Vào ngày 11/8, rất nhiều người đã hồi hộp chờ đợi giây phút ứng viên tổng thống Joe Biden lựa chọn đối tác tranh cử của mình. Một đoạn video đã ghi lại cảnh ông gọi điện cho vị đối tác này như sau:
Biden: Được rồi.
(Chúng ta thấy ông tháo khẩu trang ra. Sau đó, chúng ta nghe thấy giọng của bà Harris vang lên).
Harris: Xin chào! Xin lỗi đã bắt ngài phải chờ.
Biden: Không sao cả. Cô đã sẵn sàng để đi làm chưa?
(Một đoạn im lặng. Khoảng ba giây im lặng hoàn toàn).
Harris: Ôi Chúa ơi. Tôi cực kỳ sẵn sàng để đi làm.
Biden: Trước hết, câu trả lời là có hay không?
Harris: Câu trả lời là hoàn toàn có, Joe. Và tôi đã sẵn sàng để làm việc.
Khi bà Kamala Harris nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ vào tháng Một tới đây, đó cũng là lúc những điều “đầu tiên” được ghi dấu – bà là người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên, và người Mỹ gốc Ấn đầu tiên giữ cương vị này.
Bên cạnh việc bộ máy lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ sẽ là tấm gương phản chiếu hình ảnh người dân Mỹ tốt hơn, một điều quan trọng cần ghi nhớ là những điều “đầu tiên” vừa được liệt kê ở trên không cho chúng ta biết mọi điều chúng ta cần biết. Chúng ta cần nhìn vào những chi tiết trong trải nghiệm của bà Harris với tư cách một phụ nữ da màu và một người Mỹ gốc Ấn để thực sự hiểu được con người của bà ngày hôm nay, cũng như những điều mới mẻ mà bà sẽ đem theo tới Nhà Trắng.
Trong cuốn hồi ký “The Truths We Hold” (tạm dịch: Sự thật mà chúng ta nắm giữ), bà Harris đã viết rằng mẹ của bà, một người lớn lên ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ “hiểu rất rõ rằng bà đang nuôi nấng hai cô con gái da màu.” Câu chuyện đã được kể rất nhiều lần về bà Harris cũng không nhắc nhiều đến cha của bà, người đã di cư từ Jamaica sang Mỹ và có bằng tiến sỹ Kinh tế học của Đại học California ở Berkeley.
Shyamala Gopalan và Donald Harris phải lòng nhau khi đang là các nhà hoạt động dân quyền, và ly hôn khi vị Phó Tổng thống tương lai mới 7 tuổi. Sau đó, bà Gopalan giành quyền nuôi dưỡng hai cô con gái, Kamala và Maya.
Bà Harris có nhắc đến những mùa Hè ở cùng với cha của mình tại Palo Alto, California; ở đó, cha của bà làm việc với tư cách một giáo sư kinh tế học thuộc biên chế của đại học Stanford trong những năm 1970 – một thành tựu không nhỏ với một người đàn ông da màu.
“The Farm,” “Harvard miền Tây” (những biệt danh của Đại học Stanford) mới chỉ có một số ít giảng viên người da màu khi tôi được bổ nhiệm tới đó trong những năm 90 – tôi không thể tưởng tượng được cảm giác là người da màu và được vào biên chế trong những năm 70 là như thế nào.
Tuy nhiên, mẹ của bà Harris, một nhà nghiên cứu ung thư nổi tiếng, mới thường được nhắc đến như là người có tầm ảnh hưởng và truyền cảm hứng cho bà. “Khi bà ấy từ Ấn Độ tới đây vào năm 19 tuổi, có lẽ bà cũng không thể tưởng tượng ra được khoảnh khắc này,” bà Harris nói trong bài phát biểu chiến thắng hôm 7/11. “Nhưng bà ấy có một niềm tin sâu sắc vào một nước Mỹ nơi mà một khoảnh khắc như thế này là có thể.”
Lý do mà mẹ của bà Harris chuyển tới Mỹ chủ yếu là vì ông ngoại của bà, P.V.Gopalan, một công chức ở Ấn Độ. Cuộc đấu tranh giành độc lập của các nhà hoạt động ở Nam Á có một lịch sử phong phú, và sự đoàn kết của phong trào này với cuộc đấu tranh vì các quyền dân sự tại Hoa Kỳ là rất sâu sắc; Harris từng kể chuyện đi dạo trên các bãi biển ở Besant Nagar cùng ông ngoại, người mà bà vẫn thường xuyên gửi thư tay qua đường hàng không trước khi email ra đời, cũng là người đã truyền cảm hứng cho bà từ khi bà còn là một cô bé bằng niềm đam mê dành cho nền dân chủ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù bà Harris là một lãnh đạo “vì dân,” bà không phải là một người lãnh đạo “của dân.” Khi nói về bà với tư cách Phó Tổng thống người Mỹ gốc Ấn đầu tiên tại Hoa Kỳ, chúng ta cũng cần thừa nhận rằng bà đã được hưởng một số đặc quyền trên hành trình đạt tới vị trí này. Gia đình của bà thuộc đẳng cấp Brahman – đẳng cấp tôn quý nhất tại Ấn Độ.
Harris là một phụ nữ có học thức cao và thành đạt, nhưng bà không phải là người duy nhất trong gia đình làm được điều đó. Trong bài phỏng vấn với một phóng viên phát thanh sau cuộc bầu cử, Tiến sỹ Sarala Gopalan, một bác sỹ phụ khoa, cũng là dì của bà Harris, đã giải thích rằng việc gửi bà Shyamala tới Mỹ không phải là điều mà một người Nam Ấn hay làm hồi năm 1958. Tuy nhiên, cha của họ tin rằng phụ nữ nên được giáo dục.
“Khi con bé trở thành Thượng nghị sỹ, tôi đã tới gặp và nói rằng, ‘Kamala, cháu là viên kim cương của gia đình’,” bà Sarala Gopalan chia sẻ. “Và con bé chỉ nói rằng, ‘Dì ơi, cháu không phải là một viên kim cương, cháu là một viên kim cương giữa những viên kim cương của gia đình’.”
Tiến sỹ Radhika Balakrishnan, giám đốc Trung tâm Lãnh đạo Toàn cầu của Phụ nữ tại Đại học Rutgers chỉ ra một dấu hiệu khác về tư tưởng tiến bộ của ông ngoại bà Harris. Bà giải thích: “Sự phân biệt chủng tộc đối với người da màu ở Ấn Độ và chủ nghĩa da màu ở Ấn Độ là rất lớn và lan rộng khắp cả nước, kể cả ở Tamil Nadu.” Tuy nhiên, ông Gopalan không những chỉ chấp nhận mà còn công nhận các cô cháu gái của mình, những phụ nữ người Mỹ da màu đầy tự hào.
Trong ngày tang lễ đầu tiên của George Floyd, Harris đã có một bài phát biểu đầy xúc động tại Thượng viện. Thượng nghị sỹ Rand Paul khi đó vừa trì hoãn dự luật chống tư hình mà bà đã đề xuất cùng với các Thượng nghị sỹ là Cory Booker và Tim Scott, nhưng thành viên người da màu duy nhất tại Thượng viện, và bà đã đứng lên tranh luận về vấn đề này.
“Không cần đến sự hành hạ hay tra tấn để chúng ta nhận ra tư hình khi nhìn thấy nó, thừa nhận nó theo luật liên bang và gọi đúng tên của nó, tức là một tội ác cần phải bị trừng phạt với trách nhiệm giải trình và hậu quả,” bà nói. “Vì vậy, tôi cảm thấy thật phi thường và cũng thật đau đớn khi đứng đây lúc này, nhất là khi người dân thuộc mọi chủng tộc đang diễu hành trên các con phố ở Hoa Kỳ, đầy phẫn nộ bởi sự căm ghét và bạo lực cùng vụ giết người được thúc đẩy bởi sự phân biệt chủng tộc trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước này.”
Bài phát biểu của bà Harris, có trích lời của nhà tiên phong chống tư hình Ida B. Wells, cũng có một phần trải nghiệm của bà trong đó. Khi còn là sinh viên tại Đại học Howard, nơi có truyền thống đào tạo nhiều sinh viên da màu, người phụ nữ này đã gia nhập Alpha Kappa Alpha – hội sinh viên nữ da màu đầu tiên. AKA được thành lập năm 1908 bởi Ethel Hedgeman, và ngay từ đầu, các thành viên của hội tin rằng nhiệm vụ của họ là “giáo dục người da đen.”
Vào những năm 1930, họ đã đồng thời khởi động chương trình giáo dục và chương trình y tế nông thôn ở Mississippi. Vào đầu thế kỷ 20, một trong những dự án của hội là thúc đẩy luật chống tư hình. Sau khoảng 200 lần nỗ lực, và dừng lại vào những năm 1960, luật đã không được Quốc hội thông qua.
Gần 60 năm sau, bà Harris cùng Booker và Scott đã lật lại dự luật này bằng cách cùng viết bản Luật tư pháp cho các nạn nhân của tư hình. Văn bản này sau đó được đổi tên thành Luật chống tư hình Emmett Till. Và khi làm như vậy, bà Harris đã tiếp tục truyền thống của những người phụ nữ da màu đang nỗ lực vì sự tốt đẹp hơn của toàn nhân loại.
Đây chỉ là một vài ví dụ cho việc tìm hiểu sâu hơn về những trải nghiệm và mối quan hệ cụ thể của bà Harris – vốn rất khác so với những trải nghiệm và mối quan hệ của những người từng và đang giữ các chức vụ cao – cũng như những hiểu biết rút ra được từ đó về người phụ nữ vừa làm nên lịch sử.
Nhưng chúng cũng là lời nhắc nhở rằng nước Mỹ sẽ không chỉ có Phó Tổng thống đầu tiên là một phụ nữ da màu người Mỹ gốc Ấn. Bà Harris đang đứng trên một nền tảng vững chắc của sự phục vụ, lòng can đảm, sự đấu tranh, niềm đam mê, sự nghiêm khắc đầy trí tuệ và niềm hy vọng. Bà thực sự đã sẵn sàng để đảm nhận cương vị mới.