấy giờ với vẻ ngoài bụi bụi và chất giọng khàn cùng cách thể hiện rock và… sướt mướt (!) qua ca khúc “Xa rồi mùa đông” (Nguyễn Nam) được xem là cú sốc thú vị, một phát hiện mới của làng nhạc nhẹ Sài Gòn.

Vẻ giản dị bình dân của một một ca sĩ như cô tưởng trái khoáy, hóa ra lại hợp với ý thích của số đông khán giả miền Nam muốn có một thần tượng gần gũi. Đến khi ca khúc “Giã từ dĩ vãng” (Nguyễn Đức Trung) do Phương Thanh thể hiện gây nên làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt, cô chính thức trở thành ngôi sao, một ngôi sao bình dân. Cách hát hết mình đầy “máu lửa” của Phương Thanh cũng khiến cô “ăn điểm” trong lòng công chúng. Cô hát mà không hề quan tâm đến kỹ thuật, tảng lờ những lý thuyết thanh nhạc cơ bản, đến mức có người gọi đó là lối hát phá giọng. Không hẳn là phá cách, sự phá phách thì đúng hơn – của cô trong âm nhạc, trong lối trình diễn không giống ai đem lại sự hưng phấn cho khán giả. Âm nhạc của Phương Thanh không còn là nghệ thuật để thưởng thức, chiêm ngưỡng một cách “kính nhi viễn chi” mà trở thành loại hình nghệ thuật để công chúng có thể “chơi” theo.

Mười mấy năm đi hát, “hiện tượng Phương Thanh” lúc đầu nhiều người dự đoán chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn đã bền bỉ đến tận bây giờ. Không những thế, cô còn đoạt rất nhiều giải thưởng do khán giả bình chọn, đều đặn có mặt trong top ca sĩ được yêu thích nhất hàng năm. Quan trọng hơn, hình tượng Phương Thanh đã tạo một ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài đến các ca sĩ đàn em và đời sống nhạc trẻ nói chung. Đã có nhiều phiên bản Phương Thanh, lối hát hết hơi kiểu Phương Thanh trên khắp các sân khấu từ Bắc chí Nam. Dù không được đề cao đến mức diva nhạc Việt, cô cũng được xem là một ca sĩ đàn chị đáng nể về sự nghiệp và đáng trọng về tư cách. 
 
Ảnh hưởng và vượt qua

Bị ảnh hưởng phong cách từ thế hệ đàn anh đàn chị là điều không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là có trưởng thành, thoát ra khỏi tấm áo choàng của “thần tượng” mà mình mến mộ hay không. Hồng Nhung ngày xưa ảnh hưởng nhiều từ ca sĩ Lệ Quyên và giọng ca ấn tượng Sinéad O’Connor (Ireland), nhưng may mắn là cô đã biết cách thoát ra khỏi cái bóng Lệ Quyên, thậm chí còn có phần “chín” hơn cả đàn chị. Bây giờ, khi hai người biểu diễn chung một sân khấu, thấy rõ sự chênh lệch về đẳng cấp cũng như sự khác biệt về phong cách của hai thời đại. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ cần có một cá tính mạnh để vượt lên, cũng như cần một cái đầu khôn ngoan để chọn hướng đi, chọn lối hát.

Hay như Mỹ Tâm và Hiền Thục, khi mới đi hát cùng chịu ảnh hưởng Hồng Nhung, có điều Mỹ Tâm học tập Hồng Nhung ở lối hát tự sự, còn Hiền Thục lại hao hao cô Bống ở nét nũng nịu nhí nhảnh kiểu người đàn bà trẻ con. Bây giờ, Mỹ Tâm đang trên đà trưởng thành, dù không hẳn đã tạo được phong cách riêng nhưng đã không còn bị ảnh hưởng từ đàn chị, trong khi Hiền Thục vẫn loay hoay thử nghiệm với những lối đi, những phong cách chưa hẳn đã thực sự phù hợp. Trong dáng vẻ cũng như cách hát của cô vẫn thấp thoáng hình bóng đàn chị Hồng Nhung.

Nhiều ca sĩ, đối với trong nước thì rất độc đáo khác biệt, phải nhìn ra thế giới mới biết, vẫn còn chịu ảnh hưởng của “thần tượng” quốc tế lắm lắm. Như Trần Thu Hà khi mới vào nghề, trong cách hát thấy rõ bóng dáng cả ba đàn chị Lam, Nhung, Linh. Sau này, cô đã định hình một cá tính “alternative” tạm gọi là biến ảo linh hoạt, nhưng trông lại giống “con thiên nga” Bjork của xứ sở Băng Đảo – Iceland. Cũng kiểu trang phục quái quái, lối hát cố ý ngây ngô dại khờ, cách trình diễn hờ hững tự do. Điều may mắn là ngoài Bjork, Hà học tập rất nhiều người nên phong cách của cô khá đa dạng và ngày một đổi mới, đậm đà hơn. Trần Thu Hà là dạng ca sĩ có sức lan tỏa đối với thế hệ đàn em khá mạnh. Một số ca sỹ triển vọng như Hồ Quỳnh Hương, Tùng Dương, Khánh Linh… đều chịu ảnh hưởng không ít thì nhiều từ Hà, tuy nhiên, họ bước đầu đã tạo dựng được một phong cách riêng về cơ bản từ ngoại hình đến dòng nhạc, cách hát làm nền tảng để phát triển dần dần.

Bàn qua một chút về các ngôi sao triển vọng của Sao Mai Điểm Hẹn – chương trình tạo tiếng vang lớn năm ngoái, trong số những gương mặt trẻ, ngoài Kasim và Ngọc Khuê đã khá dày dạn kinh nghiệm, nổi bật lên hai giọng hát Tùng Dương và Thùy Linh. Chưa hẳn do họ hát hay hơn người khác mà bởi họ không giống ai, họ chính là họ, có bản lĩnh tạo dựng cho mình một phong cách riêng, dám hát những bài riêng. Trong khi Nguyễn Hồng Nhung “lang thang” cóp nhặt từ Mỹ Lệ qua Thu Minh, Phương Anh khai thác lại ca khúc của “thần tượng” Thanh Lam, Mỹ Dung “trung thành” với các hit của Phương Thanh. Hay thì vẫn hay, thậm chí có trường hợp hát tốt hơn cả bản gốc, nhưng không thể tránh khỏi sự so sánh, liên tưởng khi bản lĩnh của người hát lại chưa đủ để xóa đi dấu ấn đậm nét của người đi trước trong ca khúc.

Sau này, Tùng Dương trải qua âm nhạc Lê Minh Sơn, Ngọc Đại, Phú Quang, Dương Thụ hay Trần Tiến vẫn rành rành một tính cách Tùng Dương có phần ma mị liêu trai, bí ẩn cùng những luyến láy đậm chất jazzy trên chất giọng trời cho mạnh và đẹp dù vẫn còn chịu ảnh hưởng từ những phong cách âm nhạc thế giới đâu đó. Ngọc Khuê giọng không lạ, trình diễn càng bình thường, nhưng điểm mạnh của cô là biết cách đưa cá tính “Thị Màu” của mình vào âm nhạc. Cùng âm nhạc Lê Minh Sơn quá hợp giơ, cách lấy hơi nhả chữ và lối hát giả thanh chanh chua nức nở, Ngọc Khuê trở nên một gương mặt không thể trộn lẫn, dù nét “quái” của cô chưa hẳn gây ấn tượng ngay từ phút đầu mà phải nghe nhiều mới thấm. Chính phong cách không giống ai đã đưa họ trở thành những cái tên có vị trí riêng trên sân khấu nhạc nhẹ Việt.

Ngoài tài năng, một cá tính đặc trưng là điều kiện “đủ” để ca sỹ xây dựng phong cách riêng. Điều đó không phải ai cũng tự nhiên có được mà lắm khi phải “làm màu”, cố tạo cho mình một vẻ khác biệt. Hằng năm, sinh viên thanh nhạc tốt nghiệp mấy trăm người, liệu có mấy người vượt được ra khỏi kiểu giọng Nhạc viện “trung tính hóa” để khẳng định tên tuổi?! Những Mariah Carey, Madonna “phẩy”, Thanh Lam, Hồng Nhung “phẩy”, và hiện tại là Mỹ Tâm, Mỹ Lệ “phẩy” vẫn đầy ra. Hiếm hoi phát hiện được một giọng ca mới lạ có tố chất riêng cũng khó như đãi cát tìm vàng. Cái tính chất “độc nhất”, duy nhất ấy quả thật vô giá. Để đạt được nó, có lẽ nên bắt đầu từ niềm tin vào bản thân đủ để không ảnh hưởng, không bắt chước ai cả. Phải, một niềm tin, và một tình yêu âm nhạc…/.

Thực hiện: depweb

04/01/2006, 15:40