Phòng ăn trong nhà kính

Ở nước ta, do điều kiện khí hậu, văn hóa khác biệt, nhà kính thường được dùng để nới rộng không gian và hòa làm một với các phòng chức năng như phòng khách, phòng ăn hay bếp, giúp ngôi nhà trông rộng và đẹp hơn.

Khoảng sân vườn trong nhà kính thông với bếp cho chúng ta một cảnh quan thiên nhiên thú vị để cùng nhau ngồi dùng bữa. Hãy thử tìm hiểu một số cách trang trí nhà kính như một phòng ăn lãng mạn dưới cái nhìn phong thủy ứng dụng.

Thông thường, nhà kính có phòng ăn sẽ mở trực tiếp đến nhà bếp và phòng khách chính, tức sẽ có nhiều cửa đi và các vách kính. Điều này khiến các chỗ ngồi không có được phông nền vững vàng như tường ở phía sau. Do đó, ghế ăn trong căn phòng này rất cần lưng tựa cao, có gác tay để tạo cảm giác thoải mái.

Ở vùng khí hậu nhiệt đới, nhà kính rất nóng, đặc biệt vào mùa hè. Vì vậy, việc thông gió của các cửa sổ đối lưu rất quan trọng. Ngoài ra, không nên làm mái bằng kính vì theo quan niệm phong thủy, phú quý thể hiện qua thực phẩm sẽ bốc hơi nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không được phép làm ô kính trên mái có cửa trượt để ngắm trời sao ban tối.

Bên trong nhà kính có thể rất nóng cho đến khi nắng dịu đi. Bạn nên gắn quạt trần để giúp khí lưu chuyển. Bên cạnh đó, hãy dùng rèm trang trí, có thể là lớp voan, để che chắn bớt các tia nắng chói mắt. Lưu ý là chúng phải linh hoạt trong việc đóng mở để khỏi che tầm nhìn cảnh đẹp của khu vườn bên ngoài.

Bạn cũng từng nghe rằng các vòi nước trang trí là giải pháp phong thủy tốt? Điều đó đúng, song: bất kỳ vật nào có liên quan đến nước trong nhà kính đều không có lợi cho việc tiêu hóa. Chúng nên được tạm thời ngưng hoạt động trong lúc ăn để tránh xung khắc với tính “hỏa” tốt cho phòng này. Nếu có quầy nước khai vị, vị trí tốt để đặt sẽ là hướng Bắc, hướng của hành Thủy.

Sơ đồ bát quái tượng trưng cho tám phương vị và các năng lượng trong tự nhiên. Từ xưa, nó được dùng để sắp xếp các phòng trong nhà. Thú vị hơn, nó cũng có thể được dùng để sắp xếp chỗ ngồi ở bàn ăn cho các thành viên gia đình, cụ thể như sau:

Cha – Tây Bắc: biểu trưng cho sự đoàn kết, lãnh đạo, năng lượng sáng tạo của trời.

Mẹ – Tây Nam: bổ trợ cho cha, có năng lượng nuôi dưỡng của đất.
Trưởng nam – chính Đông: đại diện cho năng lượng bộc phát của sấm sét.
Trưởng nữ – Đông Nam: tượng trưng cho sự tăng trưởng, năng lượng dịu dàng của gió.
Thứ nam – chính Bắc: thuộc năng lượng lạnh giá của nước và khó đoán của vực thẳm.
Thứ nữ – chính Nam: tượng trưng cho năng lượng rực sáng của lửa.
Út nam – Đông Bắc: gợi năng lượng kiên định của núi.
Út nữ – chính Tây: biểu trưng cho vẻ ngoài yếu đuối nhưng nội tâm sâu thẳm của năng lượng ao đầm.

Liên tưởng đến thực tế, bạn sẽ thấy được ý niệm sâu xa của những biểu tượng đã có từ  hàng ngàn năm ứng với vai trò của từng thành viên để làm nên một gia đình hạnh phúc, thịnh vượng.

Dù trang trí thế nào đi nữa, bàn ăn vẫn cần được bày biện, chăm chút một cách tinh tế, cũng như thực phẩm bổ dưỡng góp phần làm nên may mắn cho gia chủ. Trong nhà kính, một bữa ăn lành mạnh với cảnh sắc nên thơ của màn chiều dần buông, gió mát, cây xanh, niềm vui đoàn tụ giúp chúng ta hấp thụ được năng lượng từ thiên nhiên cũng nhiều như từ thực phẩm, góp phần cho sức khỏe, hạnh phúc hiện tại cũng như sự thịnh vượng về sau.

Với bữa tiệc đãi các đồng nghiệp, bạn sẽ có các vị trí tương ứng:

Sếp – Tây Bắc
Vợ sếp – Tây Nam
Chủ nhà – chính Đông
Vợ chủ nhà – Đông Nam
Bạn thân – Đông Bắc
Vợ bạn thân – chính Tây

Bài: Nguyễn Hùng Tiên



From the same category